Tại Lisbon, người Nga và người Ukraine dự Đại hội nhưng không gặp nhau
Một nhóm 300 thanh niên Ukraine tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới. Giữa lời cầu nguyện cho đất nước, giữa các hành động giúp nhận thức, các bạn trẻ làm chứng cho cuộc sống hàng ngày của họ ở một đất nước có chiến tranh và cho thấy họ không giống như các thanh niên Nga tham dự Đại hội.
la-croix.com, Matthieu Lasserre, Lisbon, 2023-08-03
300 bạn trẻ Ukraine dự Ngày Thế Giới Trẻ, 15 trong số họ đã gặp Đức Phanxicô sau cánh cửa đóng kín ngày thứ năm, 3 tháng 8. THOMAS COEX/AFP
Trên sân khấu của Trung tâm Văn hóa Belém, các cô Mariia 31 tuổi, Natalia 33 tuổi và Oksana 28 tuổi hát bài ca yêu nước bằng tiếng Ukraine, trên tay là lá cờ xanh vàng, trong im lặng ngưỡng mộ của hội trường.
Ba phụ nữ trẻ trong số khoảng 300 thanh niên Ukraine tham dự Ngày Thế Giới Trẻ với sự hỗ trợ của Hiệp hội Đông phương.
Đức Phanxicô gặp 15 các bạn trẻ Ukraine đi dự ngày Đại hội Giới trẻ Thế giới
Giữa đám đông hành hương, lá cờ Ukraine như thỏi nam châm. Nhiều người chen nhau để chụp hình, họ hô to “Vinh danh cho Ukraine!” Cô Mariia làm chứng: “Khi các bạn trẻ nghe chúng tôi nói tiếng Ukraina, họ đến gặp chúng tôi,” cô đến đây để hiệp nhất với các bạn trẻ công giáo toàn cầu, tạo sức mạnh cho người Ukraine.
“Chúng tôi kêu lên tới trời”
Cô nói: “Trong lời cầu nguyện của chúng tôi, chúng tôi mang theo gia đình, bạn bè của chúng tôi ở Ukraine. Cầu nguyện cho tất cả người trẻ đang chiến đấu để bảo vệ người dân và đất nước chúng tôi. Chúa sẽ đưa chúng tôi đến chiến thắng”, cô có ánh mắt sắt đá của những người đã trải qua những kinh nghiệm khốn khổ nhất.
Dù thành phố cô ở xa mặt trận, nhưng Natalia muốn làm chứng cho cuộc sống đã bị đảo lộn của cô do cuộc xâm lược của Nga và nỗi kinh hoàng do chiến tranh gây ra: “Chúng tôi bị ném bom, chúng tôi đón nhận người tị nạn tại chỗ. Chúng tôi cầu nguyện xin được an toàn và chúng tôi kêu lên tới trời. Tôi đến để gặp lại Thiên Chúa hằng sống. Tôi muốn trở lại Ukraine trong sức mạnh của cuộc gặp gỡ này.”
Cuộc chiến Ukraine liên quan đến toàn Âu châu
Tại Lisbon, 300 người Ukraine thường xuyên làm các hành động để mọi người đừng quên cái ác mà Nga đã mang đến cho thế giới. Cô Natalia nói: “Chúng ta phải luôn nhớ nếu Ukraine không chiến đấu ở tiền tuyến, tội ác này có thể lan đến Âu châu.” Linh mục hy lạp-công giáo Roman Demush đứng bên cạnh các bạn trẻ ngài có trách nhiệm hướng dẫn, cha có bộ râu đen và ánh mặt sắc sảo tiếp lời cô Natalia: “Nói về chiến tranh, nói về những người đau khổ không phải là nói về chính trị, nhưng là nói về cuộc sống.”
Cho rằng linh mục muốn bảo vệ các bạn trẻ của ngài thì hơi quá. Khi được hỏi về sự hiện diện của một nhóm thanh niên công giáo Nga ở đây, các cô để linh mục Demush trả lời giùm: “Điều quan trọng là không làm cho các bạn trẻ của chúng ta thêm đau khổ.”
Lo sợ phản ứng của những người hành hương
Vài giờ trước đó, cách Trung tâm Văn hóa Belém vài cây số, trên sân trước của Nhà thờ Đức Mẹ Thương xót, một yên lặng hiếm có bao trùm khu vực này. Phải đi qua cánh cửa đầu tiên của tòa nhà và tinh mắt để thấy bảng thông tin.
Những câu giải thích được viết bằng tiếng Bồ Đào Nha, Pháp, Tây Ban Nha, Anh và… Nga. Ở đó có các bài giáo lý cho 16 bạn trẻ đến từ Matxcova, chỉ có hơn 10 người có quốc tịch Nga, còn lại là sinh viên nước ngoài. Ở đây, lá cờ quốc gia không được kéo lên. Cô Vera, ngoài 30 tuổi, cho biết: “Chúng tôi đã trưng lá cờ vào ngày đầu tiên, hầu hết mọi người phản ứng tích cực, đối xử với chúng tôi như con người chứ không phải như người Nga trong những ngày này. Nhưng có một số đã có những phản ứng rất tiêu cực và bây giờ chúng tôi ngần ngại khi trưng cờ ra.”
Dấu hiệu của căng thẳng trong nhóm, có hai bạn trẻ đã hủy chuyến đi của họ vào giờ chót vì sợ ánh mắt của các người hành hương khác. Những người khác chưa nhận giấy phép của chính quyền Nga. Chiến tranh không bao giờ được đề cập một cách rõ ràng, đây là chủ đề cấm kỵ. Người ta chỉ nói đến một “tình huống khó khăn”.
Một cô hành hương Nga người gốc Ukraine, phần lớn gia đình cô còn sống ở Ukraine lấy làm buồn: “Đức tin là điều cuối cùng giúp chúng tôi đứng vững. Chúng tôi đã gặp các bạn hành hương Ukraine, nhưng chúng tôi không dám gặp, chúng tôi sợ phản ứng của họ, tôi cũng muốn thử nói chuyện với họ.”
Tất cả chúng ta đều là thành viên của Giáo hội hoàn vũ
Dù sợ hãi nhưng cô Vera không hối hận khi đến Lisbon, cô tin tưởng: “Điều này tùy thuộc vào chúng ta, chúng ta có sứ mệnh chữa lành vết thương qua đối thoại và gặp gỡ, chúng ta xây dựng những cây cầu cho tương lai. Không làm những việc to tát, là thành viên của Giáo hội hoàn vũ, chúng ta cầu nguyện cho hòa bình.”
Cố gắng này không có tiếng vang nơi những người Ukraine, họ gián tiếp chống sự kết thúc không thể chấp nhận được. linh mục Roman Demush nói: “Chúng ta đừng làm trầm trọng thêm vết thương của các bạn trẻ Ukraine. Trên tất cả, các thanh niên Nga này phải đứng lên và nêu đích danh tội ác. Nếu họ không làm, thì họ dung thứ cho những tàn ác của quân đội họ gây ra.” Với một tuyên bố công khai như vậy có thể là vấn đề pháp lý khi họ trở về, do chế độ đàn áp của Putin, kể từ đầu chiến tranh, họ đã thắt chặt chế độ kiểm soát mạng truyền thông.
Ngoại giao của Vatican thận trọng về một cuộc gặp có thể có giữa người Nga và người Ukraine. Một nguồn tin của Vatican giải thích: “Những kinh nghiệm trước đây đã tạo ra những căng thẳng lớn, đặc biệt là đối với chính phủ Ukraine.”
Chiều thứ năm Đức Phanxicô sẽ khai mạc Ngày Thế Giới Trẻ. Ngài thứ sáu ngài sẽ đi Đàng Thánh Giá với các bạn trẻ tại Công viên Édouard-VII.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Video Đức Phanxicô gặp các bạn trẻ Ukraine
#JMJ : Le pape François a rencontré un groupe de 15 jeunes pèlerins Ukrainiens 👉 https://t.co/Wcdsg7Iav5 pic.twitter.com/dyDaK1L5oA
— Aleteia (@AleteiaFR) August 3, 2023
Hình ảnh Đức Phanxicô gặp các bạn trẻ Ukraine đi dự Ngày Thế Giới Trẻ ngày thứ năm 3 tháng 8
Ngày Thế Giới Trẻ tại Lisbon: quốc ca, logo, khẩu hiệu… 10 điều các bạn cần biết