Kim Phúc, “Cô gái Napalm” gặp Đức Phanxicô trong bức ảnh “Không chiến tranh”

449

Kim Phúc, “Cô gái Napalm” gặp Đức Phanxicô trong bức ảnh “Không chiến tranh”

Tin tổng hợp từ các trang Reuters, L’Osservatore Romano và Catholique Suisse hôm nay, 2022-05-11

Nhiếp ảnh gia Nick Ut, đứng giữa, bên cạnh là Kim Phúc trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại Quảng trường Thánh Phêro ngày thứ tư 11-5-2022.  Bức ảnh “Cô gái Napalm” của ông đoạt giải Pulitzer. (Gregorio Borgia / AP.)

Nhiếp ảnh gia Ut và đại sứ UNESCO Kim Phúc đang ở Ý để tổ chức triển lãm ảnh “Từ địa ngục đến Hollywood” kỷ niệm 51 năm làm việc của nhiếp ảnh gia Út ở Associated Press, với bức ảnh Kim Phúc đoạt giải Pulitzer năm 1973 khi cô chạy khỏi làng Trảng Bàng vì bị trúng bom napalm. Quần áo bị bốc hơi vì phốt-pho. Bức ảnh đó đã trở thành một trong những bức ảnh mang tính biểu tượng nhất trong lịch sử của thế kỷ 20.

Nhiếp ảnh gia Nick Ut của hãng thông tấn AP đã gặp Đức Phanxicô và tặng ngài bản sao bức ảnh đoạt giải Pulitzer của ông chụp Kim Phúc trần trụi chạy ra đường sau vụ thả bom napalm. Bức ảnh này ông chụp ngày 8 tháng 6 năm 1972, ông và Phan Thị Kim Phúc đã được Đức Phanxicô tiếp vào cuối buổi tiếp kiến chung nhân kỷ niệm 50 năm hình ảnh mang tính biểu tượng. Gần nửa thế kỷ sau, Kim và Nick ở Quảng trường Thánh Phêrô cùng với Đức Phanxicô. Chiến tranh luôn là điên rồ. Và đó là lý do vì sao họ tặng ngài bản sao bức ảnh với chữ ký của hai người, bức ảnh đã nói “Không với chiến tranh” trong 50 năm qua.

 

Nhiếp ảnh gia Nick Ut, hãng thông tấn AP tặng Đức Phanxicô bức ảnh “Cô gái Napalm”

Và để không xảy ra chiến tranh từ Việt Nam, sáng nay Đức Phanxicô nhắc lại khi ngài chào đón hai phụ nữ trẻ đang trải qua nỗi kinh hoàng của một xung đột khác, lần này là ở Ukraine. Họ là vợ của các quân nhân thuộc tiểu đoàn Azov, bị kẹt trong nhà máy thép Mariupol. Đức Phanxicô  đứng lên, bắt tay hai người trong cử chỉ cầu nguyện.

Kim Phúc định cư ở Canada và lập gia đình ở đây, năm 2009 cô đã gặp hồng y Jorge Mario Bergoglio tại Buenos Aires, Argentina khi cô đi cổ động cho hòa bình với tư cách là đại sứ thiện chí UNESCO của Liên Hợp Quốc.

Sau khi gặp Đức Phanxicô, nhiếp ảnh gia Ut nói với hãng tin AP: “Ngài nhận ra và nhớ Kim Phúc ngay.” Còn Kim Phúc thì cho biết cô không chắc Đức Phanxicô nhớ vì mỗi ngày ngài gặp không biết bao nhiêu người: “Nhưng ngài nhớ rất rõ. Ngài nói ‘Cha nhớ con. Cha biết con. Con có nhớ chúng ta đã gặp nhau ở Buenos Aires không?’ Và tôi nói: ‘Con nhớ. Con xin Chúa ban cho cha sức khỏe và con xin cám ơn cho tất cả những gì cha làm vì hòa bình.”

