Độc thân – Nên nói gì đây?

134

Độc thân – Nên nói gì đây?

Ronald Rolheiser, 2024-08-19

Vài năm trước, một bài xã luận của Frank Bruni đăng trên  New York Times có tựa đề Giá của Độc thân (The Wages of Celibacy). Bài viết  tuy mang tính khiêu khích nhưng công bằng. Chủ yếu tác giả đặt nhiều câu hỏi khó và cần thiết khi nghiên cứu các vụ bê bối tình dục đã ảnh hưởng đến chức linh mục công giáo trong nhiều năm qua, tác giả cho rằng đã đến lúc phải xem xét lại chế độ độc thân với con mắt trung thực và can đảm, tự hỏi mặt trái của chế độ này có lớn hơn những lợi ích tiềm tàng hay không. Tác giả không đưa ra quyết định chắc chắn về vấn đề này; ông chỉ nói, với lối sống đã khấn, chế độ độc thân có nhiều rủi ro hơn mức bình thường. Gần cuối bài ông viết: “Văn hóa độc thân có nguy cơ kìm hãm phát triển tình dục và biến những ham muốn tình dục thành những cử chỉ lén lút, đau khổ. Nó hạ thấp mối liên hệ cơ bản và có thể là không thể cưỡng lại được của con người. Có gì lạ khi một số linh mục vẫn ráng có những mối liên hệ đó, theo những cách lén lút, thiếu thận trọng và đôi khi mang tính phá hoại không?”

Đây không phải là câu hỏi bất kính. Đây là câu hỏi cần thiết. Chúng ta cần có can đảm để đối diện với câu hỏi: liệu độc thân có thực sự bất thường cho tình trạng con người không? Độc thân có nguy cơ cản trở sự phát triển tình dục không?

Một nhà báo đã hỏi tu sĩ Thomas Merton (1915-1968) độc thân là như thế nào. Tôi ngờ rằng câu trả lời của ông sẽ làm cho những người mộ đạo ngạc nhiên vì ông thực sự tán thành quan điểm của tác giả Bruni. Câu trả lời của ông: “Độc thân là địa ngục! Bạn sống trong cô đơn mà chính Chúa đã lên án khi Ngài nói: ‘Đàn ông sống một mình không tốt!’” Tuy nhiên, khi thừa nhận như vậy, ngay lập tức Merton nói, chỉ vì độc thân không phải là tình trạng bình thường của con người, nhưng không có nghĩa là nó không thể đơm hoa kết trái tốt đẹp, có lẽ sự đơm hoa kết trái độc đáo của nó gắn liền với mức độ phi thường và bất thường của nó.

Về bản chất, Merton muốn nói độc thân là bất thường và làm chúng ta sống trong tình trạng không được Tạo Hóa mong muốn; nhưng, bất chấp và có lẽ là vì sự bất thường đó, nó có thể đặc biệt có ích, cho cả người sống độc thân và những người xung quanh.

Cũng như vô số người khác, tôi biết điều này là đúng vì tôi đã được nuôi dạy sâu sắc là tín hữu kitô và là con người, cuộc sống của các linh mục, nữ tu và anh em đã khấn độc thân chạm đến cuộc sống của tôi và chính xác “sự bất thường” của họ đã giúp họ trở nên vô cùng hiệu quả.

Hơn nữa, sự bất thường đặc biệt này có thể có sức hấp dẫn riêng của nó. Tôi đã làm linh hướng cho một chàng trai trẻ đang phân vân không biết có nên vào dòng Dòng Hiến sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm hay nên đính hôn với một cô gái trẻ. Đây là quyết định đau đớn vì anh muốn cả hai. Phân định của anh dù lãng mạn quá mức khi anh nói về cả hai lựa chọn, nhưng đồng thời lại cũng rất chín chắn. Đây là cách anh mô tả tình thế tiến thoái lưỡng nan của mình:

Tôi lớn lên ở một vùng nông thôn và là người anh cả gia đình. Khi tôi 15 tuổi, cha tôi còn trẻ, một buổi tối trước khi ăn tối, cha tôi lên cơn đau tim. Vì không có xe cứu thương để gọi, chúng tôi quấn cha vào xe và mẹ tôi ngồi băng sau ôm cha, còn tôi, một thiếu niên sợ hãi lái xe đến bệnh viện cách nhà khoảng 15 dặm. Cha tôi mất trước khi đến bệnh viện. Dù bi thảm, nhưng có nét tốt đẹp trong đó. Cha tôi chết trong tay mẹ tôi. Vẻ đẹp bi thảm này in dấu trong tâm hồn tôi. Trong tâm trí tôi, trong tưởng tượng của tôi, đó là cách tôi muốn chết – trong vòng tay của vợ tôi. Với hoang mang này, tôi rất do dự khi vào Dòng Hiến Sĩ vì phải độc thân. Nếu tôi là linh mục, tôi sẽ không chết trong vòng tay con người. Tôi sẽ chết như những người độc thân – trong đức tin nhưng không trong vòng tay con người.

Một ngày nọ, khi cố gắng phân định tất cả những điều này, tôi thấy một hình ảnh khác: Chúa Giêsu không chết trong vòng tay của người bạn đời, Ngài chết một mình, trong cô đơn. Tôi luôn có điểm yếu về sự cô đơn của những người độc thân, tôi luôn bị thu hút bởi những người như triết gia Soren Kierkegaard, Mẹ Têrêxa, bà Dorothy Day, các tu sĩ Thomas Merton và Daniel Berrigan, những người không chết trong vòng tay người bạn đời. Nhưng cũng có một vẻ đẹp thực sự trong cách họ chết!

Tác giả Bruni đã đúng khi cảnh cáo độc thân là bất thường và đầy nguy hiểm. Nó có nguy cơ cản trở sự phát triển tình dục và đặc biệt là hạ thấp mối liên hệ cơ bản của con người theo lệnh của Kinh thánh, cụ thể là giáo điều nhân học cơ bản có trong câu chuyện về Chúa tạo ra cha mẹ đầu tiên của chúng ta và tuyên bố con người sống một mình là không tốt (và nguy hiểm)!

Độc thân làm chúng ta sống trong cô đơn mà chính Chúa đã lên án, nhưng đó cũng là cô đơn mà Chúa Giêsu đã chết cho chúng ta, và đó là  biểu hiện tình yêu sáng tạo nhất của lịch sử loài người.

Marta An Nguyễn dịch
Hình vui: