Đức Phanxicô áp đặt các biện pháp nghiêm nhặt chống tham nhũng

92

Đức Phanxicô áp đặt các biện pháp nghiêm nhặt chống tham nhũng

la-croix.com Loup Besmond de Senneville, 2021-04-29

Ngày 29 tháng 4, trong một Tự sắc do Văn phòng báo chí Tòa Thánh loan đi, Đức Phanxicô đã gia tăng tính minh bạch và các biện pháp chống tham nhũng. Nhân viên Vatican sẽ không còn có thể nhận quà trị giá hơn 40 âu kim.

Mục đích của Tự sắc ký ngày 26 tháng 4 là để tuân thủ theo các thực hành tốt nhất để phòng chống và đấu tranh chống tham nhũng, Đức Phanxicô giải thích và trích dẫn Công ước Merida của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

Sau khi đã hợp pháp theo hướng này về chủ đề các hợp đồng công trong Tự sắc ngày 19 tháng 5 năm 2020, dự định áp dụng trong văn bản mới này có hiệu lực ngay lập tức, bắt buộc phải minh bạch với “những người đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong dịch vụ công cộng của Quốc gia Vatican nhỏ bé. Các giám đốc điều hành và quản trị gia Giáo triều sẽ phải báo cáo tình hình tài chánh của họ hai năm một lần, theo đúng các quy tắc đạo đức do Tòa thánh thiết lập.

Không có quà tặng trên 40 âu kim

Về điều này, Đức Phanxicô đã thêm hai điều mới vào Quy chế Chung của Giáo triều Rôma. Điều đầu tiên cấm nhân viên của Giáo triều hoặc của một tổ chức trực thuộc Tòa thánh nhận hoặc điều đình cho chính họ hoặc cho một người thứ ba, những món quà hoặc những lợi nhuận có trị giá lớn hơn 40 âu kim, trong chức vụ của họ.

Điều thứ nhì, yêu cầu những người này phải ký vào bản khai – khi họ được bổ nhiệm hoặc khi họ nhậm chức, và sau đó cứ hai năm một lần – xác nhận họ tuân thủ các tiêu chuẩn chống tham nhũng mới.

Do đó, những người có trách nhiệm, gồm cả các hồng y phụ trách các ban bộ hoặc các thực thể của Vatican, phải xác nhận họ không bị kết án vĩnh viễn về những tội ác độc hại chống lại Vatican hoặc một Quốc gia khác, và họ không phải là đối tượng đang đang bị kiện tụng trong một tổ chức tội phạm.

Đặc biệt là các tội danh tham nhũng, gian lận, khủng bố, liên quan đến hoạt động khủng bố, rửa tiền và các hoạt động tội phạm như khai thác trẻ vị thành niên, buôn bán người hoặc gian lận và trốn thuế.

Không đầu tư vào các thiên đàng trốn thuế

Những người chiếm giữ một vị trí trách nhiệm không được sở hữu cổ phần hoặc tài sản trong các công ty và hãng xưởng được đăng ký tại một quốc gia nằm trên danh sách các khu vực pháp lý có nguy cơ rửa tiền cao, do Cơ quan giám sát thông tin tài chính (ASIF) thành lập.

Cũng vậy với các nước nằm trong danh sách thiên đàng trốn thuế của Ban Thư ký Kinh tế. Điều này cũng áp dụng cho cha mẹ của đương sự và cho đến quan hệ họ hàng cấp thứ ba. Tự sắc cũng dự trù một ngoại lệ cho những người cư trú tại các quốc gia liên quan vì lý do cá nhân hợp lệ, sau khi xác minh được những điều này.

Các giám chức cấp cao của Vatican cũng phải xác nhận trong bản báo cáo tất cả tài sản của họ, động sản và bất động sản, từ các hoạt động hợp pháp và họ không tham gia tài chính hoặc lợi ích dưới bất kỳ hình thức nào trong một công ty hoạt động trong các lĩnh vực trái với Học thuyết Xã hội của Giáo hội.

Các bản báo cáo được Ban Thư ký Kinh tế cũng như Ban Thư ký của Quốc vụ khanh lưu giữ khi cơ quan này có thẩm quyền. Ban Thư ký Kinh tế có quyền yêu cầu kiểm tra “khi có các lý do chính đáng.”

Cuối cùng, Giáo hoàng kêu gọi tất cả các đơn vị của Tòa thánh đưa các điều khoản này vào quy chế của họ trong vòng 90 ngày. Tất cả các điều khoản không phù hợp với Tự sắc này đều bị bãi bỏ.

Tham nhũng xám

Nhưng sắc lệnh mới này không chỉ liên quan đến những người đứng đầu Giáo triều. Giáo hoàng cỏn muốn đi xa hơn trong đấu tranh chống một hình thức tham nhũng, mà một số người gọi là “tham nhũng xám”. Trong phần giới thiệu Tự sắc, Đức Phanxicô nêu rõ, “Tham nhũng có thể tự biểu hiện theo những cách khác nhau, dưới các hình thức khác nhau và trong các lĩnh vực khác nhau.”

Vì thế, sẽ bị cấm đối với tất cả các thành viên của Giáo triều, nhân viên của Thành phố Vatican và những người thuộc tất cả các cơ quan liên quan, “chấp nhận hoặc điều đình cho chính họ hoặc cho những người khác, không ở trong tổ chức họ làm việc, vì lý do hoặc vì chức việc của họ, quà tặng, hiện vật hoặc các lợi thế khác có giá trị lớn hơn bốn mươi âu kim”.

Những quy tắc này tương tự như những quy định quản lý nhiều cơ quan hành chính nhà nước khác trên thế giới. Do đó, giá trị tối đa để nhận một món quà mà không cần khai báo là 150 âu kim cho Quốc hội, 250 âu kim cho các nghị sĩ Ý, 50 âu kim cho các quan chức của Ủy ban Châu Âu và 335 đô la cho chính quyền cấp cao của Mỹ. Còn các báo cáo lợi tức, ở nhiều quốc gia đã được công khai. Một mức độ minh bạch mà giáo hoàng rõ ràng không muốn đi.

“Liêm chính là khó: càng có nhiều trách nhiệm, càng khó”

Tuy nhiên, ở Vatican, nơi mà bí mật nhuốm màu trên mọi trao đổi, về nhiều mặt, đây là cuộc cách mạng văn hóa. Cách đây vài tuần một người có trách nhiệm ở một bộ đã vui mừng: “Chúng ta đang sống những giây phút cuối cùng của một thế giới khép lại. Những dàn xếp cho tùy hợp không còn chỗ đứng. Đây là sự kết thúc của một thời đã bắt đầu cách đây vài năm với sự kết thúc của việc phân phát phong bì đựng tiền mặt.”

Ông nói tiếp: “Nói rộng hơn, điều này chất vấn chúng tôi về mối liên hệ với tiền. Tôi làm gì với tấm thiệp ban bộ? Tôi có thể nhận gì như một món quà? Sống liêm chính là khó: bạn càng có nhiều trách nhiệm thì càng khó hơn. Kể cả ở đây, tại Giáo triều. Nhất là ở đây.”

Tự sắc mới có hiệu lực ngay lập tức, được công bố vào đúng ngày đại hội đồng Moneyval, một cơ quan của Hội đồng Châu Âu, thông qua báo cáo của các chuyên gia chống rửa tiền, họ đã đưa ra trong chuyến thị sát Vatican vào tháng 10 năm ngoái. Một lịch trình không hẳn ngẫu nhiên, khi Đức Phanxicô dự định dùng áp lực quốc tế này để thúc đẩy cải cách nội bộ tại Vatican, đặc biệt là về cấp độ tài chính. Đó là lý do vì sao ngài đích thân tiếp các thanh tra của Moneyval vào mùa thu, khuyến khích họ trong công việc. Báo cáo sẽ được công bố rộng rãi vào giữa tháng sáu.

Tăng cường liên tục tính minh bạch

  1. Tăng cường quyền hạn của Cơ quan Thông tin Tài chính Tòa thánh (AIF), do Đức Bênêđíctô XVI thành lập năm 2010.
  2. Thành lập Hội đồng Kinh tế.
  3. Đóng gần 5.000 tài khoản đáng ngờ tại Ngân hàng Vatican.

Tháng 6 năm 2020. Công bố Bộ luật Mua sắm công.

Tháng 10 năm 2020. Mở rộng quyền hạn của Cơ quan Thông tin Tài chính Tòa thánh AIF và quyền hạn của Tòa án Vatican để chống rửa tiền.

Tháng 12 năm 2020. Cơ quan Thông tin Tài chính Tòa thánh AIF trở thành Cơ quan Giám sát Tài chính và Thông tin.

Tháng 4 năm 2021. Bắt buộc báo cáo lợi ích của  những người phụ trách Giáo triều, cấm nhận quà trên 40 âu kim.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch