Khi giáo hoàng công kích “Vatican, chế độ quân chủ tuyệt đối cuối cùng ở châu Âu”
lepoint.fr, Jérôme Cordelier, Rôma, 2024-03-19
Trong quyển tiểu sử xuất bản ở Pháp ngày 20 tháng 3, một lần nữa Đức Phanxicô công kích những kẻ gièm pha ngài và nhắc lại lòng tin của ngài vào một Giáo hội cởi mở.
Một quyển sách khác của Đức Phanxicô! Thoạt nhìn, độc giả có thể chán trước khi mở sách vì các bài viết của ngài được xuất bản rất nhiều. Nhưng trong trường hợp này, họ sẽ sai. Tác phẩm này có tên Cuộc đời. Câu chuyện đời tôi trong Lịch sử (Life. Mon histoire dans l’Histoire) được nhà xuất bản Harper Collins phát hành trên khắp thế giới tuần này, và tại Pháp ngày 20 tháng 3, được cho là quyển tiểu sử của Đức Phanxicô, kết quả của các cuộc phỏng vấn với nhà báo Ý Fabio Marchese Ragona ở Vatican.
Mục đích là để xem lại cuộc đời của Jorge Bergoglio, theo quan điểm của ngài về hầu hết các sự kiện lịch sử mà ngài đã đối diện trực tiếp hoặc gián tiếp. Vì thế qua các chương sách, ngài nhìn lại Thế chiến thứ hai, nạn diệt chủng người Do Thái, bom nguyên tử, chủ nghĩa McCarthy, cuộc đảo chính của Videla ở Argentina, Bức tường Berlin sụp đổ, ngày 11 tháng 9, sự ra đời của Liên minh châu Âu, hay cả “cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng”.
Sử gia Giovanni Maria Vian, giám đốc danh dự của nhật báo Vatican L’Osservatore Romano nhận xét: “Đây là một quyển sách hay”. Nhưng không có gì thực sự mới. Theo tôi, quyển sách phỏng vấn Đức Phanxicô hay nhất vẫn là quyển của nhà xã hội học Dominique Wolton, Chính trị và xã hội (Politique et société, Éditions de l’Observatoire, 2017), quyển này có sức thuyết phục tương tự như những đối thoại của Đức Phaolô VI với triết gia Jean Guitton. Khó có thể đạt tới đỉnh cao của hai tác phẩm này.”
Bài đọc thêm: Tiểu sử của Đức Phanxicô: “Tôi sẽ không bao giờ được gọi là giáo hoàng danh dự”
Từ nhiệm? “Giả thuyết xa vời”
Nhưng không phải là không thú vị khi biết cách đọc các sự kiện lịch sử vĩ đại của giáo hoàng đến từ Nam bán cầu, dưới ánh sáng kinh nghiệm cá nhân của ngài. Chuyện lớn, chuyện nhỏ. Vì ngài thố lộ một tình yêu thời thanh xuân dành cho “cô gái rất dễ thương làm việc trong thế giới điện ảnh, sau đó cô kết hôn và sinh con”. Ngài cũng tâm sự một cảm xúc mãnh liệt khi vừa mới vào chủng viện, khi ngài đi dự tiệc cưới của một người chú: “Tôi bị một cô làm lóa mắt. Vẻ đẹp và thông minh của cô làm đầu óc tôi quay cuồng. Trong một tuần, hình ảnh của cô chiếm tâm trí tôi và thật khó để cầu nguyện! May mắn, cuối cùng mọi chuyện cũng trôi qua và tôi đã cống hiến cả thể xác lẫn tâm hồn cho ơn gọi của tôi.”
Trong 350 trang này, giáo hoàng cho thấy quyết tâm hoàn thành sứ mệnh của ngài, dù gặp vấn đề sức khỏe và phản đối gay gắt ở Vatican. Ngài nói: “Cho đến hôm nay, tạ ơn Chúa, tôi chưa bao giờ có lý do để nghĩ đến việc từ nhiệm, vì theo tôi, lựa chọn này chỉ có thể được xét đến khi đối diện với các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Thành thật mà nói: tôi chưa bao giờ cân nhắc vì như tôi đã nói cách đây vài năm với các tu sĩ Dòng Tên châu Phi, tôi nghĩ sứ vụ của Thánh Phêrô là suốt đời, ad vitam.” Nhắn cho những người nói về trở ngại của ngài, Đức Phanxicô mạnh mẽ nhắc lại, việc từ nhiệm là “một giả thuyết xa vời, không có lý do nào nghiêm túc để tôi từ nhiệm”.
Phản ứng trước những cuộc tấn công mà ngài luôn là đối tượng, từ những người nói “ngài đang tiêu diệt chức vụ giáo hoàng”, một lần nữa ngài công kích, như ngài vẫn thường công kích từ đầu triều, bầu khí nguy hiểm ngự trị ở cấp cao nhất Giáo hội công giáo và việc tịch thu quyền lực của các bè phái nhỏ. Đức Phanxicô vẫn nhấn mạnh: “Đúng là Vatican là chế độ quân chủ tuyệt đối cuối cùng ở châu Âu, và các hoạt động lý luận, cũng như tòa án thường được thực hiện ở đây, nhưng những âm mưu này phải được loại bỏ và khắc phục một cách dứt khoát”.
Những ý định lèo lái
Ngài viết: “May mắn thay, phần lớn các hồng y có mặt tại các hội nghị chung trước mật nghị năm 2013 đã yêu cầu cải cách theo hướng này. Cần phải thay đổi mọi thứ, từ bỏ một số thái độ mà ngày nay vẫn đang cố gắng biến mất. Thật vậy, có người luôn tìm cách làm chậm lại cuộc cải cách, một số muốn tiếp tục mắc kẹt trong thời giáo hoàng-vua, những người khác mơ một huy hoàng nào đó không mang lại lợi ích gì cho Giáo hội.”
Và ngài đã làm rõ với những kẻ thù của ngài – rất nhiều – những người cho rằng ngài có ý định thao túng: “Về mật nghị bầu cử, một số phương tiện truyền thông Mỹ loan tin đồn tôi sẽ xem xét thay đổi các quy tắc, bằng cách để các tu sĩ và giáo dân bỏ phiếu bầu giáo hoàng. Đây là những sáng kiến phổ biến với mục đích rõ ràng tạo sự bất đồng trong chính quyền Giáo hội và làm cho giáo dân mất phương hướng.”
Bài đọc thêm: Giáo hội lý tưởng của Đức Phanxicô trong quyển sách tiểu sử của ngài
Khát vọng cởi mở
Đức Phanxicô nhắc lại niềm tin của mình vào “một Giáo hội mẹ, ôm hôn và chào đón tất cả mọi người, ngay cả những người cảm thấy mình không tốt và những người mà chúng ta đã phán xét trong quá khứ”. Ngài mong muốn cởi mở để chúc phúc cho các cuộc kết hợp đồng tính. Ngài nhấn mạnh: “Chúa Giêsu thường lui tới và gặp gỡ những người sống bên lề, ở những vùng ngoại vi hiện sinh. Đây là điều mà ngày nay Giáo hội nên làm với những người thuộc cộng đồng LGBTQ+, những người thường bị gạt ra ngoài lề xã hội: phải làm cho họ cảm thấy như ở nhà, đặc biệt là những người đã rửa tội và những người hoàn toàn thuộc về dân Chúa. Đối với những người chưa rửa tội và mong muốn rửa tội, hoặc những người muốn làm cha mẹ đỡ đầu, tôi xin anh chị em hãy chào đón họ bằng cách giúp họ cẩn thận đi theo hành trình phân định cá nhân.”
Một trong những đoạn cảm động nhất của quyển sách là đoạn ngài kể giây phút ngài lên ngôi Thánh Phêrô: “Đến lúc lần đầu tiên mặc lễ phục giáo hoàng trong phòng được gọi là Phòng Nước Mắt, Đức ông Guido Marini, chủ tịch phủ phụng vụ giáo hoàng thời đó kiên nhẫn giải thích cho tôi mọi thứ cần làm. Ngài cho tôi xem thánh giá trước ngực, giày vải đỏ, áo chùng trắng ba ni tấc và các lễ phục khác của giáo hoàng, kể cả áo ngắn đỏ (mosette). Tôi nói với ngài: “Tôi cám ơn ngài vì công việc của ngài, thưa ngài, tôi giữ các vật dụng của tôi: tôi chỉ mặc áo chùng trắng nhưng tôi giữ thánh giá tổng giám mục và đôi giày chỉnh hình của tôi!” Chúng ta đã biết phần còn lại.
Marta An Nguyễn dịch
Sống: Câu chuyện đời tôi trong Lịch sử (Life. Mon histoire dans l’Histoire, nxb. Harper Collins)