Hồng y Simoni, “tử đạo sống” của chủ nghĩa cộng sản ở Albania
fr.aleteia.org, Anne-Laure Colin, I.Media, 2024-02-15
Trong buổi tiếp kiến chung thứ tư 14 tháng 2, Đức Phanxicô đã tỏ lòng tôn kính hồng y Ernest Simoni, 95 tuổi, người “tử đạo sống” của Albania, ngài đã sống 18 năm tù và lao động cưỡng bách trong thời kỳ cộng sản. 11.107 ngày bị giam cầm, 11.107 ngày lao động cưỡng bách và ở tù. Đây là thử thách mà ngài đã trải qua ở thế kỷ 20.
Hồng y Ernest Simoni sinh năm 1928 tại Albania. Ngài lớn lên trong một gia đình đơn sơ, nghèo khó nhưng rất mộ đạo. Lúc mười tuổi, ngài vào học trường dòng Phanxicô ở Troshani. Và khi người học sinh trẻ đang học tập thì nhà độc tài Enver Hoxha lên nắm chính quyền, thành lập nhà nước theo chủ nghĩa cộng sản. Sau đó nhà độc tài Hoxha biến tôn giáo thành nỗi ám ảnh và tuyên bố tôn giáo là bất hợp pháp. Tình trạng bất ổn và bạo lực gia tăng trong nước, trường dòng Phanxicô bị lực lượng cộng sản cướp phá năm 1948 và biến thành nơi tra tấn tù nhân.
Dù bị đàn áp, nhưng ơn gọi vẫn nảy sinh trong tâm hồn người thanh niên. Chế độ không đồng ý với quyết định như vậy nên gởi người thanh niên đi dạy học ở một làng nằm sâu trong núi trước khi buộc phải đi nghĩa vụ quân sự hai năm. Dù có bị bắt làm gì đi nữa, Ernest Simoni vẫn kiên trì, vẫn muốn làm linh mục. Cuối cùng năm 1956, ngài được chịu chức và làm mục vụ ở giáo phận Scutari, tây bắc Albania.
Linh mục là kẻ thù của dân tộc
Vào đêm Giáng sinh năm 1963, đêm mà Chúa Kitô trong tình yêu vô hạn của Ngài đã làm thay đổi thế giới khi xuống thế làm người, thì đêm này cuộc đời của cha Ernest Simoni cũng thay đổi. Sau thánh lễ ở Barbullush, miền bắc Albania, cha bị bắt vì đức tin: “Các linh mục là kẻ thù của Quốc gia”. Không có một hình thức công lý nào, không có một xét xử nào, cha bị kết án tử hình. Cuối cùng bản án giảm xuống còn 25 năm tù lao động khổ sai.
Nếu Chúa Kitô trong cuộc Khổ nạn đã vác thánh giá bằng gỗ thì cha Simoni mang chiếc cuốc nhỏ trong nhiều năm ở các mỏ ở Albania. Trên các bức tường nhà tù, cha khắc lời chứng phó thác hoàn toàn của mình: “Đời tôi là Chúa Giêsu”. Bất chấp tra tấn và đau khổ, cha vẫn tiếp tục làm mục vụ bí mật cho các tù nhân bằng cách cử hành thánh lễ và giải tội. Bị kết án tử hình lần nữa vào năm 1973, cha thoát hành quyết nhờ lời khai của các tù nhân và lính canh ủng hộ cha.
Năm 1981, cha được “thoát” khỏi xiềng xích. Đó chỉ là xiềng xích cá nhân vì cha không còn là tù nhân, nhưng cha vẫn bị cho là “kẻ thù của nhân dân”. Sau đó cha bị gởi đi làm việc ở các cống rãnh của thành phố Scutari. Sau khi chế độ cộng sản ở Nga và lần lượt các chế độ cộng sản châu Âu sụp đổ, chế độ cộng sản Albania sụp đổ ngày 5 tháng 9 năm 1990.
Mẫu gương đức tin và khiêm nhường
Đức Phanxicô và Don Ernest Simoni năm 2016 AFP
Đức Phanxicô thường không khóc. Nhưng trước cha Simoni, ngài đã khóc. Đó là ngày 21 tháng 9 năm 2014 tại nhà thờ chính tòa Tirana. Cha Simoni, với bàn tay in dấu của những năm tháng đau khổ, đã lấy hết sức để nói: “Tôi đã tha thứ cho những kẻ hành hạ tôi, vì chuyện đó đã thuộc về quá khứ.”
Năm 2016, cảm động trước hành trình của linh mục có đức tin vĩ đại này, Đức Phanxicô đã phong hồng y cho linh mục Simoni, ngài là hồng y đầu tiên trong lịch sử Albania, dù ngài chưa là giám mục. Kể từ đó, cha Simoni mặc áo đỏ. Màu đỏ tử đạo của cha.
Marta An Nguyễn dịch
Hình ảnh Đức Phanxicô và hồng y Ernest Simoni trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư 14 tháng 2-2024