Thư Đức Phanxicô gởi cho một bạn trẻ

154

Thư Đức Phanxicô gởi cho một bạn trẻ

Đức Phanxicô viết cho một bạn trẻ: “Con hãy tìm kiếm Chúa hết lòng hết sức của con, cầu nguyện, van xin, kêu la và con sẽ tìm thấy Chúa”.

Phanxicô, người diễn trò tung hứng của Chúa”, (Francesco il giullare di Dio, nhà xuất bản Edizioni Francescane Italiane) quyển sách của hồng y Raniero Cantalamessa.

Hồng y Raniero Cantalamessa, người cầm sách

fr.zenit.org, Anita Bourdin, 2021-04-08

Đức Phanxicô viết trong lời nói đầu quyển sách Phanxicô, người diễn trò tung hứng của Chúa, ngài viết dưới dạng thư gởi cho một bạn trẻ: “Con hãy tìm kiếm Chúa hết lòng hết sức của con, cầu nguyện, van xin, kêu la và con sẽ tìm thấy Chúa”.

Ngày thứ tư Phục Sinh, 7 tháng 4 năm 2021, Vatican News đã đăng lời giới thiệu của Đức Phanxicô, trong đó ngài giới thiệu quyển sách về sư huynh Pacific, một trong những người đầu tiên cùng đồng hành thân thiết với Thánh Phanxicô Assisi, nhà thơ, người kể chuyện. Sư huynh Pacific không phải là không có liên hệ với nước Pháp: năm 1217 khi Thánh Phanxicô còn sống, trong một tu nghị ngày lễ Hiện Xuống, các sư huynh họp nhau lại và đã quyết định lên đường mang Tin Mừng ra khỏi biên giới. Lúc đó Thánh Phanxicô xin sư huynh Pacific đi Pháp. Đến Pháp, sư huynh đã thành lập tu viện đầu tiên của dòng Phanxicô ở Vézelay.

Đức Phanxicô mời người đối thoại trẻ tuổi hạ âm thanh các tiếng nói khác để nghe tiếng nói của Chúa Kitô: “Vì thế, người bạn trẻ thân yêu của cha, khi cám ơn cha Raniero rất yêu quý về món quà cha Raniero đã tặng Giáo hội trong những trang sách khôn ngoan này, với xác tín ai đọc sẽ mang nhiều điều tốt đến cho họ, cha chúc con có được hoa quả khi đọc quyển sách này và con luôn nhớ: Chúa không ngừng kêu gọi, thật vậy, có lẽ hôm nay nhiều hơn hôm qua, Ngài đã đã làm cho chúng ta nghe Ngài. Nếu con chỉ cần hạ âm thanh các tiếng nói khác, và tăng âm thanh cho những gì con khao khát nhất, con sẽ nghe tiếng Chúa rõ ràng trong con và xung quanh con.”

Đức Phanxicô ký dưới bức thư này “Giáo hoàng Phanxicô của con”.

Gặp các người trẻ trong tiền thượng hội đồng người trẻ.

Toàn văn bức thư

Lời nói đầu của Giáo hoàng Phanxicô

Quyển sách được viết cho con, người bạn trẻ đang đi tìm kiếm, và cha muốn giới thiệu với con quyển sách này, với những chữ đầy lòng quý trọng và tin tưởng mà cha dành cho con và tất cả những bạn trẻ.

Có lẽ con cũng đã mở sách Tin Mừng và đã lắng nghe những gì Chúa Giêsu đã nói trong Bài giảng trên núi nổi tiếng của Ngài, “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7: 7-8). Đó là những lời nói rất mạnh, đầy hứa hẹn và là một đòi hỏi cao, nhưng chúng ta có thể tự hỏi: liệu chúng ta có xem lời này nghiêm túc không? Có thật là nếu tôi cầu xin Chúa, thì Ngài sẽ lắng nghe lời cầu xin của tôi, nếu tôi đi tìm Ngài, nếu tôi tìm được Ngài, nếu tôi gõ cửa, Ngài có mở cửa ra cho tôi không?

Con có thể phản đối: có đúng là đôi khi kinh nghiệm dường như phủ nhận lời hứa này không? Nhiều người đã xin mà không được, đã tìm mà không thấy, đã gõ cửa mà chỉ thấy thinh lặng đó sao? Vậy chúng ta có nên tin những lời này hay không? Những lời này, cũng như những lời khác tôi nghe chung quanh tôi, có phải là ảo tưởng và vì thế tạo ra thất vọng không?

Cha hiểu những nghi ngờ của con và cha xem trọng các câu hỏi của con – khổ cho cha nếu cha cũng không có câu hỏi nào! – nhưng những câu hỏi này chất vấn cha làm cha nghĩ đến một đoạn Kinh thánh, đặt bên cạnh lời của Chúa Giêsu, mà đối với cha, nó làm sáng tỏ với tất cả chiều sâu của nó. Trong sách Giê-rê-mi, Chúa phán qua nhà tiên tri, “Các con sẽ tìm Ta và gặp được, khi các con tìm kiếm Ta hết lòng và Ta sẽ cho các con gặp được Ta” (Gr 29: 13-14). Chúa để cho mình thấy Ngài, đúng, nhưng chỉ ai tìm kiếm Ngài hết lòng hết sức mới thấy được.

Mở các sách Phúc âm, đọc các cuộc gặp của Chúa Giêsu, của những người đến với Ngài và con sẽ thấy, làm thế nào mà đối với một số người, những lời hứa của Ngài đã thành hiện thực. Đây là những người mà với họ, việc đi tìm câu trả lời trở thành thiết yếu. Chúa để cho bà góa tìm thấy Ngài vì lời nài nỉ của bà, vì lòng khát khao chân lý của ông Nicôđêmô, vì đức tin của ông đại đội trưởng, vì lời van khóc của bà góa thành Naim, vì lòng ăn năn thống hối của tội nhân, vì khao khát được lành mạnh của người phong cùi, vì khát khao ánh sáng của người mù thành Giêricô. Mỗi nhân vật trong số này đều nói lên như lời thánh vịnh 63: “Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước.”

Ai hết lòng hết sức tìm kiếm Chúa, thì đối với họ, Chúa quan trọng như nước đối với sa mạc, như đất cho hạt giống, như mặt trời cho bông hoa. Và điều này, nếu chúng ta suy nghĩ đúng, thì nó rất đẹp và tôn trọng tự do chúng ta: đức tin không được ban một cách tự động, không phải là món quà mà con dửng dưng, nhưng đòi hỏi con phải tham dự ở ngôi thứ nhất và với trọn con người của con. Đó là món quà phải được khao khát. Đó là món quà mà mọi người đều mong muốn. Thực chất, đó là Tình yêu muốn được yêu.

Có thể con đã đi tìm Chúa và con không thấy, nhưng cha xin hỏi con một câu hỏi: đâu là khát khao của con với Ngài? Con hãy tìm Ngài hết lòng hết sức, cầu nguyện, van xin, khóc lóc, và con sẽ thấy Ngài như Ngài đã hứa. Con sẽ đọc trong những trang sau câu chuyện Vị vua của các vần thơ, người yêu cuộc sống và giống như bất kỳ người trẻ nào, đều mong muốn sống một cách trọn vẹn nhất. Ông là một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất trong thời của ông, và trong khát vọng cháy bỏng về sự trọn vẹn, ông đã vô tình tìm kiếm Đấng mà chỉ có một mình Ngài mới có thể lấp đầy trái tim con người. Ông đã tìm và ông đã thấy.

Điều này cho chúng ta thấy, một sự thật thậm chí còn sâu sắc hơn: Chúa muốn con tìm kiếm Ngài để Ngài tìm thấy con. Thánh Grégoire de Nazianze nói: Deus sitit sitiri, nghĩa là Thiên Chúa khát chúng ta khát Ngài, vì Ngài cũng đi tìm chúng ta, và cuối cùng Ngài có thể gặp chúng ta. Trên thực tế, Đấng mời chúng ta gõ cửa, nhưng thật ra Ngài đã ở cánh cửa tâm hồn chúng ta: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.” (Kh 3, 20).

Và nếu hôm nay Ngài gõ cửa nhà con thì sao? Vị vua của các vần thơ đã gặp sư huynh Phanxicô ở tu viện Colpersito ở San Severino March; lời của Thánh Phanxicô đã xuyên thấu tâm hồn của nhà thơ và một tia sáng mới bùng lên trong lòng ông. Có lẽ điều đã xảy ra cho Thánh Phaolô trên con đường Đa-mát cũng đã xảy ra cho ông, vì ánh sáng của Chúa “chiếu soi lòng trí chúng tôi, để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt Đức Ki-tô” (2Cr 4, 6). Ông đã thấy Phanxicô trong vẻ huy hoàng thánh thiện  của ngài và nơi Phanxicô là nét đẹp khuôn mặt của Chúa. Điều mà ông luôn tìm kiếm, cuối cùng ông đã thấy, và thấy Chúa nhờ một vị thánh. Và, đối với thánh Phaolô, những gì xưa kia ngài cho là có lợi, thì nay vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi, lãng phí so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu (x. Pl 3: 7-9). Ngay lập tức, ông không còn do dự: “Cần gì phải nói thêm? Chúng ta cùng đến với sự việc. Hãy mang tôi đi xa các con người, hãy trả lại cho tôi Đại Đế!”.

Khi Chúa kêu gọi chúng ta đến với Ngài, Ngài không muốn chúng ta thỏa hiệp hay do dự, mà là câu trả lời quyết liệt. Chúa Giêsu nói: “Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết” (Mt 8, 22).

Vào ngày đó, một con người mới đã được sinh ra, ông không còn là Guglielmo da Lisciano, vị vua của các vần thơ, mà là sư huynh Pacific, một tu sĩ thấm đậm trong lòng một bình an mà bây giờ thầy mới được biết đến. Kể từ ngày đó, sư huynh hoàn toàn thuộc về Chúa, tận hiến cho Ngài, một trong những người thân cận nhất của Thánh Phanxicô, một nhân chứng cho vẻ đẹp của đức tin.

Đó là lý do vì sao, bạn trẻ thân yêu của cha, khi cám ơn cha Raniero rất yêu quý về món quà cha Raniero đã tặng Giáo hội trong những trang sách khôn ngoan này, với xác tín ai đọc sẽ mang nhiều điều tốt đến cho họ, cha chúc con có được hoa quả khi đọc quyển sách này và con luôn nhớ: Chúa không ngừng kêu gọi, thật vậy, có lẽ hôm nay nhiều hơn hôm qua, Ngài đã đã làm cho chúng ta nghe Ngài. Nếu con chỉ cần hạ âm thanh các tiếng nói khác, và tăng âm thanh cho những gì con khao khát nhất, con sẽ nghe tiếng Chúa rõ ràng trong con và xung quanh con. Chúa không bao giờ mệt mỏi khi đến gặp chúng ta, tìm chúng ta như tìm người mục tử tìm con chiên lạc, như người phụ nữ tìm đồng xu bị mất, như Chúa Cha tìm con của Ngài. Ngài tiếp tục kêu gọi và kiên nhẫn chờ chúng ta đáp lại như Mẹ Maria đã trả lời: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38). Nếu con có can đảm rời bỏ những an toàn của con và mở lòng ra với Ngài, một thế giới mới sẽ mở ra cho con và con sẽ trở thành ánh sáng cho người khác.

Cha cám ơn con vì con đã lắng nghe. Cha cầu xin Chúa Thánh Thần xuống với con, và con cũng vậy, nếu con có thể, con đừng quên cầu nguyện cho cha.

Giáo hoàng Phanxicô của con

Marta An Nguyễn dịch