Cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraina – dù cảm thấy vô ích
americamagazine.org, Ashley McKinless và Linh mục Dòng Tên James Martin, 2022-02-24
Bà Ashley McKinless, ban biên tập trang America. Linh mục tác giả James Martin, Dòng Tên, ban biên tập trang America
Người dân tụ tập bên ngoài quốc hội Hà Lan, La Haye, Hà Lan, để phản đối cuộc tấn công của Nga vào Ukraina, ngày 24 tháng 2 năm 2022. (Ảnh CNS / Piroschka van de Wouw, Reuters)
Khi tin tức về cuộc xâm lược Ukraina của Nga loan ra ngày thứ tư, tôi đang lướt Twitter. Những gì xem như công việc bình thường không cần suy nghĩ bỗng thành tức giận khi đi tìm thêm chi tiết và triển khai. Xen kẽ giữa các tin tức và bình luận – các video của một phóng viên CNN mặc y phục bảo hộ khi các vụ nổ làm rung chuyển Kyev và như thông thường, các phe tìm mục tiêu để đổ lỗi cho một cuộc xung đột cách đó hàng ngàn cây số – là lời cầu nguyện.
Bà Elizabeth Bruenig, chủ biên của trang The Atlantic viết câu tweet: “Tôi tha thiết cầu nguyện, xin đừng đổ máu và nếu phải thì đất nước chúng ta đừng can thiệp theo cách làm cho nó tồi tệ hơn.” Tôi nhấn nút thích.
Nhà văn công giáo Shannon Last viết: “Đức Mẹ, Nữ hoàng Hòa bình, xin cầu bàu cho chúng con.” Biểu tượng cảm xúc trái tim.
Tôi luôn tự hỏi mình cũng cùng một câu, khi tôi viết trên Tweeter sau mỗi thảm kịch xảy ra: Tôi thực sự đang làm gì? Thích một câu tweet có được xem là cầu nguyện không?
Tôi thích ảnh chụp màn hình lời cầu nguyện của Tổng thống Joe Biden cho người dân Ukraina và lời kêu gọi của một linh mục Dòng Tên dành cho những người công giáo “hãy tổ chức các thánh lễ của bạn”.
Sau đó, tôi luôn tự hỏi mình cũng cùng một câu, khi tôi viết trên Tweeter sau mỗi thảm kịch xảy ra: Tôi thực sự đang làm gì? Thích một câu tweet có được xem là cầu nguyện không? Tôi lên giường và đọc Kinh Kính Mừng. Nhưng tôi thấy vô ích khi đứng trước đe dọa rõ ràng của Vladimir Putin về chiến tranh hạt nhân chống lại bất cứ ai dám đứng ra bảo vệ thường dân vô tội ở Ukraina.
Tất nhiên, đây không phải là vấn đề mới. Sau mỗi vụ xả súng hàng loạt ở Hoa Kỳ, có những người cầu nguyện cho các nạn nhân và cho nước Mỹ có một đạo luật súng lành mạnh – và có những người chế giễu “cầu nguyện và tưởng niệm” là những lời vô nghĩa. Tuy nhiên, những lời cầu nguyện này có thể là sự hỗ trợ cho việc kiểm tra lý lịch khi mua súng. Và lời cầu nguyện để chấm dứt phá thai có thể phù hợp với việc hỗ trợ vật chất cho phụ nữ mang thai. Bạn có thể cầu nguyện khi đối diện với biến đổi khí hậu và điều chỉnh lối sống để giảm lượng khí thải carbon.
Trong trường hợp Ukraina, hầu hết người Mỹ không thể gây ảnh hưởng trên Tổng thống Putin hoặc diễn biến cuộc chiến. Vì thế lời cầu nguyện thực sự là tất cả những gì còn lại.
Trong trường hợp Ukraina, hầu hết người Mỹ không thể gây ảnh hưởng trên Tổng thống Putin hoặc diễn biến của cuộc chiến (dù chúng tôi có thể quyên góp cho các nhóm nhân đạo ở địa bàn). Vì vậy, lời cầu nguyện thực sự là tất cả những gì còn lại. Nhưng họ được gì? Tôi phải nói gì hoặc cảm thấy gì khi cầu nguyện cho Ukraina? Đây có phải là việc thuyết phục Chúa can thiệp hay chỉ đơn giản để tôi được dịu lòng, để tôi cảm thấy mình cùng đau khổ với các anh chị em Ukraina của tôi?
Để có câu trả lời cho những câu hỏi này, tôi đã tìm đến đồng nghiệp của tôi ở trang America, linh mục Dòng Tên James Martin, người không những viết quyển sách Học cầu nguyện (Learning to Pray) mà còn là người hướng dẫn thiêng liêng, trong tám năm vừa qua đã giúp tôi giải quyết (rất nhiều) những bất an của tôi chung quanh đời sống cầu nguyện của tôi.
Bà Ashley McKinless: Tại sao người công giáo nên cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraina?
Linh mục James Martin: Trước hết, hòa bình là điều mà Chúa Giêsu mong muốn. Một trong những lời được biết đến nhiều nhất trong đời sống hoạt động công khai của Ngài là “Bình an ở với con”. Thực ra, đó là điều đầu tiên mà Chúa Kitô Phục Sinh nói với các môn đệ sau khi Ngài sống lại. Nên nhớ Ngài không nói: “Hãy tin rằng, không gì là không thể với Chúa” hoặc “Chúa Cha đã cho tôi sống lại từ cõi chết” hoặc ngay cả “Ta đã chiến thắng cái chết”, tất cả đều đúng, nhưng Chúa nói câu đơn giản hơn: “Bình an cho bạn.” Chúa Kitô mong muốn bình an cho các môn đệ và mong muốn chúng ta bình an. Chúa Kitô cũng mong muốn sự hiệp nhất. Ở những nơi khác trong Tin Mừng, Ngài cầu nguyện: “Để tất cả nên một.” Vì thế hòa bình là trọng tâm của sứ điệp kitô. Chúng ta nên cầu xin Chúa giúp chúng ta có được bình an này, đặc biệt ở những nơi bị chiến tranh tàn phá như Ukraina.
Chúng ta nên cầu xin Chúa giúp chúng ta có được bình an này, đặc biệt ở những nơi bị chiến tranh tàn phá như Ukraina.
Những lời cầu nguyện có phải là xin Chúa thay đổi tiến trình các sự kiện không? Để hoán cải trái tim chúng ta hướng về hòa bình không? Hay cái gì khác?
Đó là câu hỏi khó. Một mặt, có một quan niệm cổ xưa, Chúa là bất biến và vì thế Chúa muốn làm điều gì, Chúa sẽ làm. Và, theo dòng suy nghĩ này, chúng ta không thể làm gì lớn chuyện để có thể ảnh hưởng đến điều này. Tuy vậy cũng có một khái niệm quan trọng không kém về một Thiên Chúa nhậm lời nhu cầu và ước muốn của con người.
Đứng trước hai cách tiếp cận này, tôi nghĩ hình ảnh đẹp nhất về Thiên Chúa là Chúa Giêsu, Đấng tất nhiên là Thiên Chúa Nhập Thể. Và trong Chúa Giêsu, chúng ta thấy một Thiên Chúa, Đấng khao khát được gần gũi chúng ta, đến nỗi Ngài trở nên một với chúng ta. Và trong các sách Phúc âm, Chúa Giêsu xin chúng ta nói lên những mong muốn của chúng ta. Chúng ta nhớ câu chuyện người mù Batimê, Ngài nói: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Vậy, Chúa muốn biết chúng ta muốn gì.
Tôi tin rằng Chúa nghe lời cầu nguyện của chúng ta và Ngài đáp lại, mặc dù đôi khi Ngài đáp lại không qua sự kiện vừa xảy ra, nhưng Ngài thay đổi tâm hồn chúng ta.
Và tôi tin rằng Chúa nghe lời cầu nguyện của chúng ta và Ngài đáp lại, mặc dù đôi khi Ngài đáp lại không qua sự kiện vừa xảy ra, nhưng Ngài thay đổi tâm hồn: làm dịu tâm hồn, đánh thức lòng trắc ẩn và ngay cả sự tức giận chính đáng trước bất công. Vì vậy, tôi nghĩ Chúa vừa hành động vừa thúc đẩy chúng ta hành động.
Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không cảm thấy hoặc không nghe thấy bất cứ điều gì đáp lại lời cầu nguyện của tôi?
Đây là câu hỏi khó. Và chúng ta phải công nhận, điều này xảy ra thường xuyên hơn chúng ta mong muốn. Tôi nói về điều này rất nhiều trong quyển sách Học cầu nguyện. Ví dụ, nếu chúng ta cầu nguyện xin chữa lành cho người thân và người đó qua đời, lời cầu nguyện chúng ta không được nhậm lời như chúng ta mong. Tất nhiên, có rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi về lời cầu nguyện không được Chúa nhận lời: Chúa đang thử thách chúng ta; Chúa đang cho chúng ta thứ gì đó khác hoặc thứ gì đó “tốt hơn” (như đức tính kiên nhẫn); Chúa đang trả lời chúng ta theo những cách mà chúng ta không thể thấy được..v.v. Nhưng không câu trả lời nào trong số này làm thỏa mãn cho những ai phải đối diện với đau khổ sâu xa. Có nghĩa, chúng ta không thể nói với cha mẹ của một em bé bị bệnh ung thư: “Chúa đang ban cho bạn điều gì đó tốt hơn”.
Trong cuộc sống của tôi, tôi nghĩ rằng đó là lời mời để tin vào một Thượng đế mà chúng ta không hiểu. Mối quan hệ quan trọng hơn kết quả. Vì vậy, một lần nữa, cha có thể tin vào một Chúa bí ẩn không?
Cha có lời khuyên nào cho người cảm thấy lời cầu nguyện cho hòa bình của họ là vô ích không?
Trước tiên, hãy nhớ Chúa là Đấng huyền bí và chúng ta không biết chính xác lời cầu nguyện “hoạt động” như thế nào. Nói cách khác, Chúa không phải là cái máy tự động, bạn “nhét” lời cầu nguyện và máy cho ra viên kẹo bọc đường. Chúa luôn là bí ẩn, luôn ở bên ngoài chúng ta. Nhưng điều này không có nghĩa là Chúa không quan tâm đến cuộc sống của chúng ta. Người tín hữu kitô không tin vào Thượng đế của Aristotle xa xôi như kiểu “Suy nghĩ suy nghĩ suy nghĩ.” Không, Chúa yêu chúng ta đến nỗi Ngài trở nên một với chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô. Và sẵn sàng chết vì chúng ta. Cần thêm bao nhiêu “bằng chứng” để chúng ta có thể có ước muốn rằng Chúa ở gần chúng ta?
Những ngày này, tôi sốt sắng cầu nguyện cho hòa bình, đặc biệt là ở Ukraina. Những lời cầu nguyện này sẽ được nhậm lời như thế nào?
Thêm nữa, chúng ta sẽ có thể không nhận ngay lập tức những gì chúng ta xin, trong trường hợp này là hòa bình, nhưng chúng ta phải tin rằng Chúa đang làm việc trên thế giới và những lời cầu nguyện của chúng ta được lắng nghe. Những ngày này, tôi sốt sắng cầu nguyện cho hòa bình, đặc biệt là ở Ukraina. Những lời cầu nguyện này sẽ được nhậm lời như thế nào? Có lẽ qua những tâm hồn rộng mở ra với Chúa, và những suy nghĩ hướng về hòa bình, hòa hợp và hòa giải. Có thể đánh thức trong chúng ta lòng trắc ẩn mãnh liệt đối với nạn nhân của chiến tranh. Có lẽ bằng cách lấp đầy chúng ta với sự phẫn nộ trước những đau khổ do chiến tranh gây ra.
Chúng ta nhớ đây là cách Chúa “làm việc”, bằng cách thúc đẩy trái tim hành động. Nếu không, làm thế nào Chúa hành động trên thế giới?
Cha có cầu nguyện trên Twitter không? Đâu là lợi ích khi làm việc này?
Đôi khi tôi viết lời cầu nguyện và đăng trên Twitter. Tôi hy vọng giúp một số người tập trung cầu nguyện và cùng nhau cầu nguyện dù có những nơi khác để cầu nguyện. Và sáng nay, tôi đã rất xúc động khi xem đoạn phim trên Twitter của hãng tin AP, về một phụ nữ Ukraina bị cưỡng bức khỏi nhà, bà nói trong nước mắt: “Chúng tôi phải rời khỏi nhà! Chuyện gì xảy ra vậy?” Vẻ mặt của bà, và ý nghĩ của người phụ nữ lớn tuổi này đang chạy trốn khỏi nhà của mình trong cái lạnh điếng người đã làm cho tôi phải cầu nguyện. Vì vậy, tôi có thể nói Twitter đã thúc đẩy tôi cầu nguyện.
Lời cầu nguyện của cha cho Ukraina là gì?
Hòa bình, hòa bình, hòa bình. Và hãy chân thành: Chúng ta cầu nguyện để tâm hồn ông Putin rung động, để ông có thể nhìn những đau khổ vô cùng mà ông đang gây ra. Rõ ràng ông là tín hữu kitô. Tôi cầu nguyện để ông ấy hiểu Chúa Giêsu Kitô mong muốn hòa bình.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: “Ở Ukraina, chúng tôi phải đối diện với vấn đề phẩm giá con người”
Antoine Arjakovsky: “Không có các Giáo hội, chúng tôi không thể nghĩ đến hòa bình ở Ukraina”