Nathalie Becquart: “Đàn ông và phụ nữ phải bắt gặp cái nhìn của nhau”

106

Nathalie Becquart: “Đàn ông và phụ nữ phải bắt gặp cái nhìn của nhau”

Chưa hết ngạc nhiên vì được bổ nhiệm vào một vị trí quan trọng tại Vatican, nữ tu Dòng Thừa sai Xaviê, Nathalie Becquart, đã đem kỹ năng của mình vào công cuộc cải tổ Giáo hội mà Đức Phanxicô mong muốn.

lepelerin.com, Christophe Chaland, 2021-04-09

Đến Vatican vào đầu tháng 2, nữ tu Nathalie Becquart đã thấy chương trình làm việc của mình đầy ắp, sơ tiếp tục thực hiện cam kết của Đức Phanxicô là mở cửa để Giáo hội đối thoại và trao đổi nhiều hơn. (Hình LORENZO MOSCIA / REA FOR THE PILGRIM)

Đức Phanxicô đã bổ nhiệm sơ là nhân vật số 2 của Thượng Hội đồng Giám mục, là phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này. Ngài mong đợi gì ở sơ?

Nathalie Becquart: Tôi vừa đến Vatican (8 tháng 2) và tôi vẫn chưa gặp ngài! Rõ ràng đây là cấu trúc quan trọng hỗ trợ cho việc cải cách Giáo hội của ngài. Lúc này nhiệm vụ của tôi là chuẩn bị cho Thượng hội đồng tiếp theo về… tính đồng nghị – một thuật ngữ có vẻ khó hiểu, nói đến sự tham gia của tất cả những người đã được rửa tội vào đời sống Giáo hội.

Một cách cụ thể, công việc của sơ là gì?

Hiện tại, tôi lắng nghe, tôi tìm hiểu về nhóm – chúng tôi có khoảng 15 người – và cách thức hoạt động của Vatican. Và tôi sắp xếp công việc để không bị choáng ngợp với các yêu cầu phỏng vấn, những bài báo phải viết, những bài thuyết trình.

Một cuộc sống xáo trộn!

Thực sự việc tôi đến đây là một chuyện hoàn toàn bất ngờ. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra điều này, mặc dù quá trình của tôi, một cách nào đó cũng đã chuẩn bị cho tôi ở chức vụ này. Ngay bây giờ, tôi phải cải thiện khả năng dùng tiếng Ý, ngôn ngữ cần thiết, ngoài tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha, là những ngôn ngữ làm việc của chúng tôi.

Thượng Hội đồng giám mục là gì?

Đây là cuộc gặp của các giám mục, đại diện cho các Giáo hội trên khắp thế giới, để thảo luận về một chủ đề cụ thể, cứ ba hoặc bốn năm một lần tại Rôma.

Vào cuối Công đồng Vatican II, Đức Phaolô VI đã mở thượng hội đồng để kéo dài kinh nghiệm phong phú của các cuộc tranh luận trong công đồng. Với Đức Phanxicô, thượng hội đồng đã trở thành quá trình lắng nghe tất cả những người đã được rửa tội. Vì vậy, số lượng người nghe (ngoài các giám mục được ủy nhiệm) đã dần dần tăng lên; Thượng hội đồng về gia đình, vào năm 2014 và 2015, đã được chuẩn bị bằng cách gửi một bảng câu hỏi để tất cả các tín hữu có thể trả lời; thượng hội đồng giới trẻ năm 2018 đã có một buổi gặp tiền thượng hội đồng cho các bạn trẻ từ khắp nơi trên thế giới về Rôma. Ngài đề cao thái độ của vị chủ chăn giám mục ở giữa giáo dân của mình và lắng nghe họ.

Tuy nhiên, tại cuộc họp thượng hội đồng cuối cùng về vùng Amazon, phụ nữ không có quyền bỏ phiếu, không được như các nam đại diện tuy không phải là giáo sĩ nhưng họ được bỏ phiếu…

Chúng ta phải hiểu nguồn gốc. Các Thượng hội đồng giám mục đầu tiên chỉ có các giám mục. Sau đó, các tu sĩ của Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền (USG) được mời gởi đại diện của họ đến dự theo chức vụ của họ. Và kể từ Thượng hội đồng về Gia đình, một số người tham dự không phải là linh mục đã được bỏ phiếu, cũng như các đại diện tu sĩ khác. Nhưng các nữ tu, trình bày về chuyên môn của họ, cũng như những thính giả khác, không có quyền bỏ phiếu. Câu hỏi đặt ra ngày nay về sự đại diện của các nữ tu. Không lẽ các nữ bề trên tổng quyền có cùng số đại diện, với quyền bỏ phiếu, lại không được bỏ phiếu như các tu sĩ dòng nam sao?

Như thế sơ là phụ nữ đầu tiên có quyền bỏ phiếu trong thượng hội đồng này…

Đức Phanxicô đang gỡ dần dần trách nhiệm của chức linh mục, vốn là quy tắc ở giáo triều cho đến những ngày gần đây. Từ năm 2018, ngài đã bổ nhiệm một nhà báo giáo dân làm bộ trưởng Bộ Truyền thông. Và ngài đã bổ nhiệm nhiều phụ nữ vào các vị trí trách nhiệm: thẩm phán, giám đốc Viện bảo tàng Vatican… Trong lĩnh vực này, chúng tôi cũng làm như vậy. Tại Pháp, ngày càng có nhiều phụ nữ đứng đầu các cơ quan giáo phận. Gần một nửa các cố vấn trong hội đồng giám mục có nam và nữ giáo dân tham dự.

Liệu sự phát triển này có tăng nhanh không?

Chúng ta thừa hưởng một lịch sử lâu đời, và cần có thời gian để thay đổi tư duy. Trong nhiều thế kỷ, đối diện với quyền lực chính trị, Giáo hội cũng như một xã hội hoàn hảo và có phẩm trật. Công đồng Vatican II đã đặt trọng tâm, Giáo hội là Dân Chúa, được hiểu  như một Giáo hội đồng nghị và không còn tính cách giáo sĩ, trong đó có vị trí của hỗ tương, lắng nghe, đối thoại, kể cả với xã hội. Đó là một sự phân định phải cùng nhau thực hiện. Điều này có được nhờ kinh nghiệm. Làm thế nào chúng ta có thể áp dụng phân định chung? Một việc không đơn giản!

Không đơn giản, chẳng hạn như ở Mỹ, nơi sơ học năm ngoái. Giáo hội này đang gặp phải sự phản đối mạnh mẽ trong nội bộ…

Sự phân cực chính trị ở đất nước này cũng có tác động trên Giáo hội. Nhưng đa nguyên cũng là một phần trong truyền thống của chúng ta: chúng ta không có một, nhưng có bốn sách phúc âm. Nhưng việc tổ chức thành các cộng đồng có nguồn gốc đã làm cho tôi có ấn tượng nhất. Họ có giáo xứ người Tây Ban Nha, người Ba Lan… Điều này phản ánh một lịch sử hình thành qua các đợt di dân liên tiếp. Hiện tại có một tiến trình thượng hội đồng thú vị đang được phát triển: “Họp mặt Quốc gia” (Encuentro nacional) làm thuận lợi cho với đối thoại khi người gốc Tây Ban Nha trở thành đa số trong Giáo hội công giáo. Trong tương tác với các nền văn hóa cụ thể, Giáo hội phát triển các mô hình hiệp thông khác nhau.

