Linh mục Timoner, bề trên tổng quyền dòng Đa Minh với các vấn đề Giáo hội ngày nay

404

Linh mục Timoner, bề trên tổng quyền dòng Đa Minh với các vấn đề Giáo hội ngày nay

Linh mục Gerard Francisco Timoner thảo luận về sứ mệnh của Dòng Đa Minh ngày nay và tương lai của Giáo Hội.

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2021-11-19

Linh mục Gerard Francisco Timoner, bề trên tổng quyền thứ 88 của dòng Đa Minh từ ngày 13 tháng 7 năm 2019. Rocco Rorandelli / TerraProject / La Croix

Tháng 7 năm 2019, cha là bề trên tổng quyền dòng Đa Minh kế vị cha Bruno Cadoré, người Pháp. Cha vào dòng Đa Minh như thế nào?

Linh mục Gerard Francisco Timoner: Đó là một câu chuyện dài… Tôi là người con của tỉnh dòng Phi Luật Tân. Khi học xong trung học, tôi muốn vào chủng viện, nhưng cha mẹ tôi cùng với cha xứ thấy tôi còn quá nhỏ. Một thời gian sau, tôi dọn về thủ đô Manila với ý nguyện vào Dòng Tên. Bà tôi và dì tôi chống chuyện này vì họ sợ tôi bị gởi đi truyền giáo ở tận chân trời.

Đứng trước sự từ chối này, tôi quyết tâm vào đại học Thánh Tôma, nơi tập trung nhiều chủng sinh của nhiều giáo phận ở Manila. Để được nhận tôi cần thư giới thiệu của giám mục giáo phận tôi. Nhưng thư ký của ngài thay vì viết thư giới thiệu gởi đại học “Thánh Tôma” thì cha lại viết dòng Đa Minh “Thánh Đa Minh”. Tôi 17 tuổi, không biết gì. Người ta thường nói, Chúa viết đường thẳng bằng những nét cong. Phần tôi, Ngài đánh máy sai… Vì vậy, khi vào dòng Đa Minh tôi mới biết dòng. Và đó là khi tôi tự nhủ: đây là cuộc sống mà tôi muốn.

Cha là người đứng đầu dòng đi rao giảng. Điều này có ý nghĩa nào trong thế giới đang trải qua một hình thức khủng hoảng lời nói?

Như Thánh Đa Minh mong muốn, đặc sủng của chúng tôi là dự vào Giáo Hội mầu nhiệm của Chúa Kitô bằng cách rao giảng Tin Mừng. Nhưng không có nghĩa chúng tôi là những người duy nhất rao giảng – một số linh mục giáo phận giảng hay hơn các cha dòng Đa Minh! -, nhưng để  nhấn mạnh rao giảng là một trong những đặc sủng của Giáo hội.

Như thế là phải có những bài giảng hay?

Không. Chúng tôi không phải là dòng của “các nhà giảng thánh lễ”, nhưng của những người đi rao giảng. Bài giảng trong thánh lễ là bài giảng phụng vụ, nhưng chúng ta có nhiều cách giảng khác nhau: họa sĩ Fra Angelico khi vẽ, đã giảng theo cách riêng của mình. Cũng vậy với tất cả những ai trên thực địa, họ rao giảng qua công việc từ thiện của mình. Và đó cũng là trường hợp các vị tử đạo của chúng ta ở Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Đó cũng là các sinh viên của chúng tôi ở Trường Kinh thánh Giêrusalem hoặc các anh em chúng tôi ở biên giới hiện sinh, cũng như những người học tiếng ả rập và kinh Coran để đối thoại với người hồi giáo.

Đôi khi chúng tôi có cảm tưởng các tu sĩ dòng Đa Minh là tập hợp của những nhân vật rất xuất sắc nhưng khá độc lập, nếu không muốn nói là rất cá nhân chủ nghĩa. Điều gì tạo nên sự hiệp nhất của dòng?

Rõ ràng là nếu có một đoạn video liên tiếp chiếu cảnh thần học gia Yves Congar viết, Thánh Martin ở Porrès cho người nghèo ăn, linh mục Bartolomé de las Casas bảo vệ quyền người bản xứ và Thánh Catarina Siênna nói chuyện với giáo hoàng, thì chúng ta sẽ có quyền hỏi điểm chung của họ là gì. Dù vậy, những gì hiệp nhất họ, đó là tất cả đã thấy ơn gọi của mình khi đi theo Thánh Đa Minh và triển khai tài năng rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, theo cách riêng của mỗi người. Tôi đến từ đất nước Phi Luật Tân, một đất nước có rất nhiều hòn đảo. Nếu chúng ta nhìn chung thì chúng dường như tách biệt nhau. Nhưng nếu đi xuống đáy biển, thì chúng ta thấy chúng được kết nối với nhau ở dưới đáy. Dòng Đa Minh cũng vậy: điều hiệp nhất chúng tôi là chúng tôi tuyên xưng đức tin theo Thánh Đa Minh và đặc sủng chúng tôi trong tư cách là người đi giảng. Vì thế cuộc sống chúng tôi được nâng đỡ qua lời cầu nguyện chung, qua điều hành, đồng nghị và qua cộng đồng chúng tôi.

Bây giờ ai là những người trẻ muốn vào dòng?

Điều này tùy thuộc vào vùng gốc của họ. Ở Mỹ, nhiều người biết Dòng qua Internet. Một số xuất thân từ các gia đình không giữ đạo và tái khám phá Giáo hội. Ở Châu Phi và Châu Á, họ thường đến với chúng tôi sau khi biết một cộng đoàn Đa Minh. Rất khó để khái quát, nhưng điều có thể ghi nhận là một số người trẻ luôn hoài niệm về một quá khứ huy hoàng nào đó. Chẳng hạn một số thích nghi thức ngoại thường hoặc nghi thức cổ xưa của dòng Đa Minh.

Điều này có khi tạo căng thẳng với những người cao niên nhất, đặc biệt với những vị đã sống thời Công đồng Vatican II và có những cải cách. Và có căng thẳng giữa thế hệ này, thế hệ kia là chuyện bình thường. Tự chính điều này không phải là xấu, vì mỗi cái đều có một cái gì đó xác đáng và cụ thể để nói. Nhưng nó sẽ trở nên xấu đi khi thế hệ này nghĩ mình tốt hơn thế hệ kia và không tôn trọng nhau.

Làm thế nào để cha đối phó với điều này?

Tất cả chúng ta đều đi cùng một con đường để đến Chúa. Nhưng một số đi bên lề trái, một số đi bên lề phải. Những tranh cãi không giúp chúng ta nhận ra con đường còn rất rộng và luôn có chỗ cho những khác biệt. Khó khăn là làm cho những người ở bên này biết họ đang đi cùng đường với những người ở bên kia.

Cha có nghĩ đây sẽ là thách thức cho thượng hội đồng Đức Phanxicô đang phát động không?

Đúng vậy, như ngài nói, mục tiêu thực sự của thượng hội đồng  là hiệp thông, khắc phục mọi đối nghịch có thể tồn tại, kể cả giữa các hồng y hoặc giám mục đôi khi cũng công khai chỉ trích nhau.

Cha có lời khuyên nào để thượng hội đồng thành công không?

Điều quan trọng là lắng nghe bên kia. Thường thường, chúng ta không đồng ý vì chúng ta không lắng nghe chính mình. Và để có thể lắng nghe nhau, đôi khi chúng ta phải công nhận chúng ta hơi khác biệt nhau. Điều này chỉ có thể thực hiện được giữa những anh em đã giải hòa với nhau. Nhưng chúng ta đã làm việc này trong mỗi thánh lễ: trước tiên là tha thứ, sau đó là lắng nghe lời Chúa và cuối cùng là sai đi. Chúng ta có thực sự nghe lời Chúa trước khi lắng nghe người khác không? Chúng ta chỉ giữ lại những gì phù hợp với mình hay thực sự chúng ta nghe lời Chúa? Tham gia thượng hội đồng không chỉ là họp với nhau cho chính chúng ta, nhưng để được gởi đến thế giới tốt hơn.

Cha đang ở đâu trong cuộc chiến chống lạm dụng tình dục?

Đầu tiên, tôi muốn nói theo sáng kiến của linh mục Bruno Cadoré, người tiền nhiệm của tôi, hiện nay tất cả các tỉnh dòng của chúng tôi đều có chính sách “bảo vệ”, và một quy trình đấu tranh chống tấn công tình dục. Một số đã được điều chỉnh tùy theo quốc gia, phải tính đến các lệnh của các giám mục địa phương hoặc các quy tắc của tài phán dân sự. Những sự kiện này khi chúng phát sinh đều được xem xét rất nghiêm túc. Trong quá khứ, chúng ta đã xem lạm dụng trẻ em là một tội có thể tha thứ. Chúng tôi đã nhầm: đó là tội ác phải đưa ra tòa án dân sự.

Quan điểm của cha về trường hợp các tu sĩ Philippe là gì?

Như báo La Croix đã cho thấy trong cuộc điều tra của mình, thời đó một số cấp trên đã nhận định tình hình rất nghiêm túc. Nhưng vấn đề là, thông tin không được chuyển từ bề trên này qua bề trên khác. Và sau đó chúng tôi quên các biện pháp trừng phạt, trước khi khám phá lại chúng sau này. Vào thời điểm đó, chúng tôi không nhận thức được vấn đề, cả về khía cạnh bệnh lý, cũng như khía cạnh thần học, vì ở đây chúng tôi đối diện một bê bối đồi trụy về giáo điều. Chúng tôi thực sự coi trọng vấn đề này và sẵn sàng giúp để đưa ra sự thật.

Cha nhìn tương lai của Dòng như thế nào và nói rộng ra là tương lai Giáo hội? Có luôn ở Âu châu không?

Tương lai của Giáo hội ở bất cứ nơi đâu Tin Mừng cần được loan báo. Âu châu trước đây là một Giáo hội truyền giáo, có lẽ bây giờ Âu châu phải công nhận mình là vùng đất truyền giáo. Tôi đến từ một đất nước năm nay kỷ niệm 500 năm ngày rửa tội đầu tiên và ngày thánh lễ đầu tiên được dâng. Điều này có được nhờ các nhà truyền giáo đã vượt đại dương. Nhiều người chết, nhiều người đau khổ. Chúng ta không nhận ra những gì họ đã trải qua. Chúng ta biết ơn, nhưng chúng ta cũng phải nhận thấy, những vùng đất họ đến bây giờ là những vùng đất truyền giáo.

Đa số người công giáo không còn ở Châu Âu. Sự kiện này cũng thế với nhà Dòng: gần một nửa trong số 4.800 linh mục của Dòng là người châu Âu. Nhưng trong số 752 sinh viên được đào tạo để trở thành linh mục, tỷ lệ người châu Âu là 32%. Còn 165 tập sinh thì chỉ có 48 sinh ra ở Âu châu, tương đương 29%.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch