Đạo công giáo sẽ ở Nam bán cầu?

59

Đạo công giáo sẽ ở Nam bán cầu?

la-croix.com, Isabelle de Gaulmyn, Tổng biên tập báo La Croix, 2024-05-08

Các tranh cãi về việc chúc phúc cho các cặp đồng tính ở Phi châu và chính sách ngoại giao của Đức Phanxicô với Ukraine là bằng chứng cho sự thay đổi đang diễn ra trong thế giới công giáo, có lợi cho Nam bán cầu. Người công giáo ở lục địa châu Âu cổ phải tính đến chuyện này vì châu Âu đã lãnh đạo Giáo hội trong nhiều thế kỷ.

Trong những tháng gần đây, ít nhất có hai sự kiện cho thấy mức độ chia rẽ hiện nay giữa bắc và nam bán cầu của đạo công giáo: thứ nhất là tuyên bố Fiducia supplicans của bộ Giáo lý Đức tin cho phép chúc phúc cho các cặp đồng tính, tuyên bố này không được châu Phi nhiệt thành đón nhận. Sau đó là việc Đức Phanxicô phải đối diện với việc Nga xâm chiếm một phần Ukraine.

Bài đọc thêm: Làm thế nào hồng y Ambongo đã thuyết phục Đức Phanxicô về chúc phúc cho các cặp đồng tính ở châu Phi

Về xung đột ở Ukraine, sẽ là quá nhẹ khi nói ngài từ chối đứng về phía Ukraine và củng cố sự phản kháng quân sự của nước này đã làm cho người công giáo châu Âu khó chịu. Chắc chắn, “chủ nghĩa hòa bình” tuyệt đối này phù với học thuyết của các giáo hoàng: trong Thế chiến thứ nhất năm 1914-1918, Đức Bênêđíctô XV yêu cầu có một thỏa thuận ngừng bắn, ngài bị cả Pháp và Đức chỉ trích. Thêm nữa, học thuyết công giáo tiếp tục phát triển, chuyển từ định nghĩa về “chiến tranh chính nghĩa”, một chiến tranh có thể chấp nhận về mặt đạo đức đến việc bác bỏ mọi chiến tranh, kể cả phản kháng vũ trang. Đức Phaolô VI đã nói trước Liên Hiệp Quốc: “Không bao giờ được có chiến tranh nữa”. Đức Phanxicô tiếp tục, cho rằng không có “chiến tranh chính nghĩa” và tất cả chiến tranh đều vô ích.

Bài đọc thêm: Đức Phanxicô xin Ukraine giương cờ trắng: các giới hạn của “tôn giáo tình yêu”?

Thật ra quan điểm của ngài có thể giải thích được vì ngài là người miền Nam. Chính xác hơn, ngài là giáo hoàng của một Giáo hội mà hiện nay miền nam bán cầu chiếm đa số. Ngài có cái nhìn mà đa số người công giáo bây giờ sẽ thấy mình trong đó: một cuộc xung đột ở phương Tây, phương Tây đã nhanh chóng can thiệp để bảo vệ những lợi ích sống còn của mình, nhưng không có một kiên quyết tương tự nào với các nước khác, các nơi khác của địa cầu. Đây là lời buộc tội nổi tiếng về “hai đường lối”, một trách cứ được củng cố kể từ sau vụ đánh bom khủng khiếp của Israel nhằm vào người dân ở Gaza. Đối với một phần thế giới, cuộc xung đột Nga-Ukraine dường như là vấn đề của phương Tây.

Bây giờ chúng ta phải tính đến những cân bằng mới này của đạo công giáo. Người châu Âu là thiểu số, không chỉ với người công giáo trong thế giới phương Tây, mà còn trong thế giới công giáo. Quan sát sức ảnh hưởng của Phi châu và nhiệt huyết của Nam Mỹ đã cho chúng ta một cái nhìn đầy đủ. Nhưng chúng ta có nhận thức được những tác động sâu xa của tình trạng này không? Trong nhiều thế kỷ, ít nhất là vào cuối thời Constantinople, châu Âu ở trong một Giáo hội rất “la-mã”, nơi động lực đến từ Tây Âu, dù đó là sứ mệnh truyền giáo theo mô hình chính sách thuộc địa cho đến văn hóa nghệ thuật, thần học, v.v. bây giờ trọng tâm đã thay đổi. Năm 1963, trong lần bầu Đức Gioan XXIII, 68% số hồng y cử tri là ở châu Âu, đến lượt Đức Phanxicô, họ chỉ còn 38%…

Bài đọc thêm: Phản ứng mạnh mẽ ở châu Phi về việc chúc lành cho các cặp đồng tính

Sức nặng của Giáo hội bây giờ ở miền Nam. Đây là mô hình mới cho người công giáo châu Âu. Họ sẽ phải chấp nhận mình là thiểu số. Dù sao người công giáo ở các nước khác đã là người công giáo từ rất lâu. Họ sẽ phải hiểu thế giới được nhìn từ phía bên kia, lắng nghe và học hỏi từ những Giáo hội này, ngay cả khi họ không suy nghĩ giống những người này. Từ quan điểm này, chúng ta hãy dám nói đạo công giáo có thể mang tính tiên tri nếu nó duy trì được sự thống nhất, dù chủ yếu tập trung ở phía nam hành tinh…

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch