Hồng y Konrad Krajewski, cánh tay bác ái của Đức Phanxicô ở Ukraine

123

Hồng y Konrad Krajewski, cánh tay bác ái của Đức Phanxicô ở Ukraine

Kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine bùng nổ ngày 24 tháng 2 năm 2022, hồng y Ba Lan Konrad Krajewski đã đến thăm đất nước này năm lần. Bộ trưởng bộ Bác ái giải thích cho trang Công giáo Thụy Sĩ cath.ch hiểu, Đức Phanxicô bị tác động sâu đậm bởi cuộc chiến này đã muốn gần gũi với người dân Ukraine đến như thế nào.

Hồng y Krajewski phân phát lương thực cứu trợ trong chuyến đi Lviv năm 2022 | © Mariusz Krawiec

cath.ch, Bernard Litzler, 2023-02-22

Năm 2022 là năm đặc biệt với hồng y Krajewski “tuyên úy” của giáo hoàng, hồng y đã đến Ukraine năm lần, mỗi lần ngài đến một vùng khác nhau. Qua sự hiện diện của ngài, ngài cho thấy cuộc xung đột ở Đông Âu đã ảnh hưởng sâu đậm đến Đức Phanxicô như thế nào.

Nhưng chuyến đi của ngài đến đất nước này không hề dễ dàng: thậm chí ngài xém bị nguy hiểm vào tháng 9 năm 2022 khi đoàn của ngài bị bắn tỉa.

Cha là đặc phái viên của Đức Phanxicô ở Ukraine. Làm thế nào để người dân nhận thấy được hành động từ thiện của giáo hoàng?

Hồng y Konrad Krajewski: Thật khó để nói về người dân Ukraine, vì mỗi chuyến đi của tôi đều đến một vùng khác nhau, đi dọc theo biên giới Nga, đến Odessa, đến Kharkiv, rồi đến Kyiv. Tôi đã đem hai xe cứu thương mới đến đây, một chiếc dành cho bệnh viện nhi đồng và một chiếc dành cho bệnh viện tim mạch, là món quà của Đức Phanxicô tặng người dân Ukraine.

Trong một lần đi sứ vụ dài hơn một chút, tôi đã để lại một chiếc xe cho giáo phận gần biên giới Nga. Và một chiếc khác trong chuyến đi vào dịp lễ Giáng sinh. Tôi đi cùng hai chiếc xe tải TIR với quần áo chống lạnh do người Ý tặng, và máy phát điện vì Ukraine đang gặp tình trạng thiếu điện.

Hồng y Krajewski ăn trưa cùng đoàn cứu trợ nhân đạo và hỏi thăm tình hình dân chúng | © Mariusz Krawiec

Hồng y Krajewski bên cạnh chiếc xe tải mang theo máy phát điện và áo giữ nhiệt đến Ukraine

Cha nhìn tình trạng của những người bị ảnh hưởng của cuộc xung đột như thế nào?

Ukraine là một quốc gia rất rất lớn. Càng đi xa về phía biên giới Nga, càng đến gần nơi chiến đấu tình hình càng thay đổi vì không có ánh sáng, không có nước, hầu như không có gì. Đó là sự hủy diệt hoàn toàn, còi báo động vang lên mỗi năm phút. Ngược lại, ở vùng gần phía Ba Lan, tuy không có hòa bình nhưng không nguy hiểm như ở đầu kia của đất nước.

“Khi càng đến gần những nơi giao tranh thì không có ánh sáng, không có nước, hầu như không có gì. Đó là sự hủy diệt hoàn toàn.”

 

Vào tháng 9 năm 2022, cha là mục tiêu của vụ một bắn tỉa, cha sống kinh nghiệm này như thế nào?

Tôi đi cùng với một giám mục tin lành và một giám mục la-tinh. Chúng tôi đến khu vực nơi người dân muốn ở lại, họ không muốn rời đi. Chúng tôi muốn mang thức ăn đến cho họ, vì họ được như vậy hai lần một tuần. Họ chỉ sống nhờ vào sự giúp đỡ này.

Chúng tôi đã đến được ba hoặc bốn nơi. Tại một thời điểm, chúng tôi bị ngắm bắn vì có người phản bội, họ cho điện thoại di động của chúng tôi. May mắn, chúng tôi thoát được khi vụ nổ súng bắt đầu. Thật khó khăn, vì chúng tôi không biết đường nào để đi trốn, sau đó chúng tôi mới được một người lính hướng dẫn một chút.

Hồng y Konrad Krajewski và Đức Phanxicô trước xe cứu thương ngài sẽ lái đến Lviv | © Truyền thông Vatican

Trên thực tế, đó là một kinh nghiệm đặc trưng của chiến tranh: bất cứ ai đến đó đều phải hiểu chuyện này có thể xảy ra như thế. Một tuần trước, những người đi phân phát thực phẩm đã bị giết.

Giáo hoàng đã nói về sự tàn khốc của chiến tranh, dựa trên chứng từ của cha…

Ngài đã đau khổ rất nhiều về cuộc chiến này. Khi tôi ở Ukraine, ngài gọi cho tôi mấy lần để biết tình hình thực sự ở đây. Tôi nói với ngài về những ngôi mộ tập thể có nhiều người được chôn vài ngày trước đó. Và tôi cho ngài biết, người dân Ukraine đã đoàn kết như thế nào với ý chí chiến thắng.

 

“Đức Phanxicô đau khổ rất nhiều với cuộc chiến này”

 

Cha đã cầu nguyện ở những ngôi mộ tập thể ở Ukraine. Đối diện với quá nhiều cái chết, làm sao chúng ta có thể giữ vững niềm tin vào sự sống lại?

Đó là lần đầu tiên khi tôi đến những ngôi mộ hoặc những thị trấn như Boutcha và những thị trấn khác đã bị phá hủy hoàn toàn. Ở đó, tôi cùng sứ thần chờ họ đưa các thi thể ra khỏi đống đổ nát và chúng tôi cầu nguyện. Điều này thật không dễ dàng, nhưng như thế, chúng tôi ở bên người dân và có thể kết hiệp được với nỗi đau của họ. Chúng tôi làm việc này như một tín hữu. Chúa Giêsu sẽ làm gì khi Ngài ở vị trí của chúng ta? Ngài luôn chia sẻ nỗi đau của những người xung quanh. Chúng tôi muốn giống như Ngài ở vùng đất xung đột này, nơi mọi người đang đau khổ, và trong tư cách là người tín hữu, chúng tôi cầu nguyện cho những người đã chết và những người phải gánh chịu tất cả đau khổ.

Hồng y Konrad Krajewski cầu nguyện bên những ngôi mộ được tìm thấy ở Izyoum | © Truyền thông Vatican

Mối quan hệ giữa Giáo hội công giáo và Giáo hội chính thống Nga rất khó khăn, hiện tại là do chiến tranh. Cha có nghĩ các quan điểm có thể xích lại gần nhau không?

Tin Mừng nói ngôi nhà nào bị chia rẽ, ngôi nhà đó dễ bị phá hủy. Và thật không may, Giáo hội ở đó rất chia rẽ. Có Giáo hội theo Nga, có Giáo hội theo Kyiv, có người công giáo hy lạp, người la-tinh, tất cả phụ thuộc vào vùng nào họ ở.

Nhưng tôi cũng thấy những điều phi thường, như cộng đoàn Đa Minh ở Fastiv cách Kyiv 70 cây số. Dù là giáo phái nào, tôn giáo nào, mọi người giúp đỡ nhau, cùng cầu nguyện với nhau và ăn chung với nhau. Trong cộng đồng của các tu sĩ Đa Minh điều khiển, họ mang lại hy vọng, chúng tôi nhận ra, chúng ta có thể vượt qua chia rẽ bằng cách làm điều tốt.

 

“Tôi vẫn tin khi chiến tranh này đến bất ngờ thì hòa bình cũng sẽ đến bất ngờ.”