Tuy nhiên, ở phương Tây, Giáo hội đang gặp phải sự bất mãn liên tục…

Tôi nhận thấy sự xuống dốc này ảnh hưởng đến các thể chế nói chung: các đảng phái chính trị, các công đoàn cũng bị. Ngày nay, chúng ta là tín hữu kitô theo cách cá nhân chúng ta thuộc về nhóm nào. Những người trẻ yêu cầu một Giáo hội tương tác. Chúng ta phải uyển chuyển các mô hình tinh thần của chúng ta. Nhưng Giáo hội là quan trọng. Thông điệp Chúc Tụng Chúa Laudato si ”được các nhà lãnh đạo trên thế giới đọc và trân trọng; người ta đến gặp giáo hoàng ở Vatican. Ở Iraq, tác động chuyến đi của ngài là đáng kể, đặc biệt ở thế giới hồi giáo. Ở một tầm mức khác, việc tôi được bổ nhiệm có một tiếng vang quốc tế đáng kinh ngạc, vượt lên các phương tiện truyền thông kitô giáo.

Ở Pháp, chúng tôi chưa bao giờ có nhiều học sinh học giáo huấn công giáo như bây giờ và trong nhiều nước, Giáo hội đóng một vai trò quan trọng trong giáo dục, cũng như trong lĩnh vực từ thiện.

Sơ đã hoàn thành nhiều sứ mạng với những người trẻ tuổi. Đại dịch có đặc biệt ảnh hưởng đến họ không?

Đại dịch gây ra nhiều trường hợp tử vong nhất ở người lớn tuổi, nhưng những người trẻ phải chịu gánh nặng của nghèo đói và thất nghiệp do đại dịch gây ra. Đặc biệt là phụ nữ trẻ. Học sinh không thấy tương lai, không gặp nhau, không ước mơ. Tôi cầu nguyện rất nhiều cho họ.

Vào sáng Phục sinh, một số phụ nữ đến mộ của Chúa Giêsu. Các ông thì ở nơi khác. Phụ nữ có lời nói cụ thể nào để được nghe trong Giáo hội không?

Chắc chắn, cũng giống như những người khác.

Nhưng, là phụ nữ?

Tôi thấy rất khó khi nói “phụ nữ thế này, đàn ông thế kia”. Họ là một nửa của nhân loại, họ thể hiện và đóng góp những gì họ có, kinh nghiệm của họ. Chúng ta được tạo ra từ đàn ông và phụ nữ, và đó là một điều rất đẹp, nhưng tôi dè chừng với các từ vựng mang tính bổ sung. Đàn ông và phụ nữ phải bắt gặp cái nhìn của nhau, có quan hệ bình đẳng và hỗ tương với nhau. Với sự phục sinh, có lẽ tình mẫu tử làm cho họ có một cái nhìn khác chăng? Có thể họ ở trong tư thế nhận biết mình là người dễ bị tổn thương, qua đó, nhận thức được mầu nhiệm phục sinh, đoạn đường đi qua cái chết mà từ đó sự sống nảy sinh chăng?

Ngoài lời cầu nguyện, làm thế nào sơ tìm nguồn năng lực cho mình?

Tôi tận hưởng thiên nhiên ở Rôma. Tôi đi bộ trong rừng. Ở trường Cao đẳng Boston (Hoa Kỳ), nơi tôi sống trong thời gian cách ly năm ngoái, tôi cảm thấy mối liên kết thiết yếu của chúng ta với thiên nhiên. Âm nhạc cũng làm cho tôi thấy thoải mái, tôi biết thổi sáo.

Thơ cũng là một phần trong thế giới của sơ…

Tôi yêu thích một số nhà thơ đặc biệt. Nhà thơ Philippe Jaccottet, vừa qua đời tháng 3 vừa qua, hay François Cheng, một trong những nhà văn yêu thích của tôi. Thơ và kinh nghiệm về biển đã cho tôi một ngôn ngữ để diễn tả trải nghiệm tâm linh, sự phiêu lưu của cuộc đời. Đặc biệt trong những lúc đi qua bão tố.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Phần nổi của tảng băng được gọi là Nathalie Becquart

Thượng Hội đồng Giám mục không phải là một văn phòng của Vatican

Những thách thức trong việc bổ nhiệm sơ Nathalie Becquart vào Thượng hội đồng giám mục

Sơ Becquart: “Dấu hiệu của Giáo hội tin tưởng ở phụ nữ”