Ý nghĩa đau khổ theo kitô giáo

82

 

 

Trích sách “Trao truyền đức tin theo cách Carlo Acutis, con chúng tôi”, Antonia Salzano và Andrea Acutis  (Transmettre la foi à l’école de notre fils Carlo Acutis, Antonia Salzano et Andrea Acutis, nxb. Salvator). Linh mục Giorgio Maria Carbone phỏng vấn ông bà Andrea Acutis và Antonia Salzano.

 

Làm thế nào Carlo lại có được cảm giác đau đớn và thống khổ như thế của người tín hữu kitô?

Có lẽ Carlo cảm nhận được đau đớn và thống khổ khi đọc hạnh các thánh và bài viết của các ngài. Chẳng hạn lời dạy của Thánh I-Nhã: “Nếu Thiên Chúa gởi đến cho bạn nhiều đau khổ, đó là dấu hiệu cho thấy Ngài có những kế hoạch lớn lao dành cho bạn và chắc chắn Ngài mong muốn biến bạn thành một vị thánh.” Carlo cũng biết câu chuyện của Thánh Têrêsa Avila, một ngày nọ, trên đường về tu viện, một cơn bão bất ngờ ập đến, bà bị ngã ngựa và té xuống bùn. Bà nói với Chúa Giêsu: “Nếu đây là cách Chúa đối xử với bạn của Chúa thì con không ngạc nhiên khi Chúa có quá ít bạn!”

Carlo xúc động trước kinh nghiệm sống của Chân phước Alexandrina Maria da Costa. Chân phước nhận các dấu thánh và nằm liệt giường suốt mười bốn năm, chỉ được nuôi dưỡng bằng Bí tích Thánh Thể. Chúa đã hiện ra với chân phước và ban chương trình sống cho chân phước: “Yêu thương, chịu đau khổ và đền tạ.” Sau đó chính Mẹ Maria đã hiện ra để khuyến khích chân phước dự vào chương trình tế lễ này. Alexandrina Maria nói: “Đức Mẹ đã ban cho tôi một ân sủng lớn lao. Đầu tiên là cam chịu, sau đó là hoàn toàn tuân theo ý Chúa, và cuối cùng là ước muốn chịu đau khổ.”

Carlo biết con đường dẫn đến cuộc sống hạnh phúc phải đi qua  “cửa hẹp”, như chính Chúa Giêsu đã nói (Mt 7:1) và mọi sự hiệp lại vì lợi ích chúng ta nếu chúng ta tin tưởng dâng lên Chúa.

Carlo viết: “Điều kỳ lạ là mọi đau khổ đều có hai mặt: đó là hậu quả của tình trạng rối loạn trước đó đã gây ra tội và hành động thanh tẩy của lòng thương xót Chúa, hoàn toàn kết hợp với công lý của Ngài. Với khôn ngoan vô hạn của Ngài, Thiên Chúa bảo đảm, sự dữ, sự phản kháng Thiên Chúa là hữu ích cho những ai yêu mến Ngài để họ được thanh tẩy và được thánh hóa. Carlo xem lòng thương xót và công lý của Thiên Chúa là mối liên kết chặt chẽ. Thiên Chúa không bỏ rơi con người trong tình trạng hỗn loạn, không bỏ mặc con người một mình, nhưng liên tục gõ cửa trái tim con người để ban ân sủng và bình an.

Để hiểu được điều gì đó về mầu nhiệm đau khổ, Carlo luôn trích dẫn Kinh Thánh: “Chấp nhận những nỗi khổ phải chịu một cách bất công vì lòng tôn kính Thiên Chúa, thì đó là một ân huệ” (1 Pr 2:19). Hoặc câu của tiên tri Isaia, người tôi tớ đau khổ của Chúa: “Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ. (Isaia 53 :11-12).

Người Tôi Tớ đau khổ của Đấng xóa bỏ “tội lỗi thế gian” mà bệnh tật chỉ là một trong nhiều hậu quả. Tiên tri Isaia, người sống ít nhất sáu trăm năm trước cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, đã loan báo một điều vĩ đại: đau khổ của Đấng Công Chính mang lại sự cứu rỗi cho mọi người, xóa bỏ tội lỗi của người khác. Lời tiên tri này trở thành hiện thực với cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Chỉ có Lễ Phục Sinh của Chúa Giêsu mới đảo ngược được ý nghĩa của đau khổ, cứu chuộc con người, biến đau khổ thành cứu rỗi đời đời cho tất cả các môn đệ của Ngài. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo viết: Sự tha thứ tội lỗi và phục hồi hiệp thông với Thiên Chúa dẫn đến sự tha thứ các hình phạt đời đời của tội lỗi. Nhưng hình phạt tạm thời của tội lỗi vẫn còn. Người tín hữu kitô phải cố gắng, kiên nhẫn chịu đựng mọi đau khổ và thử thách đủ loại, và khi ngày đến, thanh thản trước cái chết để chấp nhận những hình phạt tạm thời này của tội lỗi như một ân sủng; phải chuyên tâm qua việc bác ái, cầu nguyện và thực hành sám hối khác để hoàn toàn bỏ mình khỏi “con người cũ” và mặc lấy “con người mới” (Êp 4, 24).

Marta An Nguyễn dịch