Những thách thức trong việc bổ nhiệm sơ Nathalie Becquart vào Thượng hội đồng giám mục
cath.ch, imed, 2021-02-16
Sơ Nathalie Bécquart, thư ký dưới quyền của Thượng Hội đồng Giám mục tại Vatican | © Pierre Pistoletti
Ngày 6 tháng 2-2021, sơ Nathalie Becquart là phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm làm thư ký dưới quyền của Thượng Hội đồng Giám mục, một nữ tu “ở thục địa” và rất “quyết tâm”. Theo nhiều nhà quan sát, việc bổ nhiệm có tính cách lịch sử này nhắc đến các bổ nhiệm khác của Đức Phanxicô từ đầu triều giáo hoàng của ngài.
Nếu có một người biết rõ sơ Nathalie Becquart, thì đó là Cha Thierry Anne. Năm 2000, linh mục Dòng Tên Thierry Anne lên tàu cùng đi mười ngày với sơ Becquart, thuộc Tu hội Thừa sai Dòng Thánh Xaviê. Sau đó linh mục và nữ tu-chèo thuyền này cùng làm việc với nhau để chuẩn bị đón tiếp các bạn trẻ nhân Ngày Thế Giới Trẻ ở Rôma. Kỷ niệm khó quên, dấu ấn của tình bạn sẽ dẫn đến việc cả hai cùng tổ chức nhiều sinh hoạt chèo thuyền và đặc biệt là thành lập một đội tham gia cuộc đua thuyền buồm của trường đại học Cao đẳng Thương mại, Edhec.
Khi nữ tu được bổ nhiệm làm tuyên úy của giáo phận Créteil và linh mục kế vị sơ Becquart làm tuyên úy trường Khoa học Chính trị Paris, họ quyết định cùng hợp tác hai ban tuyên úy hoàn toàn ngược nhau này. Linh mục cho biết, đây là một kinh nghiệm “sinh động” dẫn đến việc tổ chức các cuộc họp liên tôn giáo.
Cha Thierry Anne kể lại: “Dù đó là chèo thuyền hay trong công việc tuyên úy của mình, sơ Nathalie Becquart đều có tài năng tận dụng ‘những gì đã có’ và ‘phát triển mạnh lên nhờ tài làm việc đồng điệu và cùng với nhóm’. Những kinh nghiệm phong phú tích lũy khi sơ làm việc với các người trẻ hay với các giám mục Pháp chắc chắn làm cho sơ thành người phụ nữ ‘thục địa’ khác xa với guồng máy Vatican.”
Một ý kiến được linh mục Vincent Breynaert đồng ý, cha Breynaert thuộc Cộng đoàn Con đường Mới, đặc trách mục vụ giới trẻ và ơn gọi, người kế nhiệm sơ mùa hè năm 2018: “Sơ là người rành trong lĩnh vực này và sơ đam mê những gì sơ làm”.
Như một vận động viên thể dục thể thao cấp cao
Linh mục Breynaert nhận xét, sơ Becquart là “người hết lòng với công việc, quyết tâm thực hiện những gì sơ hiến thân”. Như “một vận động viên thể dục thể thao cấp cao, sơ biết cách dùng năng lực của mình trong một thời gian dài.” Sự tận tâm làm việc của sơ đặc biệt thể hiện qua các dự án sơ dốc sức làm, như tổ chức buổi họp mặt Ecclesia Campus cho các sinh viên ở trường đại học.
Khi các cuộc gặp gỡ giữa sinh viên trường kinh doanh và sinh viên trường thương mại chưa được thành công như mong đợi, sơ không bỏ cuộc, sơ luôn tin vào việc xích lại gần nhau giữa các sinh viên các trường. Sơ kiên trì đeo đuổi và bây giờ đã trở thành tiêu chuẩn trong giới sinh viên công giáo. Linh mục Thierry Anne ghi nhận: “Sơ Nathalie đã thực sự làm việc rất nhiều trong công việc này và sơ đã thành công”.
Hai linh mục đều nêu bật tính cương quyết của nữ thủy thủ “mang dòng máu Breton”, một đức tính làm cho sơ có một chỗ đứng trong Giáo hội, nơi mà trách nhiệm phần lớn do các nam tu sĩ nắm giữ. Cha Thierry Anne nhắc lại, sơ là phụ nữ đầu tiên đứng đầu sứ vụ truyền giáo cho giới trẻ và ơn gọi quốc gia của Hội đồng Giám mục Pháp.
Sơ cũng được bổ nhiệm làm điều phối viên của tiền-thượng hội đồng giới trẻ và dự thính viên của thượng hội đồng này năm 2018. Linh mục Breynaert tóm tắt: “Sơ là người có tính cách, người biết mình muốn gì”. Linh mục Thierry Anne nhấn mạnh đến khía cạnh tích cực của “thẩm quyền hợp lý” được nuôi dưỡng bởi “tài năng” tuyệt vời của sơ. Tốt nghiệp trường Cao đẳng Thương mại, nói hai ngôn ngữ Anh, Pháp, kinh nghiệm trong quan hệ với các giám mục, sơ có đủ lợi thế để cầm tay lái ở Thượng Hội đồng.
