Nữ tu Véronique Margron, gương mặt nhân ái của Giáo hội công giáo Pháp
lemonde.fr, Cécile Chambraud, 2021-10-13
Nữ tu Véronique Margron, chủ tịch Hội đồng nam nữ Tu sĩ Pháp (Corref), bề trên tỉnh dòng Nữ Tử Bác Ái Đa Minh Đức Mẹ Đi viếng, sơ thừa nhận sự “phá sản” của các thể chế công giáo và đã dành năm năm để lắng nghe các nạn nhân của bạo lực tình dục trong Giáo hội.
Kể từ khi Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục (Ủy ban Ciase) trong Giáo hội Pháp đưa ra bản báo cáo ngày thứ ba 5 tháng 10 thì nữ tu Véronique Margron bị bủa vây tứ phía.
Trả lời phỏng vấn của các báo, nói chuyện trên truyền hình, kênh France Inter ngày thứ sáu, kênh “C Politique” ngày chúa nhật: giới truyền thông nhanh chóng nhận ra ở vị chủ tịch Hội đồng nam nữ Tu sĩ Pháp này gương mặt nhân ái của Giáo hội công giáo, để phản ứng trước ước tính không thể tưởng tượng, từ năm 1950 cho đến nay có 216.000 người lớn đã bị một linh mục hoặc một tu sĩ lạm dụng tình dục. Con số này sẽ là 330.000 nếu tính thêm các giáo dân làm việc trong các tổ chức tôn giáo.
Khi tổng giám mục Eric de Moulins-Beaufort, chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp (CEF) vướng vào câu nói vụng về khi ngài tuyên bố trên kênh Franceinfo ngày thứ tư 6 tháng 10, cho rằng bí mật tòa giải tội “mạnh hơn luật của Quốc gia”, thì nữ tu Margron đã lên tiếng trước hết và hầu như chỉ nói đến các nạn nhân. Từ một tuần nay, sơ nói về “một dân tộc của những đời sống tan nát, vỡ tan ở bên trong Giáo hội” với ”mỗi lần là một câu chuyện riêng, một gương mặt riêng”.
Nữ tu không tránh né việc phát hiện. Sơ xác định các thể chế công giáo “đã thất bại” trong việc bảo vệ các nạn nhân và báo cáo sự thật. Sơ thừa nhận “tính cách hệ thống, gần như đặc hữu” của bạo lực tình dục và sự im lặng bao trùm lên. Sơ lấy làm tiếc: “Tôi không biết làm cách nào để có thể vực lại bên trong nội tâm mình.”
Tiết lộ năm 2016
Nếu lời nói công chính của sơ Véronique Margron ngày nay vang lên như vậy, thì đó là vì sơ không chờ bản báo cáo của Ủy ban Ciase do ông Jean-Marc Sauvé điều hành xác minh. Ủy ban này được thành lập theo yêu cầu chung của Hội đồng Giám mục Pháp và Hội đồng nam nữ Tu sĩ Pháp để điều tra các tàn phá do bạo lực tình dục gây ra. Tiết lộ có từ khi sơ được bầu làm chủ tịch Hội đồng nam nữ Tu sĩ Pháp năm 2016. Sơ nói: “Trong năm năm này, hơn 70% thời gian làm việc của tôi là dành cho vấn đề tấn công tình dục. Có những tuần thời gian này hơn 80%.” Nhiều hơn những gì sơ tưởng tượng ban đầu.
Các nữ tu và cựu nữ tu kể cho sơ nghe họ bị một linh mục hay một tu sĩ chi phối để lạm dụng tình dục. Các bề trên dòng “vỡ mặt” khi thấy hàng chục “anh em” mình là thủ phạm của các vụ bạo lực tình dục, họ đẩy cánh cửa nhà sơ và đòi thảo luận chuyện này.
Sơ Margron là tiến sĩ thần học luân lý, phụ nữ đầu tiên làm khoa trưởng một phân khoa thần học ở Angers, sơ nhanh chóng quyết định phải trực diện giải quyết vấn đề này. Sơ tự hỏi làm thế nào để cho các nạn nhân biết ai để liên hệ. Sơ nhớ lại: “Tôi bắt đầu thấy quá trình của người đấu tranh, những người đã gõ không biết bao nhiêu cánh cửa và những người không được các giám mục hay các bề trên cao cấp tiếp.” Làm thế nào có thể tưởng tượng tất cả những chuyện này?
Để thấy rõ hơn, năm 2018, ban điều hành Hội đồng nam nữ Tu sĩ Pháp trong một ngày họp kín với các chuyên gia (luật sư, thẩm phán, nhà tâm lý học, nhà nhân chủng học, quân đội…), tất cả những người phải đối diện với các tình huống khủng hoảng nhân đạo qua các tổ chức của họ. Khi đó một áp đặt bỗng lộ rõ ra: để vượt lên cuộc khủng hoảng niềm tin ảnh hưởng đến các cơ quan của họ, tất cả đã phải thành lập những cấp xét xử độc lập. Sơ Véronique Margron đi đến kết luận: “Chúng tôi nghĩ: đây là điều duy nhất phải làm.” Và đó là ý tưởng để Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp ra đời. Bây giờ phải làm sao để Hội đồng Giám mục Pháp cùng tham gia. Và điều này đã được thực hiện, được công bố vào tháng 11 năm 2018.
Kỹ năng lắng nghe và thấu cảm
Sự qua lại thường xuyên với các nạn nhân không thể làm mà không có cái giá cá nhân. Sơ dứt khoát: “Nếu chúng ta không xúc động trong nhân tính của chúng ta, chúng ta không hiểu gì hết, chúng ta không làm gì tốt, chúng ta vẫn ở trong ý thức hệ hoặc trong chủ nghĩa pháp lý. Và đây là thảm kịch vì không phải mọi người đều như vậy.” Sơ đặt kỹ năng lắng nghe và thấu cảm trên một loại “tâm lý vững chắc”, một “đào tạo để cự lại” và một thực hành cổ xưa.
Sơ Margron người gốc Dakar, Sénégal, sinh năm 1957, sơ trở lại Pháp khi còn nhỏ, đầu tiên sơ học tâm lý học, sơ đi dạy học một thời gian ngắn trước trước khi làm việc sáu năm trong lãnh vực bảo vệ tư pháp cho thanh niên, đặc biệt đặc biệt với những thiếu niên phạm pháp, những thiếu niên có đời sống đã “tan tành.” Gần đây sơ có một kỷ niệm nóng bỏng trong thời gian sơ ở Kivu, Cộng hòa Dân chủ Congo, với những phụ nữ nạn nhân của các hành động dã man. Từ bi kịch của những phụ nữ này, sơ rút ra một xác tín: “Họ mà còn sống thì chúng ta làm sao gục ngã được, chúng ta chỉ là người nghe?”
Trong thời gian Ủy ban Ciase làm việc, sơ nhường bước. Sơ cố gắng “đưa mọi người lên thuyền”, 450 dòng nam nữ khác nhau, dòng truyền giáo, dòng tông đồ, dòng dạy học, tu viện, đan viện, chiêm niệm… Kiên nhẫn trong vòng hai năm, sơ đã dẫn dắt họ xây dựng một “công lý phục hồi” để chuẩn bị khuôn khổ theo đó các quyết định cụ thể sau này có thể được đưa ra để “sửa chữa điều không thể sửa chữa. Nhưng, không có một quyết định nào được đưa ra trước khi Ủy ban Ciase nộp báo cáo của họ.
Ông Jean-Marc Sauvé đã nói: “Một phụ nữ phi thường! Sơ tạo ấn tượng qua kỹ năng lắng nghe, qua sự sẵn sàng và qua thấu cảm của sơ. Và sơ đã thành công cách kỳ diệu, giúp Hội đồng nam nữ Tu sĩ Pháp tiếp tục đi tới đàng trước trong khi chờ bản báo cáo.”
“Nếu thế hệ chúng ta không chung vai sát cánh trong thảm kịch này thì không có gì tệ hơn.” Sơ Véronique Margron
Bây giờ là lúc đưa ra các quyết định. Vào tháng 11, đầu tiên là Hội đồng Giám mục Pháp sau đó là Hội đồng nam nữ Tu sĩ Pháp sẽ tổ chức phiên họp khoáng đại tại Lộ Đức (Hautes-Pyrénées). Một tháng sau khi công bố báo cáo Ciase, các hội đồng sẽ tuyên bố về các khuyến nghị của mình.
Giáo hội sẽ thay đổi gì để loại bỏ các nguyên nhân “hệ thống” của bạo lực tình dục? Sơ Véronique Margron viết trong cuốn sách xuất bản năm 2019, Giây phút của sự thật (Un moment de vérité, nxb. Albin Michel): “Đây là một phần lớn thần học của chúng ta cần phải nắm lại.” Sơ Margron nhấn mạnh: “Nếu thế hệ chúng ta không chung vai sát cánh trong thảm kịch này thì không có gì tệ hơn. Chúng ta không thể nói, trước chúng ta, đúng là có chuyện tai tiếng, đáng lẽ họ phải đối diện và họ đã không làm. Bây giờ, chúng ta ở đây. Vậy thì, chúng ta làm gì?”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Tổng giám mục Éric de Moulins-Beaufort xin lỗi