Tính tốt, tính xấu theo giáo huấn của Đức Phanxicô: Công lý và Bất công (1-7)
Công lý của Giotto, Nhà nguyện Scrovegni ở Pađua. © Fred de Noyelle / Godong
fr.aleteia.org, Agnès Pinard Legry, 2021-08-16
Trong quyển sách phỏng vấn với linh mục Marco Pozza, tuyên úy nhà tù Pađua (Ý), Đức Phanxicô nhắc lại bảy nhân đức dẫn đến sự cứu rỗi và bảy tính xấu tương ứng dẫn đến mất linh hồn. Ngài giải thích: “Có những người đức hạnh, nhưng cũng có những người xấu xa, nhưng phần lớn chúng ta pha trộn cả tính tốt lẫn tính xấu.” Một số người giỏi về một đức tính nhưng lại có một điểm yếu khác. Vì chúng ta tất cả đều dễ bị tổn thương.”
Hôm nay chúng ta nói đến Công lý và Bất công (1/7)
Việc thực thi đức tính công bằng rất phức tạp vì công lý luôn liên kết với người khác chứ không phải chỉ với chính mình, tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi người. Công lý bao gồm việc trả lại cho mỗi người, từng người, cộng đồng hay xã hội, điều tốt đẹp họ được hưởng. Công lý là tự nhiên, gần như bản năng, là vấn đề quan trọng nhất đối với con người. Tuy nhiên, nó cũng thường bị lệch lạc và không được điều chỉnh. Đức Phanxicô giải thích trong quyển sách Tính tốt, tính xấu: “Trong bất kỳ tội ác nào, đều có một bên bị tổn thương và hai liên kết bị hư hỏng: liên kết của kẻ chịu trách nhiệm về tội ác với nạn nhân của mình và liên kết của chính người này với xã hội. Có một sự bất cân xứng giữa hình phạt và hành vi phạm tội, giữa việc làm một điều ác không biện minh cho việc đáp lại bằng một tội ác khác. Đó là về việc thực thi công lý cho nạn nhân, chứ không phải về việc xử tử thủ phạm”.
Trong thế giới quan kitô giáo, “hình mẫu của công lý hiện thân trọn vẹn nơi đời sống Chúa Giêsu, người mà sau khi bị đối xử khinh bỉ, thậm chí bị bạo hành đến chết, mang đến trong phương sách cuối cùng, trong Sự Phục sinh của ngài, một thông điệp hòa bình, tha thứ và hòa giải”, Đức Phanxicô giải thích tiếp. Đây là những giá trị khó đạt được, nhưng cần thiết vì lợi ích của tất cả mọi người. Nếu luật pháp và việc áp dụng luật là cần thiết, thì mỗi người ở mức độ riêng của mình cũng cần phải phản ánh cách hòa giải công lý với hòa bình và hòa giải. Trong môi trường nhà tù, điều này đòi hỏi một phản ánh đầy đủ hơn về sự tái hòa nhập của các tù nhân.
Dù chúng ta có là người phạm tội hay không, thì chính tình yêu của Chúa mới thực hiện công lý.
Một hình thức bất công khác nằm ở việc chuyển đổi các tính từ chỉ định thành danh từ. Chúng ta thường nói “người thất nghiệp”, “tù nhân”, “người nước ngoài”… Thể hiện theo cách này là khép người đang sống trong tình trạng tạm thời, khẩn cấp hoặc lỗi lầm qua một tình trạng quyết định đến mức “đóng đinh con người và phẩm giá họ”. Nhưng, đó không phải là tính từ chỉ định con người mà Chúa yêu thương, mà chính đó là con người, chính xác Đức Phanxicô nhắc lại: “Dù chúng ta có là người phạm tội hay không, thì chính tình yêu của Chúa mới thực hiện công lý. Sự gần gũi của chúng ta với Thiên Chúa đã biện minh cho chúng ta, như Thánh Phaolô luôn nhắc trong các Thư của ngài. Chính tình yêu biện minh cho chúng ta, tình yêu qua đó quan tòa nhìn đương sự, không để các tính từ quấy rầy”. Người đó có phải là tội phạm không? Đức Phanxicô tiếp tục: “Người đó là con của Chúa, người đó là anh em của tôi, người đó là một người.”
Tính tốt, tính xấu, Phỏng vấn. Marco Pozza, Giáo hoàng Phanxicô, nhà xuất bản Edb, tháng 6 năm 2021.
Marta An Nguyễn dịch