Bốn giám mục Đức muốn theo Giáo hội hoàn vũ trong các cải cách đồng nghị
fr.zenit.org, Ban biên tập, 2023-06-22
Bốn giám mục của Hội đồng Giám mục Đức muốn cùng nhau tiến lên và phối hợp với tiến trình đồng nghị của Giáo hội hoàn vũ trên con đường tiến tới một Giáo hội hiệp hành hơn trong giáo phận của họ.
Giám mục Gregor Maria Hanke (Eichstätt), giám mục Stefan Oster (Passau), giám mục Rudolf Voderholzer (Ratisbonne) và hồng y Rainer Maria Woelki (Cologne) nhấn mạnh, dự án tổ chức một ủy ban công nghị ở Đức hiện nay và sau đó sẽ thực hiện một ủy ban thượng hội đồng, đi ngược lại với những chỉ thị rõ ràng của giáo hoàng, vốn là cơ sở của bức thư của ba hồng y ngày 16 tháng 1 năm 2023. Các giám mục nói: “Đó là lý do vì sao vào thời điểm này chúng ta không thể theo cách tiếp cận đó.” Các giám mục muốn trước tiên tập trung vào công việc và kết quả của Thượng hội đồng giám mục thế giới – và chỉ sau đó mới xem xét các hình thức tổ chức mới có thể có ở Đức. Vì thế các văn bản đã được chấp thuận theo phương thức đồng nghị hiện nay phải được đưa vào cuộc đối thoại với Rôma và vào tiến trình đồng nghị của Giáo hội hoàn vũ. Hơn nữa, đây là những gì đã được thỏa thuận trong chuyến đi ad limina của các giám mục Đức đến Rôma vào tháng 11 năm ngoái, khi đó không có lúc nào vấn đề một cơ quan mới được đề cập.
Các giám mục nhấn mạnh: “Không phải là không thể nhưng khi chúng ta lên chương trình một cơ quan khác hiện nay, với rất nhiều tiền bạc và nỗ lực mà các năng lực không rõ ràng – chỉ để cuối cùng cho thấy chúng ta không thể làm theo cách đó”. Ngoài ra, một ủy ban đồng nghị cũng cần có cơ sở pháp lý. Nó phải được thực hiện bởi Hội đồng Giám mục và Ủy ban Công giáo Trung ương (ZdK). Vậy mà không có một quyết định chính thức nào được hai cơ quan này đưa ra.
Hơn nữa, các giám mục giải thích: “Trong khuôn khổ của con đường đồng nghị, các quyết định đã đưa ra đã làm cho nhiều tín hữu trên khắp thế giới quan tâm: đây là những câu hỏi sâu sắc về giáo lý, trên hết là giáo lý về Giáo hội, về con người, về các bí tích.” Nếu bây giờ chúng ta tiến hành một cách miễn cưỡng ở Đức, thì sự khác biệt giữa các tín hữu tại đây, giữa các giám mục và trong sự chung sống của Giáo hội hoàn vũ sẽ chỉ gia tăng. Dĩ nhiên, đúng là một số chủ đề của cách thức đồng nghị cần được thảo luận, đặc biệt là ở các nước phương Tây, nhưng cũng có những tiếng nói mạnh mẽ ở khắp nơi xác nhận học thuyết có hiệu lực về những điểm này. Ngoài ra, một số vấn đề sâu sắc đến mức chúng chỉ có thể được giải quyết bởi một công đồng.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch