cathobel.be, Ban biên tập, 2023-11-09
Giám mục Johan Bonny, giáo phận Anvers “sống ở thành phố nước Bỉ, nơi có cộng đồng người do thái lớn nhất đất nước” đã công bố bức thư ngỏ về tình hình ở Gaza. Ngài viết: “Israel có quyền tồn tại và tự vệ, không ai nghi ngờ điều này. Nhưng người Palestine cũng có quyền tồn tại và tự vệ.” Giám mục Bonny viết trên quan điểm ngài tín hữu kitô dựa trên lịch sử tôn giáo của chúng ta.
Tôi hiếm khi nghĩ về giáo hoàng Piô XII (1876-1958). Ngoại trừ những ngày và những tuần gần đây, kể từ sau vụ bạo lực của Hamas ngày 7 tháng 10 và các vụ đánh bom ở Gaza. Từ những năm 1960, giáo hoàng Piô XII đã giữ thái độ trung lập quá lâu, ngài đã không phản ứng gay gắt đủ trước nước Đức hùng mạnh, làm cho ở một số nơi đặt cho ngài biệt danh “giáo hoàng đức quốc xã”.
Giám mục Johan Bonny, giáo phận Anvers.
Từ đâu bắt đầu và từ đâu mới kết thúc sự im lặng tội lỗi này?
Từ quá khứ đến hiện tại chỉ cách nhau một bước nhỏ. Trong tờ báo sáng nay tôi đọc tin, có 4.000 trẻ em đã chết ở Gaza, tức là khoảng 400 trẻ em mỗi ngày. Ông James Elder, phát ngôn viên của cơ quan UNICEF cho biết: “Gaza đã trở thành nghĩa địa của trẻ em. Và với mọi người, đó là địa ngục.”
Phương Tây phản ứng trong bối rối và mâu thuẫn. Nhiều người giữ quan điểm “trung lập”. Trong khi đó, các cường quốc quân sự lại ủng hộ quân đội Israel. Vì “mọi thứ đều rất phức tạp!”, vì “chúng ta phải ủng hộ một nền dân chủ phương Tây như Israel!”. “Tại sao tôi ngồi đây với tư cách là giám mục và im lặng? Tôi phải giữ lại cho ai, tôi phải giữ lại gì?”
Bằng chứng ngoại phạm lý tưởng
Tôi sống ở một thành phố nước Bỉ, nơi có cộng đồng do thái lớn nhất nước. Tôi có quan hệ tốt với cộng đồng do thái. Tôi là thành viên của Cơ quan Tư vấn Kitô giáo và Người Do Thái ở Bỉ (OCJB). Tôi nên nói hay im lặng, và vì ai? Ai sẽ là bạn hay kẻ thù của tôi khi tôi nói? Đây là một chuyện phức tạp. Israel có quyền tồn tại và tự vệ, không ai có thể nghi ngờ điều đó. Nhưng người Palestine cũng có quyền tồn tại và tự vệ.
Thật không may, mọi nỗ lực nhằm có được giải pháp cho hai nước đều bị tẩy chay một cách có hệ thống và có chiến lược. Cho đến khi có một vụ nổ có thể đoán trước và khi đó nó được cấp bằng chứng ngoại phạm hoàn hảo.
Vụ nổ xảy ra. Cuộc tấn công cuối cùng dường như đã bắt đầu. Hiện nay không ai tin vào sự chung sống hòa bình trên lãnh thổ được uỷ trị trước đây của Palestine. Các trẻ em phải chết. Người trẻ phải ra đi. Những người khác sẽ cực đoan hóa (họ sẽ làm gì nữa?). Và sau Gaza, Cisjordanie sẽ theo sau. Nhân quyền và luật pháp quốc tế ở đâu?
Với tư cách là giám mục, tôi muốn giới hạn bản thân tôi trong lãnh vực của tôi, đó là lãnh vực đức tin. Người tín hữu kitô và người tín hữu do thái cùng có Sách Thánh chung, những quyển sách mà chúng tôi gọi là Cựu Ước. Nhưng kể từ cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, cách giải thích của chúng tôi về những bài viết này không đi cùng một con đường. Sự khác biệt này không ở chi tiết nhưng ở cốt lõi của vấn đề: tình yêu của Chúa và sự cứu rỗi của Chúa không còn gắn liền với một quốc gia, chủng tộc hay một văn hóa nào. Trọng tâm của kitô giáo là tính phổ quát của ơn cứu độ. Tất cả các quyền và nghĩa vụ gắn liền với đức tin kitô giáo đều mang ý nghĩa phổ quát. Vượt lên trên mọi lợi ích cá nhân, thậm chí mọi lợi ích tôn giáo riêng tư.
Tôn giáo, máu và bạo lực
Vì thế, theo quan điểm kitô giáo, không có lời nào của Thiên Chúa trong Cựu Ước, mà sau cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, có thể hợp pháp hóa việc phục hồi bằng bạo lực hoặc mở rộng quân sự đối với cái gọi là “vùng đất trong Kinh thánh”. Thiên Chúa của Israel là Cha của mọi người, như sách Sáng thế ký đã nói.
Điều đáng phẫn nộ là một số nhà lãnh đạo chính trị và quân sự của Israel lạm dụng các chủ đề Kinh thánh để hợp pháp hóa hành động giết người của họ. Họ làm hại cho tôn giáo của họ và cho tất cả các tôn giáo trên thế giới. Họ làm cho xấu xa ý nghĩa của những thành ngữ đẹp nhất của Kinh thánh như Được chọn, Giao ước, Lời hứa, Xuất hành, Miền đất hứa hay thậm chí là Giêrusalem của ngày cánh chung. Họ củng cố ấn tượng rằng tôn giáo gắn liền với máu, đất đai và bạo lực.
Tất nhiên, tôi nói điều này với tư cách là một tín hữu kitô. Và với tư cách là tín hữu kitô, tôi cũng phải thận trọng với quá khứ của tôi. Nhưng khi nói như vậy, tôi buộc phải thấy sự khác biệt cơ bản – và đó chính là sứ điệp – Chúa Giêsu thành Nadarét đã chết trên thập giá. Vào thời điểm đó: một người do thái Palestine, 33 tuổi.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch