Viktor E. Frankl: Trị liệu nhờ ý nghĩa để đối diện với đại dịch
lapresse.ca, Nathalie Collard, La Presse, 2021-02-21
Làm thế nào để đối diện với những thử thách trong cuộc sống chúng ta đang trải qua? Viktor E. Frankl, nhà tâm lý học người Áo khởi xướng phương pháp trị liệu nhờ tìm cho mình một ý nghĩa, (logothérapie, trong tiếng hy lạp logo có nghĩa là ý nghĩa), đặc biệt ông cho rằng những người dựa trên các ký ức tích cực của mình (chẳng hạn một chuyến đi vui vẻ) sẽ đối diện với thử thách tốt hơn.
Hình: Khách du lịch đổ xô đến Đài phun nước Trevi ở Rôma, hình chụp năm 2017.
Mang lại một ý nghĩa cho cuộc sống của mình và cho những thử thách mình trải qua. Đó là ý tưởng cơ bản của phương pháp trị liệu nhờ mang lại một ý nghĩa cho đời sống, một liệu pháp được bác sĩ tâm thần người Áo Viktor E. Frankl phát minh, ông là người sống sót trong các trại của Đức Quốc xã. Ông kể lại kinh nghiệm của ông trong quyển Việc đi tìm ý nghĩa của con người (Man’s Search for Meaning) được xuất bản lần đầu tiên năm 1959 và trở thành sách bán chạy nhất quốc tế của ông kể từ đó. Hai quyển sách tái bản của Frankl sắp ra mắt trong những ngày này có thể cung cấp cho chúng ta một số công cụ để vượt lên cách ly và đại dịch tốt hơn.
Viktor E. Frankl là ai?
Sinh ở Áo vào đầu thế kỷ 20 (1905-1997), khoảng 50 năm sau Sigmund Freud, Viktor E. Frankl là nhà thần kinh học và bác sĩ tâm thần, giảng dạy tại trường Đại học Y khoa Vienna. Trong quá trình học, ông đặc biệt quan tâm đến chứng trầm cảm và tự tử. Trong Thế chiến thứ hai, cùng với gia đình, ông bị Đức quốc xã bắt làm tù binh. Đầu tiên ông cùng cha mẹ, anh trai, em gái bị đưa đến trại Theresienstadt, thân phụ của ông qua đời ở đây. Trong ba năm bị giam cầm, Viktor E. Frankl sống trong bốn trại, kể cả trại Auschwitz, nơi mẹ và anh trai của ông qua đời. Vợ của ông, bà Tilly Grosser chết tại trại Bergen-Belsen. Ông đã học được tất cả những chuyện này khi rời trại.
Viktor E. Frankl năm 1965. ẢNH WIKIPEDIA
Sau khi được trả tự do (em gái ông là người duy nhất còn sống trong gia đình), Frankl tiếp tục sự nghiệp của mình, đậu bằng tiến sĩ triết học, ông đi dạy và xuất bản 39 quyển sách. Ông tái hôn và có một người con. Ông mất năm 1997 ở tuổi 92.
Trị liệu nhờ ý nghĩa là gì?
Trị liệu nhờ ý nghĩa cũng như khoa phân tâm học, là một hình thức trị liệu. Nó tập trung vào ý nghĩa mà đương sự muốn mang lại cho đời sống của mình, cũng như nguồn lực thiêng liêng của họ. Cảm hứng từ các tác phẩm triết học của triết gia Kierkegaard, năm 1926, Frankl đã phát minh ra phương pháp này nhưng chính trong các trại tập trung mà ông mới có thể kiểm chứng các lý thuyết của mình. Trong số các chuyện khác, ông nhận thấy các tù nhân nào không thể bám vào một hy vọng, những người này sẽ chết trước, dù thể chất của họ tốt hơn. Những người có thể dựa vào ký ức tích cực, hoặc những người có đời sống nội tâm phong phú sẽ kháng cự tốt hơn. Liệu pháp trị liệu nhờ ý nghĩa được xem là trường phái trị liệu tâm lý thứ ba ở Vienna sau trường phái của Freud và của Adler.
Khi là tù nhân, bác sĩ Frankl đã áp dụng liệu pháp trị liệu nhờ ý nghĩa như thế nào?
Viktor E. Frankl tin rằng, khi mục đích duy nhất của một người là sống sót thì họ phải cho đời sống này một ý nghĩa. Khi có thể, ông tổ chức các buổi trị liệu nhóm, trong đó ông lặp đi lại những điều tương tự này với các bạn cùng trại: tự do duy nhất của các bạn là để đầu mình thoát được môi trường sống này. Để làm được, ông khuyên các tù nhân nên nghĩ về tương lai sau khi ra trại, hình dung mình đang làm một cái gì đó tích cực: làm việc, sống với người thân yêu, làm một sinh hoạt. Với một trong các bạn đồng hành của mình, Frankl buộc họ mỗi ngày phải sáng tạo ra một chuyện hài hước trong tương lai. Ông nói hy vọng sẽ kích thích hệ thống miễn dịch. Ông cũng nói, ngoài ra phải cho cuộc sống mình một ý nghĩa, phải mang một ý nghĩa đến cho nỗi đau của mình. Ông thích nhắc nhở, hãy ngừng mong đợi một điều gì đó từ cuộc sống, nhưng nghĩ rằng cuộc sống đang chờ một cái gì đó từ mình. Frankl gợi ý cho các tù nhân tưởng tượng có một người họ yêu thương đang theo dõi họ. Ông tin điều này có thể thúc đẩy họ đối diện với gian khổ bằng phẩm giá để họ tự hào về mình.
Làm thế nào để áp dụng trị liệu nhờ ý nghĩa trong cuộc sống của chúng ta?
Dĩ nhiên không có chuyện so sánh kinh nghiệm bị cách ly trong đại dịch với kinh nghiệm của các trại tập trung. Nhưng bản thân Frankl cho biết, phương pháp trị liệu nhờ ý nghĩa có thể áp dụng cho các trải nghiệm đau thương khác nhau như trong nhà tù, các mất mát, bệnh tật hoặc chia ly. Do đó, người đọc sẽ tìm thấy một số ví dụ trong tác phẩm Khám phá ý nghĩa trong cuộc sống của mình (Découvrir un sens à sa vie), một tác phẩm rất xúc động trong đó ông kể lại kinh nghiệm của mình khi ở trong các trại, cũng
như trong quyển Nói vâng với cuộc sống (Oui à la vie), trong quyển này có ba bài thuyết trình ông đã đọc năm 1946. Ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tạo ra ý nghĩa cho giây phút hàng ngày để không bị rơi vào tình trạng lãnh đạm hay cay đắng. Ông cũng khuyên chúng ta mang lại ý nghĩa cho công việc của mình, hoặc tham gia vào một dự án nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo. Chúng ta cũng có thể truyền ý nghĩa vào một mối quan hệ hoặc trải nghiệm có ý nghĩa. Nói cách khác, nếu chúng ta không chọn được mà phải sống với chấn thương, thì chúng ta vẫn có tự do lựa chọn cách mình phản ứng với nó.
Khám phá ý nghĩa cuộc sống nhờ trị liệu nhờ ý nghĩa (Découvrir un sens à sa vie grâce à la logothérapie, Viktor E. Frankl, nhà xuất bản Les éditions de l’Homme.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Mang lại cho đời mình một ý nghĩa sẽ làm thay đổi cuộc sống chúng ta