Sự im lặng của giáo hoàng nói lên nhiều điều về cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi của các giám mục Hoa Kỳ

211

Sự im lặng của giáo hoàng nói lên nhiều điều về cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi của các giám mục Hoa Kỳ

Sự khác biệt của giới bảo thủ Mỹ và chương trình làm việc của Đức Phanxicô bây giờ quá hiển nhiên, không có gì đáng chú ý, dù các giám mục Hoa Kỳ phớt lờ lời cảnh báo của Vatican.

nytimes.com, Jason Horowitz, 2021-06-19

Ngày thứ bảy 19 tháng 6, Đức Phanxicô đã phong ông Robert Schuman, nhà sáng lập Liên minh Châu Âu lên bậc đáng kính, ngài bảo với các phó tế Rôma nên quan tâm đến người nghèo và ngài gặp một giám mục hàng đầu, người từng bảo vệ ngài trước các luận cứ kỳ cục của cựu đại sứ Vatican tại Hoa Kỳ.

Nhưng điều đáng nói nhất mà ngài làm là ngài giữ im lặng về cuộc bỏ phiếu bất thường của các giám mục công giáo ở Hoa Kỳ để tiến lên phía trước – dù có lời cảnh báo của giám chức tín lý hàng đầu của giáo hoàng – với việc soạn thảo các hướng dẫn mới mà giới bảo thủ hy vọng cuối cùng sẽ từ chối không cho Tổng thống Biden rước lễ vì ông ủng hộ quyền phá thai.

Các chuyên gia và các người có trách nhiệm trong Giáo hội nói, giáo hoàng không nói gì vì không có gì để nói.

Sự khác biệt của giới bảo thủ Mỹ và chương trình làm việc của Đức Phanxicô giờ quá hiển nhiên, không có gì đáng chú ý, ngày thứ bảy, các chuyên gia và giới có trách nhiệm ở Vatican tuyên bố, sự im lặng của giáo hoàng cho thấy cuộc bỏ phiếu ngày thứ sáu tại Mỹ chẳng có gì ngạc nhiên, với Vatican cũng vậy.

 

Đức Phanxicô chào những người đến thăm Vatican ngày thứ bảy. Vatican Media, via Reuters

Hội đồng giám mục Mỹ cực kỳ bảo thủ đã bất kể đến bức thư của Vatican gởi vào tháng 5, kêu gọi họ tránh cuộc bỏ phiếu. Trong nhiều năm họ đã phớt lờ các lời kêu gọi của giáo hoàng xin giảm việc nhấn mạnh đến các vấn đề chiến tranh văn hóa và nên mở rộng phạm vi sứ mệnh của mình với các vấn đề như biến đổi khí hậu, di cư và nạn nghèo đói.

Ngày thứ sáu, Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ đã bỏ phiếu với đại đa số trong cuộc họp ảo gay gắt để bắt đầu soạn thảo một hướng dẫn cho Bí tích Thánh Thể. Hướng dẫn đó có thể trở thành phương tiện để các nhà lãnh đạo bảo thủ trong Giáo hội Mỹ từ chối không cho những người công giáo nổi tiếng như ông Biden, những người ủng hộ quyền phá thai rước lễ.

Ngày thứ bảy, các người có trách nhiệm ở Vatican tuyên bố, sự im lặng cũng phản ánh rằng giáo hoàng và các quan chức hàng đầu của ngài vẫn tin các người bảo thủ Mỹ sẽ không bao giờ thực sự thông qua một tuyên bố mang tính giáo điều về việc cấm rước lễ.

Luật Giáo hội quy định để điều này được áp dụng, hội đồng giám mục sẽ cần sự ủng hộ nhất trí, về cơ bản là không thể, hoặc 2/3 ủng hộ và sự chấp thuận của Vatican.

Một quan chức cấp cao của Vatican hiểu suy nghĩ bên trong Bộ Giáo lý Đức tin cho biết: “Sẽ không đi đến điểm đó.” “Thật không thể tưởng tượng nổi.”

Khi được hỏi về cuộc bỏ phiếu hôm qua, Tổng thống Biden cũng có quan điểm tương tự. Ông nói với các nhà báo: “Đó là chuyện riêng tư. Và tôi không nghĩ điều này sẽ xảy ra.”

Mối đe dọa lớn nhất do cuộc bỏ phiếu ngày thứ sáu gây ra chính là mối đe dọa cho đơn vị hiệp nhất của Giáo hội Hoa Kỳ, chứ không phải đối với ông Biden và các chính trị gia công giáo khác, những người ủng hộ quyền phá thai.

Tổng thống Biden và Tiến sĩ Jill Biden dự Thánh lễ tại Nhà thờ Thánh Matthews ở Washington ngày nhậm chức 20 tháng 1-2021… Doug Mills / The New York Times

Cuộc bỏ phiếu để tiếp tục đi tới và dự thảo hướng dẫn mới đảm bảo vấn đề này vẫn sẽ nằm trong chính sách chính trị và chỉ phát triển mạnh mẽ hơn, khi ủy ban giáo điều của các giám mục Hoa Kỳ làm việc trên các định hướng trước khi có cuộc họ dự kiến vào tháng 11.

Và các người có trách nhiệm và các tu sĩ thân cận với Đức Phanxicô lo lắng tài liệu về rước lễ có thể dùng như một phương tiện lớn để thu hút các cử tri của Đảng Cộng hòa đi bầu, cũng như đặt người công giáo vào một vị thế riêng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cuối cùng, họ mong chờ một tài liệu khẳng định mạnh về tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể, một trong những nghi thức thiêng liêng nhất của đạo, nhưng tài liệu này cũng sẽ phản ánh mối quan tâm của giáo hoàng và sẽ kêu gọi việc từ chối không cho ông Biden, các nhân vật có ảnh hưởng chính trị khác và các nhân vật trong ngành văn hóa ủng hộ quyền phá thai được rước lễ.

Cảm nhận ở Vatican là vẫn giữ y tình trạng và sự kín đáo trong việc rước lễ sẽ được giao cho từng giám mục.

Hồng y Wilton Gregory của giáo phận Washington đã tuyên bố ngài sẽ không từ chối việc cho tổng thống rước lễ.

Nhà báo Paolo Rodari của nhật báo La Repubblica ở Rôma nói: “Tôi không nghĩ những người ở Nhà Thánh Marta lo lắng”, ông muốn nói nơi ở của giáo hoàng.

Nhưng một số người ủng hộ Đức Phanxicô vẫn còn lo giới bảo thủ đang thống trị Hội đồng Giám mục dùng rước lễ như một vũ khí chính trị, đặt ra một tiền lệ toàn cầu xấu cho việc chính trị hóa một Giáo hội mà Đức Phanxicô muốn vượt lên mọi tranh cãi.

Động cơ thực sự của lá thư tháng 5 của hồng y Luis Ladaria, người đứng đầu bộ Tín Lý là để tránh điều này, sự suy yếu, chia rẽ và chính trị hóa Giáo hội Mỹ bằng cách duy trì sự thống nhất giữa các giám mục.

Hồng y Wilton Gregory, tổng giám mục giáo phận Washington với ông bà Biden hôm trước ngày nhậm chức của ông Joe Biden. Tổng giám mục đã nói ngài sẽ không từ chối việc cho ông Biden rước lễ. Alex Brandon/Associated Press

Điều này rõ ràng đã thất bại.

Đức Phanxicô đã nhiều lần lập luận, đối thoại tập thể giữa các giám mục là chìa khóa để cải cách lâu dài trong Giáo hội.

Tác giả Austen Ivereigh, người viết tiểu sử Đức Phanxicô, cho biết cả khi các giám mục được triệu về Rôma họp để bỏ phiếu đông đảo nhằm phong cho một số ông đã kết hôn làm linh mục ở những nơi xa xôi, một quan điểm được những người tiến bộ ủng hộ và những người bảo thủ phản đối, Đức Phanxicô đã không phê chuẩn, vì theo tác giả Austen Ivereigh, sự phân cực trong cuộc tranh luận quá rõ. (Một số người ủng hộ đã thất vọng, họ nghĩ đơn thuần chỉ vì Đức Phanxicô thu mình dưới áp lực của giới bảo thủ.)

Theo ông Ivereigh, dù ngài không mong chờ sự nhất trí giữa các giám mục nhưng ngài muốn có sự hội tụ ý kiến. Ông nói: “Đối với Đức Phanxicô, đa số phiếu của một hội đồng giám mục chia rẽ sâu sắc không phải là dấu hiệu cho thấy nên tiến hành, nhưng chính là ngược lại.” Ông nói thêm, về bản chất, cuộc bỏ phiếu của các giám mục Mỹ vào ngày thứ sáu – với 73% ủng hộ việc soạn thảo hướng dẫn và 24% phản đối – rõ ràng không phù hợp với các ưu tiên của giáo hoàng.

Ông Ivereigh nói: “Đức Phanxicô nhất quán trong thông điệp của ngài với các giám mục Hoa Kỳ: ‘Quý vị đừng bị kẹt trong các cuộc chiến văn hóa và nên làm chứng cho sự thống nhất’. Tôi không nghĩ cuộc bỏ phiếu này làm được điều đó.”

Ngày thứ bảy, tại Phòng Chúc phúc của Dinh Tông Tòa, Đức Phanxicô đã tái khẳng định các ưu tiên của mình. Khi một nhóm phó tế Rôma hỏi ngài muốn gì ở họ, ngài trả lời “khiêm nhường” và xin họ “phục vụ người nghèo.”

Khi các phó tế rời phòng họp và ra Quảng trường Thánh Phêrô, nhiều người tuyên bố họ chưa bao giờ nghe nói một linh mục Ý từ chối việc rước lễ cho một chính trị gia vì bất kỳ lý do gì, rõ ràng có một tách biệt rõ ràng giữa chính trị, vốn thuộc về Quốc hội, và đức tin, vốn thuộc về Giáo hội.

Đức Phanxicô tại Vatican trong tháng này. Alessandra Tarantino / Associated Press

Thầy phó tế Rafaelle Grasso của một giáo xứ Rôma cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ không cho ai rước lễ. Chuyện này không bao giờ xảy ra ở đây.”

Trong một phần lớn Âu châu và Châu Mỹ La Tinh, về cơ bản là không thể tưởng tượng nổi khi các giám mục từ chối không cho các chính trị gia công khai ủng hộ quyền phá thai rước lễ. Thánh Gioan-Phaolô II đã cho ông Francesco Rutelli rước lễ, ông là cựu thị trưởng Rôma và là ứng viên thủ tướng ủng hộ quyền phá thai.

Ông Ivereigh nói: “Gần như tất cả các giám mục trên thế giới đều nhìn vào Giáo hội Mỹ lúc này, và đều hỏi: Chuyện gì đang xảy ra vậy?”

Ông Alberto Melloni, nhà sử học của Giáo hội ở Rôma tuyên bố: “Nỗ lực của Mỹ là một sáng kiến rất nguy hiểm”, từ lâu Vatican đã bỏ khái niệm cho rằng công việc của Giáo hội công giáo là hướng dẫn chính trị.

Đức Phanxicô, trên chuyến bay đi Mozambique tháng 9 năm 2019, Đức Phanxicô công nhận sự phản đối gay gắt mà ngài phải đối diện với những người gièm pha của giới bảo thủ công giáo Hoa Kỳ. Cũng dịp này ngài được tác giả Nicolas Senèze tặng quyển sách “Làm thế nào nước Mỹ muốn thay đổi giáo hoàng” (Comment l’Amérique veut changer le pape) nói về các mối dây của các giám mục bảo thủ Hoa Kỳ với nỗ lực của Mỹ được tài trợ mạnh và được truyền thông hậu thuẫn nhằm làm suy yếu triều giáo hoàng của ngài, Đức Phanxicô trả lời, “được người Mỹ tấn công là một vinh dự”.

Trên một chuyến bay khác, nói về sự chống đối liên tục mà ngài phải đối diện với giới bảo thủ công giáo ở Hoa Kỳ, Đức Phanxicô nói, “Tôi cầu nguyện để không có ly giáo. Nhưng tôi không sợ”.

Nhà báo người Pháp Nicolas Senèze tại Vatican cho biết: “Cuộc bỏ phiếu ngày thứ sáu cho thấy không có nhiều thay đổi. Họ vẫn chống lại việc cải tổ Giáo hội mà Đức Phanxicô mong muốn và họ vẫn tiếp tục ở trong cùng chương trình nghị sự chính trị của Đảng Cộng hòa. Giáo hội Mỹ cũng bị chia rẽ như người dân Mỹ.”

Ngay cả trước khi Tổng thống Biden nhậm chức, các giám mục bảo thủ dường như có ý định đối đầu với ông.

Tháng 11 năm 2020, tổng giám mục José H. Gomez giáo phận Los Angeles, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ, người mà Đức Phanxicô nhiều lần từ chối không phong hồng y, đã viết một lá thư cảnh báo ông Biden, cho rằng quan điểm của ông về quyền phá thai đã tạo một “tình trạng khó khăn và phức tạp.” Tổng giám mục viết, việc ủng hộ quyền phá thai của các chính trị gia nổi tiếng, những người tuyên xưng đức tin công giáo của mình, tạo ra sự nhầm lẫn giữa giáo dân về những gì Giáo hội dạy trong vấn đề này”.

Sau đó tổng giám mục đã thành lập một nhóm làm việc về vấn đề này. Trong ngày nhậm chức, tổng giám mục Gomez đã chào mừng tân tổng thống với lời tuyên bố dài cảnh báo, “tổng thống mới của chúng tôi đã cam kết theo đuổi một số chính sách có thể đẩy lùi các tệ nạn đạo đức”.

Về phần mình, Vatican đã gởi điện chúc mừng kêu gọi tổng thống theo đuổi các chính sách “được đánh dấu bởi công lý và tự do đích thực”.

Cuối cùng, nhà báo Senèze nói, Đức Phanxicô hiểu rằng chỉ có thời gian mới có thể thay đổi thành phần của Hội đồng Giám mục và làm cho Giáo hội Hoa Kỳ liên kết với Rôma.

Ông nói: “Như thế phải cần một giải pháp sinh học. Đức Phanxicô phải chờ họ về hưu.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Về việc xét lương tâm của tổng thống