“Nếu Giáo hội Đức dừng tiến trình đồng nghị, thì Giáo hội sẽ từ bỏ sứ mệnh của mình”

189

“Nếu Giáo hội Đức dừng tiến trình đồng nghị, thì Giáo hội sẽ từ bỏ sứ mệnh của mình”

Trong một bức thư ngày 17 tháng 2 gởi Hội đồng Giám mục Đức, Rôma phản đối việc Giáo hội Đức thành lập Ủy ban Thượng hội đồng. Giáo sư thần học Bỉ Arnaud Join-Lambert phân tích những hậu quả của việc dừng lại này trong việc thực hiện tính đồng nghị trên nước Đức cũng như trên Giáo hội hoàn vũ.

la-croix.com, Guillaume Daudé, 2024-02-21

Các giám mục Đức trong buổi lễ tại nhà thờ chính tòa ở Ausburg, Bavaria, ngày 19 tháng 2 năm 2024. Karl-Josef Hildenbrand / dpa/AP

Trong khi Đại hội đồng toàn thể các giám mục Đức chuẩn bị phê chuẩn quy chế của Ủy ban Thượng hội đồng, thì Rôma buộc họ phải rút lui, gởi cho họ một lá thư phản đối. Vatican cáo buộc Giáo hội Đức về điều gì?

Giáo sư thần học Arnaud Join-Lambert: Sự phản đối này là tiếp nối sự hiểu lầm của Rôma về quá trình này ở Đức. Rôma chủ yếu chỉ trích họ vì đã thiết lập một cơ cấu không được Bộ Giáo luật quy định mà không xin phép. Tuy nhiên, về cơ bản, những gì Hội đồng Giám mục Đức muốn thiết lập không thực sự khác biệt với những gì được Thượng hội đồng Rôma khơi dậy và khuyến khích về tính đồng nghị.

Đức đã bắt đầu “Con đường Thượng hội đồng” của họ trước con đường này rất lâu, một cách rất nghiêm ngặt và có cấu trúc. Ngày nay, các giám mục Đức đang thử nghiệm một điều gì đó, mặc dù tài liệu từ hội đồng lục địa của Thượng hội đồng Rôma về châu Âu nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có một “cuộc thử nghiệm” ba lần.

Vì thế, ý định của họ tương ứng với động lực của thượng hội đồng, nhưng con đường của họ là tự trị: đúng hơn đó là tiến trình làm cho Rôma lo lắng. Chúng ta không nên có một cách hiểu khái quát hóa sự đối lập giữa hai khối. Quyết định của Rôma không phải là quyết định mang tính nguyên tắc, mà là của luật pháp, về vấn đề quy chế của Hội đồng Thượng hội đồng: Giáo hội Đức không có quyền phê chuẩn mà không tham khảo Vatican.

Liệu sự phản đối của Rôma có làm cho quá trình cải cách nội bộ mà Giáo hội Đức đang tiến hành phải dứt khoát dừng lại không?

“Con đường Thượng hội đồng” do các giám mục Đức phát động đã hoàn thành công việc của nó. Vấn đề bây giờ là đưa vào cơ cấu những gì đã được trải nghiệm trong lần phân định chỉ một lần này. Sự đi lui là rõ ràng, nhưng chỉ liên quan đến những gì đã được lên kế hoạch chứ không liên quan đến quá trình tổng thể. Trong mọi trường hợp, đây là điều thích hợp để thực hiện nguyên tắc thần học về tính đồng nghị, được Rôma khuyến khích. Ở cấp quốc gia, các giám mục Đức sẽ phải tìm ra một giải pháp khác, và tại các giáo phận, quyền để lại rất nhiều khoảng trống cho việc thành lập các hội đồng giám mục và mục vụ.

Động lực đồng nghị ở Đức dựa trên suy tư sâu sắc và tham vấn nghiêm túc. Hơn 2/3 giám mục Đức ủng hộ. Điểm khởi đầu bắt nguồn từ các báo cáo năm 2018 tiết lộ những hành vi lạm dụng có hệ thống ở Đức. Sau đó, các giám mục nhận thức được sự cần thiết phải hành động trước uy tín Giáo hội bị sụp đổ. Mục tiêu này không thay đổi: “Con đường Thượng hội đồng” là phương tiện để ứng phó với cuộc khủng hoảng này, qua đó Giáo hội Đức phục vụ tất cả mọi người chứ không phải chỉ dành riêng cho một nhóm nhỏ tín hữu. Nếu Giáo hội Đức dừng tiến trình đồng nghị, Giáo hội sẽ từ bỏ sứ mệnh của mình. Sự khó hiểu đối với giáo triều Rôma xuất phát từ việc họ không hiểu được cú sốc gây ra do sự tiết lộ những lạm dụng và chiều kích hệ thống của nó. 

Liệu những căng thẳng giữa Rôma và các giám mục Đức có đặt ra câu hỏi về nguyên tắc đồng nghị được Đức Phanxicô bảo vệ không?

Con đường Đức Phanxicô đưa Giáo hội công giáo dấn thân trước hết có chiều kích thiêng liêng, nhưng nó cũng đặt ra các vấn đề về cải cách cơ cấu và pháp lý. Hai mệnh lệnh quan trọng là phân quyền và giải tập trung. Tuy nhiên, có những cách giải thích khác nhau về phạm vi quyết định của các hội đồng thượng hội đồng, như đã thể hiện với thượng hội đồng về Amazon năm 2019 hoặc gần đây hơn là quan điểm của hội đồng giám mục châu Phi.

Tính đồng nghị là một nguyên tắc thần học trở nên rất nhạy cảm khi đề cập đến vấn đề cụ thể về quản trị. Đức đã thực hiện một tính đồng nghị mạch lạc, nghiêm ngặt và hợp lý về mặt thần học; tôn trọng một cách nghịch lý hơn quyền lực của các giám mục của hội nghị thượng hội đồng Rôma tháng 10 năm 2023: các quyết định ở đó đã được 2/3 số người tham gia thông qua, trong khi ở Đức, “Con đường Thượng hội đồng” được toàn thể hội đồng bỏ phiếu và sau đó chỉ có các giám mục.

Căng thẳng nảy sinh khi chúng ta đi vào trọng tâm của vấn đề, và chúng sẽ không thể tránh khỏi tại kỳ họp tiếp theo của Thượng Hội đồng Rôma, nơi sẽ đề xuất những cải cách cụ thể. Làm thế nào Giáo hội có thể khuyến khích thử nghiệm và đồng thời duy trì sự kiểm soát? Đây thực sự là một khó khăn, vì Hội đồng Giám mục Đức làm việc nghiêm túc và có trách nhiệm. Tình huống này đặt ra câu hỏi cho các cơ quan trung gian – địa phương, quốc gia và lục địa – về việc logic nào của kiểm soát và logic nào của phân quyền là đối lập nhau. Đó là  vấn đề chính trị xã hội, nhưng trên hết là thần học: Giáo hội là tổ chức lớn nhất trên thế giới, đứng đầu là một giáo triều cực kỳ nhỏ bé của Rôma, cơ quan này phải quản lý sự đa dạng cực độ của mình trong khi vẫn duy trì sự hiệp thông.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Hồng y Walter Kasper cảnh báo các giám mục Đức: “Chúng ta đã công khai hứa trung thành với Giáo hoàng”

Căng thẳng giữa Giáo hội Đức và Rôma tăng cao