Nỗi đau dai dẳng, phỏng vấn linh mục Dòng Tên Patrick C. Goujon
choisir.ch, Nathalie Sarthou-Lajus, 2021-10 12
Linh mục Patrick C. Goujon, Bài đăng trên trang Études, Tỉnh dòng Dòng Tên Pháp.
Một trận động đất. Đến lượt Giáo hội Pháp bị tấn công, bị giằng xé vì các vấn đề lạm dụng tình dục ngay trong lòng Giáo hội của mình. Báo cáo của Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp (còn được gọi là Ủy ban Ciase hay Ủy ban Sauvé) công bố ngày 5 tháng 10 năm 2021 đã tạo chấn động. Ủy ban đã đặt các nạn nhân vào trọng tâm làm việc của mình, vì các nạn nhân chính là những người “rành” về loại bạo lực này. Trong số báo tháng 10 – 2021, tạp chí Études Dòng Tên đã đăng lên tiếng nói của một trong các nạn nhân này, linh mục Dòng Tên Patrick C. Goujon (Tiến sĩ Trường Cao đẳng Khoa học Xã hội, giáo sư về lịch sử tâm linh và thần học tín lý tại Trung tâm Dòng Tên Sèvres, Paris). Việc xem lại câu chuyện đau lòng này đã làm sáng tỏ cơ chế của sự phủ nhận và đồi trụy, mở một con đường hòa giải cho đứa bé, cho người lớn, cho người tu sĩ mà linh mục đã trở thành.
Cha vừa xuất bản quyển Xin đừng lạm dụng (Prière de ne pas abuser, nxb. Seuil 2021), trong đó cha kể lại việc lạm dụng tình dục mà cha phải chịu đựng trong thời thơ ấu. Đâu là nguồn gốc của quyển này, nó có một vị trí khá đặc biệt trong thư mục của cha với tư cách là thần học gia không? Cha đã mất nhiều thời gian để viết hay vì một sự kiện cụ thể nào đó đã thúc đẩy cha viết và cho ra đời quyển này?
Linh mục Patrick C. Goujon: Trước hết tôi bắt đầu viết cho chính tôi, để không bị lạc trong những gì đã xảy ra với tôi, bằng cách nhìn nhận những lạm dụng mà tôi đã phải chịu đựng. Tôi đã hoàn toàn ở trong tình trạng phủ nhận, một loại lãng quên. Khi những ký ức này đột ngột quay trở lại, với tôi, đó là một cú sốc lớn đến nỗi, khi tôi bắt đầu trị liệu tâm lý, ngày này qua ngày khác, tôi sống như kiểu bóc hành, tách lớp này tiếp lớp kia, tôi bắt đầu ghi lại những gì đã mở ra cho tôi về câu chuyện của tôi, tính tình của tôi, cách tôi hành động và các chọn lựa tôi đã làm, bởi vì mọi thứ đều sụp đổ.
Sau đó, có một bài viết mà tôi nghĩ để xuất bản, một bài viết suy tư có thể gởi đến những người khác: để phản ánh những gì đã xảy ra cho tôi, và như thế có thể làm chứng cho những quá trình chung, những vết thương, những chấn động, tất cả khi tôi tự vấn đức tin của tôi. Lúc đầu tôi nghĩ, tôi không thể viết gì khác hơn là các mảnh. Những gì tôi đã sống, đã trải qua thật đau lòng, nó giống như tôi tự cắt căn tính của mình thành từng mảnh vụn, có một cái gì đầu tiên là các hình thức, sau đó là các mảnh vỡ. Nhưng cuối cùng tôi tìm được tiếng nói của tôi theo phong cách có tiếng nói hơn, cổ điển hơn.
Điều thúc đẩy tôi viết cho người khác là xác tín, vẫn còn rất ít ý tưởng – trong xã hội và đặc biệt là trong Giáo hội – không phải vì mức độ trầm trọng của những gì xảy ra với một đứa bé khi bị lạm dụng tình dục, nhưng mức độ trầm trọng của những gì xảy ra với một người lớn khi họ bị tấn công tình dục lúc còn nhỏ. Đây là một kế hoạch khác, mà chính tôi đã khám phá ra khi sống trong hoàn cảnh này, và với tôi, đó là một cách phản ứng trước những lời buộc tội hay việc làm tối thiểu hóa mà chúng ta đặc biệt nghe trong Giáo hội, gieo sỉ nhục lên nạn nhân khi họ đặt câu hỏi, vì sao nạn nhân không nói từ ba mươi hoặc bốn mươi năm sau sự kiện. Họ chỉ nói bây giờ, vì, chính xác, các hệ quả đã tăng lên theo độ tuổi.
Cha mô tả cách cơ thể giữ lại dấu vết các chấn thương của các vụ lạm dụng tình dục, biểu hiện bằng nhiều triệu chứng khác nhau như tất cả các chứng viêm (thoát vị, viêm, v.v.), nhưng không bao giờ có thể xác định các triệu chứng này do đau khổ cha đã chịu khi còn nhỏ. Cha có thể nhắc lại những giai đoạn nhận biết này không?
Tôi đã bị linh mục này tấn công từ năm 1977 đến năm 1981 lúc tôi tám đến mười một tuổi. Khi còn nhỏ, tôi không biết điều gì đã thực sự xảy ra cho tôi, nhưng tôi cảm thấy có một cái gì đó hoàn toàn không bình thường. Khi đến tuổi vị thành niên, tôi hiểu linh mục này thường thủ dâm trước mặt tôi. Vào thời điểm đó, tôi đã ý thức các cuộc tấn công (khi đó không dùng từ này) tôi biết linh mục này là một kẻ ấu dâm. Khi đó cũng chưa là điều cấm kỵ như chúng ta nói ngày hôm nay. Cha mẹ tôi đã cảnh báo người lớn có thể sờ mó. Khi tôi mười tám tuổi, tôi hỏi một linh mục khác ở Verdun để biết tin tức về linh mục này. Tôi thực sự có cảm giác linh mục này trong nhiều năm đã không làm việc ở giáo xứ và làm việc trong ban thư ký của tòa giám mục và có một địa vị đặc biệt. Khi tôi đi ngang qua ông, ông có ánh mắt lạc hồn. Không bao giờ ông chào lại tôi dù ông biết tôi từ khi còn nhỏ (đó là để nói). Vào thời điểm đó, tôi đã muốn được nói một điều gì đó có thể cho phép tôi nói, nhưng người ta trả lời nước đôi với tôi, tôi chỉ được biết ông đã được thuyên chuyển. Bỗng chốc, chẳng quyết định gì, tôi xếp lại việc này.
Cha cũng không nói với gia đình?
Tôi không bao giờ nghĩ phải nói với cha mẹ. Tôi cũng không bao giờ nghĩ đến việc phải nói với ai về chuyện này. Và rồi những gì linh mục này đã làm với tôi đã không xảy ra như cách cha mẹ tôi mô tả cho tôi biết, nó có thể như thế nào… Vì vậy tôi không thể gọi tên vụ tấn công này. Vì sao thời gian để nhận ra lâu như vậy? Đây là câu hỏi mà tôi đã đấu tranh một khi tôi nhận ra vấn đề. Tôi đã làm gì để không gặp ông ấy? Tôi phải học để không cảm thấy mặc cảm tội lỗi về chuyện này, vì rõ ràng đây là một chuyện xấu hổ và nhục nhã với người làm công việc tháp tùng người khác. Tôi học để nhìn vấn đề này một cách khác. Một trong những điều tôi học từ việc chữa trị tâm lý tôi đã làm, đó là phủ nhận có nhiều hình thức. Tôi xin đưa ra một ví dụ. Trong cuốn phim Tạm giam (Garde à vue, 1981) của đạo diễn Claude Miller, một ông chưởng khế ở một thị trấn nhỏ (diễn viên Michel Serrault đóng) bị bắt vào đêm giao thừa vì bị cáo buộc hãm hiếp và sát hại hai đứa trẻ. Bộ phim là phiên họp kín giữa ông chưởng khế và thanh tra cảnh sát (do Lino Ventura đóng). Tôi đã xem bộ phim này hàng chục lần, đầu tiên là vì các diễn viên đóng xuất sắc, nhưng không bao giờ tôi nhớ được đến cuối cùng! Bây giờ tôi nghĩ, điều cuốn phim này cuốn hút tôi, là mình không thể biết trước được liệu nhân vật do diễn viên Serrault đóng có đang nói dối hay không, chính ông có ý thức những gì ông làm hay không. Chúng ta đang ở trong vùng không thể quyết định. Đứng trước một tội ác như vậy, ai cũng chùn bước. Ngay cả người thanh tra, vai mà diễn viên Ventura đóng xuất sắc, cũng bị lạc hướng, cũng như nhân vật chưởng khế, cứ đóng vai càng ác nhất thì rồi cũng nhập trong chính vai diễn của mình.
Để nói lên việc phủ nhận, hình ảnh đến với tôi là tự thu mình. Để quên, thì cũng nên nói đây là cái bẫy giúp mình tránh né, xóa đi. Nhưng, với phủ nhận thì không gì xóa được, những tổn thương nằm gọn trong những nếp gấp, những nếp gấp mà phần chính là do chính chúng ta tạo ra, những nếp khác thì vô thức giúp chúng có chỗ trú ẩn. Chúng ta che giấu điều này với ngay cả với chúng ta, với khía cạnh hoàn toàn thụ động mà điều này bao gồm.
Chính cơ thể sẽ gánh sự phủ nhận này và theo một cách nào đó, cứu tâm trí khỏi những gì nó không thể nhận ra.
Điều này cơ thể tôi đã dạy cho tôi. Kể từ khi lên mười một hay mười hai tuổi, kể từ khi tôi bị tấn công, cơ thể tôi đã phản ứng. Các dấu hiệu không được xem là triệu chứng, bởi vì y học thành phố không phát hiện ra những loại này, nhất là trong những năm 1970-1980. Các dấu hiệu thể chất và tâm lý đã ở đó, nhưng nó không có ý nghĩa. Các bác sĩ luôn tìm những câu chuyện khác, và tôi cũng vậy. Một câu chuyện khác mở ra và nó có hiệu quả. Cho đến ngày mọi thứ phải nhường bước vì mức độ đau đớn quá lớn, những cơn đau và các phương pháp điều trị không hiệu quả. Năm năm trước, bác sĩ đa khoa của tôi nói ông không còn hiểu gì. Ông đưa tôi vào bệnh viện.
Sau một năm được trung tâm đau mãn tính điều trị, cơn đau của tôi giảm bớt một chút và tôi có thể nhận ra những gì đã xảy ra cho tôi. Về thời gian phủ nhận quá lâu dài của tôi, không có chiến lược nào khác hơn là giữ nó trong vô thức để tránh sụp đổ. Tôi không giữ im lặng vì gia đình tôi sẽ có lệnh không được lên tiếng chống lại Giáo hội. Đây không phải là thứ đã tạo ra rào cản. Đây không phải lúc nào cũng giải thích cho sự im lặng của các nạn nhân. Trên thực tế, phủ nhận là biện pháp bảo vệ tuyệt hảo cho tinh thần. Nếu một đứa trẻ hiểu ngay lập tức bản chất của tội ác, của sự hãm hiếp mà nó phải gánh chịu, thì sẽ có thể phá hủy tâm hồn nó mãi mãi; và sự phủ nhận, nếu tôi có thể nói, đó là món quà mà cơ thể-vô thức của chúng ta tặng để bảo vệ chúng ta, cho phép chúng ta lớn lên. Điều này đơn thuần giúp tôi sống. Đến khi tôi bốn mươi tám tuổi, sự công nhận đến bất ngờ. Tôi biết rất rõ chuyện gì đã xảy ra với mình: bỗng chốc mọi chuyện trở nên rõ ràng. Sau đó, nó không còn rõ ràng trong nhiều tháng. Tôi có mơ thấy điều này không? Câu chuyện này là gì? Tại sao tôi lại quên nó? Và chính ở đó, tôi ở dưới tấm thảm đời tôi. Và đó là ý chí để tôi không viết một câu chuyện mới của tôi. Tôi biết, sau khi học một bài học quá đắt, tất cả những gì một câu chuyện – hữu ích, cần thiết, bảo vệ – có thể chỉ là phiến diện và ảo tưởng. Trả giá cho ảo tưởng đã bảo vệ chúng ta là vô cùng đắt. Tôi đã – và tôi vẫn muốn – không dựng lại một câu chuyện. Hơn nữa, tôi không nghĩ căn tính của chúng ta trước hết gắn liền với một câu chuyện. Cơ bản hơn là các mối quan hệ tạo nên con người chúng ta.
Dù sao việc xây dựng bản sắc cho mình vẫn đòi hỏi một câu chuyện như quyển sách của cha đã làm chứng…
Đó là một dạng câu chuyện nào đó, một câu chuyện mà ở đó rạn nứt và tiếng hét đều có chỗ đứng. Theo tôi, viết là để cho câu chuyện này đến.
Cha thấy cha ở đâu trong mối quan hệ với nhận thức về các tội phạm tình dục mà chúng ta đang chứng kiến trong xã hội? Sự tự do ngôn luận tập thể này có giúp cho cha được gì không?
Sự công nhận đến với tôi vào mùa thu năm 2016 khi vụ hồng y Barbarin bị cáo buộc bao che diễn ra. Tôi đã mau mắn có cảm tình, ngưỡng mộ các nạn nhân, họ dám đứng lên làm chứng, cho dù đôi khi cũng có những hình thức khiêu khích. Nhưng chúng ta không thể đòi hỏi các nạn nhân mọi thứ phải được thực hiện theo đúng quy tắc đứng đắn lịch sự. Tôi thấy sự lên tiếng tập thể này rất can đảm, được tiếp sức nhưng cũng bị chỉ trích nhiều trong Giáo hội. Chưa bao giờ, trong suốt khoảng thời gian này trước khi tôi nhận ra, và điều này đã làm tỉnh thức mối nghi ngờ trong tôi. Chắc chắn, tôi ủng hộ việc đi tìm sự thật này. Khi tôi nhận ra những gì đã xảy đến cho tôi, tôi phải mất gần một năm trước khi viết cho giám mục giáo phận Verdun và nộp đơn khiếu nại. Sau khi viết thư cho công tố viên, tôi gởi một lời cho trang mạng Lời Giải phóng (La parole libérée) để cám ơn họ, và tôi đã nhận thư trả lời rất nồng hậu, họ khuyến khích tôi tiếp tục, tôi thực sự cần lời khuyến khích.
Sau khi viết thư cho giám mục và cho công tố viên, tôi nghĩ tôi sẽ ra khỏi vụ này. Dĩ nhiên đây không phải là những gì đã xảy ra. Hơn hai năm, lòng tôi bị xáo trộn khủng khiếp, cày xới, hủy hoại và may mắn thay, nó ló ra một cách mới để tôi biết tôi ở đâu trong quan hệ với người khác, với chính đời tôi và với Chúa. Khi cuốn phim Nhờ Chúa (Grâce à Dieu của đạo diễn François Ozon, 2019) ra mắt, tôi đã có sẵn đồng cảm với câu chuyện này, cho các nạn nhân, nhưng tôi đi xem mà run rẩy, và không phải một mình tôi. Tôi tự nhủ khi xem phim xong, tôi có những người bạn. Sức mạnh của cuốn phim là không tập trung vào một nhân vật. Không phải là câu chuyện của một mẫu nạn nhân, nhưng là rất nhiều phản ứng, kể cả những nạn nhân không muốn hoặc không thể nói. Tôi đã tìm được chỗ đứng của tôi trong hành trình đa dạng này – tôi là một nạn nhân khác trong những nạn nhân này, tôi đi con đường của tôi, vì trường hợp đặc biệt của tôi, nhưng tham dự vào một lịch sử xã hội, giáo hội lớn hơn. Tôi có quyền sống với những gì tôi đã trải qua, như tôi đã sống. Đó là đời của tôi, đời không phải của ai khác, và đồng thời câu chuyện đời của tôi lại có tiếng vang cho nhiều người khác. Để viết, tôi đã lựa chọn. Đây không phải là quyển sách tố cáo.
Đúng vậy, cha không đặt mình là nạn nhân, vì chính xác cha cho biết điều này không ngăn cha có những lựa chọn cho cuộc sống của mình, như trường hợp của nhiều người khác trong phim. Đây không phải là trường hợp cho tất cả mọi người; có một số người, cuộc sống của họ hoàn toàn tan vỡ. Cha thậm chí nhận ra, khi nhìn lại quá trình của cha, độc giả nhận thấy có một niềm tự hào nào đó về đứa trẻ, thanh niên, người đàn ông, người tu sĩ mà cha đã trở thành.
Đây là thành quả không tiên đoán được khi tôi ý thức. Sự xấu hổ quá mạnh. Hai tháng sau khi viết thư cho công tố viên, tôi nhận điện thoại của cảnh sát, họ hỏi tôi những câu hỏi đầu tiên và khi tôi cúp máy, đứa bé là tôi ngày xưa cám ơn tôi. Tự hào là một cảm giác hoàn toàn xa lạ với tôi, nhưng tôi tự hào về đứa bé là tôi ngày xưa, và đứa bé này cám ơn con người trưởng thành của tôi bây giờ, vì khi còn nhỏ tôi đã có những lựa chọn đã cứu tôi. Như có ngày tâm lý gia đã nói với tôi: Cha đã chọn những gì cứu cha. Tôi trả lời rằng tôi đã không cứu (bản thân) tôi. Sau đó, tôi thấy rõ, làm thế nào tôi đã trở thành một đứa trẻ rất hướng nội, rút về trong một căn lều mà tôi đã dựng cho chính mình trong nhà. Tôi có bố mẹ đủ khôn ngoan vừa giúp tôi làm điều này, vừa có những buổi đi ra ngoài có thể đi được. Tôi gặp mọi người, kể cả các linh mục, những người tôi có thể tin tưởng, những người đã tin tưởng tôi và những người nhận ra các đức tính của tôi. Tôi đã sợ hãi trong nhiều năm, nhưng cuối cùng tôi đã vượt qua được nỗi sợ hãi của tôi.
Cha mô tả nỗi sợ hãi đuổi theo cha khi cha ở trong hành lang.
Ví dụ, tôi không bao giờ ngồi quay lưng vào cửa. Nhưng tôi đã học cách không tin vào nỗi sợ hãi của tôi. Vì tôi hiểu nỗi sợ này sẽ ngăn tôi sống. Tôi thực sự đã phải chiến đấu. Nhưng không bao giờ để lộ ra. Đến một lúc, sau khi đã hiểu các lạm dụng này, tôi thực sự đã nghĩ mình lầm đường, rằng lựa chọn một cuộc sống hướng đến việc giúp người khác thực chất là phỉnh phờ. Chính khi làm việc với nhà trị liệu tâm lý, họ đã giúp tôi xem lại câu chuyện dưới một khía cạnh khác. Đó là, với người lớn, chấp nhận những gì đã tan vỡ ban đầu, điều bây giờ vẫn còn đau đớn và đang phối hợp lại với những rạn nứt.
Cha đã tạo ra mối liên hệ nào giữa lựa chọn đời sống tu trì dính tới đời sống độc thân và khiết tịnh, với kinh nghiệm xảy ra sớm trong đời kèm theo chấn thương tình dục này không?
Tôi xem lại tiến trình ơn gọi của tôi theo một cách khác cách đây bốn hoặc năm năm. Có thể tôi sẽ có thể xem lại một cách khác trong vài năm nữa. May mắn thay, sự hiểu biết về cuộc sống của chúng ta là di động. Một cách để xem lại, đó là đón nhận và gánh lấy, đó không phải là một sự thật tối thượng. Vì vậy, tôi chấp nhận có bóng râm. Trong bóng râm này có một điều hữu ích: bóng của Chúa. Đó là ân sủng chưa từng có. Khi còn nhỏ, cách hai mươi mét phòng thánh, nơi tôi thường xuyên bị tấn công trong nhiều năm, vào ngày chúa nhật trước thánh lễ, có nhà nguyện Thánh Thể với bức tranh của Người Mục Tử Nhân Lành, và ngọn đèn đỏ nhà tạm, luôn là ngọn đèn canh thức của Chúa. Chúa canh phòng thế giới. Ở đó, tôi tìm được nơi trú ẩn. Nó vừa thể chất như một câu khắc vừa như một vết thương. Và nó không bao giờ biến mất trong cuộc đời tôi. Đó là nguồn của sự ngạc nhiên đầu tiên của tôi, ngay cả hôm nay khi tôi nhìn lại câu chuyện này. Khi còn là thiếu niên, tôi đã tự hỏi rất lâu về sự tồn tại của Chúa, về câu hỏi của cái ác (độc lập với những gì đã xảy ra với tôi). Tôi muốn dành thì giờ để suy ngẫm, tôi đọc, tôi nhạy cảm với những lời người ta chỉ trích tôn giáo và Giáo hội. Sau đó, tôi đắm mình trong các sách phúc âm, tôi đọc Kinh thánh, và tôi khám phá ra, trên tất cả mọi chuyện, Chúa Giêsu là người giải phóng.
Đối với tôi, ngay cả trước khi là Đấng chữa lành, Chúa Giêsu đã là Đấng giải phóng, Ngài giải phóng về mặt xã hội và thiêng liêng, Ngài không để mình bị cuốn vào trò chơi của chính quyền tôn giáo và chính quyền dân sự, Ngài làm chứng cho những gì mà Chúa nói trong sách Xuất hành, Đấng nói với ông Môsê: “Ta đã thấy sự khốn cùng của dân Ta.” Và Chúa đã ghé mắt.
Đó không phải là Thần trên đỉnh Olympus, đó là Thần dưới thấp, đó là Thần của mặt đất, Thần rơi xuống trong đất sét. Đó không phải là vị Thần làm mà chúng ta có thể thoát trong đời sống của mình. Thần này đã nắm lấy thể xác gan ruột của tôi.
Hãy xem Giáo hội nói gì, tôi tự nói với chính mình… Khi mười bảy tuổi, tôi bắt đầu đọc Công đồng Vatican II, hiến chế về Mục vụ Giáo hội trong thế giới ngày nay, Gaudium et Spes, và tôi rất kinh ngạc. Các linh mục làm cho tôi khám phá ra học thuyết xã hội của Giáo hội, làm cho tôi đọc các nhà thần học. Và điều này đã xác nhận với tôi, Đấng mà tôi thấy nơi ngọn đèn lung linh khi tôi còn nhỏ chắc chắn không phải là Đấng che ô. Tôi khám phá các bài viết của Dòng Tên nhờ quyển sách hướng dẫn văn học Pháp lưu hành trong trường công lập của tôi, và đặc biệt là Thánh I-Nhã. Công thức Giúp các linh hồn của Thánh I-Nhã: tôi nhận ra trong công thức này những gì tôi muốn làm. Có một điều cơ bản mà tôi đã khám phá ra đầu tiên trong gia đình và sau đó là ở trường đại học, đó là việc cho phép người khác nói về những khó khăn trong gia đình hoặc trong trường học của mình, điều này giúp tôi vượt qua những giai đoạn quyết định. Tôi nhớ tôi thường rất gắn bó với những người gặp khó khăn khi nói.
