François Bustillo: hồng y mà mọi người đang nói tới

259

François Bustillo: hồng y mà mọi người đang nói tới

Trong chiếc áo dòng Phanxicô, ở mũi Parata đối diện với Quần đảo Sanguinaires, Vịnh Ajaccio, vào ngày 26 tháng 10. © Alvaro Canovas / Paris Match

parismatch.com, Nicolas Diat, 2023-11-12

Trong hai năm, tu sĩ dòng Phanxicô 54 tuổi này đã thăng tiến không ngừng trong Giáo hội công giáo. Giám mục François Bustillo, giáo phận Ajaccio tiếp chúng tôi ở đảo của ngài.

Ngày 30 tháng 9, dưới ánh nắng rực rỡ tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Phanxicô đã đọc câu truyền thống: “Hãy nhận lấy màu đỏ tía này là dấu hiệu của phẩm giá và chức vụ hồng y, có nghĩa là cha sẵn sàng mạnh mẽ thực hiện chức vụ, đến mức hiến máu của mình để đức tin kitô được phát triển, vì hòa bình và hòa hợp trong dân Chúa, vì sự tự do và mở rộng của Giáo hội công giáo và la-mã thánh thiện.”

Đức Phanxicô đã bổ nhiệm 21 tân hồng y. Khi tên François Bustillo được đọc lên, tiếng reo hò vui mừng vang lên; 850 giáo dân đảo Corse đã về Rôma để tháp tùng giám mục của họ. Đức Phanxicô đã phải ngưng lời khi đám đông reo hò ầm ĩ ủng hộ giám mục của họ. Ngày hôm sau, ngài tâm sự với một trong những cộng tác viên thân cận nhất của ngài, ngài rất ngạc nhiên trước sự nổi tiếng của người vừa mặc áo đỏ.

Thị trưởng Corse đưa 300 người hành hương đến Rôma để tháp tùng tân hồng y Bustillo

Ngài chụp ảnh selfie, ôm, bắt tay giáo dân hàng giờ liền

Về phần tổng thống Emmanuel Macron, ông cũng không lầm. Ngày 28 tháng 9, vài giờ trước bài phát biểu về quyền tự trị của đảo Corse, ông đến ăn sáng tại tòa giám mục Ajaccio. Tổng thống đã đi bộ từ tòa thị trưởng nơi ông ở đến Dòng. Một tuần trước đó, ông đã gặp hồng y François Bustillo lần đầu tiên tại Marseille, trong chuyến tông du của giáo hoàng. Ngay lập tức, ông muốn bắt đầu một cuộc đối thoại.

Được chào đón như một ngôi sao tại Nhà thờ Chúa Thánh Thần San Benedetto, một trong 434 giáo xứ thuộc giáo phận Ajaccio, nơi giám mục sẽ đồng tế thánh lễ. Ngày 25 tháng 10. Paris Match / © Alvaro Canovas

Sự thăng tiến chớp nhoáng trong Giáo hội là điều hiếm thấy. Trong các cung điện Vatican và các văn phòng của tòa khâm sứ, có rất ít chỗ cho phấn khích dưới mọi hình thức. Than ôi! Có rất nhiều gương mặt sáng ngời, những hành trình độc đáo, những nữ tu và linh mục ít được biết đến.

Trong cuộc sống, chúng ta dám liều hoặc chúng ta chết. Nguy hiểm là phải chịu đựng sự tồn tại của mình, bỏ hạnh phúc của mình qua một bên.

Trong hai năm, François Bustillo đã lên mọi cấp bậc của hệ thống cấp bậc công giáo. Bề trên tu viện Phanxicô Narbonne, giám mục Ajaccio  ngày 11 tháng 5 năm 2021, hồng y của Giáo hội hoàn vũ ngày 30 tháng 9 năm 2023, ngài sẽ dự mật nghị bầu giáo hoàng tiếp theo. Điều này không làm nhiều người ngạc nhiên.

Cùng với tổng giám mục Edgar Peđa Parra, phụ tá Quốc vụ khanh, cộng tác viên thân cận của Đức Phanxicô, trong vài tháng, chúng tôi đã viết quyển sách với ba tiếng nói, “Trái tim không bị chia cắt” ( Le Cœur ne se divise pas). Chúng tôi cùng nhau đến Rôma và trong vài ngày, tại văn phòng Quốc vụ khanh, chúng tôi đã soạn thảo văn bản của mình.

Hồng y Bustillo và tổng giám mục Parra, những người chủ chốt của Vatican

François Bustillo không bao giờ ngại trả lời vô số câu hỏi mà tôi hỏi ngài. Ngài không bối rối, không đi đường quanh, không đi đường vòng. Về ơn gọi linh mục, ngài thẳng thắn trả lời: “Ước muốn vào dòng là vì tôi ở trong gia đình công giáo. Theo cách dần dần và đi đường thẳng… Không có mặc khải cụ thể nào cả; tôi chưa từng trải qua giây phút chấn động nào như Thánh Phaolô.”

Gặp thành viên nhỏ nhất trong đàn chiên của ngài… Paris Match / © Alvaro Canovas

Trong cuộc sống, chúng ta dám liều hoặc chúng ta chết. Vì sao lại muốn tính toán mọi thứ? François Bustillo

19 tuổi, chàng trai trẻ François Bustillo không chịu để mình bị tê liệt với  vô số câu hỏi, chàng thích mạo hiểm với đời sống thánh hiến hơn: “Năm 1987, tôi khấn lần đầu. Tôi xúc động khi tôi nói “vâng”. Tôi tự hỏi với những câu hỏi: “Liệu mình có đủ ngoan ngoãn, khéo léo, có đủ năng khiếu không?” Một người trẻ mộ đạo chắc chắn có những nghi ngờ. Sự thật là bạn phải bắt đầu. Trong cuộc sống, chúng ta dám liều hoặc chúng ta chết. Tại sao lại muốn tính toán mọi thứ? Mối nguy hiểm rất đơn giản: “Không làm gì cả, chịu đựng sự tồn tại của mình, bỏ hạnh phúc của mình qua một bên.”

Bustillo không thích trì hoãn. Đôi khi ngài lạm dụng phép ngoa ngôn tiêu biểu của người gốc Navarrese của ngài. Người này tự tin về bản thân mình. Tầm vóc cao lớn của ngài chắc chắn làm cho công việc của ngài thành dễ dàng hơn. Ngài nhanh nhẹn, hoạt bát, chính xác và không quan tâm đến những gì làm tổn thương. Biểu lộ có thể có vẻ kỳ lạ. Nhưng với ngài, nó có một ý nghĩa đặc biệt: chỉ có điều tốt mới làm ngài chú ý. Ngài ghét nói xấu, âm mưu, giả vờ, tầm thường, đạo đức giả. Thậm chí ngài không cần phải chạy trốn chúng. Ngài sải chân bước qua chúng.

Các hiến binh rất vui được nói chuyện với ngài, chắc chắn họ sẽ nâng ly chúc mừng! Trong bữa ăn nhẹ để vinh danh ngài, tu sĩ dòng Phanxicô đã chúc lành cho giáo dân… với một thùng rượu. Paris Match / © Alvaro Canovas

Trước những sai lầm đủ loại, ngài thích sức mạnh của tinh thần khao khát truyền giáo, tinh thần truyền giáo vẫn còn nguyên trong ngài kể từ những năm đầu tập sinh nơi các cha Dòng Phanxicô ở Pađua: “Trong tu viện rộng lớn ở Pađua, tôi dần hiểu được tính chất đặc biệt của đời sống phan sinh. Chúng tôi thường có những cuộc thảo luận phong phú. Tôi cảm thấy mình giống như con bươm bướm muốn khám phá mọi thứ cùng một lúc. Các nhà truyền giáo đến từ châu Mỹ, từ Amazon, từ châu Phi kể những câu chuyện kinh ngạc; với người trẻ, thật thú vị khi được gặp những nhà truyền giáo dũng cảm, thích phiêu lưu đến tận cùng thế giới.”

Khẩu hiệu giám mục của ngài là: “In ipso vita erat”, (Trong Ngài có sự sống)

Trong một cộng đoàn, tuổi tác vừa phải và sức trẻ mạnh mẽ mang lại lợi ích chung: “Tu viện là khoảnh khắc tuyệt vời để khám phá mọi khía cạnh của đời sống tu trì. Tôi đã trải nghiệm một đời sống cộng đoàn kép: giữa các tập sinh, nơi chúng tôi còn trẻ, và ở cộng đoàn quan trọng, đó là cộng đoàn Pađua. Có hai thực tế: tiếp xúc với đàn anh lớn tuổi, những người có kinh nghiệm, và chúng tôi, những người trẻ nhất, tràn đầy tươi mới. Tôi vẫn tin chúng ta cần hai cực này. Chúng tôi có sức mạnh, họ có  khôn ngoan và kinh nghiệm của những người đi trước. Tôi vẫn nhớ gương mặt của những người lớn tuổi, thật đẹp, thật tốt bụng và thân thiện. Có những người kém dịu dàng hơn một chút, kém hòa giải hơn một chút. Tóm lại, cuộc sống… Chúng ta chưa ở thiên đàøng, và thực tế đã cản trở chủ nghĩa lý tưởng. Ở nhà tập sinh, chúng ta có thể rất lãng mạn nhưng rất nhanh chóng, một nguyên tắc thực tế sẽ áp đặt lên.”

Gặp gỡ xung quanh các giá trị thể thao giữa các cầu thủ Gazélec FC và một giám mục nổi tiếng là vận động viên bơi lội và quần vợt xuất sắc. Tại sân vận động U Palatinu ở Ajaccio ngày 24 tháng 10. Paris Match / © Alvaro Canovas

Lịch sử thật hiếu kỳ… Năm 1804, Bonaparte bắt giáo hoàng Piô VII tội nghiệp làm tù binh. Và hồng y Fesch, chú của ngài, anh cùng cha khác mẹ của Letizia, là tổng giám mục của Lyon. Hai thế kỷ sau, một giám mục Corse chưa ai từng biết được giáo hoàng chọn.

Khẩu hiệu giám mục của ngài là: “In ipso vita erat” (Trong Ngài có sự sống). Trên huy hiệu của ngài, ngài khắc huy hiệu gia đình, đầu Maure đảo Corse và huy hiệu của dòng tiểu đệ. Nguồn gốc, lãnh thổ và cộng đồng của

Những người gièm pha nói ngài thích ánh sáng

Ở đảo Corse, ngài dành một nửa thời gian để đi khắp các ngôi làng, nơi hầu hết các chuyến đi đều phải băng qua những ngọn núi. Theo cách nói của ngài, chiếc xe của ngài là “tịnh cốc nhỏ”. Giống như đứa trẻ, ngài say sưa trước một chuyện không có gì. Ngài gần như không bao giờ tỏ ra tức giận; tâm trạng bình thản, vui tươi, nhẹ nhàng. Sự bình thản trong tính cách của ngài gần như bí ẩn.

Những người gièm pha nói ngài thích ánh sáng. Ở Narbonne,ngài đã hình dung những Cuộc gặp của dòng Phanxicô. Trong Hội trường Thượng hội đồng tráng lệ của dinh tổng giám mục, một nhân vật chính trị được mời đến và tranh luận với một nhân vật của Giáo hội Pháp. Đối với ngài, “nếu Giáo hội mất đi các dấu hiệu quyền lực thì phải giữ lại sức mạnh của các dấu hiệu”.

