Chuyện nhập cư, thời ấy và bây giờ

88

Chuyện nhập cư, thời ấy và bây giờ

Ronald Rolheiser, 2021-10-11

Vào mùa hè năm 1854, tổng thống Hoa Kỳ, Franklin Pierce cử ông Isaac Stevens làm thống đốc Lãnh thổ Washington, một vùng đất do chính quyền liên bang quản lý. Thống đốc Stevens đã mở cuộc họp với các tù trưởng Da Đỏ để bàn về căng thẳng giữa chính quyền Hoa Kỳ với người Da Đỏ. Một trong các bộ lạc ở đó, bộ lạc Yakima, dưới sự dẫn dắt của tù trưởng Kamiakin, đã ngoan cường đấu tranh. Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ (cũng là dòng tôi của tôi) đã làm việc với các bộ lạc của Yakima. Tù trưởng của họ, Kamaikin, đã tìm đến một linh mục Charles Pandosy dòng Hiến sĩ để xin lời khuyên, hỏi xem ở châu Âu có bao nhiêu người và khi nào họ sẽ không đến nữa. Đáng buồn là lời khuyên của cha Pandosy chẳng giúp tù trưởng yên lòng chút nào. Trong một lá thư gửi cho bậc sáng lập dòng ở Pháp, thánh Eugene de Mazenod, cha Pandosy đã tóm gọn cuộc chuyện trò của cha với tù trưởng của Yakima. Cha Pandosy bảo Kamiakin rằng: “Chuyện này đúng như tôi đã lo sợ. Người da trắng sẽ chiếm lấy đất nước của ông như họ đã chiếm đất nước của các bộ lạc Da Đỏ khác. Tôi đến từ vùng đất của người da trắng, một nơi rất xa về phía đông, nơi người còn đông hơn cỏ trên đồi. Hiện giờ mới có vài người, nhưng hằng năm sẽ có thêm nhiều người khác đến, cho đến khi đất nước của ông đông đặc người của họ… Các bộ lạc khác đã bị như vậy, bộ lạc của ông cũng sẽ bị thế. Ông có thể chiến đấu và trì hoãn cuộc chinh phạt này, nhưng ông không thể ngăn được nó. Tôi đã sống với ông qua nhiều mùa hè, đã rửa tội cho nhiều người của dân ông có đức tin. Tôi đã học biết cách yêu thương các ông. Tôi không thể cố vấn hay giúp ông. Dù tôi mong giá mà giúp được”. (Trích từ Kay Cronin, Thập giá giữa Hoang địa (Cross in the Wilderness), Mission Press, Toronto, 1960, trang 35.)

Một trăm bảy mươi năm sau, tình hình vẫn như thế, chỉ khác là nhân vật thay đổi. Năm 1854, người Âu châu đến Mỹ châu vì vô số lý do. Một số chạy trốn đói nghèo, số khác vì bị bách hại, số nữa thấy ở quê nhà không có tương lai, số nữa thì muốn có tự do tôn giáo, và số khác thì nhập cư vì thấy có vô số cơ hội lớn cho sự nghiệp và tiền tài. Nhưng vấn đề là thế. Có những người đã sống ở đây rồi, và những người bản địa này phản kháng và phẫn uất với những người mới đến, xem đó là mối đe dọa, là bất công, và cướp lấy quê hương của họ. Kể cả trước khi họ ý thức được bao nhiêu người sẽ đặt chân xuống bờ biển của mình, các quốc gia bản địa này đã trực cảm được chuyện này sẽ là cái kết cho lối sống của họ.

Nghe có quen không? Tôi nhớ lại một bình luận trên một trang thể thao cách đây vài năm, một lời nói lên nhiều điều. Một cầu thủ bóng chày ở New York chơi cho đội Yankees đã chia sẻ anh choáng váng thế nào vì những điều nghe và thấy khi đi trên tàu điện ngầm đến sân vận động: Có những người đủ mọi màu da, nói nhiều ngôn ngữ khác nhau, và tôi tự hỏi, ai đã biết có bao nhiêu người này vào đất nước chúng ta? Cầu thủ đó cũng không khác gì tù trưởng Kamaikin của Yakima cách đây 170 năm. Ngày nay, khắp dọc biên giới các nước phương Tây đang chật kín người muốn vào, và họ trốn chạy khỏi quê hương vì cũng những lý do hệt như của những người Âu châu vào Mỹ thời xưa. Hầu hết đều chạy trốn sự bách hại, chạy trốn tương lai vô vọng, và cả những người tìm kiếm một tương lai tươi sáng hơn.Và như những người bản địa, giờ chúng ta cũng có những bận tâm như của tù trưởng Kamaikin cách đây 170 năm. Khi nào chuyện này dừng lại? Họ có bao nhiêu người vậy? Chuyện này sẽ ảnh hưởng thế nào đến lối sống, sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo của chúng ta?

Dù cảm nhận cá nhân của chúng ta có như thế nào, thì câu trả lời cho những câu hỏi này cũng khó lòng khác đi nhiều so với câu trả lời của cha Pandosy cho tù trưởng Kamaikin từ 170 năm trước. Nó sẽ không dừng lại, vì nó không thể dừng lại. Tại sao?

Sự toàn cầu hóa là không thể tránh khỏi vì trái đất hình cầu, chứ không phải vô tận. Sớm hay muộn, chúng ta sẽ không còn chọn lựa nào khác ngoài gặp gỡ nhau, đón nhận nhau, và tìm cách chia sẻ không gian và cuộc sống với nhau. Vì trái đất hình cầu, không gian và nguồn lực của nó có hạn, chứ không vô tận. Hơn nữa, có hàng triệu người không thể nào sống nổi ở nơi họ đang sống. Họ sẽ làm bất kỳ điều gì cho bản thân và gia đình họ. Chuyện đang diễn ra không thể nào ngăn cản nổi. Nói theo lời cha Pandosy, chúng ta có thể cố gắng chiến đấu và trì hoãn cuộc chinh phạt này, nhưng không thể ngăn được nó.

Ngày nay, chúng ta, những người nhập cư một thời, đang bắt đầu hiểu ra cảm giác của những người bản địa khi chúng ta không mời mà xuất hiện nơi bờ biển của họ. Giờ đến lượt chúng ta hiểu được cái cảm giác khi mà quốc gia chúng ta xem là của mình đang ngày càng đông đặc những người khác với chúng ta về chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo và lối sống.

Càng thay đổi thì cũng cùng một chuyện.

J.B. Thái Hòa dịch

Bài đọc thêm: Chúng ta có thiên thần hộ thủ hay không?