Lễ khai mạc Thế vận hội Paris 2024, giữa huy hoàng và sỉ nhục

284

Lễ khai mạc Thế vận hội Paris 2024, giữa huy hoàng và sỉ nhục

Trên Facebook của Henda Ayari

Tôi do dự một thời gian dài trước khi nói về lễ khai mạc Thế vận hội Olympic 2024. Tôi cần một thời gian để hiểu những gì tôi thấy. Tôi đau buồn khi nghĩ đến anh em kitô hữu của tôi ở Pháp và trên thế giới thấy sự sỉ nhục họ phải chịu đựng trước cảnh suy đồi này.

Những gì chúng ta thấy không phải là vinh danh tinh thần thể thao, nhưng đây là cách nói lên chủ nghĩa woke cực đoan, vừa khiêu khích vừa đáng lo ngại.

Những em bé bị kẻ buôn người nham hiểm đưa lên thuyền qua đường cống và chúng biến mất một cách bí ẩn.

Sự hiện diện của máu trên Conciergerie, một phụ nữ đại diện cho hoàng hậu Marie Antoinette trong bộ đồ màu đỏ bị chặt đầu, một cảnh quan hệ tay ba, những người đàn ông chuẩn bị giao cấu. Với lý do tôn vinh tình yêu, không phải, đây là xúc phạm đến nhân phẩm. Có mối liên hệ nào giữa tinh thần thể thao và những hình ảnh đồi trụy này? Làm sao cha mẹ có thể giải thích cho con cái về những cảnh này?

Bức tranh Bữa Tiệc ly bị biến thái. Một phụ nữ béo phì thay thế Chúa Giêsu, hoàng hậu Marie Antoinette với một cái đầu bị cắt rời, đó là những hình ảnh khiêu khích trắng trợn. Một ông khỏa thân sơn thân hình màu xanh lá cây, những người đàn ông khỏa thân khác… Bao nhiêu thô tục, bao nhiêu khiêu khích là đủ? Đâu là duyên dáng, đâu là thẩm mỹ?

Và một lãng phí quá lố

Ngân sách ban đầu là 122 triệu âu kim nhưng rồi tổng chi phí cho Thế vận ước tính 11 tỷ âu kim. Pháp đã mắc nợ 3,1 ngàn tỷ âu kim, bây giờ lãng phí thêm cho những cảnh trụy lạc.

Trả cho Aya Nakamura 700.000 âu kim, cho Céline Dion 2 triệu âu kim trong khi người dân Pháp chật vật kiếm sống, một sự coi thường với thực tế kinh tế của đất nước.

Được các công ty lớn như LVMH và Coca-Cola tài trợ, buổi lễ đã hy sinh phẩm giá để gây sốc và khiêu khích. Sự kết hợp giữa sự đa dạng, chủ nghĩa nữ quyền, chủ nghĩa woke và những khuôn sáo văn hóa chỉ gây chia rẽ hơn là đoàn kết.

Đây không phải là những gì chúng ta mong chờ từ Thế vận hội, chúng ta mong chờ mọi người xích lại gần nhau và tôn vinh những giá trị chung của thể thao.

Vì thế, thật hợp lý khi một số quốc gia đã kiểm duyệt các hình ảnh này để bảo vệ người dân của họ khỏi thấy các cảnh đã gây tranh cãi này. Phản ứng cho thấy các cảnh này không được thế giới chấp nhận, nói lên sự thiếu tôn trọng trắng trợn với sự nhạy cảm về văn hóa và tôn giáo.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch