Buông bỏ hay xem thường?  

65

Buông bỏ hay xem thường?

 

Trích sách “Trao truyền đức tin theo cách Carlo Acutis, con chúng tôi”, Antonia Salzano và Andrea Acutis  (Transmettre la foi à l’école de notre fils Carlo Acutis, Antonia Salzano et Andrea Acutis, nxb. Salvator). Linh mục Giorgio Maria Carbone phỏng vấn ông bà Andrea Acutis và Antonia Salzano.

Carlo rất rõ ràng với trong việc buông bỏ mọi chuyện thế gian theo tinh thần Phúc âm. Carlo có theo các đường hướng nào trong lãnh vực này không?

Carlo rất nhiệt tình với cuộc sống, yêu cha mẹ, ông bà, bạn bè, những người thân quen và các hoạt động Carlo tham gia. Carlo hiểu, việc tách khỏi các việc thế gian hoàn toàn không có nghĩa là ghét bỏ hay khinh thường. Có lẽ do ảnh hưởng tích cực của tu sĩ Thomas Merton Dòng Xitô viết trong Hạt giống chiêm niệm:

Tách mình ra khỏi sự vật không có nghĩa là tạo ra mâu thuẫn giữa “sự vật” và “Thiên Chúa” như thể Thiên Chúa là một “sự vật” khác các tạo vật của Ngài, là đối thủ của Ngài. Chúng ta không tách mình ra khỏi sự vật để kết hợp với Thiên Chúa, nhưng chúng ta tách mình khỏi “chính mình” để nhìn và dùng tất cả các tạo vật trong Chúa và cho Chúa. Đây là quan điểm hoàn toàn mới mà nhiều người, kể cả những người đạo đức và tu hành khổ hạnh cũng không thể nắm bắt được hết. Không có gì sai trái trong những sự vật do Thiên Chúa tạo dựng, và không có gì thuộc về Ngài có thể cản trở sự kết hợp của chúng ta với Ngài. Trở ngại nằm ở bên trong chúng ta, ở sự bướng bỉnh muốn duy trì thói ích kỷ của mình. Khi chúng ta quy mọi thứ về cái “tôi” giả tạo bên ngoài, chúng ta sẽ xa thực tế và xa Chúa. Khi đó cái tôi giả tạo trở thành thượng đế của chúng ta, và chúng ta yêu vạn vật với cái tôi giả tạo này. Có thể nói, chúng ta dùng mọi thứ để thờ thần tượng, vốn là cái tôi tưởng tượng của chúng ta. Khi làm như vậy, chúng ta làm hư hỏng mọi thứ, nói đúng hơn chúng ta làm cho mối quan hệ của chúng ta với chúng thành hư hỏng và tội lỗi. Chúng ta không làm hư hỏng sự việc theo cách này, nhưng chúng ta dùng chúng để gắn bó thêm vào cái ngã ảo tưởng của mình.

Marta An Nguyễn dịch