Bác sĩ Boris Cyrulnik: “Bộ não con người chỉ có thể phát triển khi tiếp xúc với người khác”
Bác sĩ tâm thần kinh Boris Cyrulnik / EUGÉNIE BACCOT POUR LA VIE
Ngay từ những giây phút đầu tiên cuộc đời, một gắn bó an toàn và chắc chắn là điều cần thiết với trái tim con người. Bác sĩ tâm thần kinh Boris Cyrulnik nhắc chúng ta về nhu cầu cơ bản là phải nuôi dưỡng các kết nối này.
lavie.fr, Véronique Châtel, 2024-09-09
Bác sĩ Boris Cyrulnik luôn đưa ra giả thuyết dựa trên những gì ông trải nghiệm bằng xương bằng thịt. Từ quyển sách này qua quyển sách khác ông viết khi ba mươi tuổi, ông kể câu chuyện cá nhân của ông. Ông bị cha mẹ bỏ rơi lúc 4 tuổi, họ buộc lòng phải bỏ con vì để con khỏi bị thành người Do Thái, cha mẹ gởi ông đến một trường học. Ông bị bắt năm 7 tuổi, trong một cuộc đột kích ở Bordeaux, ông trốn thoát cùng ngày, rồi cuộc sống bí mật từ nơi ẩn náu này đến nơi ẩn náu khác cho đến khi Giải phóng. Ðồng cảm với những anh hùng văn học, nhờ họ ông vượt lên được thử thách: Rémi của Hector Malot (Không gia đình), Oliver Twist của Charles Dickens, Trẻ em của Jules Vallès và đặc biệt là Tarzan của Edgar Rice Burroughs. Vì vậy, cậu bé Boris Cyrulnik bị giam hãm trong thời kỳ chiếm đóng, bị đi học trễ nhưng lại là học sinh giỏi nhất. Mười lăm năm sau, ông dựng lên một danh sách anh hùng cho riêng mình, Archibald Joseph Cronin, Frank Gill Slaughter, Albert Schweitzer, tất cả đều là bác sĩ, nên ông trở thành bác sĩ tâm lý thần kinh. Ông khai triển một khái niệm của chính kinh nghiệm của ông: khả năng phục hồi. Hay khả năng của trái tim con người, nếu được che chở tốt, sẽ tiếp tục phát triển “khỏe mạnh” sau khi rơi vào trạng thái đau đớn về tâm lý. Trong bài tiểu luận cuối cùng của ông, Bốn mươi tên trộm trong tình trạng thiếu thốn cảm xúc, ông kể lại rằng sự sống còn về mặt tâm lý của ông nhờ vào những con vật, những loài mà ông thiết lập mối liên kết bất cứ lúc nào ông có cơ hội. Khi còn nhỏ, ông thích quan sát hoạt động của đàn kiến hoặc nói chuyện với con chó của người hàng xóm, nó đứng im chăm chú khi ông kể cho nó nghe những bất hạnh của mình. Sau khi tốt nghiệp bác sĩ tâm thần kinh, nhiều lần ông xác nhận nhờ quan sát động vật nên ông hiểu được tình trạng con người, giải thích vì sao khi ông nghiên cứu các mối quan hệ trên sự phát triển não bộ, nó thường đi vòng qua thế giới động vật.
Làm thế nào để kết nối với người khác tác động trên sự phát triển của chúng ta?
Bác sĩ Boris Cyrulnik. Bộ não con người chỉ có thể phát triển qua tiếp xúc với người khác. Đó là điều tôi cố gắng giải thích chi tiết trong Ủy ban về “1.000 ngày đầu tiên của đứa trẻ” do chính phủ thành lập vào năm 2019. Sự phát triển bộ não được hướng dẫn qua ba hốc cảm giác: tử cung của phụ nữ mang thai, ngôi nhà của cha mẹ khi đứa trẻ lớn lên và những người nó quan hệ bằng lời nói. Trong bụng mẹ, thai nhi rất nhạy với các chất hóa học tạo ra từ cảm xúc của người mẹ. Nếu người mẹ mang thai trong môi trường an toàn, êm dịu, thoải mái, bà sẽ tiết ra những hormone có lợi cho sức khỏe của bà và thai nhi. Nếu bà bị căng thẳng, bất an, bà sẽ trải qua những cảm xúc tiêu cực sản sinh ra các chất hóa học – như cortisol – gây độc cho bào thai -, và như thế sẽ làm suy yếu hệ thống thần kinh phát triển não bộ em bé, đứa bé lớn lên với tình trạng suy giảm nhận thức.
Vậy sự bất hạnh của người mẹ là nguồn gốc bất hạnh của con mình?
Chính xác. Vì thế việc đảm bảo sức khỏe cho bà mẹ khi mang thai là rất quan trọng. Nhưng điều gì làm họ không vui? Bạo lực gia đình thường bắt đầu trong thời kỳ mang thai, tình trạng bất an xã hội và cảm giác bất an. Khi sinh ra, chúng ta đã bị ảnh hưởng bởi chín tháng trong bụng mẹ. Chúng ta đã có mối liên kết với cảm xúc của mẹ. Chăm sóc phụ nữ mang thai đồng nghĩa với việc ngăn ngừa tai họa cho con người.
Điều gì xảy ra khi sinh?
Một người mẹ được che chở, được có người khác ở bên cạnh, có gia đình quan tâm đến việc con mình sẽ ra đời sẽ cảm thấy an toàn. Bà sẽ yên tâm cho con, tương tác tốt với con và đứa trẻ sẽ lớn lên trong môi trường giàu liên kết. Nó sẽ có mọi thứ cần để phát triển. Khi 10 tháng, trẻ con đã có được kiểu gắn bó thấm nhuần trí nhớ và sẽ quyết định sự gắn bó này trong tương lai. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chứng minh chỉ 70% trẻ sơ sinh cảm thấy được gắn bó an toàn; 30% không an toàn.
Hậu quả của hai loại gắn bó này sẽ là gì?
Chính từ nền tảng an toàn của em bé, em bé sẽ có thể khám phá thế giới một cách độc lập. Nếu trẻ con cảm thấy mình xứng đáng được yêu thương, được bảo vệ thì nó sẽ cảm thấy mình xứng đáng được sống và có quyền khám phá những gì xung quanh mình. Những trải nghiệm cảm xúc ban đầu qua các mối ràng buộc bảo vệ, sự chú ý và cử chỉ trấn an sẽ ảnh hưởng đến quỹ đạo cảm xúc xã hội của một cá nhân trong suốt cuộc đời của họ. Tôi nhớ một đứa bé tôi chăm sóc khi mới hành nghề, mẹ của em khi đó mới 15 tuổi, sống trong cảnh cô đơn thiếu thốn vật chất. Cô có thói quen đặt con vào bồn tắm khi ra ngoài. Và cô đi ra ngoài rất nhiều, đứa bé ngồi hàng giờ với bốn bề màu trắng không phản chiếu gì, không kích thích não bộ. Đó là lý do vì sao não bộ khi mới sinh khỏe mạnh nhưng vẫn không thể hoạt động và phát triển như lẽ ra phải phát triển. Khi tôi gặp em bé này, em bé mắc chứng rối loạn tự kỷ nghiêm trọng và không thể chữa khỏi. Làm thế nào chúng ta có thể giải thích có rất nhiều trẻ em bất an? Thật là nghịch lý. Ở phương Tây, phụ nữ chưa bao giờ có nhiều cơ hội phát triển cá nhân đến như vậy và chưa bao giờ phụ nữ bị trầm cảm khi sinh con nhiều đến vậy. Trầm cảm và tỷ lệ tự tử ở các bà mẹ có con từ 3 đến 4 tháng tuổi tăng vọt trong những năm gần đây.
Vì sao?
Vì nền văn hóa chúng ta tạo điều kiện và khuyến khích sự cô độc của những bà mẹ trẻ, tạo một tấn công tâm lý rất lớn. Phụ nữ giải phóng mình qua công việc; họ giành được quyền làm chủ đời sống, con đường sống, theo đuổi việc học mình mong muốn, thoát khỏi răn dạy của gia đình, đây là một tiến bộ vượt bậc. Họ không còn phụ thuộc vào người cha dẫn họ đến bàn thờ, vào người chồng đã đưa họ từ nhà thờ về nhà. Tuy nhiên, khi làm như vậy, họ tự cô lập mình, cắt đứt mối quan hệ gia đình và cộng đồng để giúp họ chào đón đứa con của mình. Họ thường ở nhà một mình với bạo chúa họ yêu mến gọi là “em bé”. Sự hiện đại không phải là yếu tố bảo vệ các bà mẹ, cuộc chạy nước rút mang tính xã hội làm họ căng thẳng vô cùng. Phụ nữ làm việc quá sức, bị kiệt sức nhiều hơn nam giới.
