Đừng bỏ qua đức tin kitô giáo của Alexei Navalny

65

Đừng bỏ qua đức tin kitô giáo của Alexei Navalny

Chúng ta có nguy cơ để qua một bên bài học về cái chết của ông Alexei Navalny, về những nguyên tắc của ông, nếu chúng ta không để ý đến sự hiểu biết của ông về đau khổ theo tinh thần kitô giáo.

americamagazine.org, Maggie Phillips, 2024-02-22

Chân dung lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny và bông hoa chụp ở sứ quán Nga ở Paris ngày thứ sáu 16 tháng 2 năm 2024. (Ảnh AP/Christophe Ena)

Khi cái chết của nhà đối lập Nga Alexei Navalny trong một trại giam ở Bắc Cực được công bố trên các phương tiện truyền thông ngày 16 tháng 2, không một lời phân ưu nào, ngoại trừ một số tổ chức tôn giáo, đề cập đến việc ông Navalny trở lại từ chủ nghĩa vô thần qua kitô giáo. Ông đã nói rõ – dù không thường xuyên – về việc đức tin tôn giáo ảnh hưởng đến hoạt động tích cực của ông như thế nào. Ông biết điều này có thể làm cho những người đồng hương đối lập chế nhạo. Một bối rối như vậy có thể là nguyên nhân đằng sau việc ông bỏ qua xác tín của mình khi hồi tưởng lại công việc trong đời của ông.

Nhưng chúng ta có nguy cơ bỏ lỡ những bài học về cái chết của ông Navalny, về những nguyên tắc của ông nếu chúng ta phớt lờ sự hiểu biết về đau khổ theo tinh thần kitô giáo của ông. Sự ra đi của ông làm sáng tỏ sự khác biệt chính giữa chủ nghĩa anh hùng ngoài đời thực và đặc tính của các chiến binh bàn phím đương đại, những kẻ săn đuổi ảnh hưởng đang làm xáo trộn các nguồn cấp dữ liệu mạng xã hội của chúng ta. Trớ trêu thay, ông qua đời vào đúng ngày cuối tuần mà một hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội khuyến khích “tuần đình công” cho Palestine từ ngày 18 đến ngày 24 tháng 2. Những người tổ chức cuộc đình công giấu tên đã yêu cầu những người ủng hộ lệnh ngừng bắn dừng tấn công vào trường học, vào bệnh viện, cơ bản là không tác động đến xã hội. “Lên chương trình lại các cuộc hẹn của bạn”, “Hãy ở nhà nhiều nhất có thể” và “Chỉ dùng mạng xã hội cho Palestine” là một số gợi ý. “Có một cái gì còn hơn không.” (Hình ảnh này được một số người dùng trên X-Twitter, truyền đi khắp nơi và chỉ trích một cách thô bạo.)

Nhưng hiện tượng này không phải là mới hay dành riêng cho bất kỳ nguyên nhân hay phe phái ý thức hệ cụ thể nào. Một báo cáo của UNAIDS năm 2010 đã ghi lại sự thất vọng của các nhà hoạt động đang cố gắng biến số thành viên Facebook có nửa triệu người theo của họ thành việc ký đơn thỉnh cầu phản đối dự luật chống đồng tính của Uganda. Cuối cùng chỉ có 7.000 người ký. Báo cáo cho biết: “Chủ nghĩa lười biếng thừa nhận rằng những người ủng hộ một mục tiêu bằng cách thực hiện các biện pháp đơn giản không thực sự gắn kết hoặc cống hiến cho việc tạo ra sự thay đổi”. Dự luật được thông qua vào năm 2013, quy định người đồng tính có thể bị phạt tù chung thân.

Chúng ta có nguy cơ bỏ lỡ những bài học về cái chết của ông Navalny, về những nguyên tắc của ông nếu chúng ta phớt lờ sự hiểu biết về đau khổ theo tinh thần kitô giáo của ông.

Đó là một kiểu quy giản quảng cáo phi lý của phần lớn các hoạt động hiện đại ở cả cánh tả và cánh hữu: Nếu không có sự hy sinh thực sự và ý thức về một tầm nhìn lớn hơn, việc theo đuổi công lý, thay vì đoàn kết mọi người nhân danh một chính nghĩa, sẽ trở nên tồi tệ thành chủ nghĩa duy ngã. Thật thích hợp để suy tư  những ví dụ về “chủ nghĩa lười biếng” này khi chúng ta bước vào Mùa Chay. Đối với các tín hữu, họ nên nói rõ, các hình thức cầu nguyện, ăn chay, làm việc thiện có xu hướng thiếu ý thức truyền thống trong việc tham gia vào điều siêu việt, điều mà những thực hành tương tự thường thể hiện trong bối cảnh tôn giáo của họ. Ngược lại, việc ông Alexei Navalny bị biệt giam kéo dài, bị bạo hành ở Bắc Cực – dùng nước nóng hạn chế, không được thăm nuôi hay điện thoại – đã làm cho mọi người trên thế giới xúc động. Tấm gương đau khổ của ông đã đoàn kết những người ngưỡng mộ ông và củng cố cam kết chung của họ với tự do và nhân quyền.

Những bức thư từ nhà tù ông gởi cho cựu tù nhân lương tâm người do thái Natan Sharansky ở Liên xô chứa đầy những ám chỉ về Kinh thánh, tôn giáo và thiêng liêng. Ông viết: “Còn nơi nào khác để sống Tuần Thánh nếu không phải ở trong phòng biệt giam!” Ông trích dẫn sách Giảng Viên trong một thư khác: “Năm tới ở Giêrusalem, L’Shana Haba’ah B’Yerushalayim,” một lời chào theo truyền thống của Lễ Vượt Qua. Khi bỏ qua một bên đức tin của ông vào sự đau khổ mang tính cứu chuộc, các phương tiện truyền thông đưa tin các việc trong đời của ông đã bỏ sót một phần quan trọng làm cho sự chống đối của ông với Vladimir Putin trở nên mạnh mẽ như vậy.

Vài năm trước, tôi đã viết một bài cho Tạp chí Tablet về việc Giáo hội Da đen đã truyền cảm hứng cho phong trào dân quyền như thế nào. Hầu hết những gì chúng ta đọc và xem về cuộc đấu tranh anh hùng của ông đều có xu hướng loại bỏ một thần học đã thúc đẩy Martin Luther King Jr. hoạt động. Nhờ tầm nhìn của Tiến sĩ King về công lý, cảm nhận từ đức tin kitô giáo của ông, phong trào dân quyền đầu tiên đã có một cơ sở, và do đó có mạch lạc – một điều gì đó rõ ràng đang thiếu trong hoạt động của cả cánh tả và cánh hữu ngày nay. Ví dụ, Donald J. Trump chỉ có thể liên hệ cái chết của ông Navalny với những tai ương pháp lý phần lớn do chính ông tự làm.

Một phong trào xã hội thành công không cần phải có khuynh hướng tôn giáo rõ ràng: Hoạt động tích cực của ông Navalny vừa có cơ sở vừa có tính mạch lạc mà ông không cần liên tục viện dẫn đến kitô giáo của mình, nó đã gây được tiếng vang với nhiều người thuộc nhiều tín ngưỡng khác nhau. Nhưng như nhà sử học Tom Holland đưa ra trong quyển Dominion: Cuộc Cách mạng Kitô giáo đã tái tạo thế giới như thế nào (How the Christian Revolution Remade the World), phần lớn các hoạt động tích cực ngày nay đều phủ nhận hoặc không nhận thức được nguồn gốc tôn giáo của nó. Chẳng hạn, ngay từ đầu, những ý tưởng về nhân quyền và giúp đỡ những người bị thiệt thòi đến từ đâu? Nhiều giá trị trong số này có nguồn gốc từ tư tưởng tôn giáo phương Tây, đặc biệt là lý thuyết của luật tự nhiên. Ông Navalny nhận ra điều này. Ông nói trong tuyên bố kết thúc tại phiên tòa năm 2021: “Có lẽ với tôi, việc có được sự hướng dẫn đạo đức của đức tin tôn giáo đã làm cho tôi tham gia vào chính trị dễ dàng hơn so với nhiều người khác.”

Thông thường, hoạt động ngày nay được thúc đẩy bởi tính cấp bách khốc liệt của thời điểm hiện tại. Điều đó cũng dễ hiểu: Ngày nay có quá nhiều tội ác kêu lên thấu trời để đòi hỏi công lý. Nhưng ông Navalny hiểu rằng công lý không phải lúc nào cũng nhanh chóng trong mắt thế giới. Thay vì bằng lòng nhịn ăn một bữa trưa hoặc cáo bệnh nghỉ làm, ông Navalny sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình cho điều gì đó mà ông tin tưởng, dù, qua sự thừa nhận của chính mình, tất cả những gì ông có thể có được ở thế giới này, đó là “niềm an ủi đã sống một cuộc sống trung thực.”

Mệnh lệnh của Tin Mừng, được truyền lại qua truyền thống công giáo, buộc chúng ta phải làm việc cho công lý. Ngay cả khi chúng ta phục vụ Chúa Giêsu, Đấng đã nói vương quốc của Ngài không thuộc về thế gian này, cái chết của ông Alexei Navalny có thể là một lời nhắc nhở mạnh mẽ trong Mùa Chay. Chúng ta đói khát công lý, nhưng niềm an ủi của chúng ta có thể không xuất hiện theo cách chúng ta tưởng tượng, ít nhất là ở bên này thiên đàng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Sau cái chết của Alexeï Navalny, sự phản đối chế độ sẽ như thế nào