Với các chủ nhân và khách hàng của quán cà phê Le Golfe, họ xin ngài ban phép lành cho họ. Ở Ajaccio, ngày 25 tháng 10. Paris Match / © Alvaro Canovas

Chắc chắn, tòa giám mục Ajaccio có nhiều huy chương hoàng gia. Nhưng trong giáo phận khó nghèo này, với các tu viện nghèo nàn, nhiệm vụ này có vẻ mệt mỏi. Ba giám mục tiền nhiệm của ngài, André Lacrampe, Olivier de Germay và Jean-Luc Brunin không phải lúc nào cũng có một mục vụ dễ dàng.

François Bustillo không bao giờ chán đảo Corse, ngài yêu thương người dân nơi đây

François Bustillo áp đặt thẩm quyền đạo đức của mình bằng lòng tốt và bằng trấn an. Làm thế nào ngài lại có thể hiện thân ở một hòn đảo sẵn sàng nổi loạn và hung dữ như vậy? Cách tòa giám mục một quãng ngắn, ở trung tâm dành cho người nước ngoài, có quần đảo Sanguinaires, nơi có cảnh mặt trời lặn đẹp nhất và những trận chiến thần thoại. Không có gì ngạc nhiên khi quần đảo này là nơi ngài thích đi dạo. Giám mục gặp người đi bộ, chào hỏi mọi người và không bao giờ mệt mỏi khi gặp gỡ giáo dân. Người dân trên đảo bây giờ thật sự tôn kính ngài, mọi thế hệ. Nghe đến tên Bustillo, mắt họ sáng lên.

Các dân biểu đảo Corse nhanh chóng thấy ngài không bao giờ chán đảo Corse và yêu thương người dân ở đây. Gần đây, khi trở về từ một ngôi làng nhỏ ở Casinca, ngài nói với tôi: “Tôi là người của những cuộc gặp gỡ và phiêu lưu. Chiều rộng không gây ấn tượng với tôi.” Chắc chắn tính thế tục của hòn đảo này khác với tính thế tục của Pháp. Quốc ca của Corsica, “Dio vi Salvi Regina”, được dành cho Đức Trinh Nữ Maria.

Tại trung tâm Gioan-Bosco, nơi ngài ở cùng các sinh viên trong chuyến đi Paris ngày 27 tháng 10. Paris Match / © Alvaro Canovas

Sự đơn giản của tu sĩ Dòng Phanxicô đã chinh phục mọi người. Người dân hiểu ngài muốn lợi ích cho xã hội quần đảo. Niềm tự hào được làm hồng y là một biến cách mới của việc đề cao bản sắc. François Bustillo đã nhanh chóng hiểu đạo công giáo ở Corse, cũng như trước ngài về Aude phản giáo hội và Hội Tam điểm. Trong nháy mắt, ngài cảm nhận được những bi kịch của đảo Corse cũng như lòng quảng đại vô tận của người dân ở đây.

François Bustillo tìm cách thức tỉnh đời sống thiêng liêng

Nhưng trước hết ngài là người tự do. Một con người nghịch lý, vừa đơn giản vừa bí mật, vừa trí tuệ vừa cụ thể, vừa nóng nảy vừa kiên nhẫn, vừa nói nhiều vừa im lặng, vừa khéo léo và vô tư. Người không dễ dàng bị đóng khuôn trong các tính từ.

François Bustillo tìm cách thức tỉnh đời sống thiêng liêng. Dĩ nhiên Ajaccio, Bastia, Porto-Vecchio hay Calvi là phòng thí nghiệm về trực giác của ngài. Chúng ta phải nhìn ngài “vận động” theo cách của ngài. Một ngày nọ, khi đi dự thánh lễ ở làng Borgo về, ngài tâm sự với tôi: “Tôi không đến để tìm tiếng nói mà tìm trái tim.” Ngài có thể chụp ảnh selfie, ôm và bắt tay giáo dân hàng giờ liền. Không bỏ mặc. Không mệt mỏi. Nếu chúng ta ngạc nhiên, ngài sẽ trả lời: “Tôi thích giáo dân.” Và tất nhiên thái độ trịch thượng xa lạ với ngài.