Nhiếp ảnh gia Ut và Kim Phúc có mặt tại Ý để mở một cuộc triển lãm ở Milan trước ngày kỷ niệm bức ảnh “Cô gái Napalm”. Những hình ảnh như vậy có tác động mạnh đến Đức Phanxicô: Trước đây, ngài đã đưa các bản sao cỡ nhỏ của bức ảnh một em bé ở Nagasaki cõng thi thể người em của mình để chờ vào nhà thiêu. Bức ảnh này được một nhiếp ảnh gia quân đội Mỹ chụp trong Thế chiến thứ hai. Đức Phanxicô, người nhận tên Thánh Phanxicô Assisi làm tên hiệu giáo hoàng đã in trên bức ảnh: “Thành quả của chiến tranh”.

Nhiếp ảnh gia Ut chỉ mới 21 tuổi khi ông chụp bức hình này, sau đó ông gác máy ảnh lại để đưa cô bé 9 tuổi Kim Phúc vào bệnh viện và các bác sĩ đã cứu sống được Kim Phúc. “Khi đó chỉ có tôi và tài xế của tôi ở đó, tôi nói tôi không thể đi tiếp vì em bé này sẽ chết và tôi bồng em bé vào xe và đưa đến bệnh viện.”

Nhiếp ảnh gia Ut nhớ lại: “Sáng hôm đó mưa bom dội xuống làng, mọi người bỏ chạy. Tôi thấy một quả bom nổ trong ngôi chùa: Tôi nghĩ không có ai bên trong, nhưng trong làn khói, tôi thấy bà của Kim đang ôm một em bé đã chết trên tay. Sau đó tôi thấy Kim hét lên ‘giúp con với!’ Sau khi chụp cảnh này, tôi ngừng lại. Tôi lấy nước tạt vào Kim Phúc. Tôi chất nhiều trẻ em lên xe và đưa các em đến bệnh viện”.

Nhớ lại nỗi kinh hoàng, bà Kim Phúc cho biết 50 năm trước bà chỉ được thế giới biết đến như một nạn nhân của chiến tranh: “Nhưng bây giờ, 50 năm sau, tôi không còn là nạn nhân của chiến tranh. Tôi là người mẹ, người bà và là người sống sót để kêu gọi hòa bình. Bức ảnh này tiếp tục nhắc tôi nhớ tôi đã đánh mất tuổi thơ, lúc đầu, tôi ghét bức hình này, tôi thấy xấu hổ: một đứa trẻ trần truồng phơi bày trước thế giới, khóc trong tuyệt vọng. Nhưng chỉ theo thời gian, tôi mới hiểu được giá trị của nó.” Kim Phúc phải nằm bệnh viện 14 tháng nằm viện và mổ 17 lần.

Kim Phúc đã theo kitô giáo khi cô nằm bệnh viện. Trong lần gặp Đức Phanxicô năm 2009, hồng y Jorge Mario Bergoglio cho biết trải nghiệm khủng khiếp của cô có thể là “sự thanh tẩy đã giúp cô khám phá ra rằng Chúa Giêsu đang sống”. Ông Nick Ut sau đó trở thành một nhiếp ảnh gia của AP có trụ sở tại Los Angeles, chụp ảnh những người nổi tiếng, ông về hưu năm 2017.

Cuộc triển lãm “Từ địa ngục đến Hollywood” tại Palazzo Lombardia ở Milan nhìn lại hành trình của nhiếp ảnh gia Nick Ut sẽ kết thúc vào ngày 31 tháng 5. Bức ảnh của ông có tựa đề “Sự khủng khiếp của Chiến tranh” được trao Giải Ảnh báo chí Thế giới và Giải Pulitzer cho Nhiếp ảnh Báo chí năm 1973. Qua việc phát hành trên toàn thế giới, bức ảnh đã đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về cuộc xung đột trong Chiến tranh Việt Nam.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Tha thứ và hòa giải: lời chứng của Kim Phúc trong cuộc gặp với Đức Phanxicô năm 2009

Kim Phúc: “Tha thứ thì mạnh hơn là vũ khí”

Nick Ut, hai cô gái và thời buổi chúng ta trong ống kính