Andrea Riccardi: “Giáo hoàng sẽ không bao giờ đứng về phía nước này để chống nước kia”

74

Andrea Riccardi: “Giáo hoàng sẽ không bao giờ đứng về phía nước này để chống nước kia”

Rất thân cận với Đức Phanxicô, ông Andrea Riccardi, nhà sáng lập Cộng đồng Sant’Egidio giải thích bản đồ thế giới theo Đức Phanxicô. Phức tạp hơn nhiều so với nó có vẻ.

lepoint.fr, Jérôme Cordelier, Rôma, 2024-03-31

Andréa Riccardi, nhà sử học, cựu bộ trưởng, nhà sáng lập cộng đồng Sant’Egidio. © Stefano Spaziani/Mondadori Portf/Sipa

Ông là người tai mắt của các giáo hoàng và nguyên thủ quốc gia. Nhà sáng lập cộng đồng Sant’Egidio*, tổ chức công giáo phi chính phủ, trong nhiều thập kỷ là trung gian hòa giải trong các cuộc xung đột trên thế giới, cựu bộ trưởng trong chính phủ Monti, ông thân thiết với Đức Gioan-Phaolô II cũng như với Đức Phanxicô. Ông Andrea Riccardi là sử gia, là chính trị gia, là người công giáo tận tụy, ông giải thích báo trên Le Point bản đồ thế giới theo Đức Phanxicô.

Hồng y Matteo Zuppi, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý là tuyên úy của cộng đồng Sant’Egidio, ngài được Đức Phanxicô cử làm sứ giả trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.

Bài đọc thêm: Hồng y Zuppi: “Những lời của Giáo hoàng về chiến tranh không hề ngây thơ”

Làm thế nào chúng ta có thể tóm tắt thế giới quan của Đức Phanxicô?

Andrea Riccardi: Tóm tắt về Đức Phanxicô là không thể. Vì ngài là nhà lãnh đạo thực tế và luôn di động. Nếu phải mô tả một đặc điểm của ngài, tôi sẽ không nói ngài là thần học gia, là triết gia nhưng là chuyên gia về nhân loại. Cho đến khi được bầu làm giáo hoàng ngày 13 tháng 3 năm 2013, ngài là người ở Châu Mỹ Latinh và đặc biệt là ở siêu đô thị Buenos Aires, Argentina.

Năm 2006, lần đầu tiên trên thế giới, số dân thành thị vượt quá số dân nông thôn. Đức Phanxicô đến từ một thành phố toàn cầu hóa vĩ đại, sản phẩm của nền văn minh đô thị, yếu tố này hình thành quan điểm của ngài về thế giới. Kinh nghiệm của ngài về một thành phố toàn cầu như thành phố Buenos Aires là rất quan trọng trong quan điểm của ngài về kitô giáo và vai trò của Giáo hội. Ngài là người đứng đầu một Giáo hội đa nguyên, và thế giới toàn cầu chúng ta sống có những lối sống giống nhau nhưng lại tạo ra những xung đột. Phương pháp của ngài là đối thoại để giải quyết sự phức tạp.

Thế giới bị chia rẽ như thế nào trong tâm trí của Đức Phanxicô?

Đầu tiên, chúng ta không nên nghĩ đơn giản ngài có phản xạ của một người Mỹ Latinh, có ác cảm với Hoa Kỳ, với “Yankee”. Ngài là người Argentina nhưng gốc Ý. Ngài hiểu tầm quan trọng của Hoa Kỳ trong Giáo hội và trên thế giới. Ngài là hiện thân của miền Nam thế giới, ngày nay chúng ta có thể xem ngài là người Brics, tập hợp các quốc gia thuộc “Miền Nam toàn cầu”.

Nhưng tôi nghĩ đây là tóm tắt đơn giản. Ngài vừa đơn giản vừa phức tạp hơn chúng ta nghĩ. Chúng ta phải nhớ chuyến đi Hoa Kỳ của ngài, một trong những chuyến đi quan trọng nhất trong triều của ngài, và bài phát biểu của ngài tại Điện Capitol, các cuộc gặp của ngài với tổng thống Mỹ và cả với ông Trump. Sự hiện diện của ngài ở châu Âu có ý nghĩa đặc biệt, vì ngài tìm cách thức tỉnh châu Âu, một châu Âu mà ngài cho là một “bà già mệt mỏi”, chúng ta nhớ bài phát biểu của ngài trước quốc hội Strasbourg.

Bài đọc thêm: Giáo hoàng Argentina, châu Âu và chiến tranh

Đó là bài phát biểu có từ năm 2014. Ngài đã phần nào bỏ bê các quốc gia châu Âu cũ…

Đúng vậy. Cho đến gần đây ở Marseille, ngài chưa bao giờ đến Pháp. Cả Đức và Tây Ban Nha đều không, ba quốc gia công giáo quan trọng. Nhưng ngài đã đi nhiều nơi ở Ý. Ngài đã đi thăm nhiều nước ngoại vi ở châu Âu. Một lựa chọn khó hiểu vì Đức, Tây Ban Nha và Pháp là những chuyến đi bắt buộc của các tiền nhiệm của ngài.

Theo Đức Phanxicô, Giáo hội Pháp không phải là cái nôi của Vatican II, như Đức Phaolô VI và Đức Gioan-Phaolô II nghĩ. Đức Phanxicô biết các nhà thần học Pháp, linh mục Henri de Lubac (Dòng Tên, chiến sĩ kháng chiến, bị Đức Piô XII lên án, sau đó được Đức Gioan XXIII bổ nhiệm làm chuyên gia tại Vatican II và được Đức Gioan Phaolô II phong làm hồng y). Nhưng với Đức Phanxicô thì khác, ngài đánh giá cao các nước nhỏ ở châu Âu, Macedonia, Albania, Síp, Bulgaria, Romania… và ngài đã đến các nước nhỏ.

Giáo hội như các bà mẹ, các bà vợ, các cô gái đối diện với các ông giết nhau, họ bảo vệ những sinh mạng đã mất: họ không phải là Tòa án Công lý Quốc tế.

Nhưng khác với Đức Gioan-Phaolô II, Đức Phanxicô không có bài phát biểu cho từng người. Đức Gioan-Phaolô II bảo vệ một loại địa thần học, tìm cách mang ơn gọi đến cho các quốc gia khác nhau trong mỗi chuyến tông du của ngài. Ở Le Bourget năm 1980, ngài nói: “Nước Pháp, xin nhớ lại lời hứa rửa tội của quý vị!” Đức Phanxicô, nếu ngài đến Cameroon, ngài sẽ không tìm cách đưa ra một tầm nhìn về Cameroon. Ngài sẽ có bài phát biểu về giáo hội, không không giới hạn vào ơn gọi lịch sử và kitô giáo của một dân tộc.

Khi đọc tin tức thời sự, thật khó hiểu quan điểm của ngài với Ukraine, hình ảnh nổi bật của “cờ trắng”. Ông biết rõ ngài, ông giải thích như thế nào về mong muốn hòa bình bằng mọi giá, trước nguy cơ có những dân tộc bị chà đạp, áp bức?

Tôi phải nhắc ở đây, một trong những hành động đầu tiên triều của ngài là cầu nguyện cho hòa bình ở Syria, khi tổng thống Obama đang lãnh đạo hành động quân sự chống lại chế độ Assad. Qua phát động cầu nguyện này, đã vô hiệu hóa phản ứng của người Mỹ; Obama là người ủng hộ Đức Phanxicô mạnh. Chúng ta trở lại với cuộc chiến Ukraine. Nếu ngài không sợ bị chia rẽ, thay đổi mọi thứ, thì quan điểm của ngài về cuộc chiến là sự tiếp nối sâu sắc quan điểm của các vị tiền nhiệm, từ Đức Piô XII, đến Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI, những người định nghĩa chiến tranh là “cuộc thảm sát vô ích”.

Quan điểm của Giáo hội công giáo rất khác với quan điểm của chính thống giáo, các giáo hội được xác định theo bản sắc quốc gia, theo chính thống giáo hay theo tin lành. Giáo hội công giáo có tính quốc tế, sống giữa các dân tộc khác nhau. Giáo hội không thích chiến tranh. Nhưng còn một điều nữa liên quan đến cấu trúc này. Như Đức Gioan XXIII đã nói, Giáo hội như các bà mẹ, các bà vợ, các cô gái đối diện với các ông giết nhau, họ bảo vệ những sinh mạng đã mất: họ không phải là Tòa án Công lý Quốc tế.

Quan niệm này luôn làm những người tham chiến và dư luận thất vọng. Nhưng Đức Phanxicô, theo cách riêng của ngài, với những lời nói mang tính tiên tri, thiếu ngôn ngữ ngoại giao, ngài xem chiến tranh là một tội ác và mong muốn hòa bình được nhanh chóng thực hiện. Ngài thấy có một số ngọn lửa chiến tranh và bị ám ảnh, những ngọn lửa này sẽ đoàn kết lại để đốt cháy thế giới. Đây là điều mà ngài cho là Thế chiến thứ ba “từng mảnh”.

Đức Phanxicô trong chuyến thăm cộng đồng Sant-Egidio, năm 2014. © Stefano Craofel/AGF/Sipa

Về quan điểm với Ukraine, có những động cơ ngầm trong việc xích lại gần Nga qua thượng phụ Kyrill của Giáo hội chính thống, và cả với Trung Quốc, vùng đất chinh phục của các tu sĩ Dòng Tên, mà ngài muốn mình là giáo hoàng đầu tiên bước vào?

Chắc chắn có mong muốn nối lại quan hệ với Nga. Đức Phanxicô là giáo hoàng đầu tiên gặp thượng phụ Kyrill tại sân bay Havana năm 2016. Nhưng ngày nay, trong trường hợp này, tôi chắc chắn không có nước Nga trong tầm nhìn của Bergoglio. Ukraine là trọng tâm mối quan tâm của ngài. Ngài có quan điểm mạnh mẽ về chủ đề này, ngài nói về một “đất nước tử đạo”. Nhưng ngài không muốn ở bên cạnh Zelensky và mối quan hệ với Giáo hội công giáo Hy Lạp ở Ukraine rất khó khăn.

Rõ ràng là ngày nay Vatican rất quan tâm đến việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc.

Ngài sẽ không bao giờ đứng về phía nước này để chống lại nước kia. Và ngài đã nhờ các hồng y đi các chuyến đi nhân đạo, điều này rất quan trọng. Trái tim của ngài đau xót vì Ukraine, và chủ nghĩa hòa bình của ngài được thúc đẩy bởi nỗi đau của người Ukraine. Họ là những người phải trả giá cao nhất cho cuộc chiến. Đó là lý do vì sao ngài nói chúng ta phải có can đảm để thương thuyết. Khi ngài nói đến “lá cờ trắng” là để phá vỡ khuôn khổ tuyên truyền chiến tranh đặt ra.

Bài đọc thêm: Khi giáo hoàng công kích “Vatican, chế độ quân chủ tuyệt đối cuối cùng ở châu Âu”

Ukraine phải đi ra khỏi lá cờ trắng?

Chúng ta phải bắt đầu bằng thương thuyết. Đó là ý tưởng của ngài. Nhưng ngài biết rõ, muốn thương thuyết phải có hai bên. Trường hợp Trung Quốc phức tạp hơn. Vì sao Vatican không thể ký thỏa thuận với Trung Quốc khi tất cả các quốc gia khác đều làm được? Vatican theo đuổi chính sách ở Trung Quốc cũng như với các quốc gia độc tài, để Giáo hội vẫn có được nơi thờ phượng, một nơi để sống. Có khoảng 10 triệu người công giáo ở Trung Quốc, đó chỉ là thiểu số, nhưng chúng ta phải giữ cho các nhà thờ luôn mở cửa, ở mức tự do tối thiểu.

Giáo hoàng bị chỉ trích quá nhiều. Tôi thấy các giám mục và sứ thần tòa thánh đã không tôn trọng khi nói về ngài, ngay cả chống lại ngài. Đây là vấn đề nghiêm trọng trong Giáo hội: đánh mất ý thức hiệp nhất.

Tôi biết tình hình ở Trung Quốc rất khó khăn. Nhưng Vatican đã có quy chế bổ nhiệm giám mục và quyết định cuối cùng vẫn thuộc giáo hoàng. Điều này đáng quan tâm vì Trung Quốc công nhận một cơ quan có thẩm quyền nước ngoài như Vatican trên lãnh thổ của họ. Khi nhà lãnh đạo vĩ đại Pajetta của Đảng Cộng sản Y thời Công đồng Vatican II đến thăm Trung Quốc thời Mao Trạch Đông, ông nhận được một sứ mệnh của Vatican: có thể cử các giám mục đến. Và chủ tịch Mao trả lời: “Nhưng vì sao ông lại đòi hỏi tôi đặc ân này? Chủ quyền của chúng tôi trải dài từ dưới đất lên đến trời…” Rõ ràng ngày nay Vatican quan tâm đến việc duy trì mối quan hệ tốt với Trung Quốc. Nhưng vẫn còn tòa sứ thần ở Đài Loan…

Hiện nay cộng đồng Sant’Egidio bị chỉ trích là tiếng nói nhẹ nhàng trong mối quan hệ với Nga. Một số người còn thì thầm cộng đồng của ông được Nga tài trợ để tạo ảnh hưởng trên chính sách của giáo hoàng…

Trước hết, nghĩ đến việc có ảnh hưởng trên các chính sách của giáo hoàng là vô lý. Được Nga tài trợ? Ai nói chuyện này? Nếu ông cho tôi biết tên, tôi sẽ tố cáo họ ngay… Thật phi lý!” Nó nằm trong hoang tưởng của bầu khí chiến tranh. Chúng tôi luôn có quan hệ với Giáo hội Nga, với giáo hoàng, với các tổng giám mục Paris. Nhưng chúng tôi đang tập trung vào Ukraine.

Chúng tôi đã chi 32 triệu âu kim để giúp người Ukraine đang chịu cảnh đói nghèo, thiếu thực phẩm và thiếu thuốc men, đó là số tiền đáng kể với một tổ chức phi chính phủ như tổ chức chúng tôi để giúp cho cuộc kháng chiến của người dân. Chúng tôi có một số trung tâm cứu trợ và phân phối ở Ukraine, và chúng tôi được chính phủ Ukraine cám ơn về công việc này. Chúng tôi không làm điều đó bằng tiền của Nga. Sự hỗ trợ duy nhất của nhà nước mà chúng tôi nhận được là viện trợ nhân đạo của Mỹ. Điều đáng buồn nhất ở Nga cũng như ở Ukraine, đó là chủ nghĩa dân tộc tôn giáo, một kiểu thế tục hóa đức tin và thờ ngẫu tượng dân tộc.

Chúng tôi nghe có âm mưu của những người bảo thủ chống giáo hoàng, nhằm gây ảnh hưởng trong mật nghị bầu cử giáo hoàng tiếp theo. Ông nghĩ sao?

Giáo hoàng bị chỉ trích quá nhiều. Tôi thấy các giám mục và sứ thần tòa thánh đã không tôn trọng khi nói về ngài, ngay cả chống lại ngài. Đây là vấn đề nghiêm trọng trong Giáo hội: đánh mất ý thức hiệp nhất.

Thế giới “từng mảnh” này đòi một Giáo hội “từng mảnh”. Theo những gì tôi thấy, những gì tôi đọc, một số nhóm gây áp lực có ý tưởng áp đặt mật nghị. Họ lập danh sách các hồng y cánh hữu, cánh tả, công tác tuyên truyền được lên chương trình, đặc biệt là ở Hoa Kỳ. Những người làm điều này hơi cuồng tín và ngây thơ.

Nhưng có một chất dính rất đặc biệt về mặt thiêng liêng và nhân văn trong mật nghị, có nhiều hồng y mới và phải khá tinh xảo để có thể đoán trước được kết quả. Người ta nói một mật nghị “bergoglian” vì đa số hồng y là những người được ngài phong. Nhưng là “người bergoglian” mà không có Bergoglio có nghĩa là gì? Trong lịch sử, những người được cho là thích đáng khi bắt đầu mật nghị là những người không bao giờ thắng. Là người Rôma lớn tuổi, tôi đã để cả đời để nghiên cứu về các giáo hoàng, tôi biết từ kinh nghiệm của một quy tắc bất di bất dịch: ai bước vào mật nghị như một giáo hoàng, khi đi ra là hồng y.

* “Cầu nguyện, người nghèo, bình an. ABC của cộng đồng Sant’Egidio Sant’Egidio”, (Prières, pauvres, paix. L’abécédaire de Sant’Egidio, Jean-Dominique Durand, nxb. Cerf, tháng 2-2024)

Marta An Nguyễn dịch