 

Cuộc chiến ở Ukraine dường như dài bất tận. Cha có nghĩ hòa bình sẽ có con đường của nó?

Ai biết được điều này? Cuộc chiến là sự trả thù của người Nga với người dân Ukraine. Có sự thù hận của người Nga với người dân Ukraine. Người Ukraine có quyết tâm giành chiến thắng. Tôi đến bệnh viện nơi có rất nhiều thương binh. Một người lính bị mất đôi chân nói với tôi, ngay khi bình phục, anh sẽ ra chiến trường lại. Điều đó nói lên họ có một ý chí chiến thắng phi thường, để đánh đuổi quân xâm lược Nga ra khỏi đất nước. Bây giờ nói về hòa bình là khó khăn. Nhưng tôi vẫn tin, khi cuộc chiến này đến bất ngờ thì hòa bình cũng sẽ đến bất ngờ. Vì suy cho cùng, đây là cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Nga.

Đức Phanxicô muốn đến thăm Ukraine. Cha có nghĩ chuyến đi này sẽ có thể?

Đức Phanxicô nhiều lần nói ngài muốn đi Nga và Ukraine, chứ không phải chỉ một quốc gia. Nhiều nhà lãnh đạo đã đến Kyiv, chụp ảnh và không có gì thay đổi. Không ai nói về hòa bình. Họ đến Kyiv chỉ để chào tổng thống Zielinsky. Đức Phanxicô cũng muốn đến đây để chấm dứt cuộc chiến.

Hình kỷ niệm với các tình nguyện viên đã giúp dỡ hàng cứu trợ của hồng y tuyên uý © Mariusz Krawiec

Trong chuyến đi Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan gần đây, ngài lặp lại, ngài  sẵn sàng gặp Vladimir Putin và tổng thống Ukraine ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới để nói chuyện, vì không đối thoại sẽ không bao giờ có hòa bình.

Với tư cách là bộ trưởng bộ Bác ái, cha có nghĩ các mục tiêu từ thiện của Giáo hội đã thay đổi để tập trung vào người nghèo và vùng ngoại vi không?

Theo tôi, không có gì thay đổi. Tầm nhìn của Chúa Giêsu là Tin Mừng. Và khi Chúa Giêsu gặp người dân, Ngài giúp mọi người theo nhu cầu của họ. Vì vậy, chúng ta khám phá chiều kích này luôn có trong Tin Mừng. Đơn giản với Đức Phanxicô, điều này còn thấy rõ hơn.

Đức Phanxicô thích định nghĩa Giáo hội như một bệnh viện dã chiến. Trong Giáo hội, bộ của chúng tôi là cánh tay bác ái cứu trợ khẩn cấp. Vì giáo hoàng không thể đích thân hành động nên chính chúng tôi là người đại diện cho ngài.

Cánh tay từ thiện của Giáo hội

Hồng y Krajewski, 59 tuổi, đến từ Lodz, Ba Lan, trước đây ngài là trưởng ban nghi lễ của các giáo hoàng Gioan-Phaolô II và Bênêđictô XVI. Tháng 8 năm 2013, Đức Phanxicô bổ nhiệm ngài tuyên úy từ thiện của Tòa thánh. Vì vậy, ngài làm việc từ thiện nhân danh giáo hoàng, giúp người tị nạn và người vô gia cư.

Tháng 6 năm 2022, ngài được bổ nhiệm làm bộ trưởng bộ Bác ái. Ngài nói rõ về khía cạnh từ thiện của Giáo hội: “Chúng tôi cũng làm những việc như trước đây, nhưng như Đức Phanxicô giải thích, Giáo hội luôn có hai cánh tay: cánh tay đức tin và cánh tay bác ái. Và vì cánh tay đức tin được đại diện bởi một thánh bộ, nên thánh bộ thứ hai cũng phải như vậy”.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Ngoại giao của giáo hoàng ở Ukraine gặp bế tắc, một năm sau khi bắt đầu “cuộc chiến phi lý và tàn khốc”