Đại sứ Nga Soltanovsky: “Tòa thánh là cơ quan độc lập có phạm vi và tầm quan trọng toàn cầu”

51

Đại sứ Nga Soltanovsky: “Tòa thánh là cơ quan độc lập có phạm vi và tầm quan trọng toàn cầu”

fides.org, Victor Gaetan, 2023-12-14

Đại sứ Ivan Soltanovsky trình ủy nhiệm thư lên Đức Phanxicô ngày 18 tháng 9 năm 2023, ông là đại sứ thứ ba của Liên bang Nga tại Tòa thánh. Ông cũng đại diện cho Liên bang Nga tại Malta. Trong cuộc gặp lịch sử năm 1989, Thánh Gioan Phaolô II và tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Matxcova và Vatican, các đại sứ đầu tiên đã được trao đổi vào năm 1990. Kể từ đó có bảy đại sứ Nga đã phục vụ tại Tòa thánh. (Đức Bênêđictô XVI và tổng thống Nga Vladimir Putin đã thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa hai nước vào tháng 12 năm 2009).

Trong cuộc phỏng vấn, đại sứ Ivan Soltanovsky nêu quan điểm của Nga về quan hệ với Tòa thánh trong giai đoạn lịch sử hiện nay.

Là nhà ngoại giao lão luyện, ông chuyên về quan hệ đa phương, từng là đại diện của Nga ở Tổ chức An ninh và Đồng hợp tác ở châu Âu (OSCE, 1996-2000), ở NATO (2003-2009), đại diện thường trực của Nga tại Hội đồng Châu Âu (2015-2022). Nhà báo Victor Gaétan phỏng vấn ông về sự nghiệp của ông, mối quan hệ của Nga với Tòa thánh tại Đại sứ quán Nga ở đường Via della Conciliazione, Rôma gần sát với Đền thờ Thánh Phêrô. Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với một nhà báo phương Tây, đại sứ Ivan Soltanovsky chia sẻ quan điểm của Nga về việc giáo hoàng Phanxicô ủng hộ đối thoại cá nhân với tất cả các bên xung đột. Ngài viết trong Tông huấn Niềm vui Tin mừng Evangelii Gaudium: “Khi đến với người khác, chúng ta có tinh thần thần bí để tìm kiếm điều tốt lành nơi họ, khi đó chúng ta mở lòng mình ra để đón nhận những món quà đẹp nhất của Chúa. Mỗi lần chúng ta gặp ai trong tình yêu, chúng ta đặt mình vào tâm thế chúng ta sẽ khám phá điều gì đó mới mẻ về Thiên Chúa. Mỗi lần chúng ta mở lòng để nhận ra đó là người anh em, đức tin của chúng ta trở nên sáng tỏ hơn để nhận ra Thiên Chúa.” (đoạn 272).

Xin ông cho biết mối quan hệ giữa Nga và Tòa thánh quan trọng như thế nào?

Đại sứ Ivan Soltanovsky: Rất quan trọng. Chúng tôi xem Tòa thánh như một cơ quan độc lập có tầm ảnh hưởng và quan trọng toàn cầu. Tòa Thánh rất tiến bộ trong cách tiếp cận các vấn đề tế nhị, luôn tham gia đối thoại dựa trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Tôi đã đọc Thông điệp Fratelli Tutti về tình huynh đệ, tôi rất trân trọng thông điệp này. Đức Phanxicô mô tả thế giới như một khối đa diện với nhiều khía cạnh khác nhau và mỗi khía cạnh đều có giá trị riêng. Ngài nói về đa cực. Sự đa dạng trong hài hòa. Tôn trọng các nền văn minh khác nhau, bản sắc văn minh là rất quan trọng. Chẳng hạn ở Nga, chúng tôi xem giá trị gia đình truyền thống là nền tảng, đôi khi những giá trị này bị xúc phạm nhưng chúng tôi tin vào những giá trị này.

Và đó là bối cảnh khái niệm về sự hợp tác của chúng tôi. Điều quan trọng với chúng tôi là thúc đẩy đối thoại với Vatican, vì chúng tôi thấy có những điểm tương đồng với tầm nhìn của chúng tôi trong tình hình hiện tại.

Ông đã thảo luận điều gì với Đức Phanxicô khi ông trình ủy nhiệm thư vào tháng 9 năm nay?

Theo nghi thức và truyền thống của Tòa Thánh, buổi trình ủy nhiệm thư diễn ra riêng tư, không có bất kỳ người nào khác, ngoài một thông dịch viên. Vì thế tôi muốn giữ truyền thống và chỉ chia sẻ với quý vị cảm nghĩ cá nhân của tôi về buổi này, chỉ kéo dài 15 đến 20: đó là giây phút cởi mở, chân thành, được đánh dấu bằng sự tôn trọng nhau, với ý tưởng duy trì đối thoại về những vấn đề quan trọng. Tôi rất ấn tượng trước kiến thức sâu rộng và phổ quát của giáo hoàng về thực tế đương đại.

Đại sứ Ivan Soltanovsky trình ủy nhiệm thư lên Đức Phanxicô ngày 18 tháng 9 năm 2023

Vị trí của ông tại Tòa Thánh dường như rất khác so với những gì ông từng giữ trước đây. Có phải vậy không?

Về mặt logic, sứ mệnh này rất khác biệt, nhưng có một số điểm tương đồng với sứ mệnh của tôi ở NATO và ở Hội đồng Châu Âu. Hai sứ vụ này mang tính đa phương, nhưng với Vatican thì song phương. Nếu chúng ta nhìn tổng thể Tòa thánh, chúng ta có thể so sánh Tòa Thánh với một tổ chức quốc tế lớn. Với tư cách là người trong ngành ngoại giao, tôi thấy có những điểm tương đồng thú vị, Tòa Thánh cố gắng xây dựng những chiếc cầu trong một tổ chức quốc tế.

Còn với cơ quan NATO, chúng tôi cố gắng cải thiện quan hệ với những cấu trúc quan trọng, nhưng thật không may, thời thế đã thay đổi hoàn toàn. Tòa Thánh mang một hình dáng riêng, một hồ sơ riêng. Với NATO, tôi không biết liệu từng quốc gia có hồ sơ riêng hay không, vì họ có chung một tiếng nói và tiếng nói đó mang tính quốc tế. Tiếng nói này 100% chống Nga. Còn Vatican với tôi thì hoàn toàn khác. Lịch sử lâu dài của ngoại giao Vatican rất phong phú. Và ngày nay giáo hoàng Phanxicô có một tầm nhìn rất lớn.

Đầu những năm 1990, phương Tây xem Nga là nước bại trận. Ngược lại, truyền thống ngoại giao của Vatican chủ trương thúc đẩy hòa giải, không bao giờ tạo cảm giác “người thắng chống người thua”. Có nhiều bằng chứng cho thấy hệ thống Xô Viết đã bị phá hủy từ bên trong vì phần lớn hệ thống cộng sản dựa trên hệ tư tưởng ngoại bang. Sự thật như thế nào? Phương Tây “thắng” hay hệ thống chính trị thay đổi từ bên trong để khôi phục bản sắc Nga?

Đây là vấn đề vừa “triết học” vừa chính trị. Các nhà lãnh đạo phương Tây đã đánh lừa các nhà lãnh đạo chúng tôi khi họ nói: “Đừng lo lắng nếu chúng tôi mở rộng biên giới của NATO gần Nga và ngay cả các nước láng giềng của Nga”. Thật là sai lầm khi không có một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý loại trừ mọi khả năng xảy ra rủi ro này đối với an ninh của đất nước tôi. Các nhà lãnh đạo Matxcova đã quá lý tưởng khi tin vào lời nói của những người đồng cấp phương Tây.

Liên Xô có nhiều mặt tích cực, có hệ thống trường mẫu giáo và phúc lợi xã hội xuất sắc, nhưng cũng có những mặt tiêu cực. Vào thời điểm đó, cải cách và hệ tư tưởng mới của đảng cộng sản Liên xô, perestroika được đa số người dân ủng hộ. Chúng tôi đã phải chịu áp lực từ nước ngoài và các vấn đề trong nước. Cuối cùng, đó là một thảm kịch cho cả đất nước, kinh tế còn rất nhiều khó khăn. Vì thế đất nước phải phục hồi dù còn nhiều sai lầm, nhiều mất mát.

Đầu những năm 2000, một sự chuyển đổi triết học nhất định đã xuất hiện. Phương Tây cố gắng áp đặt các điều kiện. Trong những năm này, chúng tôi đối thoại trực tiếp với phương Tây, nhưng chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi bị cho là yếu kém và họ đã cố gắng áp đặt một số điều kiện nhất định. Ngay cả khi thời điểm không hoàn hảo thì ít nhất cũng có những cuộc thảo luận.

