Giáo sư Trịnh Xuân Thuận: “Chúng ta là hạt bụi của các vì sao”

483

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận: “Chúng ta là hạt bụi của các vì sao”

Với khóa học mới “Trong không gian rộng mở”, phân khoa Thần học của Đại học Geneva, Thụy Sĩ (UNIGE) đã chọn một cách chưa từng có để tạo cuộc đối thoại giữa tâm linh và vật lý thiên văn. Dự án bắt đầu vào ngày 20 tháng 4 năm 2021, nhà vật lý thiên văn người Mỹ gốc Việt Trịnh Xuân Thuận và Didier Queloz ở Geneva giải thích lý do vì sao sự trao đổi giữa hai lĩnh vực có thể cực kỳ hiệu quả.

cath.ch, Raphael Zbinden, 2021-04-20

Nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận và Didier Queloz, giải Nobel Vật lý tại Uni Bastion | © Bernard Hallet

Trong buổi phỏng vấn với báo Công giáo Thụy Sĩ cath.ch., giáo sư Didier Queloz vui mừng khi biết tin Cơ quan Không gian Mỹ đã thành công đưa “trực thăng lên sao Hỏa!” Một bước tiến mới hướng đến việc có thể khám phá dấu vết sự sống trên sao hỏa đã làm ông rất phấn khích. Nhà nghiên cứu Queloz đã rất nổi tiếng trong lĩnh vực vật lý, cùng với đồng nghiệp Michel Mayor người Thụy Sĩ, năm 2019, ông nhận giải Nobel vì đã khám phá hành tinh ngoài hành tinh đầu tiên. Chuyến bay này cũng làm cho giáo sư Trịnh Xuân Thuận vui, ông là vị khách danh dự khác của UNIGE tại lễ khánh thành “Trong không gian rộng mở”. Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, nhà vật lý thiên văn, theo đạo phật, tác giả của nhiều sách, khi còn nhỏ ông từng mơ khám phá những gì ẩn giấu đàng sau các vì sao và hình dáng bên ngoài. Bài phỏng vấn hai giáo sư vật lý thiên văn.

Các ông có tin vào cuộc đối thoại giữa vật lý thiên văn và tâm linh không?

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận: Đối với tôi thì đó là chuyện hiển nhiên, tôi đã làm được mối liên hệ này ngay từ quyển sách đầu tiên của tôi. Tôi được mời để viết một quyển sách về Big Bang, Vụ nổ lớn, và dĩ nhiên khi viết sách, tôi không tránh được những câu hỏi siêu hình nảy sinh. Vũ trụ sẽ đi về đâu? Chúng ta đến từ đâu? Chắc chắn đây là những câu hỏi mà các nhà thần học bận tâm đến nhiều hơn. Nhưng có lẽ khoa học ngày nay có đủ phương tiện để trả lời những câu hỏi này.

“Trong Phật giáo, có một sự nhất quán về mặt trí tuệ với một số nguyên tắc nào đó được khám phá trong vật lý ” Trịnh Xuân Thuận

Giáo sư Didier Queloz: Cuộc đối thoại này khả thể có được không? Liệu nó có mang một cái gì đến không? Kinh nghiệm “Trong không gian mở” sẽ giúp chúng ta biết, và đó là đã là điều xứng công. Nếu chúng ta không nhảy xuống hồ, chúng ta không bơi được.

Dù sao, chúng ta không nên ngăn thành từng ô các lãnh vực của cuộc sống, tôi tin chắc, bất kỳ cuộc đối thoại nào, dù nó là gì, đều mang lại một cái gì đó. Hiện nay ít nhiều hoạt động của trường đại học mang tính cách cục bộ. Sáng kiến này đi đúng hướng, trong tương lai của trường đại học. Với các mô hình đi kèm theo.

Đâu là các cạm bẫy cần phải đề phòng?

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận: Phải thành thật và không nên nghĩ rằng sự tồn tại của Chúa có thể được chứng minh bằng các phương trình toán học. Chúng ta không thể thấy Chúa ở cuối ống kính viễn vọng của mình. Nhà khoa học phải nói rõ: ở đây khoa học kết thúc, và ở đây bắt đầu siêu hình học hoặc ý kiến cá nhân. Nhưng dù sao đặt câu hỏi là rất quan trọng.

Nói chung, nên tránh quy các hỗn hợp. Khoa học có những phương pháp riêng và nó hoạt động rất hiệu quả mà không cần đến tâm linh. Tôi có thể nói, đó là một cửa sổ khác dẫn đến thực tế, như tâm linh hay nghệ thuật. Chúng ta phải tránh khoanh thành từng ô, hiểu theo nghĩa đen những gì một số các văn bản thiêng liêng nói.

Điều này không có nghĩa là các mối quan hệ là không thể. Trong Phật giáo, mà tôi biết rõ, có một sự nhất quán về mặt trí tuệ với một số nguyên tắc nào đó được khám phá trong vật lý. Đặc biệt là tính vô thường, vì vũ trụ không ngừng phát triển. Sự phụ thuộc lẫn nhau cũng vậy, vì mọi thứ trong vũ trụ đều được tạo thành từ cùng các yếu tố, chúng ta tất cả đều là những hạt bụi của các vì sao.

“Tôi tuyệt đối không chút nghi ngờ, rằng có sự sống ở nơi khác” Didier Queloz

Các ông có thấy sự tiến hóa trong cuộc đối thoại giữa tâm linh và khoa học này không? Chúng tôi có ấn tượng ngày càng có nhiều cây cầu được tạo ra …

Giáo sư Didier Queloz: Điều đáng chú ý là chúng tôi đang cố gắng áp dụng một cái nhìn nhân văn hơn về thế giới. Ở đại học Cambridge, nơi tôi làm việc, khái niệm này là hiển nhiên, chúng tôi tham dự các cuộc hội thảo đi từ tiếng la-tinh đến nghiên cứu phân tâm học của Shakespeare.

Đâu là xác tín của ông về sự tồn tại của sự sống/sự sống thông minh ngoài Trái đất?

Giáo sư Didier Queloz: Tôi tuyệt đối không chút nghi ngờ, rằng có sự sống ở nơi khác, bởi vì vật lý đã cho chúng ta thấy rằng những gì xảy ra trên trái đất đang xảy ra ở khắp nơi trong vũ trụ. Nhưng trải nghiệm ‘cuộc sống’ tạo ra điều gì, đó là một câu hỏi khác. Thông minh có phải là mục tiêu luôn đạt được không? Chúng ta có cần một sự kiện cụ thể đặc biệt nào đó không? Vẫn chưa có câu trả lời nào, nhưng chúng tôi chắc chắn, chúng ta sẽ có câu trả lời.

Giáo sư Didier Queloz tin rằng sự sống tồn tại ở những nơi khác ngoài trái đất | © Bernard Hallet

Theo giáo sư, một khám phá như vậy sẽ mang lại điều gì về mặt tâm linh? Một số trường phái tư tưởng có được “vũ trang” tốt hơn để tích hợp nó không?

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận: Rõ ràng các liên quan sẽ vô cùng lớn ở cấp độ siêu hình. Tôi thực sự nghĩ rằng điều này sẽ ít vấn đề hơn đối với một linh đạo như đạo Phật, hơn là các linh đạo khác như Thiên chúa giáo. Nếu chỉ ai có thể đến được với Chúa Kitô mới được cứu rỗi, thì những người ngoài trái đất sẽ phải chịu án phạt đời đời, hoặc Đấng Kitô phải được nhân lên cho mỗi nền văn minh ngoài trái đất. Kitô giáo quả thực đặt con người làm trọng tâm, cho con người một vai trò đặc biệt giữa muôn loài. Còn với phật giáo, bất kỳ hình thức sống nào, dù đó là người ngoài Trái đất, đều có thể là một “chỗ dựa vật chất”.

Theo giáo sư, vũ trụ, sự sống, xuất phát từ nguyên lý sáng tạo hay ngẫu nhiên?

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận: Tôi tuân theo nguyên tắc nhân học mạnh mẽ (nguyên tắc nhận thức luận mà theo đó những quan sát về vũ trụ phải thích ứng với sự hiện diện của một người quan sát có ý thức). Theo tôi, vũ trụ hướng tới sự sống và ý thức. Tất cả các nhà khoa học đều đồng ý, mọi thứ đã được điều chỉnh một cách cực kỳ tinh vi để sự sống xuất hiện. Vũ trụ phải có một đặc tính để chúng ta thực sự ở đây.

“Khoa học hiện đại là đứa con của những cấu trúc thần học của quá khứ” Didier Queloz

Giáo sư Didier Queloz: Để trả lời câu hỏi này, trước tiên chúng ta phải định nghĩa thế nào là “ngẫu nhiên.” Đây là một tầm nhìn tâm linh hay hình thức? Chắc chắn có một trật tự hữu hình trong vũ trụ. Chúng ta không thể nói thế giới là “ngẫu nhiên.” Nhưng liệu có một kết hợp hay không? Đó là một câu hỏi khác. Những người sống trước chúng ta 100.000 năm Didier Queloz khi thấy tên lửa đưa người lên mặt trăng, họ sẽ nghĩ có một kế hoạch tâm linh ở đó. Trong khi đó chỉ là sự tích lũy kiến thức đã làm cho điều này có thể thực hiện được. Có rất nhiều khả năng trong vũ trụ … bạn cứ đánh số hoài, cuối cùng bạn sẽ thắng.

Ngoài ra, câu hỏi về ý nghĩa thì mang tính cá nhân hơn nhiều. Nó chạm vào nhận thức tâm linh về bản thể chúng ta, vào ý thức. Nhưng đó là lãnh vực mà tôi tuyên bố là tôi không đủ khả năng, dù tôi rất thích. Tôi hy vọng dự án vật lý thiên văn và tâm linh này cũng sẽ tích hợp được khía cạnh này.

Nghe giáo sư nói, các lĩnh vực khác nhau của văn hóa nhân loại giống như một hộp dụng cụ khổng lồ…

Giáo sư Didier Queloz: Hoàn toàn có thể. Có một bộ ba nền tảng cần phải tính đến: tâm linh, sức mạnh nguyên thô, rồi khoa học, chúng cho phép chúng ta tiếp cận kiến thức về thế giới bên ngoài, để cuối cùng biết được thế giới bên trong: tâm lý học hoặc thần kinh tâm lý học.

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận thấy các hội tụ giữa đạo Phật và những khám phá vật lý © Bernard Hallet

Tôi ngưỡng mộ tâm linh, nhưng tôi không chú ý nhiều đến lòng mộ đạo, điều dù sao cũng rất hấp dẫn đối với lịch sử nhân loại. Nếu chúng ta có thể thấy sự đối kháng, thì chúng ta cũng có thể thấy động cơ tuyệt vời nó đã có. Khi chúng ta xem một số bài rất cổ nói về các vị thần của các tôn giáo trong thần thoại, chúng ta thấy có những thái độ hoàn toàn hợp lý. Khoa học hiện đại là đứa con của những công trình xây dựng thần học của quá khứ. Nhưng phải luôn đặt mọi thứ trong bối cảnh.

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận: Tâm linh là dấu ấn của con người. Con người cần tâm linh để phát triển. Khoa học không giúp gì cho các quyết định luân lý và đạo đức, nhưng tâm linh thì có.

Tôi bắt đầu học với các giáo sư là những nhà khoa học sáng giá, những bộ óc sáng tạo tuyệt vời. Nhưng tôi sớm phát hiện, về mặt luân lý và đạo đức, họ cũng giống như mọi người. Như thế thiên tài khoa học không đủ để bảo đảm tương lai cho nhân loại. Về vấn đề này, tâm linh là một yếu tố cần thiết.

Nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận và nhà thiên văn học Didier Queloz là khách mời của bàn tròn được phân khoa Thần học của Đại học Geneva (UNIGE) phối hợp với các thành viên của Bộ môn Thiên văn thuộc phân khoa Khoa học của UNIGE tổ chức ngày 20 tháng 4 năm 2021.

Chương trình “Không gian rộng mở – Khoa học và Tâm linh” ra đời từ một mong muốn chung là tập hợp các thành viên của Khoa Thần học và Bộ môn Thiên văn của phân khoa Khoa học nhằm thúc đẩy đối thoại liên ngành về huyền ẩn nguồn gốc, địa danh và ý nghĩa của con người trong Vũ trụ.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: “Tôi hoàn toàn tin chắc có một dạng sự sống sống khác ở một nơi khác”