Những bức thư từ Kiev: thư thứ 33 của linh mục Đa Minh Jaroslav Krawiec từ trung tâm cuộc chiến Ukraine

47

Những bức thư từ Kiev: thư thứ 33 của linh mục Đa Minh Jaroslav Krawiec từ trung tâm cuộc chiến Ukraine

Hồng y Konrad Krajewski mừng Lễ Giáng sinh ở Fastiv, tại Nhà Thánh Martinô cùng với các anh em trong dòng, các thiện nguyện viên và người tị nạn | © Jaroslaw Kraviec

cath.ch, Bernard Hallet, 2023-01-25

Linh mục Jaroslav Krawiec là tu sĩ dòng Đa Minh, gốc Ba Lan, cha xuất thân từ tu viện Mẹ Thiên Chúa ở trung tâm thủ đô Kiev. Kể từ ngày 26 tháng 1 năm 2022, linh mục thường xuyên gởi “ghi chú từ Ukraine” cho ban biên tập trang Công giáo Thụy Sĩ.

Xe tăng ở trọng tâm của mọi chú ý. Ngày 21 tháng 1, Ukraine lên án “sự thiếu quyết đoán” của phương Tây trong việc cung cấp xe tăng hạng nặng, một số đồng minh châu Âu đã trực tiếp chỉ trích Đức khi nước này từ chối cung cấp xe tăng Leopard cho Kyiv khi người Nga đang tấn công.

Linh mục Jaroslav Krawiec là tu sĩ dòng Đa Minh

Anh chị em thân mến,

Tôi chờ khi cha Misha và các tình nguyện viên của Nhà Thánh Martinô Porres từ Fastiv trở về an toàn để gởi thư này cho anh chị em. Họ đi ngày hôm qua để đem cứu trợ nhân đạo tới Kherson. Thật không may, tôi không thể liên lạc với họ, vì vậy tôi chỉ nhận được thông tin cập nhật qua điện thoại.

Những ngày này Kherson rất nguy hiểm vì thành phố và khu vực xung quanh bị bắn phá mỗi ngày. Theo cha Maksym của giáo xứ Kherson, hôm qua (20-1) là một trong những ngày nặng nhất trong năm. Bên cạnh nhiều cuộc tấn công từ bên kia sông Dnipro, nơi đóng quân của quân đội Nga, người dân có thể nghe thấy tiếng súng trên đường phố. Không có gì ngạc nhiên khi gần đây đã có nhiều người dân địa phương rời khỏi Kherson. Cha Misha nói: “Buổi sáng, chúng tôi đi phát cơm ở xóm gần sông. Trong khu vực mười lăm căn hộ của tòa nhà, chỉ còn lại ba gia đình.”

Ai cũng tự hỏi liệu có đáng mạo hiểm sức khỏe và sinh mạng để đến những nơi này hay không. Vì dù sao cứu trợ nhân đạo cũng có thể cách này cách khác đem đến tận nơi cho họ. Với sự giúp đỡ tận tình của các tình nguyện viên địa phương, hàng cứu trợ có thể đến với người đang cần. Sẽ đơn giản hơn, rẻ hơn và dĩ nhiên là an toàn hơn.

Tuy nhiên, ai đã từng tiếp xúc với người sống gần chiến tuyến – những người mà pháo kích, thiếu điện, lạnh giá, ngày mai không chắc mình còn sống – đều vui mừng khi họ được đến thăm, đều hiểu chúng tôi phải đến đó và chúng tôi phải đến với họ. Đó là mệnh lệnh từ trái tim và tình yêu. Thực phẩm, thuốc men và quần áo ấm có thể được người khác mang đến, nhưng niềm hy vọng trong lúc khó khăn chỉ có thể mang đến qua sự hiện diện cá nhân.

Phân phối thực phẩm ở Kherson | © Linh mục Misha Dòng Đa Minh

Một chai sâm banh

Cha Misha kể cho tôi nghe cuộc gặp với người dân Chornobaivka, nơi cách đây vài tháng đã diễn ra trận chiến khốc liệt giữa quân đội Nga và Ukraine. Ngôi làng này được xem là cửa ngõ phía bắc của Kherson và sân bay của làng đã  thành biểu tượng cho sự kháng cự kiên cường của Ukraine. Một trong những phụ nữ tổ chức sinh nhật của cô. Rõ ràng, cô đợi khách từ sáng: với chai sâm banh!

Chiến tranh đã tạo quy định trang phục riêng trong lúc khó khăn này. Ví dụ, chiếc áo phông tổng thống Zelensky mặc đã thành huyền thoại. Và chúng tôi có áo phông lạnh cho các tình nguyện viên của Hiệp hội và Nhà Thánh Martinô Porres. Tôi xin cha Misha: “Cho tôi một chiếc áo!” Tôi thấy chiếc áo đen mới của cha có dòng chữ “Gc: 4:17” trên đó. Tôi xin chiếc áo XL! Tôi nói: “Đây là câu trích của thư Thánh Giacôbê Tông đồ?” Cha Misha trả lời: “Đúng, ai biết làm điều tốt mà không làm thì mắc tội”. Những lời mạnh mẽ này, tôi sẽ nhớ trong một thời gian dài.

Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine, cùng với cha Misha đã làm phép cho ngôi nhà mới của dòng Đa Minh ở Fastiv | © Jaroslaw Kraviec

Tôi nhận thấy mọi người thường ôm nhau khi họ gặp nhau. Trong thời chiến, hình thức chào này đã trở nên rất phổ biến. Trước chiến tranh, chỉ những người rất thân mới dám ôm nhau như vậy nơi công cộng ở Ukraine. Với tôi, dường như chúng tôi chỉ đơn giản nhận ra tầm quan trọng của mối quan hệ và chúng tôi cần nhau như thế nào. Chúng tôi cũng đã nhận ra cuộc sống của chúng tôi mong manh và không chắc như thế nào. Cách đây một thời gian, trong buổi chia tay với một cặp vợ chồng từng là hướng dẫn viên cho chúng tôi, ở đâu đó xung quanh Izium, trên con đường tối tăm và đầy sương mù đến Kharkiv, chúng tôi đã ôm nhau. Tôi chỉ biết họ trong vài giờ, nhưng kinh nghiệm qua con đường chúng tôi đã đi và tấm bánh chúng tôi đã chia sẻ với những người thiếu thốn đã đưa chúng tôi đến gần nhau hơn.

Giáng sinh với hồng y Krajewski

Tôi đã viết lá thư cuối cùng của tôi trước Giáng sinh. Rất nhiều điều đã xảy ra kể từ đó. Chẳng hạn chúng tôi được hồng y Konrad Krajewski đến thăm, ngài mang đồ cứu trợ từ Vatican đến Ukraine. Lần này là máy phát điện và áo lót giữ nhiệt rất cần thiết cho mùa đông. Chúng tôi không định gặp nhau, nhưng khi nghe ngài sẽ đi Kyiv, tôi điện thoại cho ngài và mời ngài đến Fastiv. Trong một chuyến viếng thăm trước đó, hồng y đã gặp cộng đoàn Đa Minh ở Kyiv.

Ngài đã dành đêm Giáng sinh với anh chị em, tình nguyện viên và người tị nạn đang ở Nhà Thánh Martinô. Trong thánh lễ nửa đêm, ngài có bài giảng rất cảm động. Khi nói về lời mời gọi của Chúa Giêsu “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28), ngài nhấn mạnh đến từ “tất cả những ai”. Đúng là chiến tranh đã mở lòng để chúng ta đến với nhau và cùng nhau phục vụ những người gặp khó khăn. Tôi nghĩ đây là điều mà hồng y trải nghiệm khi nói chuyện với người tị nạn và tình nguyện viên.

Một ngôi nhà mới

Vào ngày lễ Hiển Linh trọng thể, chúng tôi đã mở một ngôi nhà khác, lần này dành cho những người đã không còn nhà trong chiến tranh. Đó là lý do để chúng tôi có niềm vui lớn lao trong những lúc khó khăn này, và để nói lên lòng biết ơn sâu sắc với tất cả những ai đã đóng góp vào việc xây dựng. Hơn mười người đã sống ở đó, trong đó có các bà mẹ có con nhỏ.

Ngôi nhà thứ ba do các tu sĩ Đa Minh khai trương tại Fastiv cho phụ nữ và trẻ em | © Jaroslaw Kraviec

Đây đã là ngôi nhà thứ ba chúng tôi điều hành ở Fastiv để giúp những người đang gặp khó khăn. Tổng giám mục Visvaldas, sứ thần Tòa thánh tại Ukraine đã đến làm phép ngôi nhà, và tôi có nói chuyện với bà Oksana và con trai Zhena 9 tuổi của bà. Họ từ Bakhmut đến với chúng tôi khi bắt đầu chiến tranh để trốn các cuộc oanh tạc. Người cha cũng có tên là Zhena đã hy sinh trong cuộc chiến để Ukraine được tự do.

Công việc của lòng thương xót

Ông Bartosz Cichocki, đại sứ Ba Lan tại Kyiv cũng dự lễ khánh thành ngôi nhà dành cho người tị nạn. Ông đi cùng vợ là bà Monika. Cá nhân họ đã tham gia vào công việc của chúng tôi trong một thời gian dài. Vui mừng khi thấy một sáng kiến thành công, chúng tôi hiểu, “kinh nghiệm Fastiv” này đã thay đổi chúng tôi. Đây là cách lòng thương xót hoạt động.

Tôi rất ấn tượng với buổi hòa nhạc từ thiện do Dàn hợp xướng Thiếu niên Học viện Âm nhạc Quốc gia Kyiv tổ chức tại đại sảnh của Học viện Thánh Tôma Aquinô Đa Minh tối hôm qua. Một nhóm nghệ sĩ trẻ đã biểu diễn mười tác phẩm của các nhà soạn nhạc Ukraine. Một trong số đó là bài hát truyền thống: “Tôi đi bên núi và bên thung lũng”, được ca sĩ Oleksandra Stetsiuk hát rất hay, kể câu chuyện của một cô gái trẻ khóc khi mất người yêu: “Tôi đi bên núi và bên thung lũng. Tôi không thấy ai cả. Trái tim tôi khóc. Trái tim tôi khóc. Với nỗi buồn vô hạn.”

 

Dàn hợp xướng Thanh niên Học viện Âm nhạc Quốc gia Kyiv biểu diễn các tác phẩm của các nhà soạn nhạc Ukraine | © Jaroslaw Kraviec

Chiến tranh cướp đi mạng sống của những nhân vật lớn và làm tan nát trái tim người thân yêu của họ. Khi xem tin tức bạn bè chia sẻ với nhau, tôi thấy cáo phó của ông Victor Onysko, nhà biên tập phim đã đi lính vài tháng trước đó. Anh hy sinh trong trận chiến ngày 30 tháng 12 khi mới 40 tuổi. Tôi chưa bao giờ gặp Victor, dù tôi biết anh theo một cách nào đó qua nhiều bộ phim hay của Ukraine mà anh đồng đạo diễn. Vợ anh là Olga chia sẻ kỷ niệm về anh trên Facebook. Cô chia sẻ nỗi đau của mình, bây giờ là nỗi đau chung của người dân  Ukraine. Tôi thú nhận tôi không thể không khóc khi đọc những lời của Olga.

 “Người hùng của em. Anh yêu. Mọi thứ của em.”

“Trái tim em sẽ dừng lại ở ngày này trong năm 2022 khủng khiếp này. Vì anh còn ở trong năm này. Anh hùng của em. Anh yêu. Mọi thứ của em. Em không biết làm sao để có thể tiếp tục sống, để tiếp tục thở mà không có anh. Em không biết liệu em có mơ lại được không. Điều duy nhất em muốn bây giờ là chủ nghĩa Nga xấu xa này bị trừng phạt càng sớm càng tốt và sẽ càng ít người cảm nhận nỗi đau mất mát khôn nguôi, nỗi mất mát cháy bỏng này.”

Em chưa viết nhiều về anh ở đây; em sợ, em xấu hổ khi thú nhận điều này, em sợ làm không đúng. Facebook không phải là nơi tốt cho sự chân thành. Và anh luôn nói các bài tường thuật thực địa của anh ở mặt trận Ukraine chỉ dành cho anh. Đáng lẽ anh phải biên tập phim, nhưng anh lại “biên tập” một thực tế quân sự với tư cách là đại đội trưởng. Không có một khả năng nào mình có thể thấy lại nhau. Các anh đã rất mệt mỏi, nhưng các anh săn sóc nhau. Các anh đã vượt lên trong từng mất mát. Các anh đã nói không có tra tấn nào trong chiến tranh lớn hơn là thông báo cái chết của đồng đội cho gia đình biết. Bây giờ em cảm thấy cảm giác này trên chính con người của em. Trái tim em tan nát khi người lính của anh khóc nức nở trên điện thoại và thề với em, anh ấy không biết có người nào, có người chỉ huy nào tốt hơn anh.

Những vết thương không thể chữa lành trong tâm hồn

Người ta nói anh hùng không bao giờ chết. Nhưng không may, họ chết. Giờ đây hàng ngàn người đang chết, để lại người thân những vết thương không thể chữa lành. Em sẽ biết ơn nếu anh bị thương, tàn tật, bị cụt tay cụt chân, bị chấn thương… hoặc bất cứ chuyện gì miễn anh còn sống. Nhưng không may, em đã không có may mắn này. Em sẽ không bao giờ có thể núp trong vòng tay anh, nghe giọng nói của anh, cười với những câu chuyện cười của anh và thảo luận hàng giờ với các phim của anh.

Điều duy nhất còn lại của anh là con gái chín tuổi với đôi mắt xám của anh. Nhờ anh, con đã có một tuổi thơ tuyệt vời với xe máy, xe đạp, với lều, với trượt tuyết, âm nhạc, vùng núi Balkan, với các buổi hòa nhạc ở Berlin. Và khi em không thể thở được trong nước mắt suốt ngày trên tàu, con đã xoa đầu em và nói bố đã chiến đấu vì tự do của chúng ta và bố sẽ luôn ở trong tâm trí chúng ta.

Quá đau lòng. Đau không nói nên lời…”

Tôi xin chào và xin cầu cầu nguyện cho những người  thân đã qua đời vì chiến tranh.

Jarosław Krawiec OP,

Kiev, ngày 21 tháng 1 năm 2023,

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Những bức thư từ Kiev: thư thứ 31 của linh mục Đa Minh Jaroslav Krawiec từ trung tâm cuộc chiến