Linh mục Đinh Minh Hùng xây dựng một giáo xứ nông thôn rộng lớn ở Tanzania

562

Linh mục Đinh Minh Hùng xây dựng một giáo xứ nông thôn rộng lớn ở Tanzania

maryknollmagazine.org, Lynn F. Monahan, 2021-03-01

Ngày 1 tháng 3 năm 2021

Một giáo xứ truyền giáo ở giáo phận Shinyanga, Tanzania là mục vụ đầy thử thách và ân phước cho Linh mục Đinh Minh Hùng, 54 tuổi của cộng đoàn Các Linh mục và Sư huynh Maryknoll, cuộc đời phục vụ người nghèo đã đưa Linh mục Hùng từ quê hương Việt Nam đến những thảo nguyên rộng lớn ở Đông Phi.

Mục tử của nhà thờ Ndoleleji, hiện nay Linh mục Hùng sống theo ơn gọi đầu tiên cha đã nghe khi còn là “chủng sinh chui” dưới chế độ cộng sản Việt Nam, cha dạy giáo lý ở một giáo xứ nông thôn, phục vụ “những người nghèo nhất, những người mỗi ngày chỉ có một bữa ăn.”

Cha Hùng cho biết: “Mục đích của tôi là củng cố đời sống giáo dân ở Ndoleleji. Đây là một giáo xứ truyền giáo có nhiều cơ sở.”  Giáo xứ bao gồm ba trung tâm mục vụ, mỗi trung tâm có tám hoặc chín nhà thờ, hoặc nhà nguyện, với hai đến năm cộng đoàn nhỏ liên kết với từng cơ sở.”

Mỗi tháng cha đến mỗi trung tâm một lần và dâng thánh lễ tại ba cơ sở khác nhau và cách xa nhau. Cha cho biết: “Vì đường xa và phải đi mất cả ngày nên tôi phải có lịch  làm việc. Ngoài việc dâng thánh lễ, tôi còn đi thăm các gia đình, họ gặp vấn đề trong đời sống hôn nhân và đời sống thiêng liêng của họ.” Linh mục cũng đi thăm người bệnh, tham dự các cuộc họp với các cộng đoàn nhỏ theo chu kỳ hàng tháng.

Ở một giáo xứ miền quê với 27 làng trải rộng trên gần 1.400 cây số vuông, nơi chỉ có 5% dân số theo đạo, một trong những việc làm ưu tiên của cha Hùng là đào tạo giáo lý viên. Cha cho biết: “Một linh mục sẽ không thể lo một mình. Tôi phải xin giáo lý viên giúp đỡ.”

Linh mục Hùng (ở giữa), cha John Lange giúp một gia đình ở giáo xứ Ndoleleji tách hạt bắp ở Giáo phận Shinyanga, Tanzania. (Sean Sprague / Tanzania)

Để làm việc này, cha Hùng gởi các ứng viên giáo lý viên đi học một năm ở Mwanza, thành phố lớn thứ nhì của đất nước, nằm trên bờ hồ Victoria hai tiếng rưỡi về phía tây bắc. Ngoài ra, cha còn tổ chức các buổi hội thảo giáo lý viên thường xuyên vào thứ sáu hàng tuần tại một trong ba trung tâm của giáo xứ và ngày thứ sáu cuối tháng một buổi họp cho tất cả giáo lý viên.

Với 32 giáo lý viên trong giáo xứ, ông Faustine Mihumo, trưởng ban giáo lý đã giúp cha rất nhiều trong việc tổ chức. Hai người trạc tuổi nhau, cha Hùng cho biết, cha nhờ ông Mihumo rất nhiều trong những lúc cha đi vắng.

 

Ngoài sự giúp đỡ của cộng đoàn Linh mục và Sư huynh Maryknoll để đào tạo giáo lý viên, cha Hùng còn được sự giúp đỡ của gia đình và bạn bè trong cộng đồng Việt Nam tại Giáo phận Orange, California để giúp gia đình các giáo lý viên khi họ đi học. Cha cho biết: “Các giáo lý viên đi học cả năm ở đó họ không có thu nhập, vì họ không trồng trọt. Khi họ về, họ không có gì. Hiện có khoảng hơn mười giáo lý viên học ở Mwanza cùng một lúc.”

Cha Hùng tiếp nhận một người đàn ông địa phương tại phòng khám nơi cha giúp ở giáo xứ Ndoleleji. (Sean Sprague / Tanzania)

Ngoài việc giúp đỡ gia đình các học viên giáo lý, cha còn trồng bắp, đậu xanh, đậu phụng và gạo để nuôi giáo dân trong các cuộc họp và sự kiện, và giúp đỡ những người khó khăn nhất.

Để có phương tiện di chuyển cho các giáo lý viên khi họ đi dạy, thường là xa vì các giáo xứ ở xa nhau, cha mua xe đạp Nhật cũ nhưng còn tốt cho họ, mỗi chiếc 50 đô la. Chi phí chia nhau: giáo lý viên đóng một phần ba, giáo dân một phần ba và cha Hùng một phần ba.

Cha Hùng sẵn lòng tìm mọi nguồn lực của mình để giúp đỡ người dân trong giáo xứ, nhưng cha hiểu công việc này cần lâu dài vì người mục tử sắp tới sẽ có thể là một linh mục địa phương.

Cha cho biết, phòng khám và trạm y tế giáo xứ là những điểm cần phải đảm bảo tính bền vững. Phòng khám phục vụ khoảng 40 bệnh nhân mỗi tuần, hầu hết đều mắc bệnh sốt rét, bệnh phổ biến của khu vực, bệnh thương hàn và các bệnh nhiễm trùng khác. Có 14 người làm việc ở phòng khám, trong đó có một kỹ thuật viên y khoa, năm y tá, hai nhân viên phòng thí nghiệm làm bán thời gian, một nữ hộ sinh, nhân viên dọn dẹp, một tài xế và một nhân viên bảo vệ.

Cha Hùng nói: “Tôi cố gắng chi tiêu tối thiểu cho phòng khám để khi tôi ra đi, họ sẽ có thể tự lo liệu được. Nếu chi phí nhiều thì khi chúng tôi ra đi, cơ sở sẽ sập. Tôi đang xây dựng từ từ để phòng khám có thể tự điều hành.”

Cha Hùng ban phép lành cho một phụ nữ bị bệnh trong lần cha đi thăm phòng khám ở  Ndoleleji, nơi điều trị cho khoảng 40 người bệnh nhân một tuần. (Sean Sprague / Tanzania)

Dù phòng khám được điều hành như một cơ quan phi lợi nhuận, nhưng phòng cũng thu phí dịch vụ, thuốc men và các xét nghiệm cho bệnh nhân. Với các trường hợp ngoài khả năng của phòng khám, phòng sẽ gởi bệnh nhân đến các bệnh viện khu vực. Phòng khám có tài xế và xe cứu thương để đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất khoảng 12 cây số, hoặc bệnh viện lớn hơn thì cách hơn 40 cây số.

Cha Hùng cho biết, giáo xứ thoát được đại dịch Covid: “Tại phòng khám Ndoleleji, chưa có trường hợp bệnh nhân nào bị nhiễm Covid. Chúng tôi thực sự được may mắn.” (Bài báo viết trước khi cha Hùng bị nhiễm Covid, đầu tháng ba cha bị nhiễm nặng, phải nằm ở phòng hồi sức cấp cứu, hiện cha đã xuất viện và đang trong giai đoạn tập đi đứng, tập thở).

Cha Hùng cho biết, giáo dân ở đây ý thức Chúa hiện diện trong đời sống của họ, họ thường hay nói mungu yupo (thổ ngữ  swahili). Có nghĩa là “Chúa ở khắp mọi nơi” và nếu họ có được gì, họ cũng nói “đó là nhờ Chúa và tạ ơn Chúa.”

Kinh nghiệm mục vụ của cha Hùng ở Ndoleleji bắt đầu khi cha còn là chủng sinh trong thời gian đào tạo ở nước ngoài tại Tanzania từ năm 2005 đến năm 2007. Khi được giao nhiệm vụ phụ giúp linh mục Daniel Ohmann, một linh mục truyền giáo của cộng đoàn Maryknoll ở giáo xứ Mwanza, mỗi hai tháng chủng sinh Hùng đến làm việc với cha một lần để giúp người bản địa Watatulu sống gần khu vực Ndoleleji. Năm 2009, một năm sau khi thụ phong linh mục, cha Hùng trở lại giáo phận Shinyanga và phục vụ với một linh mục địa phương ở Ndoleleji, trước khi cha là cha xứ năm 2012.

Cho đến bây giờ, cha Hùng vẫn làm việc để duy trì một số dự án của linh mục Ohmann, người hướng dẫn của cha, cách đây vài năm linh mục Ohmann đã về Hoa Kỳ sau hơn 50 năm truyền giáo ở Phi châu. Những dự án này bao gồm dự án cối xay gió, cung cấp nước sạch cho dân làng ở vùng bán khô hạn và dự án mật ong với 60 tổ ong sản xuất “loại mật ong tốt nhất Tanzania.”

Rõ ràng cha Hùng thích sứ mệnh và cuộc sống bận rộn của mình với người dân Ndoleleji. Cha thấy những điểm tương đồng giữa những người cha phục vụ bây giờ và người Việt thời cha lớn lên. Cha nói: “Giống như văn hóa Việt Nam, ở đây hiếu khách là quan trọng. Thêm nữa, họ cũng tôn trọng người lớn tuổi như văn hóa Á châu.”

Điểm đặc biệt đáng kể với cha Hùng là người dân tin ở cha, dù cha khác biệt họ, “họ nói chuyện với tôi và hỏi ý kiến tôi, còn tôi, tôi học ở họ “tính kiên nhẫn và độ lượng”.

Các linh mục Maryknoll (từ trái qua phải)  Edward Schoellmann, Đinh Minh Hùng và John Lange đồng tế tại nhà thờ Ndoleleji ở Tanzania. (Sean Sprague / Tanzania)

Marta An Nguyễn dịch