Những bức thư từ Kyiv: Linh mục Jaroslav Krawiec dòng Đa Minh kể về cuộc chiến Ukraine #20

62

Những bức thư từ Kyiv: Linh mục Jaroslav Krawiec dòng Đa Minh kể về cuộc chiến Ukraine #20

cath.ch, Bernard Hallet, 2022-05-05

Linh mục Jaroslav Krawiec dòng Đa Minh, bề trên tu viện Mẹ Thiên Chúa ở trung tâm thành phố Kyiv. Kể từ ngày 26 tháng 2, linh mục gởi về trang Công giáo Thụy Sĩ “sổ tay từ Ukraine”. Hôm nay là sổ tay thứ 20, ngày thứ 71 của chiến ở Ukraine.

 

 

 

Thứ năm, ngày 5 tháng 5, giao tranh tiếp tục diễn ra. Theo Kyiv, Nga đang “cố gắng tiêu diệt” những người bảo vệ cuối cùng ở đây. Quân đội Ukraine “tiếp tục cuộc tấn công với máy bay hỗ trợ để kiểm soát nhà máy.” Ủy ban châu Âu đề xuất lệnh cấm vận các sản phẩm dầu mỏ của Nga.

Khi chúng tôi đến gần Borodyanka (ảnh), phía đông bắc Kyiv, chúng tôi thấy nhiều tàn phá hơn.” | © Jaroslav Kraviec

Anh chị em thân mến,

“Thưa cha, báo động không kích đã báo hơn hai giờ. Cha có đang ở trong hầm trú ẩn không?” Khi tôi bắt đầu viết, tôi nhận tin nhắn này từ Vera, tu viện Thánh Martinô ở Fastiv.

Đêm nay, cũng như ngày hôm qua, còi báo động không kích bao phủ gần như cả nước; bản tin cho biết có nhiều vụ tấn công bằng tên lửa ở các thành phố khác nhau ở Ukraine. Mặc dù các cuộc tấn công chủ yếu nhằm vào các tuyến đường sắt và các địa điểm chiến lược, nhưng chúng tôi biết, không phải lúc nào các tên lửa này cũng nhắm trúng đích. Một ngày trước khi tôi trở lại Kyiv, một trong những tên lửa đã phá hủy một tòa nhà chung cư mới xây xong gần tu viện chúng tôi.

Cha Peter, lúc đó đang làm việc trong vườn đã nghe rõ tiếng tên lửa, sau đó là những tiếng nổ lớn. Cùng lúc đó, có một cuộc tấn công vào Fastiv. May mắn thay, các tên lửa tấn công xa hơn tu viện một chút. Cha Misha nói: “Nếu vụ nổ mạnh hơn một chút, tất cả kính màu của cửa sổ nhà thờ chắc chắn đã bị phá hủy.”

Nhiều thành phố bị đổ nát

Bảy mươi ngày chiến tranh trôi qua. Cuộc chiến này đã biến nhiều thành phố Ukraine thành đống đổ nát, làm cho  hàng triệu người mất nhà cửa, cướp đi sinh mạng và sức khỏe của hàng ngàn người. Cho đến gần đây, tôi chưa bao giờ nghĩ tôi sẽ đi theo thế hệ ông bà tôi, những người đã chia thời gian của họ thành “trước chiến tranh” và “trong chiến tranh”. Còn chúng tôi, chúng tôi muốn viết “sau chiến tranh”.

“Chúng tôi đã đến thăm những ngôi làng có hơn 70 đến 80% các ngôi nhà đã bị phá hủy” | © Jaroslav Kraviec

Thời gian dài tạm ngưng

Tôi bắt đầu viết thư từ Ukraine trở lại sau một thời gian dài nghỉ ngơi. Tôi do dự, tôi không biết có cần thiết hay không hay tất cả chúng tôi đã quá mệt mỏi với những gì đang xảy ra ở đây. Tuy nhiên, nhiều người khuyến khích tôi không nên bỏ việc viết lách.

Mặc dù tình hình đã rất khác so với một tháng trước, cuộc chiến vẫn tiếp diễn và luôn làm chúng ta ngạc nhiên, suy nghĩ, cầu nguyện, giúp đỡ, hoặc ngay cả cần sự hiện diện của nhau.

Tôi về lại Ukraine ngày thứ sáu. Không mất nhiều thời gian khi qua biên giới. Giao thông ở cả hai chiều đều nhẹ hơn nhiều so với trước chiến tranh, dĩ nhiên cho những người tận dụng cơ hội quy luật nhập khẩu vào Ukraine nhẹ hơn để đưa xe từ Tây Âu vào. Họ đã đợi ở phía Ba Lan tới hai ngày. Những chiếc lều được các tình nguyện viên dùng rất gần đây để phân phát thức ăn cho người tị nạn đã trống rỗng.

“Cuộc chiến vẫn tiếp diễn và luôn làm chúng ta ngạc nhiên, làm chúng ta suy nghĩ, cầu nguyện, giúp đỡ, hoặc ngay cả cần sự hiện diện của nhau”.

Hành trình giữa biên giới Ba Lan và Fastiv mất cả ngày vì phải đi gần 600 cây số. Các trạm kiểm soát không còn, nơi mà cho đến nay giao thông ở miền Tây Ukraine bị chậm lại nghiêm trọng. Nếu không có những chiếc xe quân sự thỉnh thoảng đi qua, chúng ta có thể quên đất nước này đang có chiến tranh. Vấn đề nghiêm trọng nhất đối với việc di chuyển là thiếu nhiên liệu. Do thiệt hại vì chiến tranh và việc giao hàng từ Nga và Belarus bị cắt, đổ xăng bây giờ là cả một kỳ công. Hầu hết các trạm xăng đều đóng cửa. Một số chỉ cung cấp một loại nhiên liệu. Và nếu bạn xoay sở để tìm được trạm có nhiên liệu mình cần, bạn phải xếp hàng dài để có thể mua được 20 hoặc đôi khi chỉ 10 lít xăng.

Mìn cá nhân, một xui xẻo thực sự

Trong đoạn cuối hành trình, tôi đã đi qua các khu vực gần đây bị quân đội Nga chiếm đóng hoặc nhắm mục tiêu. Trời tối, và mọi thứ dường như trống rỗng. Đôi khi tôi có cảm giác kỳ lạ, rất buồn, nhất là khi lái xe qua rừng. Họ nói có những nhân vật đáng ngờ vẫn còn đi lang thang. Tôi may mắn là tôi không phải dừng lại và xuống xe, vì khi tôi đi cùng tuyến đường ngày hôm qua, tôi đi qua một nhóm kỹ sư quân đội đang kiểm tra bên đường. Mìn cá nhân là một xui xẻo thực sự cho người dân ở các ngôi làng và thị trấn xung quanh Kyiv. Những “di tích” người Nga để lại đã cướp sinh mạng của hàng chục người.

Tôi đến Fastiv sau giờ giới nghiêm. Cũng may những người bảo vệ lối vào thành phố rất biết điều, họ nói cho tôi biết, tôi không nên ở đây lúc này: “Thưa cha, cha nên tiếp tục đi, đây không phải là chỗ cha chờ cho đến sáng.”

Ngày thứ bảy, sau khi cầu nguyện và ăn sáng, chúng tôi có cuộc họp giao ban buổi sáng, cha Misha giao nhiệm vụ cho các tình nguyện viên, chúng tôi mang đồ cứu trợ đến các ngôi làng phía bắc Fastiv. Một số trong số đó đã bị quân đội Nga bắn cháy, một số khác đã bị chiếm đóng. Mặc dù đã một tháng kể từ khi kẻ tấn công rời đi, những nơi này vẫn còn kinh khủng. Chúng tôi đã đến thăm những ngôi làng, nơi hơn 70-80% các tòa nhà đã bị phá hủy.

Cha Misha và các tình nguyện viên phát hàng cứu trợ nhân đạo cho người dân các ngôi làng nhỏ phía bắc Fastiv | © Jaroslav Kraviec

Một số người dân sơ tán đang trở về nhà. Dĩ nhiên còn một cái gì đó có thể ở được. Những người khác không bao giờ trở lại. Chúng tôi dừng lại ở Andriivka, một ngôi làng trên đường từ Makariv đến Borodyanka. Cha Misha và các tình nguyện viên của tu viện Thánh Martinô đã đến đó vài lần trước đây. Chúng tôi đã nói chuyện với Vitaly, người điều hành cửa hàng phân phối hàng cứu trợ. Anh nói với chúng tôi những gì đã xảy ra ở đó hai tuần trước. Anh chỉ vào khu ø trường học: “Hàng chục phụ nữ và con cái của họ ở đó. Người Nga đã đưa họ đi đâu đó. Chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với họ và hiện giờ họ đang ở đâu.”

Anh kể khi lính vào làng, họ lục soát từng nhà, tìm người đức quốc xã và người Banderit (những người của một tổ chức cánh hữu của những năm 1940). Những người khác sống sót sau cuộc chiếm đóng cũng nói chuyện này. Trong số này có cô Natalia cùng với cha mẹ già bị bệnh của cô hiện đang sống trong tu viện của chúng tôi ở Kyiv. Trước khi đến sống với chúng tôi, cô đã ở hai tuần trong một ngôi làng nhỏ gần Bucha, nơi thuộc quyền kiểm soát của Nga. Cô kể: “Đầu tiên họ đi tìm những người đức quốc xã, sau đó những kẻ tiếp theo đến, họ lấy trộm đồ đạc của chúng tôi. Họ lấy thức ăn và bất cứ thứ gì họ muốn. Họ lấy xe của tôi đậu trước nhà. Họ lái xe đi.” Suốt thời gian này, tôi cố gắng để hiểu, làm thế nào những người lính Nga này lại có thể tin họ được đưa đến Ukraine để giải phóng người Ukraine khỏi chủ nghĩa quốc xã? Hoặc có thể họ chỉ biện minh cho hành động của họ? Tôi không biết.