Chức linh mục chưa bao giờ lôi cuốn tôi như vậy. Điều thu hút tôi nơi các linh mục, đó là các bài giảng của họ. Vào thời tôi bị lạm dụng, hai linh mục của giáo xứ, cha xứ và cha phó là những người rất nổi bật và là những người rao giảng chưa từng có. Một trong hai người, khi họ giảng, họ cuốn theo những gì họ giảng đến mức mấy tờ giấy họ chuẩn bị bay mất. Còn tôi, những gì tôi nghe được là sức mạnh của Lời Chúa, một sức mạnh sắc bén vẫn còn tác động cho đến bây giờ. Lời rao giảng đóng vai trò thu hút, và những gì người ta gọi là đối thoại thiêng liêng, nhưng trên hết đối với tôi, đó là đối thoại được với bạn bè cùng lớp, với người lớn.
Một mặt, sự nhạy cảm của cha đã dẫn cha đến với những người không thể nói được, những người gặp khó khăn khi nói, mặt khác, cha kinh ngạc về lời “hiệu năng”, lời có hiệu quả đích thực của sự giải phóng.
Đối thoại, rao giảng, nhưng cũng chính ánh sáng đỏ từ nhà tạm đã thu hút tôi bằng lời cầu nguyện, thinh lặng – cá nhân – chiêm niệm. Khi còn nhỏ, tôi có khả năng sống trong thinh lặng, thinh lặng nhân từ với Chúa. Ba yếu tố này vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống của tôi.
Để trả lời chính xác câu hỏi về tình dục của bà mà tôi không muốn bỏ qua một bên, những gì tôi có thể nói hôm nay mà trước đây tôi sẽ không nói như vậy. Tôi có thể nói, việc bị lạm dụng tình dục đã làm cho tôi xem đời sống độc thân là nơi ẩn trú. Đó không phải là lý do duy nhất, nhưng tôi không thể không xem đó là một lý do. Một lý do vô thức. Tôi nghĩ, đó là nỗi sợ yêu và được yêu, nỗi sợ bị chạm vào.
Nhờ người điều trị chuyên biệt về xương (ostéopathe) của tôi, khi chạm vào lòng bàn tay của ông, tôi nhận ra, cho đến lúc đó tôi đã tránh bị chạm vào. Vì thế tôi tự đặt câu hỏi: vậy có nên có đời sống độc thân không? Tôi quyết định vẫn giữ đời sống độc thân. Chắc chắn vẫn còn những lý do còn nằm trong bóng tối, nhưng không chỉ duy nhất như vậy. Tôi chấp nhận bị tổn thương tình dục, và trí tưởng tượng đi kèm theo đó. Đã ba mươi năm kể từ khi tôi chọn bậc sống độc thân, tôi sống hạnh phúc, theo nghĩa tôi có tình bạn bền chặt với các bạn đàn ông, với phụ nữ. Tôi có niềm vui lớn trong đời sống tu trì và trong đời sống cộng đoàn tôi chọn. Tôi nghĩ, dù sao đi nữa, tình dục là nơi tạo nỗi đau cho tất cả mọi người – nó không giới hạn ở khoái cảm, như chúng ta muốn tin – và, với tôi, đó là nơi của sợ hãi.
Tôi không biết tôi là ai trên quan điểm tình dục, nhưng nếu có ít nhất một điều mà bây giờ tôi tin chắc, đó là Chúa Kitô đã gọi tôi để loan báo Lời của Ngài, và hình thức tôi sống trong đó là một hình thức hạnh phúc, tôi được nâng đỡ, khi là linh mục Dòng Tên. Tôi không nghi ngờ gì cả. Lời kêu gọi này mạnh hơn tất cả và đôi khi nó làm tôi bối rối. Có những lúc tôi không thích mình ở trong Giáo hội, khi thấy tình huống của các sự kiện, khi nghe những phản hồi. Chắc chắn Giáo hội đi tới trên vấn đề lạm dụng, nhưng con đường còn quá dài, tôi nghe những phản ứng và những quyết định làm tôi tức giận. Khi đó tôi muốn bỏ tất cả những chuyện này, nhưng rồi thì không.
Cha nói tận sâu thẳm trong lòng, cha chọn theo Chúa Kitô, Đấng mà chúng ta không thể hiểu được. Có một điều gì đó khá đúng đắn và sâu sắc, có thể nói trong việc khám phá một tình yêu trọn vẹn đích thực, điều chúng ta có thể làm khi chúng ta chọn sống một tình yêu tình dục và dấn thân trong một quan hệ yêu đương. Chúng ta luôn ít nhiều tán tỉnh, với mong muốn nắm giữ người kia, chiếm hữu họ. Một tình yêu “đích thực” sẽ không là tình yêu có thể nắm bắt được. Chính lúc đó là lúc mình biết mình yêu thực sự. Dù đó là trong đời sống độc thân hay trong tình yêu vợ chồng, chúng ta hướng đến cùng một lời dạy, chỉ có một tình yêu.
Đúng, chỉ có một tình yêu. Chúng ta không thể nắm bắt được nó và chúng ta khám phá ra, chúng ta luôn đứng về phía tình yêu, chúng ta luôn phải điều chỉnh nó, chúng ta luôn phải điều chỉnh để phù hợp với người bạn nam hay nữ của mình, với Chúa, với Chúa Kitô. Một tu sĩ, một linh mục, người trung tín nhất trong các tín hữu kitô, người yêu thương nhất trong đồng loại, không ai có thể nói “Tôi yêu bạn” trong sự thật. Chúng ta nói lời này trong sự thật nhưng, nhưng ngay khi nói, thực tế luôn là lời hứa. Tôi biết rất rõ, không phải Chúa, không phải Chúa Kitô, không phải người anh em của tôi mà tôi yêu một cách trọn vẹn. Luôn có nguy cơ ảnh hưởng, bạo lực, ghen tuông, v.v. Nhưng không có gì là vô vọng trong đó, vì tình yêu là thứ bậc của lời hứa.
Trên khía cạnh này, việc thường xuyên quen thuộc với các các nhà thần bí đã giúp cho tôi, theo nghĩa các nhà thần bí giúp chúng ta đào sâu tình yêu là gì. Nếu từ “tình yêu” là điều làm chúng ta phiền toái thì chúng ta có thể nói: tình yêu là nắm bắt cuộc sống và đổi mới cuộc sống chính là bỏ đi chiếm giữ mình, vì mình nhận được từ một người khác, từ những người khác. Đó là cuộc phiêu lưu của người làm xiêc trên giây, như Thánh Gioan Thánh giá đã nói: “Được hỗ trợ nhưng lại không có hỗ trợ”. Nếu đạo công giáo là một kho chức các sự thật và cách ứng xử, thì chúng ta không còn ở trong cuộc sống, chúng ta không còn ở trong ơn của Chúa. Theo nghĩa này, cuộc khủng hoảng hứa hẹn rất nghiêm trọng, nhưng nó cũng có thể là hữu ích nếu và chỉ khi nó dẫn chúng ta về với khiêm tốn của những người yêu thương nhau. Ví dụ, một cặp yêu thương nhau, vừa mạnh mẽ vừa khiêm tốn. Họ biết họ vừa mạnh, vừa mong manh. Nếu, trong Giáo Hội, chúng ta không thể sống sự mong manh của sức mạnh này, hay sức mạnh này của sự mong manh, của tình yêu này, thì chúng ta đi bên lề điểm chính. Tình yêu mà chúng ta rao giảng là tình yêu không chiếm giữ: sự thật này làm chúng ta khiêm tốn hơn một chút.
Cha có thể nói lại về điều cha gọi là “bất lực để tha thứ” ngay bây giờ không?
Tôi ở trong tình trạng bất lực để tha thứ, nhưng đó không phải là điều xấu. Có lần tôi đã tham dự trong cuộc đối thoại giữa các nhà trí thức kitô giáo – có nghĩa là những người được đào tạo, vững vàng, có suy nghĩ – về lạm dụng và một trong số họ nói rằng, các nạn nhân cho mình là tín hữu kitô thì không nên khiếu nại, vì trong kitô giáo, chúng ta được kêu gọi để tha thứ. Đó là nhầm lẫn giữa tha thứ và công lý. Không có tha thứ mà không có công lý. Không thể có tha thứ nếu thủ phạm không thừa nhận tội lỗi của mình. Khi các bước này bị bỏ qua, thì nạn nhân không thể tha thứ.
Còn về phần tôi, linh mục đã tấn công tôi và người ta nói với tôi, ông đã công nhận các sự việc, nhưng ông không làm một hành động gì để xin tha thứ, ngay cả với giáo phận. Tôi có nên viết thư cho ông để nói với ông là tôi tha thứ cho ông không? Đó sẽ là một kiểu trịch thượng giống như tổng thống ân xá chứ không phải tha thứ. Nạn nhân được tha thứ là nạn nhân được thủ phạm đến tìm. Tôi cầu nguyện để linh mục này xin tha thứ. Tôi thực sự nghĩ tha thứ chỉ thuộc về Chúa. Thánh Matthêu kể lại điều này trong Tin Mừng: Chúa Giêsu ban cho loài người – chứ không phải cho các linh mục – khả năng tha thứ, nhưng đó là ơn của Chúa (Mt 9,1-8). Tại sao đó là ơn của Chúa? Bởi vì sự tha thứ đến từ nơi cuộc sống đã bị hủy diệt. Cá nhân tôi, tôi cảm thấy mình không có đủ khả năng để đem sự sống lại cho cái chết. Tôi biết, bằng cách cầu nguyện với Chúa, Chúa có thể phục hồi sự sống ở nơi cái chết đã thắng, nhưng tôi, tôi không thể tự mình làm được.
Tha thứ không phải là thước đo theo nghĩa đen của từ này. Đây là một sự quá mức: là làm nước phun lên từ viên đá trong sa mạc. Ông Môsê đã dùng gậy đập vào tảng đá và nước phun ra. Chắc chắn tôi không làm được. Nhưng Chúa sẽ ban nếu chúng ta xin.
Có công việc của giáo dục phải được làm trong Giáo hội để mỗi người nhận trách nhiệm nào là của mình. Người lớn là tôi nhận rằng, đứa bé là tôi vẫn còn giữ liên lạc với linh mục này. Tôi đến gặp ông ở đây vào các ngày chúa nhật, và chuyện này đã xảy ra như vậy, và bây giờ tôi nói mà không có mặc cảm tội lỗi. Một đứa trẻ được người lớn âu yếm sẽ yêu người lớn đó – đó không phải là lạm dụng quyền lực. Cũng không phải ông là linh mục mà tôi để cho ông ôm, như người ta thường nói lên khi tố cáo chủ nghĩa giáo quyền, mà chỉ vì ông âu yếm tôi. Chính vì tình cảm mà linh mục này đã bẫy được tôi. Tôi có thể đảm bảo, khi tám tuổi, không phải hào quang linh mục đã thu hút tôi đến với ông, nhưng thực sự là ông đang âu yếm.
Đó là sự đồi trụy đã dùng sự dịu dàng mà chính thật đó là chỉ là bạo lực.
Đó là điều bây giờ tôi vẫn còn phải đấu tranh để tin rằng người khác yêu tôi và tôi có thể yêu. Nó thật thăm thẳm và tôi nghĩ mỗi người phải đấu tranh với chuyện này. Ngày mà một người bạn nói với tôi anh ấy yêu tôi, tôi cảm thấy như trời đất rung chuyển. Tôi nhận ra tôi chưa bao giờ tin vào tình yêu này, ngoại trừ cha mẹ tôi, anh tôi và một vài người thân. Bây giờ tôi nhận ra tôi được bao bọc bởi rất nhiều người yêu thương tôi – và đó là điều đã cứu tôi.
Đó là sự đồi trụy của lạm dụng. Ngay cả từ “lạm dụng” cũng phải bị chỉ trích: nó gợi ý nếu chúng ta dính vào một một biện pháp nào đó, thì điều này sẽ đúng. Thế nhưng từ cử chỉ đầu tiên cho đến cuối, là đồi trụy. Như thế phải nói là đồi trụy hơn là lạm dụng. Nó phá hủy khả năng nghĩ rằng mình có thể được yêu. Nếu tình yêu là nơi, một người vừa dễ tổn thương vừa khao khát người kia, thì cá tính của người đã từng gặp một người đồi trụy nghĩ rằng yêu, đó là để mình bị hủy hoại. Đó là điều đáng sợ về chuyện này, và trước hết đây không phải là vấn đề của chủ nghĩa giáo quyền. Đây là phủ nhận tình yêu.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Patrick C. Goujon, linh mục Dòng Tên, giáo sư lịch sử tâm linh và thần học tín lý tại Trung tâm Sèvres. Cựu sinh viên Trường Cao Đẳng Fontenay-Saint Cloud. Tiến sĩ Trường Cao đẳng về Khoa học Xã hội (Lịch sử nhân chủng học) và của Trung tâm Sèvres (thần học). Tổng biên tập Nghiên cứu Khoa học Tôn giáo từ tháng 9 năm 2021. Tác giả của nhiều sách thiêng liêng.
Sách Xin đừng lạm dụng (Prière de ne pas abuser, nxb. Seuil 2021)