“Xin anh em là tấm gương cho thế giới!” : thư riêng của Đức Phanxicô gởi các linh mục Rôma

150

“Xin anh em là tấm gương cho thế giới!” : thư riêng của Đức Phanxicô gởi các linh mục Rôma

Trong một thư gởi các linh mục giáo phận Rôma, Đức Phanxicô xin các linh mục giáo phận Rôma: “Chúng ta hãy xắn tay áo và khuỵu gối xuống!”

​Đức Phanxicô trong một lần gặp các chủng sinh và linh mục giáo phận Rôma

famillechretienne.fr, I.Media, 2023-08-07

Trong việc tiếp tục cải cách giáo phận của mình, bắt đầu từ năm nay, Đức Phanxicô xin gần 3.700 linh mục của thủ đô nước Ý trở thành “tấm gương” cho thế giới, bằng cách về với “các nguồn Tin Mừng để thổi một tinh thần mới trong thể chế giáo hội xưa cũ”. Như thường lệ, ngài cảnh báo chống lại thói thời thượng thiêng liêng và chủ nghĩa giáo quyền.

Ngày 6 tháng 1, ngài đã công bố tông hiến Trong tình hiệp thông Giáo hội (In Ecclesiarum Communione), một tông hiến cải cách Giáo phận Rôma – mà ngài có thẩm quyền với tư cách là Giám mục Rôma – để biến giáo phận thành một giáo phận “kiểu mẫu”, mang tính đồng nghị và truyền giáo hơn. Bản cập nhật này được tiếp tục ngày 15 tháng 2 để nắm lại quyền kiểm soát các cấu trúc kinh tế và tài chính của giáo phận.

Gần sáu tháng sau, giám mục Rôma gởi cho các linh mục trong giáo phận của ngài nhân dịp lễ cung hiến vương cung thánh đường Đức Bà Cả cho Mẹ Thiên Chúa, được cử hành vào ngày 5 tháng 8 hàng năm. Theo tương truyền, Đức Mẹ nói nơi xây dựng nhà thờ này cho giáo hoàng Liberius năm 366 bằng cách làm cho tuyết rơi giữa tháng 8 trên đồi Esquiline. Đức Phanxicô gắn bó với vương cung thánh đường này, trước mỗi chuyến tông du ra nước ngoài ngài thường đến đây cầu nguyện, và sau khi về, ngài đến tạ ơn Đức Mẹ.

Đức Phanxicô biết thời gian này các linh mục đi nghỉ hè, nhân cơ hội ngài gởi cho họ bài suy tư dài bốn trang về “những khoảnh khắc tăng năng lượng” mà họ cần. Tuy ngài không đi nghỉ hè, nhưng ngài hiểu việc nghỉ ngơi về thể chất và tinh thần là cần thiết.

Ngài cũng xin các linh mục mình tìm nghỉ ngơi trong “tình anh em vì sẽ được an ủi, mang lại không gian tự do nội tâm và không làm cho chúng ta cảm thấy đơn độc khi đối diện với những thách thức của thừa tác vụ”. Vì thế, ngài xin họ “vun trồng ơn hiệp thông quý giá và luôn sẵn sàng ban ơn tha thứ của Thiên Chúa cho những người được họ chăm sóc”.

Những hiểm nguy của thói thời thượng

Đức Phanxicô một lần nữa cảnh báo họ chống lại “chủ nghĩa hình thức đạo đức giả”, trong đó linh mục núp vào thói thời thượng, không ở trong mối liên hệ anh em và thương xót này. Ngài cảnh báo, đó là một “lối sống hạ thấp giá trị thiêng liêng xuống thành những hình thức bề ngoài, biến các linh mục thành những người buôn thần bán thánh”. Họ khoác lên mình những hình thức thiêng liêng nhưng tiếp tục suy nghĩ và hành động theo kiểu thế gian”.

Theo ngài, sự cám dỗ ngọt ngào và ngấm ngầm này phát sinh từ thói “tự yêu mình”, đặc biệt biểu lộ qua việc cố chấp về giáo lý và chủ nghĩa thẩm mỹ phụng vụ. Nhiều lần ngài trích dẫn các câu nói của các nhà thần học Henri de Lubac và Yves Congar, ngài xin các linh mục phải hết sức “cảnh giác nội tâm” để chống lại khuynh hướng tai hại này.

Đức Phanxicô đặc biệt lo lắng về một loại biểu hiện thói thời thượng thiêng liêng, chủ nghĩa giáo quyền, vốn ảnh hưởng đến các linh mục và thậm chí lan ra cả giáo dân và các nhân viên mục vụ. Ngài nhắc lại định nghĩa: “Khi, có thể do không nhận ra điều này, chúng ta tỏ ra cho mọi người thấy chúng ta vượt trội, có đặc quyền, được đặt ‘ở trên’ và do đó tách biệt khỏi phần còn lại của dân thánh Chúa”.

Thuốc giải độc cho chủ nghĩa giáo quyền

Nhưng Đức Phanxicô trấn an khi ngài đưa ra “liều thuốc giải độc hàng ngày” cho tính thế tục và chủ nghĩa giáo quyền, đó là “nhìn vào Chúa Giêsu bị đóng đinh”. Ngài xin các linh mục hàng ngày hướng mắt về Đấng đã trần truồng và hạ mình cho đến chết vì chúng ta. Ngài nhấn mạnh: “Đó là tinh thần linh mục: trở thành tôi tớ của dân Chúa chứ không phải là ông chủ, rửa chân cho anh chị em chúng ta chứ không chà đạp họ dưới chân chúng ta.”

Vì thế ngài khuyến khích các linh mục khởi xướng “những con đường đồng nghị” trong thừa tác vụ của họ. Ngài khẳng định, những điều này giúp “lột bỏ những xác quyết của thế gian và của hàng giáo sĩ”.

“Chủ nghĩa giáo quyền của các giáo dân là một hình thức thờ thần tượng”

Thư cá nhân

Các chủ đề Đức Phanxicô đề cập đến – chủ nghĩa giáo quyền, tính đồng nghị hay tinh thần thế tục – là những sợi chỉ đỏ của triều của ngài và đã là chủ đề của rất nhiều tuyên bố và giáo huấn, nhưng hình thức trong bức thư này mang tính mục vụ và cá nhân hơn bình thường. Ngài đặc biệt cám ơn các linh mục trong giáo phận của ngài vì công việc và dấn thân hàng ngày của họ, ngài nói, ngài gần gũi với niềm vui của họ cũng như những cay đắng và đau khổ của họ.

Ngài cẩn thận giải thích các lời khuyên của ngài, ngài xem mình là một ông già nói tận đáy lòng: “Tôi cảm thấy tôi đang đi cùng anh em. Trong lời cầu nguyện, tôi cảm thấy Chúa xin chúng ta đi sâu vào cuộc chiến chống lại tinh thần thế gian. Sứ vụ linh mục chúng ta không đo lường bằng thước đo thành công mục vụ. Thiên Chúa không đòi hỏi chúng ta một thời khóa biểu được ấn định bằng tiêu chuẩn hiệu quả nhưng ban cho chúng ta sự quan tâm và an ủi.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Đức Phanxicô xin các linh mục giáo phận Rôma cẩn thận với chủ nghĩa giáo quyền