Chúng tôi đã đến một ngôi làng khác. Làng Novyi Korohod dường như không bị hư hại nghiêm trọng, nhưng đã bị người Nga chiếm đóng. Cha Misha phân phát cứu trợ nhiều hơn. Ngôi làng này được thành lập năm 1986 dành cho những người phải tái định cư sau vụ nổ nhà máy điện hạt nhân ở Chernobyl. Bà thị trưởng thành phố nồng nhiệt chào đón chúng tôi.

“Khi chúng tôi hỏi bà cần gì, bà đơn giản trả lời: Hòa bình và cuộc sống.”

Bà nói với chúng tôi về con trai của bà, khi chiến tranh xảy ra, con bà muốn ra trận. Bà nói: “Nhưng tôi cần nó ở đây.” Bà kể: “Khi người Nga ở đây, con tôi đã giúp rất nhiều người; nó đi từ nhà này qua nhà khác, xem phải làm gì hoặc xem có ai đó cần điều gì đó”. Bà đúng; chiến đấu bằng súng không phải là cách duy nhất để chiến đấu trong chiến tranh. Khi chúng tôi hỏi bà cần gì, bà đơn giản trả lời: “Chúng tôi chỉ cần hòa bình và cuộc sống.”

Khi đến gần Borodyanka, chúng tôi thấy sự tàn phá nhiều hơn. Ở ngôi làng tiếp theo, những chiếc xe tăng Nga sừng sững giữa các ngôi nhà. Chúng tôi mang thức ăn đến cho các nhà này. Một cặp vợ chồng già sống ở đây. Bà cụ đi vắng. Chồng bà bị mù và bị cụt hai chân. Ông nhận ra cha Misha và các tình nguyện viên qua giọng nói. Trong phòng khách, ông nuôi mấy con gà con trong cái giỏ nhỏ.

Ở một ngôi làng lân cận Borodyanka, cha Misha đến thăm một người dân mù bị cụt cả hai chân | © Jarosalv Kraviec

Đó là lứa gà mới vì người Nga đã trộm và ăn thịt những con gà mà hai vợ chồng nuôi trước đó. Ông rất vui với chiếc đài các tình nguyện viên tặng ông trong chuyến thăm trước. Ông vặn đài cả ngày. Khi chúng tôi rời đi, khi nào chúng tôi cũng hỏi họ cần gì không. Ông già ốm yếu trả lời  rất nghiêm túc: “Tôi không xin gì lớn chuyện, tôi chỉ xin một ít thuốc lá.” Thật xúc động, chúng tôi tặng ông thuốc lá ngay.

Chúng tôi đến Borodyanka. Thị trấn này gần Hostomel, Bucha, Irpin và gần như bị phá hủy hoàn toàn. Cả thế giới có thể nhìn thấy hình ảnh những khu chung cư bị bom phá hủy. Trước mặt một trong các chung cư này là tượng đài của Taras Shevchenko, một trong những nhà thơ lớn của Ukraine. Các lực lượng tấn công đã không thể phá hủy tượng đài, dù chúng ta có thể nhìn thấy các lỗ đạn trong đó. Một tấm biển được để lại được lại tại chỗ với vài dòng từ bài thơ viết trong tù:

Đài tưởng niệm nhà thơ Taras Shevchenko mà lính Nga không thể phá hủy | © Jaroslav Kraviec

Yêu Ukraine của bạn.

Giống như…

Trong thời kỳ khốc liệt,

trong những phút cuối cùng khó khăn,

cầu nguyện xin Chúa

cho Ukraine!

(bản dịch của Yuri Zoria)

 

Thứ bảy tuần sau anh Igor Selishchev sẽ được thụ phong linh mục tại Fastiv. Igor người đến từ Donetsk. Anh vừa hoàn thành chương trình giáo dục và đào tạo ở Krakow và đến Fastiv khi chiến tranh bắt đầu. Chúng ta cùng cầu nguyện cho anh. Ơn linh mục anh sẽ nhận được vào thời điểm khó khăn mang lại cho Ukraine và cho toàn thế giới dấu hiệu thực sự của hy vọng.

Tôi xin chào các bạn lời chào nồng nhiệt nhất và xin các bạn cầu nguyện cho chúng tôi.

Jarosaw Krawiec OP,

Kyiv, thứ năm 5 tháng 5, 12:30 chiều

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Những bức thư từ Kyiv: linh mục dòng Đa Minh kể về cuộc chiến ở Ukraine