Sự “đồng ý” của Đức Phanxicô với các cặp đồng tính tạo sững sờ
lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2023-12-19
Dù đây không phải là một chúc lành mang nghĩa bí tích, nhưng một cách không chính thức, cộng đồng công giáo vẫn bị chia rẽ và đặt câu hỏi về những mâu thuẫn của Vatican về vấn đề này.
Cuối cùng mọi chuyện cũng được nói ra, Giáo hội công giáo sẽ chúc lành cho các cặp đồng tính. Một cú sốc trên quy mô thế giới dù đó không phải là một chúc lành bí tích hay phụng vụ mà là một chúc lành không chính thức. Nó được cho phép bởi một “tuyên ngôn” của bộ Giáo lý Đức tin. “Có thể chúc lành cho các cặp vợ chồng sống trong hoàn cảnh bất hợp lệ và các cặp đồng giới”, nhưng điều này không nên “được giới thẩm quyền giáo hội ấn định thành một nghi thức”.
Cơ quan có thẩm quyền cao nhất của Rôma về giáo lý của Giáo hội gợi ý linh mục nên có “lời cầu nguyện ngắn” trước khi chúc lành tự phát, qua đó linh mục sẽ cầu nguyện với cặp vợ chồng để xin “bình an, sức khỏe, tinh thần kiên nhẫn, đối thoại và tương trợ” nhưng cũng xin “ánh sáng và sức mạnh của Thiên Chúa để họ có thể thực hiện ý muốn của Ngài”.
“Giáo hoàng phát minh Hiệp ước Đoàn kết Dân sự”
Không có chuyện phải ra tòa thị chính trước khi vào nhà thờ: chúc lành này không bao giờ được thực hiện cùng lúc với các nghi thức kết hợp dân sự, cũng như không liên quan đến chúng”. Và không phải mặc y phục ngày cưới hoặc có “những cử chỉ, lời nói dành riêng cho hôn nhân”. Cẩn thận cuối cùng, tài liệu nhấn mạnh “học thuyết công giáo lâu đời về hôn nhân vẫn giữ vững về điểm này, và trong mọi trường hợp, đây không phải là việc “công nhận những gì không phải là một hôn nhân”.
Xa với các uyển chuyển của Rôma, báo chí thế giới, dù là tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Pháp hay tiếng Tây Ban Nha, từ ngày thứ ba, tất cả đã đưa các tiêu đề về sự cởi mở của Giáo hội công giáo với việc “chúc lành cho các cặp đồng tính”. Ông Andréa Tornielli, tổng biên tập các phương tiện truyền thông Vatican đã cố gắng giải thích trên trang Vatican News, “chúc lành này nhắc lại sự cần thiết phải tránh mọi nghi thức hoặc bất kỳ yếu tố nào khác có thể bắt chước, trực tiếp hoặc gián tiếp, một cuộc hôn nhân”. Thậm chí ông còn nói rõ, “điều này không có nghĩa là chấp thuận sự lựa chọn trong cuộc sống” của các cặp liên quan.
Tâm hồn của người mục tử không bao giờ khép lại
Nhưng nhà báo Phil Lawler, biên tập viên của trang catolicculture.org của Mỹ, đã tóm tắt nhận thức chung của dư luận trong một dòng: “Các chỉ thị của Vatican bây giờ cho phép các linh mục công giáo duy trì một loại nghi thức tinh tuyền để không đối xử với một kết hợp đồng tính như hôn nhân, nhưng chính xác đó là những gì họ sẽ làm dưới mắt thế giới.” Ngắn gọn hơn, ông Jean-Pierre Denis, cựu giám đốc báo La Vie đã nhận xét về việc ông cho rằng nó “vô dụng và nguy hiểm”. Và sự phản đối mạnh mẽ đã dẫn tới Manif pour tous (Biểu tình Hôn nhân cho tất cả) năm 2012.
Quyết định ngày 18 tháng 12 này của Rôma có tính chất lịch sử vì nó phá vỡ truyền thống được thiết lập trong Giáo hội công giáo. Nếu nó trấn an một số cộng đồng đồng tính về Giáo hội, thì nó lại chia rẽ một số cộng đồng công giáo, một số nhẹ nhõm khen ngợi, một số giận dữ chỉ trích. Một tình trạng rối loạn nội bộ sẽ ngày càng trở nên trầm trọng hơn, dù tuyên bố này chấm dứt một nhầm lẫn lớn về chủ đề vốn đã được Đức Phanxicô duy trì kể từ đầu triều của ngài năm 2013. Đức Phanxicô đã vòng vo một cách khách quan về vấn đề chúc lành cho các cặp đồng tính, tạo ấn tượng ngài biết nơi mình muốn đến – với câu nói nổi tiếng “Tôi là ai để phán xét?” khi ngài trở về từ Ngày Thế Giới Trẻ ở Rio de Janeiro năm 2013 – nhưng không biết phải đi con đường nào để đến.
Ít nhất có hai lời giải thích
Cuối cùng ngài đã quyết định như thế nào? Vì chính ngài là người quyết định. Trong phần giới thiệu “tuyên ngôn” nổi tiếng này, hồng y Victor Emmanuel Fernandez, 61 tuổi, bộ trưởng còn rất trẻ của bộ Giáo lý Đức tin, người bạn Argentina và là nhân viên của ngài được bổ nhiệm vào chức vụ này tháng 7 năm 2023 và được phong hồng y một tháng sau đó, hồng y cho biết đã có những cuộc thảo luận với giáo hoàng. Tuy nhiên, để chống lại bất kỳ phản đối nào, ngài cẩn thận viết: “Tuyên bố cuối cùng đã được đệ trình giáo hoàng, ngài đã ký phê chuẩn.” Nếu chữ ký không có trong tài liệu được công bố ngày thứ hai – thì chính hồng y Fernandez, với tư cách đảm nhiệm việc này, ngài sẽ ký tắt – với sự chấp thuận của giáo hoàng là điều chắc chắn. Quá trình tương tự như ngày 15 tháng 3 năm 2021, về cùng một chủ đề, với cùng sự chấp thuận của giáo hoàng và cùng thẩm quyền, nhưng nội dung hoàn toàn ngược nhau! Người tiền nhiệm của hồng y Fernandez là hồng y Luis Francisco Ladaria Ferrer, tu sĩ Dòng Tên người Tây Ban Nha, đã viết trong một tài liệu chính thức: “Không được phép chúc lành cho các quan hệ hoặc các tương tác, kể cả những quan hệ ổn định, bao gồm việc thực hành tình dục ngoài hôn nhân (ngoài kết hợp bất khả phân ly giữa một người nam và một người nữ, tự nó mở ra cho việc truyền sinh), như trong trường hợp phối hợp của những người cùng giới.” Tuy nhiên, tài liệu này cho phép có “những chúc lành cá nhân dành cho những người có khuynh hướng đồng tính”.
Làm thế nào mà trong ba mươi tháng, Vatican có thể khẳng định một điều và bây giờ lại khẳng định ngược lại? Có ít nhất hai cách giải thích. Giải thích đầu tiên nằm ở sự lộn xộn đáng kinh ngạc xảy ra sau bản cập nhật năm 2021. Hồng y Ladaria Ferrer cho biết Đức Phanxicô đã được “thông báo” về việc công bố và ngài đã “đồng ý” công bố. Điều kỳ lạ là, trong giờ Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật tuần sau, đứng trước sự phản đối kịch liệt của cộng đồng đồng tính công giáo Mỹ và Đức, chính ngài đã chỉnh lại: ngài đi ra khỏi văn bản để công kích “những tuyên bố mang tính pháp lý và chủ nghĩa đạo đức giáo sĩ” để đánh bóng những lời lên án mang tính lý thuyết thay vì thể hiện sự gần gũi, cảm thương và dịu dàng”. Vài ngày sau, ngài tâm sự với một người bạn, thực sự ngài đã “đồng ý” nhưng không bao giờ “ký” vào văn bản này… vì thế cần phải thoát ra khỏi nhập nhằng nước đôi này.
Lời giải thích thứ hai được tìm thấy từ phía các tu sĩ Dòng Tên. Có một nhóm gây áp lực để thúc đẩy trường hợp đồng tính trong Giáo hội, được linh mục Dòng Tên người Mỹ James Martin và tạp chí America do linh mục điều hành. Đức Phanxicô đã đích thân viết thư cho linh mục để trấn an sau “sự cố” ngày 15 tháng 3 năm 2022. Trong bốn năm, Đức Phanxicô đã tiếp linh mục Martin ba lần, gần đây nhất là trong Thượng hội đồng về tương lai của Giáo hội tháng 10. Một sự kiện mà từ đó linh mục James Martin tỏ ra thất vọng, vì đề xuất chúc lành cho các cặp đồng tính đã được đưa vào danh sách thảo luận, nhưng sau đó đã không được giữ lại, bị các giám mục châu Phi phản đối kịch liệt. Do đó, theo một số giám chức, sự thất vọng của Thượng hội đồng đã thúc đẩy ngài phải chấp nhận “chúc lành cho các cặp đồng tính” qua các biện pháp quản lý của bộ Giáo lý Đức tin và như thế là không vãn hồi.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Tổng giám mục Hervé Giraud: “Đức Phanxicô muốn mang một ý nghĩa khác đến cho việc chúc lành”