Các giáo hoàng trên máy bay Boeing 747 đã thay đổi Giáo hội công giáo và triều các giáo hoàng như thế nào

64

Các giáo hoàng trên máy bay Boeing 747 đã thay đổi Giáo hội công giáo và triều các giáo hoàng như thế nào

americamagazine.org, Jim McDermott, 2023-02-03

Hình ảnh Đức Phanxicô sau khi trả lời các câu hỏi của nhà báo trên chuyến bay từ Iqaluit, lãnh thổ Nunavut của Canada về Rôma ngày 29 tháng 7 – 2022. (Ảnh CNS / Paul Haring

Trong tập gần đây nhất của loạt phim HBO Max mới “The Last of Us”, một cô gái trẻ kinh ngạc trước đống đổ nát của chiếc máy bay trên sườn đồi. Là người đã sống cả đời trong thế giới hậu tận thế, ý tưởng du lịch bằng đường hàng không làm cho cô bị chóng mặt. Cô hỏi một người lớn: “Ông bay ở một trong những chiếc máy bay này à?” “Thỉnh thoảng, dĩ nhiên,” nói xong ông nhớ lại những phiền toái của chuyến bay, ghế ngồi ở giữa, thức ăn đắt tiền. Cô nói với ông: “Ồ, như vậy ông phải bay lên trời.”

Hơn 65 năm nay, rất nhiều người trong chúng ta đã có dịp “lên trời”. Và như nhà báo Sam Howe Verhovek đã viết trên tờ The New York Times tuần này, phần lớn trực tiếp hoặc gián tiếp là nhờ chiếc 747 của Boeing. Ngày 9 tháng 2 sắp tới, chiếc 747 sẽ kỷ niệm chuyến bay đầu tiên cách đây 53 năm, ngày 9 tháng 2 năm 1969, 747 đã có gần gấp ba lần chỗ ngồi của bất kỳ máy bay nào khác vào thời điểm đó và bình xăng cho phép nó bay xa gấp đôi chiếc 707, hơn 8.000 dặm – chính xác là khoảng cách từ New York đến Cape Town, hoặc từ Calcutta đến Los Angeles. 747 giúp số lượng người bay nhiều hơn và xa hơn. Bây giờ chúng ta phàn nàn đi máy bay cũng như đi xe buýt, nhưng đó là dấu hiệu cho thấy con đường chúng ta đã đi.

Trước năm 1964, trong 150 năm chưa có giáo hoàng nào rời khỏi Ý. Chiếc 747 ra đời và các chuyến bay đường dài cuối cùng đã đưa các giáo hoàng đi thăm thế giới và thế giới đến với giáo hoàng.

Một chuyện có thể không được thấy một cách hiển nhiên là mức độ di chuyển dễ dàng nhờ Boeing 747 cũng đã thay đổi Giáo hội. Một mặt, nó làm cho Rôma, Vatican và giáo hoàng có thể đến gần với mọi người từ khắp nơi trên thế giới. Năm 1960, toàn châu Âu có 50 triệu khách du lịch; năm ngoái, chỉ riêng Rôma đã có 15 triệu. Các sự kiện như các buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư, Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật hay những buổi lễ ở Đền thờ Thánh Phêrô đột nhiên có tầm ảnh hưởng và tác động mà trước đây không thể có. Các khái niệm như “Giáo hội  phổ quát” hay “Tòa thánh” đã chuyển từ lãnh vực trừu tượng sang một điều gì đó có thể hữu hình và mang tính cá nhân với người công giáo.

Sự ra đời của phương tiện hàng không dễ dàng cũng có nghĩa là các giáo hoàng có thể đi khắp thế giới. Khi Đức Phaolô VI bay đến Đất Thánh tháng 1 năm 1964, đó là lần đầu tiên một giáo hoàng rời nước Ý sau 150 năm. Trong lịch sử công giáo, đây cũng là cuộc hành hương đầu tiên của một giáo hoàng đến Đất Thánh.

Sự dễ dàng của đường hàng không đã làm cho các giáo hoàng và các nhà lãnh đạo công giáo khác trở thành sứ giả của Chúa Kitô theo những cách chưa từng có trước đây. Các giáo hoàng đã có thể mang thông điệp về hy vọng và lòng can đảm đến những người đang gặp khó khăn. Đại sứ Ba Lan tại Tòa thánh Janusz Kotański nói về  chuyến đi Ba Lan năm 1979 của Đức Gioan-Phaolô II: “Chúng tôi khóc khi nghe ngài. Ngài đối xử với chúng tôi rất nghiêm túc. Ngài nói với chúng tôi… ‘Anh chị em đừng sợ’. Anh chị em là người công giáo. Anh chị em là người Ba Lan. Anh chị em còn trẻ. Tương lai thuộc về anh chị em.”

Các chuyến tông du của giáo hoàng trở thành một cách để làm nổi bật các vấn đề quan trọng hoặc những người không được nhìn thấy. Vì vậy, Đức Phanxicô đã đi chuyến bay đầu tiên của ngài đến đảo Lampedusa, Sicilia nước Ý, nơi hàng chục ngàn người di cư đang tìm cách đến Âu châu để tìm nơi nương náu. Sau khi tưởng niệm những người đã chết chìm khi cố vượt qua biển Địa Trung Hải, ngài kêu gọi mọi người hãy xem người tị nạn như người anh em mình. Trong thánh lễ hôm đó ngài giảng: “‘Em con đâu?’, trích lời Chúa nói với Cain sau khi ông giết em. “Đây không phải là câu hỏi để hỏi người khác; đây là câu hỏi cho riêng tôi, cho anh chị em, cho mỗi người trong chúng ta.”

