Làm thế nào để con cái yêu mến Chúa? Tấm gương của Tôi tớ Chúa Anne-Gabrielle Caron
fr.aleteia.org, Morgane Afif, 2024-02-15
Thủ tục phong chân phước cho Tôi tớ Chúa Anne-Gabrielle Caron đang tiến hành ở cấp giáo phận, trang Aleteia phỏng vấn bà Marie-Dauphine Caron, mẹ của Anne-Gabrielle để hỏi câu hỏi mà nhiều cha mẹ quan tâm: “Làm thế nào để làm cho con mình yêu Chúa?”. Bà Marie-Dauphine mẹ của Anne-Gabrielle Caron, là giáo sư Giáo dục Quốc gia.
Trước biển khơi, một cô bé mỉm cười. Cô bé xinh đẹp với chiếc áo len màu hoa vân anh và chiếc cổ áo tròn. Đôi mắt trong veo, sáng ngời, nụ cười rạng rỡ để lộ hàm răng xinh xắn của trẻ con. Trên đầu đội chiếc khăn sọc che tóc đã rụng. Trước những con sóng, trên bờ, mặt trời chiếu sáng không làm em chói mắt, giống như ánh sáng từ Thiên đàng mà em chiêm ngưỡng trong lòng, soi sáng và làm cho em linh động. Em tên là Anne-Gabrielle. Em bé 8 tuổi và vào lúc chụp bức hình, em sắp qua đời.
Đặt Chúa nhân lành ở trọng tâm đời mình
Bà Marie-Dauphine Caron nhấc điện thoại. Giọng nói nhẹ nhàng và chắc nịch của bà là giọng của một bà mẹ nuôi năm đứa con. Thẳng thắn và tế nhị, bà tâm sự: “Cô biết đó, tôi không cảm thấy thoải mái cho lắm với ý tưởng trả lời cuộc phỏng vấn này, nhất là khi tôi biết cô muốn đặt tựa đề cho bài viết là ‘Làm thế nào để làm cho con bạn yêu mến Chúa? Lời khuyên của cha mẹ Anne-Gabrielle Caron’. Chắc chắn là tôi không muốn nhận vai trò mà tôi không có, tôi loại là người đầu tiên bị choáng váng với những gì xảy ra với tôi.” Chính cáo thỉnh viên án phong chân phước cho Anne-Gabrielle đã thuyết phục được bà. Bà nói: “Đặc biệt tôi không muốn bất cứ ai nghĩ rằng tôi làm một cái gì đó cho án phong chân phước. Nếu tôi mong cho các con nên thánh, đó là tôi tin chắc chúng ta được tạo dựng cho Thiên Chúa, để ở với Ngài. Sự thánh thiện là như thế, đó không phải là lòng kiêu hãnh bị đặt sai chỗ.”
Anne-Gabrielle Caron. Gia đình Caron
Làm sao chúng ta nghĩ đến Anne-Gabrielle mà không nghĩ đến Anne de Guigné, một cô bé khác đã chết một trăm năm trước? Bà Marie-Dauphine Caron nhấn mạnh: “Tất nhiên, Anne de Guigné là gương mẫu của Anne-Gabrielle, người đã ghi dấu ấn rất lớn trong đời con tôi”. Khi mang thai con, bà Antoinette de Guigné muốn sống thánh thiện để làm gương cho con gái mình. Bà Marie-Dauphine Caron giải thích: “Còn tôi, tôi chưa bao giờ cảm thấy khỏe khi mang thai, tôi lúc nào cũng thấy yếu bệnh. Tôi nhớ, khi mang thai Anne-Gabrielle, tôi có một ý tưởng trong suốt thời gian mang thai. Mẹ của Anne de Guigné nghĩ bà phải rất gần gũi với Chúa nhân lành; còn tôi, tôi sợ thế giới này sẽ làm tổn thương đứa con trong sáng và ngây thơ của tôi. Sự lo lắng này tôi cũng cảm thấy trong những lần mang thai sau, nhưng nhẹ hơn.”
Nếu tôi nói, tôi mong các con sẽ nên thánh, đó là vì tôi tin chắc chúng ta được tạo dựng cho Thiên Chúa, để ở với Ngài. Sự thánh thiện là như thế, đó không phải là lòng kiêu hãnh bị đặt sai chỗ.”
Trong gia đình Caron, “Chúa nhân lành là một con người. Hai vợ chồng tôi đều không lớn lên trong nỗi sợ hãi địa ngục, nhưng sợ làm tổn thương Chúa nhân lành. Đó là điều chúng tôi đã dạy Anne-Gabrielle: Chúa là Đấng yêu thương chúng ta, là Đấng mà chúng ta tin cậy, Đấng chúng ta phải làm Ngài vui lòng.” Làm thế nào? “Chúng tôi dâng hiến tất cả, chúng tôi cho tất cả. Vì thế, của lễ đã vượt lên căn bệnh của Anne-Gabrielle, vì bệnh mang lại một ý nghĩa. Giống như Thánh Têrêxa Lisiơ, ngay từ khi còn rất nhỏ, Anne-Gabrielle có thói quen dâng hy sinh vì tình yêu, để “bỏ gai ra khỏi vương miện Chúa Giêsu.”
Luôn nói sự thật với con
Khi mới lên ba, Anne-Gabrielle đã hỏi những câu hỏi hiện sinh về vĩnh cửu, ý nghĩa của đau khổ hay của cái chết của trẻ em. Bà Marie-Dauphine Caron, đã học ở trường các Nữ tu Đa Minh Chúa Thánh Thần, trường nổi tiếng có giáo dục vững chắc cho các nữ sinh, cho biết: “Chúng tôi không có câu trả lời trước những câu hỏi vượt quá sức chúng tôi, dù chúng tôi đã học giáo lý rất nhiều. Điều quan trọng là dạy giáo lý cho con cái để nuôi dưỡng chúng về mặt trí tuệ, đặt Thiên Chúa vào trọng tâm cuộc nói chuyện của chúng ta.” Để trả lời cho những lo lắng của con, bà Marie-Dauphine dựa vào hai quyển sách: Mẹ nói với con về Chúa nhân lành và Mẹ đừng rời con (Maman parle-moi du bon Dieu và Maman ne me quitte pas).
Ane-Gabrielle và Marie-Dauphine Caron. Gia đình Caron
Trong suốt cuộc trò chuyện, bà Marie-Dauphine Caron rất xúc động khi nhớ lại những lần bà nói chuyện lâu dài với con và những câu hỏi Anne-Gabrielle đã hỏi bà: “Chúng ta phải luôn nói sự thật cho trẻ em, cả việc Hài đồng Giêsu cho đồ chơi vào dịp lễ Giáng sinh. Tôi nhớ có quyển sách kể về một em bé được nghe kể chuyện này, em hỏi một linh mục, có thể nào Chúa Giêsu hiện diện trong bánh thánh cũng như chuyện Chúa Giêsu cho quà Giáng sinh không. Khi Anne-Gabrielle hỏi chúng tôi những câu hỏi không phù với tuổi của em, tôi trả lời ‘Con còn quá nhỏ để biết, mẹ sẽ nói với con sau’, vì tôi không muốn nói với con chuyện gì giả tạo.” Từ sự thật được tiết lộ nảy sinh lòng tin tưởng tuyệt đối của Anne-Gabrielle dành cho cha mẹ, đôi khi phải trả giá bằng nỗi đau. Khi một em bé 8 tuổi đang yêu đời, hỏi cha mẹ, giọng nói bị tan nát và đau buồn rằng liệu con có sắp chết hay không, nỗi khổ quá tột cùng, không thể chịu đựng nổi, không có ơn sủng nào có thể giúp để đối diện với nỗi đau này. Bà Marie-Dauphine Caron nhớ lại: “Giây phút khủng khiếp, nhưng phải được nói ra. Buổi tối hôm đó, khi tôi nói với con, con sắp chết, Anne-Gabrielle nói với tôi: ‘Con rất sợ. Bây giờ con bớt sợ hơn một chút, vì con nghĩ, nếu chết con sẽ về với Chúa nhân lành.”
Khi Anne-Gabrielle hỏi chúng tôi những câu hỏi không phù với tuổi của em, tôi trả lời ‘Con còn quá nhỏ để biết, mẹ sẽ nói với con sau’, vì tôi không muốn nói với con chuyện gì giả tạo.”
Nhật ký của Anne-Gabrielle Caron
Giữ tinh thần tuổi thơ nơi trẻ em
Bà Marie-Dauphine Caron là giáo sư Giáo dục Quốc gia ở các trường công hiểu rõ tuổi trẻ không có việc làm đã đánh mất hy vọng. Bà giải thích: “Chúng tôi muốn làm cho con cái tin, trong cái tốt có cái xấu và ngược lại. Dĩ nhiên là cha mẹ, chúng tôi đều mắc sai lầm, với Anne-Gabrielle cũng như với mỗi đứa con của chúng tôi và tôi nghĩ chúng tôi phải nhận ra điều này và xin con tha thứ”. Từ tình yêu này nảy sinh lòng tin tưởng: “Đây là tinh thần của tuổi thơ: nếu đứa bé hiểu Thiên Chúa là cha, nó sẽ tin tưởng tuyệt đối vào Chúa. Anne-Gabrielle đã có sự đơn sơ này trong lời cầu nguyện khi em cầu nguyện: ‘Chúa ơi, con chấp nhận mọi chuyện Chúa xin con, nhưng xin Chúa đừng đòi hỏi con nhiều quá’. Giống như một đứa trẻ, em xin và luôn vâng lời.”
Anne-Gabrielle Caron. Gia đình Caron
“Chúng tôi luôn muốn làm cho con cái hiểu, Chúa nhân lành là một con người và tình yêu Chúa phải được cảm nghiệm một cách cụ thể trong gia đình. Với chúng tôi, điều này được đào tạo qua giáo lý và cầu nguyện. Tôi đã có kinh nghiệm cụ thể với Anne-Gabrielle vì khi bắt đầu lấy nhau, tôi đi lễ mỗi ngày: “Tôi được nghỉ sau khi sinh để nuôi con, chúng tôi ở gần nhà thờ. Tôi đi nhà thờ với Anne-Gabrielle, sau đó tôi ở lại lần chuỗi, tôi dành ít nhất nửa giờ cho Chúa nhân lành.” Từ đó, mỗi khi đi qua trước một nhà thờ, tôi buộc phải vào chào Chúa Giêsu, dù chỉ vào để bái gối. Anne-Gabrielle lớn lên với đức tin Chúa Giêsu ở trong Nhà tạm, và từ đó tình yêu Thiên Chúa nhập thể tiếp tục lớn lên.
Vui hưởng niềm vui giản dị của cuộc sống gia đình
Bà Marie-Dauphine Caron cười: “Anne-Gabrielle có tính khí rất mạnh che giấu đằng sau tính nhút nhát của em, giống như ngọn lửa âm ỉ dưới đống tro tàn. Em thích những trò chơi trong gia đình, như chơi bài, đi xe đạp, hóa trang, nấu ăn, làm bánh, xem phim Cha Castor, đọc, vẽ và làm thủ công. Em vào hướng đạo, làm sói con, chia sẻ tinh thần hướng đạo với bố, ông luôn mang tinh thần hướng đạo trong lòng.” Trong gia đình Caron, niềm vui được thể hiện và sống động trong sự giản dị của cuộc sống bình thường. Mẹ của em nói: “Tuy nhiên, tôi không thể nói Anne-Gabrielle cũng là một em bé như những em bé khác với những câu hỏi hiện sinh đã có từ khi em còn nhỏ. Khi trao chìa khóa cho Chúa, chúng ta chỉ có thể làm tốt mọi việc. Khi đó chính Ngài hành động trong chúng ta: việc giáo dục trẻ em cũng giống như vậy.”
Khi trao chìa khóa cho Chúa, chúng ta chỉ có thể làm tốt mọi việc. Khi đó chính Ngài hành động trong chúng ta: việc giáo dục trẻ em cũng giống như vậy.
Khi kết quả chẩn đoán khủng khiếp được bác sĩ cho biết, nỗi đau tột cùng của người cha, người mẹ biết mình sắp chôn con. Bà Marie-Dauphine và ông Alexandre Caron quyết định làm tất cả để con mình chết một cách thánh thiện: “Dĩ nhiên chúng tôi đã cầu xin phép lạ, nhưng chúng tôi cũng nhận ra, con cái không thuộc về chúng tôi, chúng được giao cho chúng tôi và chúng tôi chỉ là người canh gác chúng.”
Vào cuối cuộc trao đổi dài và quý báu, dưới ánh sáng của niềm hy vọng đau đớn của người mẹ đã mất con, bà Marie-Dauphine Caron kết luận: “Bà biết đó, với con cái, đôi khi có một cách tiếp cận thần bí với cuộc sống vĩnh cửu… Chúng không phải là rất xa Thiên đàng.”
Anne-Gabrielle Caron. Gia đình Caron
Marta An Nguyễn dịch
Điều gì làm cho em Anne-Gabrielle Caron thành một vị thánh
Anne-Gabrielle Caron, “hình ảnh thánh thiện của các trẻ em bị bệnh”