Phỏng vấn linh mục Luis Marín: “Chúng ta phải đưa toàn thể Giáo hội vào hoạt động, tạo sự nhiệt tình”

49

Phỏng vấn linh mục Luis Marín: “Chúng ta phải đưa toàn thể Giáo hội vào hoạt động, tạo sự nhiệt tình”

revistaecclesia.com, Fernando Cordero ss.cc, Dòng Thánh tâm Chúa Giêsu và Đức Mẹ, 2021-04-11

 

Linh mục Fernando Cordero đã có dịp gặp linh mục Luis Marín, Dòng Thánh Âugutinô, thư ký dưới quyền Thượng Hội đồng, đã được phong giám mục. Bài phỏng vấn của báo Ecclesia. Các ước mong có thể rất nhiều, nhưng điều linh mục Marín mong muốn nhất là tính đồng nghị: “Chúng ta phải đặt toàn thể Giáo hội vào hoạt động, tạo sự nhiệt tình.”

Thượng Hội đồng Giám mục có hai thư ký dưới quyền: nữ tu Nathalie Becquart và linh mục Luis Marín. Chúng tôi gặp linh mục Marín ở bên cạnh Quảng trường Thánh Phêrô nơi linh mục đang ở và sẽ tiếp tục sống ở đây. Linh mục thuộc Dòng Thánh Âugutinô và nhiệt thành yêu thương Giáo hội, muốn phục vụ Giáo hội với tất cả khả năng của mình. Gần gũi, sẵn sàng, cởi mở khi đối thoại, suốt buổi nói chuyện, linh mục luôn lặp lại: nhiệt tình, sáng tạo, làm việc nhóm, lắng nghe, hòa đồng. Đức hồng y Carlos Osoro đã phong chức giám mục cho linh mục Marín.

Xin cha nói vài lời về cha và gia đình của cha.

Linh mục Luis Marín: Tôi đến từ Madrid. Cha mẹ tôi không may đã qua đời. Chúng tôi có bảy anh em và nhận một nền giáo dục gương mẫu, cha mẹ là tấm gương của chúng tôi. Tôi học ở trường Thánh Âugutinô ở Madrid. Tại đây tôi được biết các tu sĩ Dòng Thánh Âugutinô, tôi học môn lịch sử ở trường đại học, sau đó tôi vào nhà tập. Tôi khấn năm 1982. Tôi học Triết học và Thần học tại Los Negrales. Tôi được giám mục phụ tá giáo phận Madrid, Francisco José Pérez và Fernández Golfín phong linh mục năm 1988 ở nhà nguyện của trường. Sau đó, tôi làm việc ở các giáo phận và nghiên cứu về tâm linh và giáo điều ở Rôma. Tôi là nhà giáo và là nhà đào tạo.

Cha được bổ nhiệm làm thư ký dưới quyền của Thượng Hội đồng Giám mục cùng với sơ Nathalie Becquart, vì thế cha tránh được giới truyền thông chú ý, như thế có làm cho cha yên được một chút hơn không?

(Cười to). Tôi nói với sơ Nathalie: “Thật may mắn khi tất cả báo chí đều chú ý đến sơ.” Thinh lặng một chút hơn không? Cho đến bây giờ thì trên một số điểm. Cũng có nhiều người đã gọi cho tôi, phỏng vấn, viết thư. Dĩ nhiên là ít hơn so với sơ Nathalie. Chuyện mới là sơ Nathalie. Yên lặng hơn không? Thanh thản đầu óc, để tôi tìm xem. Đây là thời điểm thay đổi lớn, mang trách nhiệm lớn. Khi nhận được tin, khi thế giới riêng của mình như đang nuốt mình, tôi tìm lại thanh thản bằng cách tĩnh lặng trong nhà nguyện một lúc. Nói chuyện với Chúa như một đứa trẻ nói với cha mình, tự nhiên và yên tĩnh. Tôi tìm thấy sự thanh thản. Và niềm phấn khích vẫn còn tiếp tục.

Nữ tu Nathalie Becquart, hồng y Mario Grech và giám mục Luis Marín

Làm việc trong chức vụ thư ký dưới quyền trong một nhóm hỗn hợp, với hồng y Mario Grech và sơ Natalie Becquart tự nó đã là một dấu hiệu. Cha nghĩ những thách thức sẽ đi đến đâu?

“Tất cả là một dấu hiệu.” Đó là một đánh cuộc rất đẹp và sáng tạo của giáo hoàng. Trước hết, chúng tôi là hai thư ký dưới quyền. Trước đây chỉ có một. Chúng tôi làm việc nhóm với hồng y Mario Grech. Mỗi ngày chúng tôi gặp nhau vào buổi sáng. Chúng tôi muốn sáng tạo cách làm việc theo lối “đồng nghị” giữa chính chúng tôi. Hai thư ký dưới quyền là hai tu sĩ thuộc hai Dòng khác nhau: Dòng Tên của sơ Nathalie (Tu hội thừa sai Dòng Phanxicô Xaviê) và tôi thuộc Dòng Thánh Âugutinô, chúng tôi bổ túc và làm phong phú cho nhau. Thách thức lớn là thúc đẩy tính đồng nghị trong Giáo hội. Không chỉ chuẩn bị Thượng Hội đồng, mà chính xác là hướng về tính đồng nghị.

Con đường thượng hội đồng được vạch ra nhưng cũng có một số khí cụ. Làm thế nào chúng ta có thể cộng tác làm việc để những con đường này là những con đường căn bản của Giáo hội?

“Toàn thể Giáo hội là đồng nghị.” Tính đồng nghị có nghĩa là gì? Về mặt từ nguyên, đó là cùng đi với nhau. Toàn thể Giáo hội cùng bước đi với nhau. Điều này Giáo hội có được là nhờ các Giáo phụ, các Công đồng, Giáo hội của Công đồng Vatican II. Và tất cả chúng ta đều cảm thấy và có trách nhiệm với Giáo hội. Từ các giáo xứ đến Thượng Hội đồng Giám mục, thông qua các Hội đồng giám mục, thông qua các nhóm tôn giáo thuộc bất kỳ hình thức nào hay do Giáo triều Rôma. Toàn thể Giáo hội tự nó là đồng nghị. Đây là một quan niệm đẹp đã có trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội (Lumen Gentium). Chúng ta phải đưa toàn thể Giáo hội vào hoạt động, với sự sáng tạo tuyệt vời, tạo suy tưởng, nhiệt huyết. Vượt lên thụ động, khỏi giáo quyền, khỏi các nhóm ý thức hệ hoặc các khuynh hướng nhạy cảm khác nhau. Vì đây là Giáo hội hợp nhất, nơi tất cả chúng ta đều làm phong phú cho Giáo hội.

Đức Phanxicô đã thành lập nhiều thượng hội đồng. Trên hành trình thượng hội đồng đang hình thành này, chúng ta có nên bắt đầu đánh giá khả năng Thượng Hội đồng giám mục sẽ là Thượng Hội đồng của Dân Chúa chứ không chỉ của các giám mục mà thôi không?

Đó là một suy nghĩ mà chúng tôi phải làm. Một trong các chủ đề là tính đồng nghị được thực hiện qua nhiều cách nhau. Một cách diễn đạt, nhưng không phải là cách duy nhất, Thượng Hội đồng giám mục là của “các giám mục”, một thể chế chỉ có các tu sĩ và giáo dân, nhưng đa số là các giám mục cho các vấn đề thuộc trách nhiệm giám mục. Chúng ta có thể phát triển các khái niệm cụ thể khác của tính đồng nghị. Tôi muốn nói đến ý tưởng của thượng hội đồng phối hợp không những chỉ với các giám mục nhưng còn với Giáo hội đồng nghị. Đó là ý tưởng của Đức Phanxicô. Thượng hội đồng không chỉ là các giám mục, mà của toàn thể Giáo hội. Chúng ta sẽ cùng nhau khám phá những khả năng.

 

Làm thế nào Thánh Âugutinô sẽ truyền cảm hứng cho chức giám mục của cha?

Khi nhận được tin bổ nhiệm, tôi lập tức phó thác cho Thánh Âugutinô, người Cha của tôi. Cha là người khi nào cũng yêu thương và sẵn sàng phục vụ Giáo hội với tấm lòng nhiệt huyết. Linh đạo của Thánh Âugutinô mang tính giáo hội và đồng nghị. Linh đạo này ở trọng tâm đời sống cộng đồng và được thể hiện trong các cấu trúc đối thoại cũng như trong các tu nghị. Linh đạo Thánh Âugutinô sẽ rất hữu ích để thúc đẩy tính đồng nghị. Thánh Âugutinô cho chúng ta một chứng từ rất quý về sự tham gia vào đời sống Giáo Hội và một nền tảng thần học vững chắc. Và các tu sĩ Dòng Thánh Âugutinô chúng tôi, từ khi lập Dòng năm 1244, chúng tôi đã sống tính giáo hội như một đặc điểm thiết yếu của chúng tôi.

Cha sẽ là giám mục Marín của Thánh Máctinô, giám mục hiệu tòa của Suliana. Sơ Nathalie Becquart vẫn sẽ là sơ Nathalie Becquart. Như thế có tạo ra khác biệt đáng kể không? Có tốt hơn nếu cả hai vẫn giữ chức vị như cũ?

(Lại cười). Chắc chắn tôi vẫn là tôi… Các chức tước hơi khó khăn cho tôi một chút. Về cơ bản, tôi vẫn là tu sĩ Dòng Thánh Âugutinô và sẽ tiếp tục như vậy. Giám mục là một sứ vụ, có nghĩa là phục vụ. Tôi là tôi tớ và nếu tôi có đủ chức tư tế, tôi sẽ phục vụ đầy đủ. Nói cách khác, tôi phải phục vụ Giáo hội, Dân Chúa, luôn luôn và trọn vẹn. Khi nói, “ngài đã được nâng lên hàng giám mục” thì theo tôi, đó là một sai lầm. Tôi không được nâng lên gì hết. Tôi phục vụ trong ơn gọi mà tôi đã được gọi. Một chuyện khác, “chủ nghĩa ngang nhau” cũng là sai. Chúng ta bắt đầu bằng sự bình đẳng chủ yếu là tất cả đều được rửa tội, nhưng có nhiều đặc sủng khác nhau, có nhiều cách sống theo Đấng Kitô và tất cả không bắt buộc phải trải qua sứ vụ được truyền chức. Chúng tôi không phải là bản sao. Tôi đóng góp trong tư cách là giám mục, là tu sĩ Dòng Thánh Âugutinô và tôi hy vọng sẽ làm phong phú thêm cho Giáo hội. Sơ Nathalie đóng góp trong tư cách là chuyên gia và là nữ tu của Tu hội Thừa sai Thánh Phanxicô Xaviê. Cùng nhau, chúng tôi làm phong phú cho Giáo hội. Không tốt hơn cũng không tệ hơn. Khác nhau nhưng đồng thời là anh em với nhau.

Giáo dân nói chung, và người Tây Ban Nha nói riêng, đã sẵn sàng đảm nhận cam kết cho tinh thần đồng nghị chưa? Có phải giáo dân trên khắp Âu châu đang ngủ đó không?

“Chúng tôi phải đánh thức chúng tôi dậy!” Đó là thách thức. Ở các lãnh vực khác, giáo dân cam kết phục vụ Giáo hội nhiều hơn và đảm nhận trách nhiệm của họ. Có lẽ ở Âu châu có một hệ thống giáo sĩ, nơi mà linh mục làm tất cả mọi thứ. Giáo dân chỉ đơn thuần tham dự. Tôi có góp ý với một số giám mục, bây giờ ít có linh mục, chúng ta khó tìm được giáo dân lo việc phụng vụ Lời Chúa trong các làng. Ở một số nơi, rất khó để tập họp mọi người để cử hành phụng vụ Lời Chúa. Họ thích ở lại mà không có thánh lễ. Tôi rất vui khi thấy giáo dân dần dần có trách nhiệm. Nhưng cần phải đi tới hơn nữa về mặt chuẩn bị, đào tạo giáo dân, đồng hành và nhận trách nhiệm. Đó là con đường chúng ta phải đi.

 

Cha là tác giả quyển sách Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII. Người thầy tâm linh (San Juan XXIII. Maestro espiritual). Cha thiết lập một mối liên hệ nào giữa Đức Phanxicô và Giáo hoàng Nhân hậu?

Với tôi, Đức Gioan XXIII là điểm quy chiếu. Tôi làm luận án về giáo hội học của ngài. Ngài đã đồng hành với tôi trong những năm này. Ngày thứ bảy, trước khi tin được loan báo, tôi đến Đền thờ Thánh Phêrô để quỳ trước mộ của ngài. Để ở bên ngài một thời gian, để xin ngài giúp đỡ, rọi ánh sáng và để theo gương ngài. Đức Gioan XXIII, cũng như Đức Phanxicô, đã bắt đầu một quá trình đổi mới trong Giáo hội. Tôi xin nêu ba điểm nổi bật của Đức Gioan XXIII. Thứ nhất, vâng phục, sẵn sàng lắng nghe Thần Khí. Chúng ta không phải là những người canh tân hay cải tổ Giáo hội. Đó là Thần Khí. Chúng ta phải là những người cầu nguyện, với lòng khiêm tốn vô cùng. Thứ hai, lòng dũng cảm to lớn để đưa ra quyết định. Không sợ đi lui, nghĩ mình “tôi già rồi, tôi không biết”.  Và thứ ba, một tình yêu cao cả, dẫn đến mở lòng, mở tâm trí. Ở đây, chúng ta có mối liên hệ với Đức Phanxicô trong quá trình đổi mới Giáo hội. Cả hai cho thấy Giáo hội luôn sống động và trẻ trung. Như Đức Gioan XXIII đã nói: “Giáo hội không phải là viện bảo tàng khảo cổ học nhưng là một khu vườn hoa tràn đầy sự sống.” Đức Phanxicô thường hay nhấn mạnh đến niềm vui, đến can dự, đến “tạo rắc rối.” Chúng ta ở trong Giáo hội năng động của Thần Khí, Đấng thông truyền Chúa Kitô giữa lòng thế giới.

Còn bao nhiêu lâu nữa để giáo hội học của Công đồng Vatican II, do Đức Gioan XXIII khởi xướng, có mặt và tồn tại trong đời sống hàng ngày?

Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII khởi đầu tiến trình của Công đồng, sau đó được Thánh giáo hoàng vĩ đại Phaolô VI phát triển. Các giáo hoàng sau này đều đã là Nghị phụ: Đức Phaolô VI, Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI (chuyên gia). Đức Phanxicô là giáo hoàng đầu tiên không trực tiếp tham dự Công đồng Vatican II, dù ngài tham gia vào quá trình thay đổi. Giáo hội học của Công đồng Vatican II phải tiếp tục phát triển. Đó là một con đường. Hiến chế Tín lý về Giáo hội (Lumen Gentium) không nói về tính đồng nghị, mà nói về tính tập thể. Toàn bộ vấn đề về tính tập thể là một sự khởi đầu, một biểu hiện của tính đồng nghị, không phải chỉ một. Chúng ta phải phát triển hơn nữa nền tảng của Giáo hội, của Dân Chúa, gia đình Chúa. Với tất cả những gì nó ngụ ý và chấp nhận rủi ro.

“Tôi ra đi trong căng thẳng và chậm lại chuyến bay vì đến một mình hay sớm không quan trọng, nhưng mọi người cùng đến đúng giờ”. Liệu bài thơ này của León Felipe có thể áp dụng cho mong muốn tiến trình bước đi của Đức Phanxicô là cùng đi với nhau, dù có thể chúng ta đến muộn một chút không?

“Chúng ta phải cùng đi đến.” Chắc chắn có nhiều con đường khác nhau và nhiều tốc độ khác nhau. Tâm điểm cuộc đời chúng ta là Chúa Kitô. Có bao nhiêu cách để theo Chúa? Có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu cách. Chúa Kitô là trục, chúng ta như thế nào, chúng ta theo Ngài theo cách riêng của chúng ta, nhưng không đơn độc. Vẻ đẹp của tiến trình đồng nghị là chúng ta giúp đỡ lẫn nhau. Chúng ta có trách nhiệm với nhau. Để đồng hành, tôi thấy phải có những lựa chọn trong cuộc sống không quá nhanh, không quá năng động. Nhưng tôi đang tiến về phía trước với những người khác. Tất cả chúng ta đều ở trên cùng một con thuyền, chúng ta cùng trong một Giáo hội. Tính đồng nghị này, tình huynh đệ này Đức Phanxicô đã nói trong Thông điệp Tất cả anh em Fratelli tutti để chúng ta mở rộng tâm hồn. Đức Gioan XXIII đã nói: “Cả thế giới là gia đình của tôi”. Điều quan trọng là Đấng Kitô thực sự là trọng tâm cuộc đời chúng ta. Mong chúng ta cùng làm chứng điều này với tư cách là một cộng đồng. Chúng ta không thể là những tín hữu cá nhân hoặc đơn độc. Chúng ta cùng làm con đường chung với nhau.

Cha có nghĩ trong Giáo hội ngày nay điều gì là thiết yếu và điều gì là tương đối cần phải phân định?

Đó là ví dụ của Công đồng Vatican II, của Đức Phaolô VI, của Đức Gioan XXIII, của các Nghị phụ Công đồng. Để thực hiện một quá trình đổi mới, chúng ta hãy tự hỏi đâu là những điều cần thiết. Các yếu tố cần thiết có thể đã bị mờ và mất đường nét. Chúng ta đã dàn xếp chúng. Chúng ta phải tự hỏi mình, chúng ta sống bản chất đức tin của mình như thế nào. Sau đó mới là những chuyện phụ, những gì giúp đỡ chúng ta. Và điều này có thể thay đổi. Có những thứ có thể dùng để phục vụ một lúc và không hữu ích trong những việc khác. Những chuyện phụ phải phục vụ để sống những gì là cần thiết. Đó là quá trình cải cách. Sự canh tân, như Công đồng Vatican II cho thấy, dẫn chúng ta đi sâu vào kho tàng đức tin bất biến, vốn không phải là những khái niệm. Đó là sự hiện diện sống động của Chúa Kitô. Đức Bênêđictô XVI đã nói, để trở thành tín hữu kitô không phải là đi theo một ý tưởng, mà là gặp gỡ một người. Sự thật là một con người. Làm thế nào tôi có thể gặp Đấng Kitô? Làm sao tôi có thể làm chứng cho cuộc gặp này? Chúng ta cùng phân định chung, tôn trọng sự khác biệt về nơi, về văn hóa, về con người. Đây là quá trình đổi mới: nghiên cứu kỹ các yếu tố cần thiết và dùng các phụ kiện.

Là tu sĩ, cha có nghĩ đời sống tu trì hiện nay trong môi trường thoải mái và Đức Phanxicô mời cha thử các phương cách sống mới trong Giáo hội không?

Đã nhiều lần, Đức Phanxicô mời các tu sĩ chúng tôi khôi phục lại tinh thần tiên phong của Giáo hội. Chúng tôi, các tu sĩ, chúng tôi không thể nào đi sau, sợ hãi, tìm kiếm an toàn. Chúng tôi tìm kiếm sự đảm bảo quá mức. Đó là một trong những vấn đề chúng tôi gặp phải. Và nó rất con người. Chúng tôi tìm cách để được an toàn. Chúng tôi sợ thay đổi, sợ mới lạ, sợ bị xúc động. Bây giờ những điều này đã làm cho tôi rất xúc động. Đó là một giao động lớn. Tôi xin Chúa chúc lành. Tôi đặt mình vào bàn tay Chúa. Trong đời sống tu sĩ, chúng tôi phải đặt mình trong bàn tay Chúa, biết rằng Thần Khí lay động chúng ta, chúng ta phải từ bỏ an toàn, kể cả những gốc gác được cho như đã quen thuộc. Đức Phanxicô xin chúng ta chấp nhận rủi ro, đừng sợ rủi ro dù phải phạm sai lầm, để được sống; đó là rủi ro của cuộc sống. Điều này phải được phục hồi.

Chúng ta nói nhiều về khủng hoảng ơn gọi… Có những ơn gọi, tất nhiên là có. Tại sao không có? Chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta có truyền nhiệt huyết của Chúa Kitô không? Thách thức của đời sống tôn giáo là chứng tá nhất quán. Đó là điều Đức Phanxicô đã xin chúng ta.

“Ước mơ của cha là gì?”

Tôi mơ được gặp và được phát triển trọn vẹn tình yêu của Chúa trong cuộc sống của tôi. Tôi muốn đời tôi là câu chuyện của tình yêu. Và giao tiếp như thế này. Tôi mơ một Giáo hội dũng cảm hơn, vui vẻ hơn, có tình huynh đệ, làm chứng cho Chúa Kitô giữa lòng thế giới, một Giáo hội gặp rủi ro, thiếu an toàn vì sự an toàn duy nhất của Giáo hội là chính Chúa Giêsu Kitô. Tôi mơ một thế giới chú tâm hơn, ít ích kỷ hơn. Một thế giới hòa bình hơn, biến hòa bình thành hiện thực, thành hoa trái của tình yêu thương. Một thế giới mà các bất công được vượt lên, nơi Giáo hội thực sự là tiếng nói của những người không có tiếng nói.

Cha còn nói gì thêm?

Tôi xin cha cầu nguyện cho tôi, bởi vì tôi rất cần lời cầu nguyện. Nếu cha muốn giúp tôi, xin cha nhớ đến tôi trong lời cầu nguyện của cha trước mặt Chúa.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Nathalie Becquart: “Đàn ông và phụ nữ phải bắt gặp cái nhìn của nhau”

Những thách thức trong việc bổ nhiệm sơ Nathalie Becquart vào Thượng hội đồng giám mục