Tôi đã đưa tin về cuộc chiến của Nga ở Ukraine trong 50 ngày và đây là những hình ảnh tác động đến tôi nhất

150

Tôi đã đưa tin về cuộc chiến của Nga ở Ukraine trong 50 ngày và đây là những hình ảnh tác động đến tôi nhất

Bà Elisabetta Piqué đến Kyiv một ngày trước khi Putin ra lệnh xâm lược; từ kinh hoàng đến kiên cường và đoàn kết, bà đánh giá về bảy tuần đầu tiên của cuộc xung đột.

lanacion.com.ar, Elizabeth Pique, 2022-04-14


Elisabetta Piqué, phóng viên chiến trường của báo La Nacion ở Bucha, Ukraine một trong những nơi kinh hoàng nhất của cuộc chiến ở Ukraine / Ảnh

Hôm nay đánh dấu ngày thứ 50 (14-4) của cuộc xâm lược, nhưng không ai có thể tưởng tượng cuộc chiến này lại có thể trở thành hiện thực. Một cuộc xung đột ở trung tâm châu Âu đặt thế giới vào bờ vực của một chiến tranh thế giới thứ ba. Dự tính một cuộc tấn công chớp nhoáng, kéo dài hai hoặc ba ngày, nhằm loại bỏ tổng thống Volodimir Zelensky khỏi quyền lực, và đưa nước cộng hòa thuộc liên xô cũ nổi loạn này trở lại quỹ đạo của “mẹ Nga vĩ đại”, nước Nga “sa hoàng”của Điện Kremlin, Vladimir Putin.

50 ngày trước, cuộc chiến bắt đầu / Emilio Morenatti – AP

Không có gì báo trước điều này có thể xảy ra. Zelensky, một cựu diễn viên hài ít ai dám cá ông trở thành tổng thống được cả thế giới ngưỡng mộ và kính trọng, vì ông đang chiến đấu cho tự do của người dân, cho sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước mình, với lòng quyết tâm và lòng dũng cảm vĩ đại. “Hoạt động đặc biệt” của Putin – có thể kết thúc ngày 9 tháng 5, một ngày lịch sử vì đó là ngày kỷ niệm Ngày Chiến thắng của Liên Xô trước phát xít Đức năm 1945, kết thúc Thế chiến thứ hai, nhưng cũng có thể kéo dài trong vài tháng, hoặc thậm chí lâu hơn -, cho đến nay cuộc chiến này vẫn bị xem là một thảm họa.

Đó là năm mươi ngày đưa tin dữ dội. Một loạt các hình ảnh, tình huống, câu chuyện, còn hơn cả những khoảnh khắc chấn động, có thể được tóm gọn trong bảy mốc quan trọng.

1. Khả năng phục hồi

Khó có thể quên việc đến thăm bệnh viện phụ sản ở Kyiv, lúc quân Nga bao vây và tấn công các thị trấn phía bắc thủ đô. Trong một tầng hầm tối, giữa các đường ống của tòa nhà, có 28 phụ nữ sắp sinh. Trong số đó, có Ana, người sắp sinh một em bé mà cô định đặt tên là Mark. Cô nằm trên giường trong hành lang. Đó là đứa con đầu lòng của cô, chồng cô không ở đây, cô chỉ có một mình, cô rên đau và nói sắp vào phòng sinh ở boong-ke.

Cô nói với tôi sau đó: “Tôi hơi sốc. Khi mang thai mình rất hạnh phúc, mình mua sắm đồ đạc, quần áo, dọn phòng cho em bé, mình rạng rỡ, hào hứng. Tôi chuẩn bị từng thứ nhỏ nhặt. Nhưng một ngày mọi thứ thay đổi và đột nhiên tôi cảm thấy như mình đang ở địa ngục”, cô không hoàn toàn suy sụp. Dù, giống như những người khác, cô không tin vào các cuộc thương thuyết đang diễn ra, nhưng cô hy vọng tình hình có thể được cải thiện. Đó là ngày 2 tháng 3. Tôi ấn tượng với Anna vì cô làm cho tôi hiểu tinh thần phản kháng của người Ukraine, sự bình tĩnh khi đối diện với nỗi đau, với một sức chống chỏi mãnh liệt

Sinh đẻ trong thời chiến tranh. Ana, người mẹ Ukraine cầu nguyện cho các con và cho chồng.

2. Không có rào cản văn hóa

Tôi đã từng đưa tin ở các cuộc xung đột khác – Afghanistan, Iraq, Trung Đông, mùa xuân Ả Rập, và nhiều nơi khác-, tôi luôn tìm hiểu để có thể kể nỗi thống khổ của những người bằng xương bằng thịt, những người mất đi người thân trong gia đình, những người buộc phải rời bỏ nhà cửa, những người đột nhiên thấy cuộc sống của họ bị đảo lộn. Nhưng tôi chưa bao giờ bối rối với nội tâm như trong cuộc chiến ở Ukraine này. Và tôi hiểu vì sao. Tôi không ở trong bối cảnh văn hóa và tôn giáo hoàn toàn khác – như ở Afghanistan, vùng đất hồi giáo, nơi phụ nữ bị cho là người hạng hai – nhưng tôi đang ở trung tâm châu Âu. Ở một quốc gia có các thành phố với các quán bar, cửa hàng và trung tâm mua sắm giống như bạn có thể thấy ở bất cứ thành phố lớn nào, Rôma, New York hoặc Buenos Aires. Cùng nhà hát, cùng thính phòng opera, cùng những viện bảo tàng lớn. Đó không phải là Gaza, không phải Afghanistan, không phải Libya, bối cảnh nước ngoài. Không có rào cản văn hóa. Ukraine là trái tim của châu Âu. Và không phải đây chỉ là cụm từ.

Elisabetta Piqué ở Afghanistan

3. Xuất hành (và trở lại)
Nhiều lần tôi có cảm giác như tôi đang ở trong một cuốn phim. Cuộc xuất hành trong Kinh thánh đã thấy từ đầu cuộc chiến, khi hàng trăm ngàn người nối đuôi nhau trên xe để đến biên giới phía tây, tôi đã từng xem các phim về Thế chiến thứ hai. Hay những hình ảnh nhà ga bị đổ sập vì đoàn người đang cố chen lên chiếc tàu cứu họ. Những gương mặt tuyệt vọng, chống chọi để được lên xe, có những người đi bộ.

Tránh nỗi kinh hoàng: Cuộc sống của người tị nạn Ukraine giữa cuộc chiến Nga-Ukraine

Năm mươi ngày đã trôi qua và các ga xe lửa ở Kyiv hay Lviv không còn quá tải. Có nhiều trật tự hơn, nhiều kiểm soát hơn vì nỗi sợ hãi các cuộc tấn công của những kẻ xâm nhập Nga là rất lớn, nhưng vẫn có một xuất hành rất lớn. Xe lửa – vẫn còn hoạt động cực kỳ tốt – mọi người đang tìm cách trốn khỏi vùng đông nam Ukraine, vùng Donbass đang tranh chấp, nơi trận chiến cuối cùng đẫm máu nhất sẽ diễn ra. Nhưng cũng tại các nhà ga, có rất nhiều người đã rời Ukraine trong tháng đầu tiên, tạo phần lớn số người tị nạn lên đến 4 triệu người, nay họ quyết định trở về đất nước vì họ không có việc làm, không biết ngôn ngữ, vì họ không muốn là người tị nạn, vì họ muốn cố gắng trở về quê hương – nơi có thể bị phá hủy -, về đất đai của họ. Đã có hơn 600.000 người Ukraine quyết định về lại, đặc biệt là sau cuộc rút lui nhục nhã của quân đội Nga khỏi miền bắc đất nước, trong những vùng chung quanh Kyiv.

Hàng đoàn xe dài cố gắng trốn khỏi vùng chiến tranh / Pavlo Palamarchuk – AP

4. Sự hủy diệt và cái chết

Dù tôi chưa bao giờ đưa tin về cuộc chiến ở Syria – với chi phí đài thọ bình thường gồm thông dịch viên, xe hơi, ngoài ra phải thêm một khoản chi phí nữa cho ít nhất một vệ sĩ để ngăn chặn các vụ bắt cóc – tôi biết những hình ảnh tàn phá để lại trong các thành phố lịch sử như Alepp. Trong những ngày cuối cùng đưa tin, tôi có thể đến thăm các vùng phía bắc Kyiv, tôi chứng kiến sự tàn phá mà tôi chưa từng thấy trong đời.

Sự tàn phá ở Bucha BBC World / Getty Images

Borodyanca, Irpin, Bucha, Hostomel, Makariv, Andriivka, Buzova là những thị trấn bị tàn phá, nếu không biết đây là tàn tích của chiến tranh, những chiếc xe tăng phế thải, những tên lửa bị phá tan, những hố sâu thì người xem có thể nghĩ nơi này vừa qua một trận động đất rất dữ dội. Hoặc một cơn lốc xoáy đã đi qua. Một hoạt động phi quân sự hóa Ukraine trong đó nhà dân, trung tâm mua bán, siêu thị, tiệm thuốc, trường học, bệnh viện bị san bằng ư? Tại sao có sự tàn phá này, việc chống người dân như vậy không dính gì đến chính trị quốc tế, chính trị quốc gia, với NATO, với sự điên rồ của Vladimir Putin ư? Và tôi không muốn nói về hàng trăm cái chết; phụ nữ, trẻ em, những người vô tội. Không thể nào quên được mùi thịt thối rửa ở ngôi vườn của nhà thờ Bucha, nơi đây đã thành nghĩa trang lộ thiên, nơi các nhóm nhân viên pháp-y lần lượt kéo từng xác người ra khỏi ngôi mộ tập thể, những người không còn là hình người, với tên họ, cuộc sống, gia đình, bạn bè, với những giấc mơ của họ. Sự tàn bạo không thể hiểu nổi, tội ác chiến tranh và sự man rợ.

Địa ngục Bucha

5. Một cuộc chiến WhatsApp

Với các nhà báo, Ukraine là một cuộc chiến WhatsApp. Không những vì các nhóm được thành lập ngay từ đầu, chẳng hạn, nhóm phóng viên chiến trường nói tiếng Tây Ban Nha, với thông tin về an ninh và hậu cần – tuyến đường nào là an toàn nhất, khách sạn nào, nơi lấy áo chống đạn, thực phẩm hoặc thức uống có cồn (bị cấm từ đầu ở hầu hết các thành phố do có nhiều vũ khí ở đây) -, mà còn do các nhà chức trách gởi thông tin, hình ảnh, video chính thức qua mạng xã hội này. Điều cần thiết là tham gia vào các nhóm Telegram do chính phủ thành lập để có các thông tin và cuộc họp báo khác (ngay cả phát trực tuyến).

Ngày 35. Phóng viên Elisabetta Piqué ở Ukraine.

Trong bối cảnh này, nếu không có kết nối, không có mạng lưới, như tình trạng hiện nay ở các thị trấn bị tàn phá, là một thảm họa. Nhưng khi mạng điện thoại di động địa phương hoạt động, kết nối sẽ tốt, thì thật tuyệt vời. Trên thực tế, điều đầu tiên tôi làm khi xuống sân bay Kyiv chiều 23 tháng 2 – trên chuyến bay cuối cùng của hãng RyanAir bay từ Rôma – là mua con chip nội địa để dùng, và nó thật tuyệt vời. Tôi đã có thể phát sóng trực tiếp nhiều lần với báo La Nacion, ngay cả khi ở các trạm trú ẩn dưới đất vài mét. Và WhatsApp còn hữu dụng để liên lạc mọi lúc với tòa báo, với gia đình, bạn bè, thậm chí còn được bảo mật: chẳng hạn khi tôi đi từ Odessa về Kyiv, người chủ và bạn của tôi là Inés Capdevila, anh nói tôi gởi cho anh biết địa điểm tôi đang ở. Như thế tôi có thể được theo dõi từng bước.

6. Làn sóng đoàn kết

Nếu có một cái gì tích cực có thể thấy trong 50 ngày chiến tranh này, thì đó chính là làn sóng đoàn kết bao la đã được khơi dậy trên khắp thế giới. Một làn sóng không chỉ giới hạn ở các nước láng giềng như Ba Lan và Rumania, nơi mọi người mở cửa nhà cho người láng giềng Ukraine mà còn mở rộng ra toàn cầu.
Đến nỗi hôm qua, cô bạn Marzia ở Peru nói với tôi, cô luôn cám ơn WhatsApp, câu chuyện không thể tin được. Khoảng mười ngày trước, người em họ của cô sống gần Verona, Ý, nói với cô căn hộ ở tầng trệt của họ đã được dùng để đón nhận người tị nạn chiến tranh Ukraine. Vài ngày sau, một người bạn học cũ của chồng cô, Mariano (từ Buenos Aires), sống ở Brooklyn, New York gởi tin nhắn xin giúp các cháu và chị dâu ở ngoại ô Verone gặp khó khăn về tài chánh. Bạn tôi, Marzia đã nhanh chóng gởi số điện thoại của anh em họ của cô và mọi người đã liên lạc với nhau, đã gặp nhau và sẽ cùng nhau mừng lễ Phục sinh. Trong hoàn cảnh này, có hàng ngàn tấm gương của những người xắn tay lên giúp đỡ, như nữ tu Lucía Caram nghị lực và đáng kinh ngạc, sơ sống ở Manresa, gần Barcelona, sơ giúp người tị nạn mái nhà, thức phẫm, công việc làm.

Còn tôi, một hài lòng nho nhỏ – cám ơn sư huynh Jeremías dòng Capuchinô người Đức tuyệt vời, tôi gặp sư huynh ở Lviv- thầy đã giúp Victoria, một cô gái bị khuyết tật vận động tôi gặp ở thư viện thành phố Lviv, khi tôi làm phóng sự với hàng chục tình nguyện viên ở đó, họ làm lưới ngụy trang thủ công cho quân đội. Bị tàn tật bẩm sinh vì căn bệnh di truyền, lúc đó Victoria nói với tôi cô cần máy truyền dịch để có thể tiêm thuốc thường xuyên vào cơ thể, thiết bị này không có ở Ukraine. Chúng tôi liên lạc qua Facebook và xin sư huynh, thông qua Ivan, thông dịch viên của tôi, cho tôi mẫu thiết bị chính xác mà tôi cần. Từ đầu cuộc chiến, sư huynh đã giúp người tị nạn, đi đi về về Đức với thuốc men, xe cứu thương, v.v. Và cuối cùng sư huynh Jeremías đã giúp được.

Thật là một niềm vui lớn, thứ bảy tuần trước, Ivan gởi tin tức qua WhatsApp cho tôi thiết bị này đã đến Lviv: “Cám ơn bạn món quà đã đến”, anh gởi cho tôi bức ảnh Victoria cùng với anh và món quà nhỏ của chúng tôi.

Victoria với thiết bị y tế cô cần, cùng với Ivan / Elisabetta Piqué

7. Gia đình phân tán

Hôm nay tôi gặp lại Elisabetha, một em bé có tên giống tôi, em bảy tuổi đến từ Kyiv, đã sống nhiều tuần ở chủng viện công giáo-hy-lạp ở Lviv, cùng với anh trai Valerii, 20 tuổi, người anh săn sóc em mình như người cha. Họ là một phần của hơn sáu triệu người di cư trong nước. Mẹ của hai anh em là giáo sư kinh tế tại Đại học Kyiv, đã gởi các con đến miền tây Ukraine để được an toàn khỏi bom. Bà phải ở lại Kyiv vì cha mẹ già yếu và đau yếu không thể đi được.

Tôi đã đưa tin về Valerii, anh nói tiếng Anh giỏi, sắp tốt nghiệp kỹ sư âm thanh và mơ làm nhạc phim cho một cuốn phim kinh dị nào đó – vì anh là fan của loại phim này-, khi đó là tháng đầu tiên của cuộc xâm lược. Anh 20 tuổi nhưng trông có vẻ trẻ hơn – làm tôi nhớ đến Juan Pablo, con trai 16 tuổi của tôi – Valerii nói, chiến tranh là thảm họa lớn với đất nước của anh, rằng khó để xây dựng lại và rất khó hiểu chuyện gì đang xảy ra. Anh hỏi: “Bình thường, giống như tất cả người dân ở Kyiv, tôi nói tiếng Nga … Làm sao bây giờ người Nga lại bắn vào chúng tôi, những người cũng nói tiếng Nga?” Và anh không giấu được nỗi bàng hoàng khi nhiều ngày qua anh không có tin tức của các bạn học, từ những ngày đầu cuộc chiến họ đã về thành phố Mariupol của họ.

Những câu chuyện chấn động của chiến tranh. Ngày thứ 29, Elisabetta Piqué ở Ukraine.

“Nếu tôi ở nhà, chắc chắn tôi sẽ chiến đấu. Nhưng tôi có một em gái nhỏ mà tôi phải chăm sóc, giúp đỡ và cứu em. Tôi sẽ làm tất cả để em tôi không cảm thấy cuộc chiến này”, Valerii nói với tôi, anh còn quá nhỏ để biết cuốn phim Đời vẫn đẹp sao của điện ảnh gia Roberto Benigni, như trong phim, anh cũng đang làm cho em gái anh mà anh không biết.

Hôm nay trước khi lên đường sang biên giới Ba Lan để về lại Rôma sau hơn 7 tuần ở đây, tôi ghé chào Valerii và Elisabetha. Tóc dài vàng hoe, dáng tức tối, cô bé hơi sốt. Nếu em rất nhớ mẹ thì làm sao em biết được, bây giờ mẹ em cũng nhớ em đến chừng nào. Tôi hôn Valerii dũng cảm. Tôi nói với hai người, tôi hy vọng sẽ sớm gặp lại họ tại ngôi nhà của họ ở Kyiv cùng với mẹ của họ.

Valerii, 20 tuổi và Elisabetha 7 tuổi sau một tháng chiến tranh / Elisabetta Piqué

Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Nhà báo Elisabeth Piqué kể chuyến đi dài 18 giờ đưa bà rời Ukraine như thế nào