Một bổ nhiệm lịch sử nhưng được mong chờ
Bà Bénédicte Lutaud, tác giả quyển sách Các phụ nữ của các giáo hoàng (Femmes de papes, nxb. Le Cerf, 2021) tóm tắt: “Việc bổ nhiệm này vẫn mang tính lịch sử, vì cho đến nay, chưa có phụ nữ nào ở vị trí này (…) nhất là đây là lần đầu tiên một phụ nữ có thể bỏ phiếu ở thượng hội đồng. Theo một cách nào đó, chúng ta có thể mong chờ điều này, vì nó phù hợp với đường lối của Đức Phanxicô.”
Tác giả Lutaud nhận xét, từ đầu triều giáo hoàng, Đức Phanxicô đã dành nhiều chỗ đứng cho phụ nữ, nhưng phải đến năm 2016 mới thực sự là “bước ngoặt” khi ngài bổ nhiệm phụ nữ vào các chức vụ quan trọng, bà Paloma Garcia Ovejero làm Phó Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, bà Barbara Jatta làm Giám đốc các Viện bảo tàng Vatican, bà Gabriella Gambino và bà Linda Ghisoni làm thư ký dưới quyền của Bộ Giáo dân, Gia đình và Đời sống năm 2017.
Một cách thường xuyên, phụ nữ tham gia vào các cơ quan của Vatican giống như sáu phụ nữ tham gia Hội đồng Kinh tế mùa hè năm 2020. Kể từ đó, phụ nữ thường xuyên được tham dự vào các cơ quan quan trọng của Vatican.
Về quyền bỏ phiếu mà sơ Becquart là người đầu tiên được bỏ phiếu, tác giả Bénédicte Lutaud nhớ lại cuộc tranh luận của sư huynh Hervé Jeanson, bề trên dòng Anh em Hèn mọn của Chúa Giêsu trong Thượng hội đồng về giới trẻ, sư huynh đã bày tỏ sự “khó chịu” của mình, trong khi sư huynh có tước hiệu Nghị phụ (do đó có quyền bầu cử) nhưng sư huynh không chịu chức, sư huynh đặt vấn đề vì sao nữ tu không có tiếng nói. Bà Romilda Ferrauto, cựu tổng biên tập ấn bản tiếng Pháp của Radio Vatican phân tích: “Tôi không ngạc nhiên (…) khi có những tiến bộ (về điểm này) vì người ta cảm thấy khá rõ ràng do có tranh luận”.
Phụ nữ trong quá trình ra quyết định
Bà Romilda Ferrauto nhắc lại: “Phụ nữ luôn hiện diện trong lịch sử của Giáo hội, nhưng qua các quá trình bổ nhiệm liên tiếp này và đáng kể qua việc bổ nhiệm sơ Nathalie Becquart, chúng tôi thấy Đức Phanxicô thực sự mong muốn có phụ nữ tham gia vào tiến trình lấy quyết định”.
Linh mục Thierry Anne cũng nhận thức về tình trạng này: “Phụ nữ có các vị trí trách nhiệm trong Giáo hội và đặc biệt ở Pháp. Nhưng phải công nhận, sự hữu hình của họ trong hệ thống phẩm trật ở Vatican cho đến nay là ít. Điều đang dần thay đổi là chỗ đứng biểu tượng của phụ nữ ở những nơi quyết định. Việc bổ nhiệm sơ Becquart sẽ không phải là lần duy nhất và Đức Phanxicô đang chuẩn bị các bổ nhiệm khác”. Linh mục Breynaert phân tích: “Quyết định này không phải là một thông báo đơn thuần, tôi không nghĩ Đức Phanxicô làm những hành động này để tránh hoán cải. Đây là một hành động mạnh kêu gọi những những hành động khác, ở tất cả các cấp bậc của Giáo hội.”
Bà Romilda Ferrauto nói thêm: “Tôi cho rằng việc bổ nhiệm sơ Becquart mang một ý nghĩa vượt ra khỏi vị trí của phụ nữ trong Giáo hội, nó liên quan đến cả chỗ đứng của những người được rửa tội, tiến trình thượng hội đồng là cách tốt nhất để chống lại chủ nghĩa giáo sĩ mà Đức Phanxicô thường tố cáo”.
Một suy nghĩ giống suy nghĩ của tác giả Bénédicte Lutaud: “Giáo hội đang sống một “động thái cơ bản”, nâng giá trị tất cả thành viên của mình. Trước đây Giáo hội đi theo chiều dọc, bây giờ Giáo hội có khuynh hướng trở thành “hàng ngang” mà Đức Phanxicô hằng mong muốn. Khi Thượng hội đồng tiếp theo về tính đồng nghị sẽ được tổ chức vào năm 2022, ngài sẽ làm sáng tỏ về tiến trình đồng nghị.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Sơ Becquart: “Dấu hiệu của Giáo hội tin tưởng ở phụ nữ”
Phần nổi của tảng băng được gọi là Nathalie Becquart
Thượng Hội đồng Giám mục không phải là một văn phòng của Vatican
Nathalie Becquart: “Đàn ông và phụ nữ phải bắt gặp cái nhìn của nhau”