Vậy tầm quan trọng của việc trẻ em tiếp xúc với những người gắn bó với các em là gì? Và tầm quan trọng của việc nghỉ sau khi sinh tăng lên 28 ngày là gì?
Tôi ủng hộ việc mở rộng này. Một đứa bé cần được trải nghiệm sự gắn bó an toàn, nếu không đó sẽ là sa mạc cảm xúc với những hậu quả não bộ tôi nói ở trên. Nhưng nếu trẻ em chỉ có một hình ảnh gắn bó thì sự gắn bó này có thể biến thành nhà tù cảm xúc. Vì vậy phải cho em bé có những hình ảnh gắn bó khác. Sự hiện diện của người cha – hay người đóng vai người cha – là rất cần thiết. Và thời gian người cha được nghỉ sáu tháng sau khi con sinh sẽ có lợi cho việc tạo các mối ràng buộc. Trong quá khứ, người cha là chủ gia đình và không bao giờ là thành viên của gia đình. Ngày nay, người cha cho con mình một không gian cảm giác phong phú và đa dạng.
Giác quan thứ ba chúng ta cần là gì?
Đó là của lời nói. Lời nói bắt đầu từ trong bụng mẹ. Cách đây vài năm tôi quan sát tại văn phòng của tôi ở Toulon. Chúng tôi thấy những tần số thấp trong giọng nói của người mẹ đã vượt qua hàng rào nước ối và rung lên trán, miệng và bàn tay của thai nhi. Khi người mẹ nói, như thể bà đang vuốt ve trán, miệng và bàn tay con mình đang bế. Và khi ra đời, em bé quay đầu nhìn về hướng âm thanh mà em đã biết, đó là mẹ em. Hình ảnh thần kinh cũng cho thấy thùy thái dương bên trái của não em bé bắt đầu tiêu thụ năng lượng như thế nào khi mọi người xung quanh nói. Và khu vực này đã mở rộng khi chúng tôi nói chuyện trực tiếp với em. Bà Françoise Dolto đã đoán trước điều này từ những quan sát lâm sàng: em bé không phải là cơ quan tiêu hóa, chúng hiểu những gì chúng ta nói với chúng. Hình ảnh đã chứng minh điều này. Khi được nói chuyện, em bé sẽ cấu trúc nên bộ não của mình. Thêm nữa, em bé thích âm thanh của lời nói, điều này giải thích từ 4 tháng đến 10 tháng em bé bập bẹ và nếu em bé được trả lời, em bé sẽ bập bẹ tiếp. Một điều chắc chắn khác: đứa trẻ càng lớn lên trong thế giới ngôn ngữ với những câu chuyện và từ ngữ thì em bé sẽ càng có khả năng lưu trữ trong trí nhớ nhiều hơn. Ngôn ngữ và sẽ có thể nói lên được bản thân khi trẻ bắt đầu nói khi lên ba.
Điều quan trọng là những lời này được nói bởi con người?
Các nghiên cứu cho thấy khi chúng ta thay điện thoại thông minh thành người trông trẻ, em bé sẽ không còn cử động nữa. Em bé như bị thôi miên. Các em bé bị cha mẹ giao cho màn hình trông, chúng yên lặng và để cha mẹ yên, nhưng chúng không học cách hiểu nét mặt của mình, đặc biệt là nét mặt của mẹ, người mà chúng nhận ra giọng nói rất rõ. Một cái cau mày, một cái bĩu môi, một cái nháy mắt… Tất cả đều quan trọng để trẻ em hiểu được sự cấm đoán trước khi mẹ nói. Sự hiện diện của con người xung quanh em bé tạo tương tác, tạo cho não bộ kích thích khứu giác và màu sắc. Các em bé không được tương tác sẽ gặp khó khăn trong đời sống ngôn ngữ. Vào lớp mẫu giáo học 200 hoặc 300 chữ không dễ chịu khi được kích thích và để có được 2.000 hoặc 3.000 chữ! Như thế trẻ em sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi hiểu cô giáo và sẽ tiến bộ trong học tập. Nếu không các em sẽ buồn vì không hiểu và khó tiếp tục học. Ở đây chúng ta có những mầm mống của bất công và chia rẽ xã hội. Ngược với những gì đã được khẳng định từ lâu, không phải mọi thứ đều có nguồn gốc di truyền. Chính cấu trúc của môi trường đã cấu trúc nên sự phát triển của bộ não, dù tích cực hay không.
Vì sao khi chúng ta cần người khác rất nhiều, chúng ta lại xem trọng quyền tự chủ, khả năng tự bảo vệ mình?
Trái tim con người không thể phát triển nếu không có sự kết nối. Nó cần thay đổi, nếu không não sẽ bị teo lại. Nhưng văn hóa của chúng ta không tính đến điều này. Nó thúc đẩy hiệu suất cá nhân. Chúng ta biết một cách khoa học và lâm sàng những gì phải làm để bảo vệ phụ nữ để con cái họ được an toàn, nhưng chúng ta không làm. Bộ não cần được kích thích các giác quan để phát triển và hoạt động tốt nhưng chúng ta ngày càng sống tách biệt với nhau. Người cao tuổi bị mất trí nhớ về từ ngữ vẫn giữ được trí nhớ về cảm giác và cử chỉ. Họ vẫn nhạy cảm với màu sắc, nét mặt, âm nhạc và cử chỉ. Vậy mà chúng ta cho rằng học tập dựa trên bằng cấp quan trọng hơn là nhận thức bằng giác quan! Chúng ta ngày càng có nhiều em bé phi thường, nói tiếng Anh như người Anh khi mới 8 tuổi, nhưng không có ý thức với người khác và thiếu đồng cảm.
Tại sao được người khác bao quanh là cần thiết trong suốt cuộc đời?
Sau khi có được một an toàn nội tâm nào đó, chúng ta sẽ ít cần người khác hơn. Giống như động vật, con người được hình thành bởi môi trường tiến hóa. Nhưng con vật đến tuổi dậy thì và thích nghi hoặc chết thì con người vẫn tiếp tục tiến hóa và học hỏi. Mạch não tiếp tục hoạt động, đặc biệt nhờ vào tương tác với người khác và niềm vui chúng ta có được khi đi xem phim, đọc sách, xem triển lãm, v.v. Trong các viện dưỡng lão, những người ở cuối đời vẫn xem các buổi hòa nhạc, chơi bài. Trong nhiều thiên niên kỷ, chúng ta nghĩ bộ não bị khóa bên trong hộp sọ, nhưng ngày nay chúng ta phát hiện đó là cơ quan có mối quan hệ đáng kinh ngạc. Nó giúp chúng ta tiếp xúc với bối cảnh trước mắt và có khả năng ghi nhớ và tưởng tượng với các sự kiện trong quá khứ và tương lai.
Nhu cầu của chúng ta đối với người khác được công nhận, nhưng người khác lại làm chúng ta lo lắng. Chúng ta là trung tâm của những kết nối đã trở nên đáng ngờ. Làm thế nào để giải thích?
Động vật cũng gặp khó khăn khi tiếp xúc với người lạ. Phản ứng đầu tiên của chúng là sợ hãi, nhưng chúng sử dụng các nghi thức tương tác để chế ngự bản thân. Những biểu hiện xoa dịu của chúng muốn báo hiệu cho người kia: “Đừng lo lắng, tôi sẽ không ăn thịt bạn, con bạn, hoặc lấy thức ăn của bạn. Tôi chỉ tìm kiếm sự hợp tác để thỏa mãn nhu cầu.” Một số con nhện đực đến gần con cái bằng cách đưa cho con cái một con muỗi được bọc trong kén. Và khi con nhện cái chuẩn bị mở kén thì con nhện đực sẽ làm tình. Nơi con mòng biển, con đực bắt được con cá và đưa cho con cái. Nếu con cái nuốt chửng là con cái muốn nói với con đực, anh không quan tâm đến tôi. Nhưng nếu nó giữ con cá trong miệng, nó muốn nói với con đực nó muốn tiếp tục được tán tỉnh. Ở gấu trúc, con cái chiếm ưu thế khi con cái muốn giao hợp, nó đi trước con đực và vẫy đuôi. Nếu con đực không phản ứng, nó sẽ làm lại. Hiểu đây là một bước tiến, con đực đồng ý hoặc không đi xa hơn. Do đó, ở động vật, nỗi sợ hãi về những điều chưa biết được kiểm soát bởi một tập hợp các tập tục thuần hóa.
Điều này không có ở con người sao?
Dĩ nhiên có. Chúng ta đã phát triển đủ loại nghi thức lịch sự tôn kính. Chẳng hạn chúng ta có thói quen đến gần người chưa quen bằng cách nói những chuyện bình thường như thời tiết, chúng ta mời đồng nghiệp ăn để có tinh thần thân thiện trong văn phòng. Nhưng chúng ta bị mắc kẹt trong văn hóa chạy nước rút, đến mức càng ngày chúng ta càng dành ít thì giờ cho những việc này. Nghiêm trọng hơn, chúng ta không còn dạy điều này cho con cái. Hơn nữa, trong một hoặc hai thế hệ vừa qua, sự phát triển cá nhân đã phát triển. Trước đây, việc quan tâm đến bản thân chỉ liên quan đến các tầng lớp đặc quyền. Nhưng mối quan tâm đến sự phát triển cá nhân, tự cho mình là trung tâm có tác động tai hại làm tổn hại đến các mối quan hệ xã hội. Tôi giữ được phản xạ của thế hệ tôi. Khi ở trên xe buýt, tàu điện ngầm hoặc xe điện, trước khi tôi đi ra, tôi hỏi người đứng trước xem họ có định xuống xe không. Câu hỏi này nhằm để họ tránh qua để tôi đi, để di chuyển thông suốt hơn. Nhưng hôm nay, khi tôi hỏi câu này, họ nghĩ tôi muốn gây chuyện với họ: “Vì sao người này muốn nói chuyện với tôi? Họ muốn gì ở tôi? Tôi không biết họ”… Kết quả là muốn ra ngoài, tôi phải chen. Một số nghi thức tương tác đã biến mất.
Liệu việc đưa ra đối xử lịch sự có đủ để chúng ta làm việc với nhau tốt hơn không?
Chắc chắn là không. Khả năng quản lý cảm xúc, đặc biệt là với nỗi sợ của người khác phụ thuộc vào cách bảo đảm an toàn cho đứa trẻ. Trong những năm đầu tiên, đứa trẻ không thể bình tĩnh một mình. Nếu chúng ta để đứa bé đối diện với nỗi đau, hạch hạnh nhân ở não sẽ kích hoạt và tiết ra các phân tử căng thẳng, cortisol và adrenaline. Tuy nhiên, cortisol cực kỳ độc hại với não của trẻ. Ở mức độ cao, cortisol có thể phá hủy các tế bào thần kinh ở những vùng não thiết yếu dẫn đến rối loạn hành vi – lo lắng quá mức, hung hăng, v.v. Một đứa trẻ thường xuyên phải một mình đối diện với căng thẳng một mình khi thành thanh thiếu niên và sau đó là người lớn sẽ cảm thấy mọi thứ là một cuộc tấn công.
Chúng ta trải qua thời đại không khoan dung, rút lui này như thế nào, nơi chỉ có thể kết nối với những người giống như chúng ta?
Điều này làm tôi đau buồn rất nhiều. Tôi bắt đầu đời sống với những bài diễn văn toàn trị đưa đến cái chết của 50 triệu người trên hành tinh và tiêu diệt 6 triệu người Do Thái. Tôi đang đi đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời và tôi nghe lại những bài phát biểu tương tự này. Từ lâu tôi đã tin, qua văn hóa, chúng ta có thể làm cho mọi người cảnh giác với các ngôn ngữ toàn trị, tôn trọng màu da, tôn giáo của người khác. Tôi cam kết với tư cách là nhà khoa học, vì tôi hy vọng hành động, chứng từ và sự hiểu biết của tôi sẽ giúp tạo ra điều “không bao giờ xảy ra nữa”. Chứng kiến sự trở lại của cùng một quá trình tư duy toàn trị làm tôi đặt câu hỏi về ý nghĩa công việc của mình.
Marta An Nguyễn dịch
Boris Cyrulnik: “Gặp gỡ người khác là bước đầu tiên hướng tới nhân loại”