Tám năm sau ngày được bầu chọn, điều Đức Phanxicô muốn làm tiếp tục

94

Tám năm sau ngày được bầu chọn, điều Đức Phanxicô muốn làm tiếp tục

Ngày thứ bảy 13 tháng 3 – 2021, khi kỷ niệm tám năm làm giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô vẫn còn giữ ý định tông du, vẫn muốn tiếp tục làm việc ở vị trí đứng đầu Giáo hội.

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2021-03-13

Đức Phanxicô tại thành phố Erbil ngày 7 tháng 3 năm 2021, trong chuyến tông du tới Iraq. VINCENZO PINTO / AFP

Đức Phanxicô còn làm gì thêm? Tám năm sau lần xuất hiện đầu tiên chiều 13 tháng 3 năm 2013, trên ban công vương cung thánh đường Thánh Phêrô, Đức Phanxicô dự định tiếp tục công việc của mình. Những người quen thân ngài cho báo La Croix biết, bỏ qua những lời đồn đại về việc từ chức, vốn chưa bao giờ hết đồn đoán, dựa vào các lời nói trước đây của ngài, “triều giáo hoàng của tôi sẽ ngắn”, giáo hoàng “đến từ tận cùng trái đất” vẫn còn tiếp tục công việc của mình.

Một trong những người này nói: “Cho đến khi nào còn sức khỏe, ngài sẽ không bỏ cuộc. Ngài nhận thức, chúng ta đang ở một thời điểm lịch sử, bởi vì những gì được thực hiện hôm nay sẽ mang tính quyết định cho tương lai.” Vì Đức Phanxicô muốn mang phần đóng góp của mình vào việc suy nghĩ cho một thế giới sau này, như ngài sẽ làm vào thứ hai 15 tháng 3 này, ngài sẽ tiếp ông Pierre Larrouturou – cựu nghị sĩ Đảng Xã hội Âu châu, người sáng lập Nouvelle Donne -, ông sẽ đến để xin ngài hỗ trợ ý tưởng đánh thuế trên các giao dịch tài chính.

Kể từ khi đại dịch bắt đầu, Đức Phanxicô đã thành lập một nhóm suy nghĩ hậu Covid, do linh mục người Argentina Augusto Zampini đứng đầu, và ngài theo dõi công việc tuần này qua tuần khác.

Tiếp tục các chuyến đi

Tin rằng “chúng ta tất cả đều ở trên cùng một chiếc thuyền”, ngài đã nói trong buổi cầu nguyện cho các nạn nhân đại dịch, ngày 27 tháng 3 năm 2020, một mình trên Quảng trường Thánh Phêrô trong một hình ảnh khó quên, Đức Phanxicô nhân rộng các biện pháp can thiệp để lên tiếng, cuộc khủng hoảng đại dịch toàn cầu là cơ hội lịch sử để thay đổi hướng đi của thế giới. Và ngài áp dụng những cải cách triệt để, cả trong lĩnh vực tài chính cũng như cứu lấy hành tinh, cứu “ngôi nhà chung” của chúng ta.

Sau một năm bị cách ly ở Vatican mà ngài xem như mình bị “giam tù”, ngài không không từ bỏ các chuyến tông du. Dù không phải là không mệt như ngài đã thố lộ trên chuyến bay từ Bagdad về Rôma ngày thứ hai 8 tháng 3. Ngài nói: “Tôi không biết liệu việc đi lại có bị chậm lại hay không. Chỉ có điều, tôi thú thật chuyến đi này tôi mệt nhiều hơn các chuyến đi khác. 84 năm của tôi không phải là không có ảnh hưởng. Nhưng chúng ta sẽ xem.”

Khi đi Iraq, chống lại tất cả ý kiến của các chuyên gia, Đức Phanxicô cho thấy ngài quan tâm đến việc tông du hơn bất cứ chuyện gì hết. Ngài nghĩ, đó là cách để gặp “người dân”, trên chuyến bay từ Bagdad về Rôma, ngài nhấn mạnh một lần nữa, ngài xúc động khi thấy giáo dân dứng chờ bên lề đường hàng giờ ở thành phố Qarakosh nơi có nhiều tín hữu kitô sống ở đây, ngài đến thăm họ ngày chúa nhật 7 tháng 3 vừa qua. Vì thế ngài mong đến thăm Hungary và Slovakia sớm, và càng sớm càng tốt như ngài đã xác nhận. 

“Ngài cần tiếp xúc thể chất với thực tế”

Linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro, giám đốc tạp chí Văn minh Công giáo, La Civiltà Cattolica cho biết: “Ngài rất muốn tiếp tục các chuyến tông du, ngài cần tiếp xúc thể chất với thực tế và tông du là một phần trong công việc này. Theo linh mục Spadaro, điều này cũng phù hợp với thực tế là giáo hoàng cũng thường được các quốc gia ngài đến thăm mong chờ: “Tôi nhớ ở Brazil, trong chuyến đi Ngày Thế Giới Trẻ năm 2013, ngài nói, một người mẹ không thể gặp con mình qua tấm kính. Ngài cần những cuộc gặp trực tiếp này.”

Đi đến “các vùng ngoại vi” nhưng vẫn tiếp tục cải cách nội bộ Vatican. Liệu năm thứ chín triều giáo hoàng của ngài có phải là năm công bố hiến chế mới của Giáo triều, được loan báo sắp diễn ra trong vài tháng sắp tới không? Đúng, nếu theo như cuộc phỏng vấn với hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin của đài truyền hình Pháp KTO tháng 1 vừa qua.

Tính đồng nghị

Trong các sự việc, Đức Phanxicô đã bắt đầu thành lập các bộ mới, như bộ “phát triển toàn diện”, hoặc đã củng cố các cơ quan khác như ban thư ký chung của Thượng Hội đồng Giám mục, nhưng việc cải tổ Giáo triều như ngài mong muốn thì vẫn còn lâu mới kết thúc. Một người thân cận ngài cho biết: “Ngoài thủ tục của các tiến trình, thay đổi khó khăn nhất vẫn là thay đổi tâm hồn”. Một người khác khẳng định, thách thức của giáo hoàng là “xua đuổi những con quỷ tiền bạc, tình dục và thăng quan tiến chức đang gặm nhấm giáo quyền”. Người này thở dài, một cuộc đấu tranh dài bất tận.

Về cơ bản, Đức Phanxicô muốn củng cố tính đồng nghị và do đó cải tổ sâu sắc các mối quan hệ giữa giáo hoàng và các người có trách nhiệm trên thực địa. Một thực tế mà ngài muốn cắm neo trong Giáo hội, với việc tổ chức thượng hội đồng các giám mục về chủ đề này vào tháng 10 năm 2022.

Linh mục Spadaro phân tích: “Theo Đức Phanxicô, tính đồng nghị trở nên trụ cột, một trụ cột của đời sống Giáo hội. Ngài muốn áp dụng tính đồng nghị này, không phải như một cơ chế chính trị nhưng thực sự đây là một tiến trình thiêng liêng.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Tám năm triều đại giáo hoàng: Đức Phanxicô mở tám công trường

Thư cám ơn Đức Phanxicô nhân dịp 8 năm triều giáo hoàng của ngài

8 con số trong 8 năm triều giáo hoàng Đức Phanxicô