Với cánh tay phải là linh mục Frédéric Constant, tổng đại diện giáo phận Ajaccio. Trên ban công tòa tổng giám mục, ngày 25 tháng 10. Paris Match / © Alvaro Canovas

Ngài có thể mất bình tĩnh: “Những người đương thời với chúng ta không còn biết Chúa Kitô nữa.” Ngài từ chối trực diện với giải cấu trúc, với mặc cảm tội lỗi, với tự phạt xác, khi không còn ai muốn vào đạo công giáo.” Nhưng ngài lập tức nhớ lại: “Mục tiêu của Giáo hội không thể là hoán cải như một cỗ máy.”

Vào cuối cuộc họp Thượng hội đồng gần đây, Đức Phanxicô cảnh báo chống lại tất cả những loại thờ ngẫu tượng có thể làm cho các linh mục chao đảo: “Huênh hoang cá nhân, khao khát thành công, tự khẳng định, tham lam tiền bạc, bị sự nghiệp thu hút, các ý tưởng tôn giáo của tôi, các năng lực mục vụ của tôi.” Hồng y François Bustillo cũng có những lời lẽ tố cáo tương tự. Đức Phanxicô nói tiếp: “Không có kinh nghiệm tôn giáo đích thực nào lại điếc trước tiếng kêu gào của thế giới. Không có tình yêu Thiên Chúa nếu không tham dự vào việc chăm sóc người anh em, như người pharisêu.” Giám mục Bustillo liên tục nói những lời giống như thế khi ngài đi thăm các giáo xứ nhỏ nhất.

“Đâu là tầm nhìn?”

Với ngài, bạo lực ý thức hệ là điều đáng ghê tởm. Ngài đẩy nó ra xa, tránh nó, xem thường nó. Đôi khi ngài lo lắng. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu sự giả vờ ngăn ngài không nói chuyện với mọi người?

“Đâu là tầm nhìn?” Ngài thường lặp lại câu hỏi này. Như để trấn an chính mình. Và buộc bản thân phải tìm ra con đường đúng đắn và sáng tạo. Trong tâm trí ngài, sự quản lý làm ngột ngạt và hạ thấp. Những lời mở đầu triều Đức Gioan-Phaolô II là lời của ngài. “Đừng sợ,” giáo hoàng đến từ Đông Âu đã nói lên ở Quảng trường Thánh Phêrô. Đừng để  mình bị ấn tượng, hãy bình tĩnh, hãy trung thành: François Bustillo vững tin vào mục đích của mình. Ngài tố cáo: “Chúng ta phải tránh tâm lý bộ lạc. Nhưng làm thế nào để thành thiểu số sáng tạo? Chính xác hơn: làm thế nào để không hời hợt mà vẫn giữ khiêm tốn? Làm thế nào để vững vàng và lạc quan?”

Ngài thích đi khắp hòn đảo trên chiếc xe của ngài: “Tôi không đi tìm phiếu bầu nhưng đi tìm trái tim.” Paris Match / © Alvaro Canovas

Chúng ta biết câu nói của Nietzsche: “Chúa đã chết! Chúa vẫn chết! Và chính chúng ta đã giết Ngài!” Hậu quả là rất nhiều. Đức Joseph Ratzinger đã xem xét những sai lầm của thuyết tương đối. Ngày 18 tháng 4 năm 2005, trước khi vào mật nghị, ngài đã đưa ra một đánh giá gay gắt về tình trạng trí tuệ của Giáo hội và phương Tây: “Chúng ta đã trải qua bao nhiêu luồng gió giáo lý trong những thập kỷ gần đây, bao nhiêu luồng tư tưởng, bao nhiêu lối suy nghĩ. … Con thuyền nhỏ tư tưởng của nhiều tín hữu kitô thường bị chao đảo bởi những làn sóng này – bị ném từ thái cực này sang thái cực khác: từ chủ nghĩa Mác đến chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa phóng khoáng; từ chủ nghĩa tập thể đến chủ nghĩa cá nhân cấp tiến; từ chủ nghĩa vô thần đến chủ nghĩa thần bí tôn giáo mơ hồ; từ thuyết bất khả tri đến thuyết đồng bộ, v.v. Những giáo phái mới ra đời mỗi ngày và những gì Thánh Phaolô nói về sự lừa dối của con người, những thủ đoạn có xu hướng khiến họ phạm sai lầm đã trở thành sự thật” (x. Ep 4, 14).

Giám mục đảo Corse biết xã hội Pháp đang bị chia cắt một cách nguy hiểm

Để chống lại sự trôi dạt này, hồng y Ratzinger khuyên nên trở về với điều thiết yếu, nghĩa là tín điều: “Có một đức tin trong sáng, theo tuyên xưng đức tin của Giáo hội, thường bị cho là chính thống quá khích. Trong khi chủ nghĩa tương đối, nghĩa là để mình bị cuốn đi “theo mọi luồng gió học thuyết”, dường như là thái độ duy nhất xứng đáng với thời này. Chúng ta đang trong quá trình thiết lập một chế độ độc tài theo chủ nghĩa tương đối, không thừa nhận điều gì là dứt khoát và chỉ xem cái tôi và mong muốn của mình là thước đo cuối cùng.”

Sự cám dỗ trên đài truyền hình trong chương trình “Thật là một thời gian!” của Léa Salamé ngày 28 tháng 10, với Clara Morgane, cựu ngôi sao phim X. DR / © DR

Hồng y François Bustillo cũng cho rằng “khát vọng của chủ nghĩa thế tục xuất phát từ sự kiêu ngạo chứ không phải từ khiêm tốn, từ mong muốn loại bỏ Thiên Chúa và bản chất thiêng liêng của chúng ta. Chúng ta muốn thấy Thiên Chúa bị loại trừ khỏi đời sống công cộng của nhân loại, bị nhốt trong phạm vi chủ quan.”

Mùa hè phụ nữ để ngực trần trên bãi biển. Tôi, theo thói quen mặc áo dòng Phanxicô. Như trong phim Almodovar! François Bustillo

Tu sĩ Dòng Phanxicô muốn tìm một lý tưởng cụ thể: “Chúng ta không được phán xét người khác. Chỉ chúa mới biết. Có phải người Lời Chúa cũng phản ứng là người sơ đẳng và hạn chế đó sao? Từ năm 1994 đến năm 2018, tôi đã ở tu viện Narbonne 24 năm. Trên những vùng đất này, tôi hiểu chủ nghĩa lý tưởng không thể đối lập với chủ nghĩa thực dụng. Chủ nghĩa lý tưởng có lẽ là phương pháp tốt nhất để loại bỏ những lỗi lầm của thế giới ảo. Ở Ajaccio, tôi thường đi bộ trên đường phố. Vào mùa hè, gần thành cổ, trên bãi biển, phụ nữ để ngực trần và tôi mặc áo dòng Phanxicô. Đây là một cảnh trong phim Almodovar. Nhưng ngoài hình ảnh trong phim, tôi phải có mặt ở mọi nơi. Không có chuyện những người được chọn ở một bên và những người bị loại ở bên kia. Một giám mục không có giáo dân là một giám mục bị cắt xẻo.”

Giám mục đảo Corse biết rằng xã hội Pháp đang bị chia cắt một cách nguy hiểm. Ngài nghĩ rằng, tình trạng rối loạn chung của hậu hiện đại là một công trường mà Giáo hội phải đối diện không đạo đức giả. Trong lãnh vực này, ngài luôn nghĩ đến Thánh Phanxicô Assisi. Chân trời của “người tiểu đệ nghèo poverello” lặng lẽ sụp đổ. Trong Giáo Hội, sự buôn thần bán thánh và thô tục của luân lý. Trên thế giới, chiến tranh và đám rước của những cái bóng đẫm máu.

Tân hồng y Bustillo: “Một số người đã bắt đầu cử hành tang lễ cho Giáo hội Pháp!”

Cảm hứng của Đức Bênêđictô XVI

Ngày 21 tháng 12 năm 2009, bài diễn văn chúc Giáng sinh của Đức Bênêđictô XVI đã mang ánh sáng rực rỡ đến cho nền tảng thần học của hồng y Bustillo. Ngài suy tư: “Nhưng tôi nghĩ, điều đặc biệt quan trọng là những người tự cho mình theo thuyết bất khả tri hay vô thần cũng phải gần gũi với tâm hồn chúng ta với tư cách là người tin Chúa. Khi chúng ta nói về tân Phúc âm hóa, những người này có thể sợ. Họ không muốn xem mình là đối tượng của một sứ mệnh, cũng không muốn từ bỏ quyền tự do suy nghĩ và ý chí của mình. Tuy nhiên, câu hỏi về Thiên Chúa vẫn hiện hữu với họ, ngay cả khi họ không thể tin vào tính chất cụ thể của sự quan tâm của Ngài dành cho chúng ta.”

Với Đức Bênêđictô XVI, không phải vì nhiều người bỏ lễ mà họ không còn tìm kiếm Chúa nữa. Khi đến Pháp, ngài đã nói rất nhiều về mong muốn này: “Ở Paris, tôi đã nói về việc tìm kiếm Thiên Chúa như động lực cơ bản cho sự ra đời của chủ nghĩa tu viện phương Tây và cùng với nó, là văn hóa phương Tây. Là bước đầu tiên trong công cuộc truyền giáo, chúng ta phải tìm cách duy trì nhiệm vụ này; chúng ta lưu ý, con người không đặt câu hỏi về Thiên Chúa như câu hỏi thiết yếu về sự tồn tại của mình. Chúng ta phải lưu ý để con người chấp nhận câu hỏi này và nỗi nhớ ẩn chứa trong đó.”

Nghĩ đến việc cải cách Giáo hội mà không hình dung đến việc đón nhận những người không có đức tin là một sai lầm chết người – François Bustillo

Và Đức Bênêđictô XVI kêu gọi quan tâm nhiều hơn đến người không có đức tin trong Giáo hội. Kể từ đầu triều Đức Phanxicô, ngài cũng đã có bài phát biểu tương tự khi nói về “các vùng ngoại vi”: “Tôi chợt nhớ đến một câu nói mà Chúa Giêsu lấy từ tiên tri Isaia, ngôi đền phải là ngôi nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc (x. Is56, 7; Mc11,17). Ngài đã nghĩ đến ngôi nhà cầu nguyện cho tất cả các quốc gia, nơi loại bỏ những hoạt động bên ngoài để có một nơi tự do cho người ngoại giáo muốn cầu nguyện với một Thiên Chúa duy nhất, dù họ không thể tham dự trong huyền bí dành riêng cho nội tâm ngôi đền. Một không gian cầu nguyện cho tất cả mọi người – chúng tôi đang nghĩ đến những người chỉ biết đến Thiên Chúa từ xa; những người không hài lòng với các vị thần, nghi lễ và thần thoại; những người khao khát Đấng Thánh và Đấng Vĩ Đại, ngay cả khi Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa vô danh với họ (x. Cv 17:23). Họ phải có thể cầu nguyện với Chúa vô danh, và từ đó có mối quan hệ với Chúa thật, bất chấp những vùng tối có nhiều bản chất khác nhau. Tôi nghĩ Giáo hội ngày nay nên mở ra một loại “sân trước nhà thờ cho lương dân”, nơi con người có thể bám chặt vào Thiên Chúa theo một cách nào đó mà không cần biết Ngài và trước khi tìm được lối vào mầu nhiệm của Ngài, phục vụ cho mầu nhiệm đó là nội tâm đời sống Giáo Hội. Cuộc đối thoại với các tôn giáo giờ đây trước hết phải được thêm vào cuộc đối thoại với những người xem tôn giáo là một điều xa lạ, những người không biết đến Thiên Chúa và tuy nhiên, những người không muốn đơn giản là không có Thiên Chúa, nhưng ít nhất là đến gần Ngài với tư cách là những người chưa biết…”

Deus absconditus (Chúa ẩn giấu). Hồng y François Bustillo cũng nghĩ Giáo hội không được phạm sai lầm khi cho rằng Thiên Chúa có thể tiếp cận được ngay lập tức. Giáo hội phải liên tục hướng mắt nhìn về những người không nhìn thấy: “Chúng ta đừng quên đề xuất của kitô giáo rất đòi hỏi. Nghĩ đến việc cải cách Giáo hội mà không hình dung đến việc đón nhận những người không có đức tin là một sai lầm chết người.”

Người thích phiêu lưu

Cuối cùng thì François Bustillo cùng đi với ai? Dứt khoát, với Thánh Phanxicô Assisi! Với người mà chúng ta gọi là “người tung hứng của Chúa”. Trong quyển “Vấn đề của Thánh Phanxicô”, tác giả Gilbert Keith Chesterton đã viết: “Cho đến giờ phút cuối cùng của đời sống khổ hạnh, ngài vẫn là người hát rong.” Đã bao nhiêu lần François Bustillo nói với tôi ngài thích phiêu lưu đó ư? Tôi không còn nhớ những giây phút này nhiều như thế nào.

Mùa xuân năm 1206, François Bernardone, con trai của thương gia bán tơ lụa giàu có ở Assisi, một thanh niên có sở thích sang trọng và đắt tiền,  người thích tiệc tùng bắt đầu con đường trở lại. Một lần đi dạo đưa chàng thanh niên đi qua những cánh đồng ô liu ở Umbria, đến nhà thờ nhỏ đổ nát San Damiano. Anh cầu nguyện trước cây thánh giá Byzantine, và anh nghe Chúa Kitô gọi tên anh và nói những lời huyền thoại: “Phanxicô, con hãy đi sửa chữa ngôi nhà của Ta mà con thấy đó, nó đang trong tình trạng đổ nát.” Trong văn phòng của François Bustillo, gần cửa trước, một biểu tượng đẹp tượng trưng cho khung cảnh mang tính biểu tượng này. 

“Nghệ thuật biến những gì cần thiết thành có thể” theo hồng y Richelieu

Việc sửa chữa không là gì nếu không có sự sáng suốt, khiêm tốn và tôn trọng. Chúng ta chỉ sửa chữa một thực tại đã hư hỏng, có lúc huy hoàng, có lúc vinh quang, rồi có tổn thương. Và việc sửa chữa tìm cách khôi phục lại vẻ đẹp ban đầu.

Tất cả cuộc đời của tu sĩ dòng Phanxicô, và người thanh niên tiểu đệ nghèo đều được tìm thấy trong lời của hồng y Richelieu, người muốn trau dồi “nghệ thuật biến những gì cần thiết thành có thể”. Giám mục đảo Corse áp dụng châm ngôn của mình vào chính sách; giám mục truyền giáo thuần túy.

Suy ngẫm về công việc hồng y François Bustillo đã bắt đầu, về con đường phía trước, về những cuộc khủng hoảng không thể thiếu, về những con sói sẽ rình mò, những lời thơ của nhà văn Marguerite Yourcenar, trong “Hồi ký của Hadrien” đến với tôi: “Tôi thường nghĩ đến dòng chữ tuyệt đẹp mà Plotina đã đặt trước ngưỡng cửa thư viện của ông ở diễn đàn Trajan: ‘Bệnh viện của tâm hồn’.”

Marta An Nguyễn dịch

Tân hồng y François Bustillo: “Người phương Tây đã đánh mất GPS nội tâm”