Nữ tu Véronique Margron: “Khi những người dễ bị tổn thương bị ngược đãi, là chính Chúa bị ngược đãi”
Tài liệu. Trước 300 bề trên các dòng tu Pháp họp ở Lộ Đức từ ngày 16 đến ngày 19 tháng 11 năm 2021, nữ tu Véronique Margron, chủ tịch Hội đồng nam nữ Tu sĩ Pháp (Corref) đưa lời chứng của các nạn nhân của bạo lực tình dục vào trọng tâm bài diễn văn khai mạc của mình: “Khi những người dễ bị tổn thương bị ngược đãi, là chính Chúa bị ngược đãi”
lavie.fr, Véronique Margron, 2021-11-16
Nữ tu Véronique Margron, dòng Đa Minh, chủ tịch Hội đồng nam nữ Tu sĩ Pháp, Corref, ngày 16 tháng 11 năm 2021 tại Lộ Đức.
Anh chị em tu sĩ, các bạn thân mến,
“Mớ bòng bong hỗn độn: trong mắt em bé, hòa lẫn sự đau khổ của bạo lực phải chịu đựng, sự phủ nhận lời của mình và một nỗi cô đơn vô cùng. Sau này khi lớn lên, mớ bòng bong của tuổi thơ bị dồn nén do tức giận vì đã bị ở trong tình trạng nguy hiểm và không được giải cứu. Khi đó em bé sẽ hiểu, cả một văn hóa của một hệ thống chỉ muốn bảo vệ chính mình thay vì bảo vệ em bé. Và mớ bòng bong này sẽ không ngừng đào sâu chung quanh câu hỏi: ‘Vì sao người ta không đưa ra công lý?’ Đó là điều tối quan trọng cho em bé, để em bé có thể có bình an và ngừng khóc cho tuổi thơ của mình”. Lời của nạn nhân.
Bài đọc thêm: Cảm xúc của anh Michel, tác giả bức ảnh em bé đang khóc
Người chụp bức ảnh treo ở tường ngôi nhà bán nguyệt này chất vấn chúng ta. Khuôn mặt của anh được che giấu – được bảo vệ – nơi các nét của em bé hóa đá này ở một nhà thờ. Khuôn mặt của mỗi nạn nhân, dù là trẻ em hay người lớn, đều ở đó. Bất cứ lúc nào trong tuần này, khi chúng ta đi qua bức tường này, chúng ta hãy nhìn sâu vào mắt em bé, hứa với em bé để hành động, nhìn thấy trong em bé, ẩn sau em bé là hàng trăm ngàn khuôn mặt khác, những giọt nước mắt khác, những cuộc đời khác đã bị cướp đi, những tiếng khóc bị cấm đoán khác.
Bài đọc thêm: Nỗi đau dai dẳng, phỏng vấn linh mục Dòng Tên Patrick C. Goujon
Tất cả chúng ta ở đây, hôm nay, trong cuộc họp toàn nghị này, để cuối cùng trả lời cho các em bằng sự khó nghèo, bằng thịt, bằng da, bằng tất cả con người chúng ta. Để chúng ta thấy mình bị tổn thương, bị giằng xé vì xấu hổ và đau buồn trước tuổi thơ bị phản bội, bị sỉ nhục. Để không còn bảo vệ, cho Giáo hội chúng ta, cho các cộng đồng, cho các phong tục tập quán, cho truyền thống, cho các bài phát biểu của chúng ta.
Dù đau đớn, chúng ta sẽ không trả lại được tuổi thơ, lòng tin tưởng, lòng vui sống cho bất cứ nạn nhân nào. Đã quá muộn cho điều này. Và thực tế này, mỗi câu chuyện kể, mỗi cuộc gặp đã dìm tôi vào bóng tối. Những tội ác đã phạm, không đi lui được, không sửa chữa được, những điều ác phải chịu đựng, ẩn náu trong bóng tối ăn mòn và phá hoại mọi thứ bên trong, đôi khi phá hủy luôn cả cuộc sống. Tấn công tình dục, khoác lên mình lớp áo lạnh lùng của tình cảm, của tuyển chọn, nhân danh ngay cả chính Chúa, đã có những hệ quả làm cho họ có quyền ăn tươi nuốt sống cả những người thân của mình.
Tất cả những điều này đã quá trễ và chúng ta không thể “đi lại từ đầu”, cũng không “lật qua trang khác” được.
Nhận trách nhiệm của chúng ta
Nhưng bây giờ là thế hệ chúng ta phải chịu trách nhiệm. Bây giờ, chúng ta ở đây để làm điều này. Trọn vẹn. Quyết định hành động, với lòng khiêm tốn, với quyết tâm. Không phải là giờ lịch sử. Vì, lịch sử là có thể chận hành động của những kẻ săn mồi, chận được im lặng trong các dòng chúng ta, chận sự phủ nhận công lý và sự thật, như khi chúng ta cố gắng ngăn chặn sự tàn ác âm ỉ chống lại những người nhỏ bé đứng lên chống tội ác. Chúng ta đã không làm dù từ lâu đã có một số người cảnh báo và có khi họ đã để lại một phần đời cuộc sống của họ. Vì vậy, buộc phải khiêm tốn.
Bài đọc thêm: 45 Khuyến nghị của Ủy ban Ciase về các vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp
Vì thế, rất khiêm tốn, chúng ta phải làm những gì cần làm ngay bây giờ. Chịu trách nhiệm, không phải nói chung, trong những gì đặc biệt nhất của lịch sử. Trong cuộc họp toàn thể của chúng ta tháng tư vừa qua, chúng ta đã nhận “trách nhiệm tập thể”. Chúng ta, những người quen thuộc với các cuộc họp Tổng Tu nghị trong các viện, các cộng đồng của mình, chúng ta biết sức mạnh của thuật ngữ này. Tập thể tính không làm mất đi phần của mỗi người, ngược lại là đàng khác. Đó là thừa nhận, chúng ta cần gắn kết để có thể phán đoán tình hình một cách chính xác nhất có thể. Cân nhắc để hành động. Mỗi người đều có trọng lượng như nhau trong cuộc thảo luận, để sau đó trách nhiệm được chia sẻ thực sự, ở trọng tâm và đồng thời vượt ra ngoài trách nhiệm mà mỗi người phải đảm nhận và người đó phải trả lời. Cân nhắc, quyết định. Đây là những gì chúng ta đã làm vào tháng 11 và sau đó vào tháng 4. Vẫn còn điều cần thiết, không có điều này, những pha trước đó trở nên vô ích. Đưa quyết định vào hiện thực và giám sát việc thực hiện nó.
Đặt tên cho cái ác
Khi làm như vậy, chúng tôi cố gắng lắng nghe các nạn nhân và nhân chứng, chú ý đến báo cáo Ciase và công việc bản báo cáo yêu cầu, để gọi tên cái ác, nhìn vào cái không thể dung thứ, không thể bào chữa được. Sự hiểu biết sai lầm của chúng ta về lòng trắc ẩn, lòng nhân từ, mong muốn cứu hoặc giữ “chúng ta” cùng với các yếu tố khác, đã làm cho chúng ta xem hàng loạt vụ lạm dụng và tấn công tình dục là “những hành vi không phù hợp”, thậm chí là “không đúng lúc”, để nói đến “những sai lầm, yếu kém”, nơi có sự tấn công, bạo lực, dối trá, lạm dụng quyền lực, lạm dụng lương tâm. Tôi xin phép được đọc cho anh chị em – với sự đồng ý của tác giả – vài dòng từ một trong những bức thư cuối cùng tôi nhận được ngày thứ sáu tuần trước. “Làm thế nào sơ tìm thấy một từ đủ mạnh để nói ra điều không thể nói ra? Đó là đồi trụy mà sơ dám gọi đó là một sai lầm ư? Tôi đã bị hủy diệt, người đó vẫn tiếp tục… Tôi đã bị hủy diệt… Tôi nghĩ tôi đã chết vì xấu hổ, đau buồn, ghê tởm. Người đó là bạn của tôi, người đó đã lấy mất sự liêm chính tinh thần và thể xác của tôi, người đó đã bôi bẩn tôi trong phẩm giá phụ nữ của tôi. Người đó xin tôi đừng nói cho ai, nếu không đời của người đó sẽ bị hủy hoại … Tôi đã cố gắng nói ra chuyện này, nhưng họ không nghe, không tin. Tôi như tan ra từng mảnh. Linh mục đó đã qua đời và tôi vẫn còn bị ám ảnh. Và sơ dám viết “đó chỉ là một sai lầm”.
Đó, chúng ta đang ở trong tình trạng này. thậm chí chắc chắn còn nhiều hơn trong cộng đồng chúng ta, nơi chúng ta sống với anh chị em của mình, hơn là trong giáo phận. Chúng ta biết điều này, nếu gia đình, các gia đình, có thể là nền tảng cơ bản nhất, đẹp nhất của tình cảm, của che chở, thì các nơi này – kể từ muôn thuở – cũng là nơi tệ hại nhất.
Những chuyện loạn luân, trong Giáo hội cũng vậy, khi trẻ em không được bảo vệ khỏi tình dục của người lớn, khi người lớn cho phép mình chiếm đoạt thể xác, linh hồn, sự mật thiết của em bé đang lớn lên, dù nhỏ hay lớn, dù ở tuổi vị thành niên hay người lớn dễ bị tổn thương, qua sự lạm dụng đầu tiên, qua lời nói đồi trụy, dựng lên một thực tế không tồn tại, bao vây con mồi của mình một cách ngấm ngầm. “Khốn thay những kẻ bảo cái tốt là xấu, cái xấu là tốt, những kẻ biến tối thành sáng, sáng thành tối, biến cay đắng thành ngọt ngào, ngọt ngào thành cay đắng” (Is, 5, 20).
Loạn luân là một phần của mớ bòng bong hỗn độn được xem là chiến lược của kẻ xâm lược. Trộn lẫn các ghi chép, tạo hoang mang trong các cử chỉ, lời nói, nơi chốn. Phủ nhận tính khác biệt, sự bất khả xâm phạm thân thể, linh hồn, lương tâm. Rất nhiều vụ giết căn tính mà Nhà của chúng ta đồng chịu trách nhiệm, bằng hành động hoặc sơ suất, bằng mù quáng hoặc bất cẩn. Sự dữ thái quá này đã chạm đến lòng tự tin của nạn nhân, quyền được nói, được kể, được làm. Để tìm lại khả năng, khôi phục lại nhân phẩm, đó là mệnh lệnh tối hậu của chúng ta. Chúng ta phải quyết định.
Chúng ta có cần nhớ lại chương khủng khiếp 19 của sách Các Thủ Lãnh và phần tiếp theo: một phụ nữ chết sau vụ hiếp dâm tập thể, hàng loạt, và sau đó là nội chiến làm cho các phụ nữ lại là nạn nhân bị chỉ định thêm một lần nữa. Người Lêvi trú trong nhà của cụ già, không cố gắng van xin người Ghíp-a. Thay vào đó, ông giao người tỳ thiếp của mình cho họ. Vậy mà ông tận hiến cho Chúa nhưng không quay về với Ngài. Cả hai đều ẩn danh: người phụ nữ và Chúa. Như linh mục giáo sư Cựu Ước Dòng Đa Minh, Philippe Lefebvre, đã để hai nhân vật này vào trọng tâm, Chúa và người bị vùi dập giữa tất cả mọi người. Ai chạm đến người này là chạm đến người kia. (Làm thế nào để giết Chúa Giêsu, Comment tuer Jésus, Phlippe Lefebvre, nxb. Cerf, 2021)
Trọng tâm của ơn gọi con người và tôn giáo của chúng ta
Lương tâm quyết định. Vì chúng ta có thể nói – không phải không có lập luận, rằng chúng ta có một cái gì khác để làm ngoài việc dành cho cuộc họp toàn thể của chúng ta cho bóng tối này, bùn lầy này. Rằng chúng ta vào đời sống tu trì để hiến dâng trọn vẹn bản thân, nhiều nhất có thể cho Chúa Kitô, cho Tin Mừng của Ngài, để làm chứng, để loan báo và để cử hành. Xin nhắc lại, nếu chúng ta đảm nhận trách nhiệm của cộng đoàn giao phó cho chúng ta, là để phục vụ họ, hỗ trợ họ trong đức tin, thúc đẩy họ dấn thân vào thế giới được Thiên Chúa yêu thương này. Tất cả đều đúng. Cuối cùng, chúng ta có thể nói chúng ta còn nhiều quan tâm khác, covid, các chuyện mong manh của con người, các vấn đề nhân khẩu, kinh tế, các dự án truyền giáo, tương lai của chính đời sống tu trì ở Pháp… Và đúng như vậy.
Nhưng nếu chúng ta thực sự nghe, trong tâm hồn, trong tâm trí chúng ta, rằng khi một em bé bị tấn công, khi chạm đến sự mật thiết của em bé, khi một người bị khống chế để phục vụ cho những mục đích quái dị, khi một phụ nữ bị xúc phạm, thì chính Chúa Cứu Thế bị xúc phạm. Khi chúng ta đi trên con đường của mình, chúng ta nhắm mắt trước sự hủy diệt con người này, khi chúng ta ở trong tình trạng chai cứng tâm hồn, thì đó là Đấng Cứu Thế bị đóng đinh mà chúng ta đã phản bội và giao nộp cho quân thù thêm một lần nữa. Nếu chúng ta ý thức điều này, thì cuối cùng, chăm sóc những cuộc sống này, đưa ra quyết định để điều này không thể bắt đầu lại, là trọng tâm hàng đầu sứ vụ và chính ơn gọi của chúng ta.
Đó không phải là chuyện bên lề. Khi những người dễ bị tổn thương, trẻ em và người lớn, bị ngược đãi, thì chính Chúa bị ngược đãi.
Lạm dụng họ, là lạm dụng Chúa. Thêm nữa, chúng ta thuộc về Giáo hội, đây không phải là chuyện tùy chọn. Chúng ta không thể nhận điều tốt nhất và tránh điều xấu nhất. Với các câu chuyện cũng vậy, luôn luôn hòa lẫn vào nhau, các dòng tu, học viện, xã hội, cộng đồng chúng ta. Chúng ta phải nhận tất cả. Hôm nay, cũng như quá khứ, Giáo hội chúng ta là và ở bên cạnh Ba-by-lôn, bên cạnh Giêrusalem của sách Khải Huyền. “Sụp đổ rồi, sụp đổ rồi, thành Ba-by-lon vĩ đại! Nó đã trở nên sào huyệt của ma quỷ, hang ổ của mọi thứ thần ô uế, hang ổ của mọi thứ chim chóc ô uế và đáng ghét…” (Kh 18: 2). “Và tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang” (Kh 21: 2). Một Giáo hội nuôi dưỡng đức tin chúng ta bằng Lời Chúa, bằng tuân thủ truyền thống, bằng bánh của các bí tích và bằng sự dấn thân vì lợi ích của tất cả mọi người. Một Giáo Hội đã cho chúng ta gặp gỡ những gương mặt tuyệt vời của những anh chị em, những người bạn của Thiên Chúa, mà đời sống sâu đậm, có mặt, đã cho chúng ta hương vị và niềm khao khát nhiệt thành để là bạn đồng hành của họ.
Bắt tay vào hành động và đảm bảo việc theo dõi.
Vì vậy, đối với tất cả, các nạn nhân của hôm qua và hôm nay, đối với Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài, đối với Giáo hội, với dân Chúa và với thân thể tan nát của Chúa, chúng ta được triệu trong ngày họp toàn thể hôm nay để loại bỏ mọi lời nói dối trá, mọi lời báng bổ mà Chúa không mong chờ. Chúng ta không phải là người nắm giữ bất cứ gì, lại còn không còn giữ chức năng nào nữa, nhiệm vụ nào, ngay cả sứ vụ nào của chúng ta. Nhưng chúng ta là những kẻ khất thực, nhận ơn tuyệt vọng được gắn bó với Chúa Kitô, muốn theo Ngài, yêu Ngài, làm chứng cho Tin Mừng của Ngài. Đến gần Chúa Kitô, phục vụ Ngài, đòi hỏi phải đáp trả bằng thịt da tử đạo, bằng sự toàn vẹn bị vi phạm trong chính Ngôi Nhà của Chúa nơi chính chúng ta.
“Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài.” (Mt 13,48).
Cách đây vài ngày, tại đây, Hội đồng Giám mục Pháp đã có các quyết tâm, đã có các quyết định mạnh mẽ và rõ ràng.
Bây giờ, đến lượt chúng ta, chúng ta phải kiểm lại những gì phải loại bỏ, phải được biến đổi, phải cải cách và phải củng cố. Để thoát ra khỏi mớ bòng bong hỗn độn mà chúng ta đã lên án.
Nữ tu Véronique Margron, dòng Đa Minh, chủ tịch Hội đồng nam nữ Tu sĩ Pháp tại Lộ Đức, ngày 16 tháng 11 năm 2021
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Nữ tu Véronique Margron, gương mặt nhân ái của Giáo hội công giáo Pháp