Những điểm tương đồng đáng lo giữa phần số của cha Olivier Maire và cha Roberto Malgesini
Bị giết cách nhau một năm bởi một người mà họ giúp đỡ, câu chuyện của linh mục người Ý Roberto Malgesin và linh mục người Pháp Olivier Maire có những điểm giống nhau đáng kinh ngạc. Tang lễ của linh mục Olivier Maire sẽ cử hành ngày thứ sáu 13 tháng 8 ở vương cung thánh đường Saint Laurent-sur-Sèvre, giáo phận Luçon.
Báo La Vie có bài lần theo dấu vết của hai số phận này.
Linh mục người Ý Roberto Malgesin và linh mục người Pháp Olivier Maire
lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, Rôma, 2021-08-13
Có biệt danh “linh mục của những người rốt cùng” ở quê hương Como (Ý), cha Roberto Malgesini là người dấn thân với những người bị loại trừ, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Cha bị một người Tunisia vô gia cư được cha đón nhận giết năm 2020, ông là người bị tòa ra lệnh trục xuất về xứ.
Cả hai đều là linh mục, cả hai chết vì người mà họ đưa tay ra giúp đỡ, sau khi giết hại, cả hai thủ phạm đều ra đầu thú. Một là người Pháp, một là người Ý.
Cách nhau một năm, cái chết của cha Olivier Maire, thuộc Dòng Montfort, Saint-Laurent-sur-Sèvre vang lên như tiếng vang đáng lo về cái chết của cha Roberto Malgesini, linh mục giáo phận Como nước Ý. Đó là các vị tử đạo của đức ái hoặc nói theo danh từ của Đức Phanxicô, “các vị thánh ở bên cạnh”. Hai câu chuyện bi thảm mà số phận nói lên lòng hiếu khách và sự tận hiến triệt để, sự khốn cùng của thế giới và sự bí ẩn của cái ác.
Một mái nhà cho người không có giấy tờ
Linh mục Olivier Maire, 61 tuổi, bề trên tỉnh dòng của các nhà truyền giáo Montfort, đã lập một mái ấm cho ông Emmanuel Abayisenga, người Rwanda không giấy tờ, người ra khỏi tù và đang dưới sự kiểm soát của tư pháp. Ông là người công giáo giữ đạo, là đối tượng của thủ tục trục xuất ra khỏi nước Pháp mà có thể không được thực thi. Ông chờ ra tòa vì đã đốt nhà thờ chính tòa Nantes, ông sẽ ở lại Pháp cho đến khi công lý phán quyết vụ hỏa hoạn.
Là người bị vấn đề tâm thần nặng, khi 13 tuổi, ông đã chứng kiến cuộc diệt chủng ở Rwanda, cha của ông bị hành quyết, sau đó bị xét xử và bị kết án mang tội diệt chủng sau khi ông qua đời. Theo điều tra của báo La Croix, ông cho biết ông bị tra tấn vì ông là người của sắc dân Hutu và ông rất sợ phải về lại đất nước.
Câu chuyện của ông không được cho là đáng tin cậy, đơn xin tị nạn của ông bị từ chối, và tình trạng tinh thần của ông bị suy sụp sau một vụ tấn công năm 2018. Một tháng trước khi ra tay giết linh mục Olivier Maire, ông nhập viện ở khoa tâm thần.
Giúp đỡ người anh em mình
Khi đón nhận ông, linh mục Olivier Maire, người tu sĩ có đầu óc sắc sảo, tốt nghiệp ngành tâm lý học hiểu việc mình làm, được thúc đẩy bởi tinh thần giúp đỡ người anh em, đó là công việc liên tục trong đời sống hàng ngày của cha Olivier. Báo La Vie hỏi cha René Paul, tu sĩ cùng dòng Montfort đã biết cha Olivier từ khi cha chưa chịu chức, linh mục René cho biết, từ khi còn trẻ cha Olivier đã lên đường làm thiện nguyện ở Haiti.
Chịu chức xong, cha Olivier giúp đào tạo các tập sinh ở Uganda, ngay lập tức cha lên chương trình phục vụ những người nghèo nhất, các tù nhân và những người bị bệnh sida. Linh mục René nói: “Cha hướng dẫn tập sinh có tinh thần nhạy cảm với người nghèo bằng cách tổ chức các trận thi đấu thể thao giữa các tù nhân trẻ của nhà tù Mbarara và tập sinh. Cha có khuynh hướng đến với người gặp khó khăn để giúp đỡ họ.”
Về phần mình, cha Roberto Malgesini có biệt danh là “linh mục của những người rốt cùng”. Tại thành phố Como, cha dấn thân giúp những người bị loại trừ, bị thiệt thòi, nhiệm vụ của cha là điều phối một nhóm tình nguyện viên mang bữa ăn sáng đến cho người vô gia cư và người di cư mỗi ngày.
Trường hợp của cha Roberto Malgesini là ơn gọi đã có từ lâu. Một trong các bạn cùng lớp với cha nói với trang Il Giorno: “Ngay từ khi còn nhỏ, cha đã mong làm điều tốt cho người khác và cha làm một cách hoàn hảo.” Chịu bất trắc và hiểm nguy. Chẳng hạn, trước khi qua đời, cha đã bị cảnh sát cảnh báo vì đã phân phát thức ăn cho người nghèo, bất chấp lệnh của thị trưởng.
Buổi sáng ngày bị giết, cha bị đánh đến chết trước mặt nhà khi cha bắt đầu đi kiểm tra một vòng trong ngày, thủ phạm sau đó ra đầu thú ngay lập tức. Giống như cha Olivier Maire, cha Roberto Malgesini ý thức việc mình làm, cha giúp đỡ người giết hại mình. Thủ phạm là người Tunisia vô gia cư, bị trục xuất nhiều lần, nhưng không thi hành được vì tình trạng sức khỏe liên quan đến dịch Covid-19.
Sau thảm kịch, nhiều viên chức địa phương cho biết, nghi can không ổn định về mặt tâm lý, có những hành vi kỳ quái, nhưng có một chuyên gia tâm thần giải thích ngược lại. Ngay sau khi giết người, ông rút lời khai lại, ông cho rằng có “một âm mưu” chống lại ông, buộc ông phải về lại Tunisia.
Tác động chính trị
Sự phẫn nộ chính đáng và nỗi buồn trước cái chết của các linh mục này, trong cả hai trường hợp đều là chủ đề của các đòn phản công chính trị. Tại Ý, chính ông Matteo Salvini, người lãnh đạo đảng chính trị cực hữu Ý Liên đoàn, trong một cuộc họp đã nêu lên: “Một linh mục bị đâm chết bởi một trong quá nhiều người nhập cư bất hợp pháp cho thấy tình huống bất thường ở đất nước này, họ phải bị gởi trả về nước”.
Bà Marine Le Pen, chủ tịch của Liên đoàn Quốc gia viết trên trang Twitter ít phút sau khi tin vụ giết người ngày 9 tháng 8 năm 2021 được loan ra: “Ở Pháp, một người sống chui đã đốt nhà thờ chính tòa Nantes, ông không bao giờ bị trục xuất và bây giờ ông tái phạm, ông giết một linh mục. Những gì đang xảy ra ở đất nước chúng ta là một vấn đề nghiêm trọng chưa từng có: đó là sự phá sản hoàn toàn của Nhà nước và của Bộ trưởng bộ Nội vụ Gerald Darmanin.”
Cha Roberto Malgesini và cha Olivier Maire liệu họ có phải là nạn nhân cho chính sự ngây thơ của họ không? Một số người đã nói bóng gió như thế. Cả linh mục người Pháp và người Ý đều không thể bị cho là người cả tin.
Vào thời điểm xảy ra thảm kịch, nhật báo Repubblica phỏng vấn ông giám đốc Caritas địa phương, ông cho biết linh mục Roberto biết chính xác những rủi ro trong sứ mệnh của mình: “Cha Roberto là người dịu dàng, cha nhận thức các rủi ro của mình.” Thành phố và thế giới không hiểu sứ mệnh của cha. Cha muốn truyền tải sứ điệp của Chúa Kitô bằng cách gần gũi với những người này. Đó là thảm kịch nảy sinh từ lòng hận thù đang gia tăng trong những ngày này và đó là yếu tố châm ngòi, vượt quá đương sự có hành động này. Hoặc là chúng ta đừng ghét nhau nữa nếu không những bi kịch như thế này sẽ lại xảy ra. Tôi hy vọng rằng sự tử đạo của cha có thể góp phần ‘khử độc’ cho xã hội.”
Những lời này lặp lại lời của giám mục François Jacolin, giáo phận Luçon, giáo phận của cha Olivier Maire, ngài nói với hãng tin công giáo KTO: “Chúng ta không đến với người khác mà không chịu rủi ro bị phơi mình, điều mà cha Olivier đã làm. Còn Đức Phanxicô, ngài đã bày tỏ “nỗi đau” của mình sau cái chết của linh mục Olivier Maire, ngài ngõ lời chia buồn với cộng đồng Montfort của Saint-Laurent-sur-Sèvre, với gia đình cha Olivier và với tất cả giáo dân Pháp.
Nguy cơ của một cuộc sống không có tình yêu
Trên trang Twitter, giám mục Jean-Marc Eychenne, giáo phận Pamiers đăng bức hình của hai người, kèm theo lời bình đơn giản nhưng không kém phần hùng hồn: “Hãy mạo hiểm đón tiếp, mạo hiểm gặp gỡ, với vòng tay rộng mở, theo hình ảnh của Chúa Kitô…”
Được La Vie đặt câu hỏi, cha trả lời bằng những câu hỏi: “Yêu mà không chịu bất cứ rủi ro nào, yêu phải có điều kiện thì có phải là yêu trọn vẹn không?” Người tôi đang giúp có thật sự đang cần hay họ lợi dụng tôi? Tôi có nên từ chối giúp đỡ đương sự vì tôi không có câu trả lời chắc chắn cho việc này không?”
“Rủi ro khi tiếp nhận”: diễn đàn của giám mục Jean-Marc Eychenne về cha Olivier Maire
Ngài nói thêm: “Có một rủi ro lớn, làm chúng ta phải sợ nhiều hơn so với hậu quả của lựa chọn, chúng ta để cho người khác có chỗ đứng trong cuộc sống mình. Đó là nguy cơ của một cuộc sống không có tình yêu. Lựa chọn của Chúa Kitô rất rõ ràng, Ngài yêu chúng ta, Ngài hiến mạng sống cho đến chết, và chết trên thập giá. Phải tính đến các giới hạn, các nỗi sợ, các điểm yếu, các trách nhiệm khác nhau của chúng ta (không để người khác lâm vào hoàn cảnh nguy hiểm), là môn đệ của Chúa Giêsu, chính trên con đường này mà chúng ta được mời gọi để dấn thân. May mắn thay, không phải lúc nào con đường này cũng dẫn đến cái chết, nhưng đôi khi nó cũng bao gồm cả khả năng đó”. Cũng cần phải nhắc lại, như các vị tử đạo đã nhắc, Tin Mừng không dính gì đến một loại đạo đức màu mè.
Tang lễ của cha Olivier Maire sẽ được giám mục Eric de Moulin-Beaufort, giáo phận Reims, chủ tịch Hội đồng giám mục Pháp cử hành ngày thứ sáu, 13 tháng 8 – 2021 lúc 2:30 chiều tại Vương cung thánh đường Saint Laurent-sur-Sèvre.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Linh mục Ý Roberto Malgesini, người lo cho người vô gia cư bị đâm chết
Cuộc gặp gỡ xúc động của Đức Phanxicô và gia đình Linh mục Roberto Malgesini
Người Rwanda, con dao rựa và cây thánh giá
Đức Phanxicô bày tỏ nỗi đau của ngài sau cái chết của cha Olivier Maire
Hình ảnh tang lễ của cha Olivier Maire tại vương cung thánh đường Saint-Laurent-sur-Sèvre (Vendée), 13 – 8 – 2021. MATHIEU PATTIER / WEST FRANCE / MAXPPP