Ông đã ở đâu vào Giáng sinh năm 1991, khi tổng thống Mikhail Gorbachev từ chức và Liên Xô không còn tồn tại?

Tôi đang ở Ấn Độ. Đó là một sự kiện đáng buồn. Lúc nào cũng đáng buồn khi thấy lá cờ quốc gia của mình bị hạ xuống. Tuy nhiên, hình ảnh cờ ba màu lịch sử của sa hoàng đã có tác động mạnh mẽ, vì nó biểu thị cho sự khôi phục di sản của Nga. Lúc đó, chúng tôi có hy vọng, vì chúng tôi hy vọng các nhà lãnh đạo mới sẽ nắm giữ dây cương, nhưng các thế lực phá hoại đã chiếm ưu thế, đặc biệt là về kinh tế.

Chúng tôi phải đối diện với câu hỏi này: làm thế nào để mang lại sự ổn định cho đất nước? Làm thế nào khôi phục tự tin khi đối diện với kinh tế suy thoái?

Dựa trên những gì ông quan sát được ở Brussels, ảnh hưởng của Tổng thư ký NATO là gì?

Nó phụ thuộc vào nhân cách. Theo quan điểm khiêm tốn của tôi, họ là những nhà kỹ trị. Những người đưa ra quyết định chính trị. Nói chung, tôi không nhớ, và các đồng nghiệp của tôi cũng không, Tổng thư ký NATO cũng như những người có tầm cỡ như De Gaulle, Giulio Andreotti hay Helmut Kohl, người mà chúng tôi rất kính trọng. Chúng tôi không tham dự để đối đầu nhưng để đối thoại hòa bình. Ngày nay, các nhà lãnh đạo phương Tây, với những trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, có xu hướng bôi xấu nước Nga và người dân Nga, và điều đó thật điên rồ.

Vì ông là chuyên gia về Pakistan và Afghanistan nên tôi câu hỏi: Zbigniew Brzezinski (cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ thời tổng thống Jimmy Carter 1977-1981) nói rằng Hoa Kỳ cố tình lừa Liên Xô vào Afghanistan. Là nhà ngoại giao Nga, ông phản ứng thế nào trước tuyên bố này?

Đó là một sai lầm. Trải nghiệm ở Afghanistan thật đau đớn, nhưng chúng tôi đã ứng phó với những thách thức an ninh của đất nước, ít nhất là theo nhận định của các nhà lãnh đạo chính trị Liên Xô vào thời điểm đó. Hôm nay có vẻ như đó là một sai lầm.

Trong quá trình hợp tác với Hội đồng Âu châu, các cuộc họp tích cực và quan trọng là gì?

Tôi có quan hệ tốt với nhiều đối tác. Trước năm 2008, người ta không thể nghĩ đến châu Âu mà không nghĩ đến Nga. Chúng ta không thể xóa Nga khỏi bản đồ.

Tôi xin chuyển sang một câu hỏi cá nhân hơn, ông có thuộc về một Giáo hội nào không?

Tôi đang trở thành một tín hữu thực sự. Tôi đi nhà thờ ở Rôma nhưng tôi không vào một Giáo hội cụ thể nào.

Hành trình đức tin của ông bắt đầu từ khi nào?

Tôi không thể nói ngày chính xác, để trung thực và tôi cố gắng trung thực, vì để là người tín hữu đích thực, chúng ta phải trải qua rất nhiều điều chứ không chỉ thỉnh thoảng đi nhà thờ. Điều này đến với tôi vì theo tôi, mọi người đều cần có một mối quan hệ với Chúa. Với tôi, đó là cầu nguyện những điều tốt lành cho gia đình, người thân, bạn bè. Riêng tôi, mọi chuyện bắt đầu khoảng 5 năm trước. Sau đó, khi tôi bắt đầu chuẩn bị cho sứ mạng ở Rôma, và việc có mặt ở đây chắc chắn đã thúc đẩy tôi đào sâu nền tảng đức tin, để hiểu các tín điều trong Kinh Tin Kính. 

Nhà báo Victor Gaetan là phóng viên chính Perestroika về các vấn đề quốc tế. Ông viết bài cho tạp chí Ngoại giao và Catholic News Service. Hiệp hội Báo chí Công giáo Bắc Mỹ đã trao cho ông bốn giải thưởng, trong đó có giải dành cho cá nhân xuất sắc.

Marta An Nguyễn dịch

Tổng thống Vladimir Putin bổ nhiệm đại sứ mới tại Vatican