Các chuyến tông du của giáo hoàng trở thành một cách để làm nổi bật các vấn đề quan trọng hoặc những người không được nhìn thấy.

Đức Phanxicô cũng đã dùng bối cảnh chuyến  bay để tạo một sáng kiến mới cho Giáo hội và cho triều giáo hoàng. Các cuộc họp báo trên máy bay của ngài đã đưa ra một số bình luận bất ngờ nhất (và đôi khi là quan trọng nhất), như cởi mở với hàng giáo sĩ và các tu sĩ đồng tính; một tái khẳng định “không phải tất cả người hồi giáo đều bạo lực” (nhiều người công giáo cũng bạo lực); và, khi nói về sức khỏe của mình, gần đây ngài đã nói câu không thể tưởng tượng được, “Bạn có thể thay đổi giáo hoàng.”

Nhưng hình ảnh một giáo hoàng không xa mọi người, đứng bên cạnh họ, cầm micrô như người dẫn chương trình và đôi khi cười đùa với người xung quanh, có thể sẽ có tác động quan trọng hơn và lâu dài hơn cho Giáo hội. Đức Phanxicô không phải là giáo hoàng đầu tiên làm chuyện này; cuộc họp báo trên chuyến bay của giáo hoàng bắt đầu khi Đức Gioan-Phaolô II được một nhà báo đặt một câu hỏi ngẫu hứng trong chuyến đi đầu tiên của ngài trong  tư cách giáo hoàng. (Câu hỏi là ngài có định đi Mỹ không, ngài trả lời có.)

Đức Gioan-Phaolô II cũng có khả năng ứng khẩu hài hước tương tự trong những thời điểm này. Khi được hỏi các chuyến đi có bao giờ làm ngài mệt không, ngài trả lời báo chí: Không, nhưng các chuyến đi có ý định kéo chúng ta ra ngoài.

Đức Phanxicô đã dùng những giây phút trên máy bay với báo chí để giới thiệu mình cũng như để cho biết triều giáo hoàng của ngài là dễ gần, là nhân bản và điều làm mọi người sốc là ngài cởi mở với các câu hỏi.

Đức Phanxicô đã dùng những giây phút trên máy bay với báo chí để giới thiệu mình cũng như để cho biết triều giáo hoàng của ngài là dễ gần, là nhân bản và điều làm mọi người sốc là ngài cởi mở với các câu hỏi. Trên máy bay từ Canada về Rôma, các nhà báo Canada bản địa đã đặt câu hỏi, giáo hoàng đã không dùng chuyến đi để tố cáo học thuyết khám phá và đã không dùng thuật ngữ diệt chủng để mô tả những gì đã xảy ra với người bản địa trong các trường nội trú công giáo. Ngài thừa nhận họ đã đúng, và hứa sẽ có tuyên bố mới của giáo hoàng về học thuyết khám phá.

Mỗi câu chuyện báo chí, hình ảnh và video clip theo sau một trong những câu hỏi-trả lời trên chuyến bay cũng chỉ để củng cố tầm nhìn phi cấu trúc của Đức Phanxicô về quyền lực trong Giáo hội. Ngài là người lãnh đạo Giáo hội nhưng cũng là một con người, có khả năng mắc sai lầm, hài hước và bộc phát.

Trên thực tế, hầu hết các chuyến đi của giáo hoàng đều không dùng máy bay 747. Chuyến bay đầu tiên của Đức Phaolô VI là chiếc Douglas DC-8 mới ra đời. Các chuyến bay của Đức Phanxicô tuần này đi châu Phi là chiếc Airbus 350, dùng ít nhiên liệu và ít thải khí CO2 hơn, 25% so với các máy bay trước. Vatican thậm chí không có máy bay phản lực riêng dù các chuyến bay của giáo hoàng có tên “Shepherd One, Người chăn cừu số 1”. Thường máy bay giáo hoàng là máy bay thuê của hãng hàng không Ý – trước đây là Alitalia, bây giờ là ITA Airways – và các chuyến bay về là của hãng hàng không sở tại, (nhưng gần đây là ITA Airways đảm nhận). Vì vậy, khi từ Mỹ về Rôma trong chuyến đi năm 2015, Đức Phanxicô đi máy bay của hãng American Airlines. (Thật không may, ngài phải bay qua JFK.)

Chiếc Airbus 350 tại sân bay Juba ngày 5 tháng 2-2023

Nhưng tác động trên Giáo hội ở kỷ nguyên du lịch quốc tế dễ dàng nhờ 747 mở ra là không thể phủ nhận. Ngày thứ ba, chiếc 747 cuối cùng hãng Boeing chế tạo đã được giao cho hãng vận tải Atlas Air của Hoa Kỳ. Giám đốc Atlas Air và là nhà điều hành John Dietrich của Atlas Air nói với nhân viên Boeing: “Tác động công việc của các bạn được thúc đẩy bởi giấc mơ thời thơ ấu và tham vọng nghề nghiệp.” Trong Giáo hội, nó cũng giúp biến lời hứa về nước Chúa thành hiện thực hữu hình hơn.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch