Đức Phanxicô xin các linh mục giáo phận Rôma cẩn thận với chủ nghĩa giáo quyền 

172

Đức Phanxicô xin các linh mục giáo phận Rôma cẩn thận với chủ nghĩa giáo quyền 

vaticannews.va, Salvatore Cernuzio, Vatican, 2023-08-07

Đức Phanxicô trong một lần gặp các chủng sinh và linh mục giáo phận Rôma

Ngày thứ hai 7 tháng 8, trong một thư riêng Đức Phanxicô gởi cho các linh mục giáo phận Rôma, trước hết ngài cám ơn tinh thần phục vụ quý báu của họ, thường được ẩn giấu hoặc ít được công nhận, một công việc làm giữa bao khó khăn. Trong thư ngài cũng cảnh báo chống lại các cám dỗ không tránh được của chủ nghĩa giáo quyền và thói thời thượng.

Bức thư dài đề ngày 5 tháng 8 năm 2023, kỷ niệm lễ cung hiến vương cung thánh đường Đức Bà Cả, được viết giữa nhiều cuộc họp trong Ngày Thế Giới Trẻ như một thư riêng, là ân lành của lời cầu nguyện trước tượng Salus Populi Romani (Sự Cứu rỗi của Người dân La-mã) mà Đức Phanxicô dâng hiến các linh mục giáo phận Rôma cho Đức Mẹ.

“Tôi đã cầu xin Chúa gìn giữ và bảo vệ anh em, lau khô những giọt nước mắt thầm kín của anh em, thắp lại niềm vui của chức vụ trong anh em và làm cho anh em trở thành mục tử trong tình yêu của Chúa Giêsu mỗi ngày”.

Một sứ vụ “ẩn giấu”

Chính điểm cuối cùng này dường như làm ngài bận tâm, ngài luôn cho mình là giám mục giáo phận Rôma, lo lắng cho sự vỡ mộng của các linh mục với ơn gọi và sứ vụ của họ. Ngài hiểu đây là một sứ vụ đầy “niềm vui và thử thách, hy vọng và thất vọng”, và thường xảy ra trong những lúc mệt mỏi và bị hiểu lầm. Ngài lặp lại nhiều lần lời cám ơn trong bức thư: “Cám ơn vì những điều tốt đẹp ẩn giấu anh em làm; cám ơn vì công việc đôi khi không được công nhận. Nhưng thừa tác vụ linh mục chúng ta không nên đo bằng các thành công mục vụ.”

Thói thời thượng và chủ nghĩa giáo quyền

Ngài viết: “Tôi cảm thấy gần gũi và cùng đi với anh em trong niềm vui cũng như trong nỗi đau của anh em, trong những dự án và đau khổ của anh em, trong cay đắng và an ủi mục vụ của anh em”. Sau đó ngài nói đến tệ nạn xấu nhất với chức vụ linh mục: thói thời thượng và chủ nghĩa giáo quyền. Những cám dỗ đã bị ngài lên án trong mười năm qua: ngài xin lỗi một số đoạn trong thư ngài đã lặp lại nhiều điều đã nói, nhưng, ngài nhấn mạnh, đó là những cảnh báo cần thiết. Ngài viết theo những gì ngài cho là ưu tiên. Ngài nhắc đến thần học gia Henri de Lubac, người đã cảnh báo về những hiểm nguy của “lối sống hạ thấp thiêng liêng xuống thành các hình thức bên ngoài.”

Thói thời thượng làm chúng ta trở thành “công nhân của tinh thần”, những người khoác lên mình hình thức thiêng liêng, nhưng

Trên thực tế lại suy nghĩ và hành động theo thế gian.

Những hình thức bên ngoài của lòng mộ đạo

Đức Phanxicô viết: “Điều này xảy ra khi chúng ta cho phép mình bị quyến rũ bởi những cám dỗ phù du, bởi sự tầm thường, bởi thói quen nếp cũ, bởi những cám dỗ quyền lực và ảnh hưởng xã hội, bởi hư vinh và thói tự yêu mình, bởi cố chấp về giáo lý và chủ nghĩa thẩm mỹ phụng vụ, bởi các hình thức và cách thức mà thói thời thượng thường ẩn giấu đằng sau bề ngoài của lòng mộ đạo và ngay cả một tình yêu cho Giáo hội, nhưng thực tế là đi tìm vinh quang và hạnh phúc cho cá nhân thay vì cho Chúa.”

Cám dỗ ngọt ngào

Đức Phanxicô nhấn mạnh, thói thời thượng là một cám dỗ “ngọt ngào nên nó càng ngấm ngầm hơn”. Nó ngấm ngầm thể hiện, bó biết cách che giấu đằng sau bề ngoài đẹp đẽ với động cơ tôn giáo. Tóm lại, đó là “con quỷ lịch sự” mà ngài đã nói đến trong bài phát biểu trước Giáo triều La Mã năm 2022, những kẻ đến rồi đi và “đập phá một cách lịch sự”.

Tự cho mình ở trên cao

Khi tính thế tục này đã vào trái tim các mục tử thì nó núp dưới hình thức cụ thể, đó là chủ nghĩa giáo quyền. Đức Phanxicô xin lỗi: “Tôi xin lỗi vì đã nhấn mạnh nhiều lần, nhưng là linh mục, tôi nghĩ anh em hiểu tôi vì anh em cùng chia sẻ những gì anh em chân thành tin tưởng, theo nét đẹp tiêu biểu của người la-mã thường nói là Romanesco!, chân thành của đôi môi xuất phát từ trái tim, và có hương vị của trái tim. Là người ông và tận đáy lòng tôi, tôi nghĩ tôi có thể nói với anh em, khi chúng ta quay về với chủ nghĩa giáo quyền; khi, có lẽ không nhận thức, chúng ta để mọi người nghĩ rằng chúng ta ở trên, có đặc quyền vì thế chúng ta tách biệt khỏi phần còn lại của dân Chúa.”

Nghĩ đến hình ảnh và thành công của mình

Đức Phanxicô nhắc lại, chủ nghĩa giáo quyền là một căn bệnh, dẫn đến việc sống quyền bính dưới các hình thức quyền lực khác nhau, không ý thức về tính hai mặt, không khiêm nhường nhưng có thái độ xa cách và kiêu ngạo. Ngài trích dẫn ẩn dụ về “sữa” và “len” (thức ăn nuôi dưỡng và áo sưởi ấm) được tiên tri Êdêkien và Thánh Augutinô đề cập, để cảnh báo về nguy cơ “nuôi sống bản thân và những sở thích của chúng ta bằng cách che đậy bản thân bằng một cuộc sống thoải mái”.

Ngài viết: “Khi chúng ta chỉ chỉ nghĩ đến sữa, chúng ta nghĩ đến lợi ích cá nhân của mình; khi chúng ta bị ám ảnh phải đi tìm len, chúng ta chỉ nghĩ đến việc trau chuốt hình ảnh của mình và đi tìm thành công thêm. Đây là cách chúng ta đánh mất tinh thần chức thánh.”

Nhìn vào Chúa Giêsu

Theo ngài, “ngợi khen, cảm nhận được ân sủng, kinh ngạc trước sự nhưng không của tình yêu Thiên Chúa” giúp chúng ta ngăn chặn những thái quá này. Nhưng trên hết, chúng ta có một “thuốc giải độc hàng ngày là nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đinh, mỗi ngày nhìn vào Đấng đã tự hiến mình, tự hạ mình cho đến chết vì chúng ta”. Vì thế anh em hãy trở thành tôi tớ của dân Chúa chứ không làm chủ, rửa chân cho anh chị em chúng ta, chứ không chà đạp họ dưới chân chúng ta. 

Cảnh giác

Đức Phanxicô thúc giục: “Vì thế, anh em tiếp tục cảnh giác khi đối diện với chủ nghĩa giáo quyền vì chủ nghĩa này có thể ảnh hưởng đến tất cả mọi người, kể cả giáo dân và các nhân viên mục vụ: thực tế chúng ta có ‘tinh thần giáo sĩ’ khi chúng ta thi hành các sứ vụ và đoàn sủng, sống ơn gọi của mình như thành phần của những người ưu tú, rút vào nhóm của mình và dựng lên các bức tường ngăn cách chúng ta với thế giới bên ngoài, phát triển loại quan hệ chiếm hữu với các vai trò trong cộng đồng, nuôi dưỡng thái độ kiêu ngạo và huyênh khoang với người khác.”

Các triệu chứng lúc đó sẽ rất hiển nhiên: phàn nàn, tiêu cực, bất mãn kinh niên với những gì sai trái, châm biếm trở nên xy-níc. Khi đó cộng đồng chìm đắm trong bầu khí chỉ trích và giận dữ thay vì trở thành người đơn sơ và dịu dàng của Tin Mừng, với lòng tốt và sự tôn trọng, với tinh thần giúp đỡ anh em chúng ta thoát khỏi vũng cát lún của sự thiếu kiên nhẫn” .

“Anh em đừng nản lòng”

Đức Phanxicô khích lệ: “Bao nhiêu là yếu đuối, bao nhiêu là thiếu sót nhưng anh em đừng nản lòng!”

Ngài mời các linh mục “xắn tay áo lên và quỳ gối xuống, anh em có thể làm được!” Ngài nói: “Chúng ta cùng cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, xin Ngài giúp chúng ta không sa ngã, trong đời sống cá nhân cũng như trong đời sống mục vụ, rơi vào hình thức tôn giáo đầy rẫy đủ chuyện, nhưng trống rỗng không có Chúa, để không là công chức của giáo chức nhưng là người nhiệt thành loan báo Tin Mừng, không phải là “thư ký Nhà Nước” nhưng là mục tử của giáo dân.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

“Xin anh em là tấm gương cho thế giới!” : thư riêng của Đức Phanxicô gởi các linh mục Rôma