Nữ tu Ann Rose Nu Tawng: “Xin chết thay cho những người đi biểu tình”
Kể từ khi quân đội Miến Điện giành chính quyền ngày 1 tháng 2 năm 2021, thành phố Myitkyina, thủ phủ của bang Kachin trở thành hiện trường của một cuộc đàn áp bạo lực. Nữ tu Tawng đã xuống đường để chặn cảnh sát.
lavie.fr, Jordan Pouille, 2021-03-10
Tháng 2 năm 2021, nữ tu Ann Rose Nu Tawng xin quân đội Miến Điện đứng đàn áp đám đông. TWITTER / @ CARDINALMAUNGBO
Ngày thứ hai 8 tháng 3, sơ Ann Rose Nu Tawng trong y phục trắng và đội lúp đen đã đưa ra hình ảnh kinh ngạc của một nữ tu quỳ gối trước một nhóm cảnh sát vũ trang. Và thật lúng túng. Hai trong số các cảnh sát đội mũ bảo hiểm và áo chống đạn, lần lượt quỳ gối xuống.
Ai cũng chắp tay, nhưng tiếc thay đây không phải là lúc rước lễ. Chiều thứ ba, 9 tháng 3, nữ tu Tawng nói với báo La Vie: “Tôi xin cảnh sát đừng bắn những người biểu tình sau lưng tôi. Đổi lại, cảnh sát xin tôi nói với người biểu tình hãy lùi lại hoặc họ sẽ nổ súng. Tôi nói với cảnh sát, xin giết tôi thay thế cho họ.”
Sau đó Đức Giám mục Francis Daw Tang từ từ đến, ngài chạm nhẹ vào vai nữ tu, mọi người đứng dậy và nhóm nhỏ tan hàng. “Và cuối cùng, họ đã giết chết hai người biểu tình…” Các bức hình khác cho thấy nữ tu băng qua đám mây hơi cay để đến bên cạnh một trong hai nạn nhân, nằm trên đường nhựa, máu từ não chảy ra. Khi đám đông giải tán, một chiếc xe tải của cảnh sát đến dùng vòi rồng để làm sạch đường phố.
Một Giáo hội tích cực trong đời sống dân sự
Chúa nhật 28 tháng 2 năm 2021, sau khi nghe thấy tiếng súng, sơ Ann Rose Nu Tawng rời tu viện để đến chất vấn cảnh sát. Khi đó, nữ tu mặc y phục màu xám, sơ quỳ gối cách một tiểu đoàn cảnh sát và binh lính khoảng ba mươi mét, sơ giúp một trăm người trẻ biểu tình bị đuổi vào tu viện và bệnh xá của xơ gần đó để trú ẩn.
“Tôi là một nữ tu nhưng tôi cũng là một công dân. Là nữ tu, tôi cầu nguyện với các chị em của tôi để hòa bình và tự do trở lại trên đất nước chúng tôi. Nhưng, với tư cách là người công dân, tôi biết, cầu nguyện là chưa đủ, chúng ta còn phải hành động; vì thế, nếu bức ảnh này có thể giúp chúng tôi giành lại quyền của mình, và nếu nó có thể nâng cao nhận thức ở các quốc gia khác và có thể giúp chúng tôi thì tôi thiết nghĩ đó là điều tốt”, sơ nói với báo Le Figaro vào thời điểm đó.
Nữ tu Tawng, 45 tuổi, thuộc Dòng Thánh Phanxicô Xaviê ở Myitkyina, thủ phủ của bang Kachin, phía bắc đất nước. Giáo phận dưới quyền điều khiển của Giám mục Francis Daw Tang, người được Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm năm 2004, được biết đến là một nhân vật phi chính trị nhưng rất dấn thân trong việc kêu gọi đối thoại giữa quân đội và quân du kích.
Vào năm 2015, ngay trước khi Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ lên nắm chính quyền, đảng của bà Aung San Suu Kyi đã công khai kêu gọi giáo dân, linh mục và nữ tu ủng hộ người biểu tình vì dân chủ, “không chỉ trong lời cầu nguyện của chúng tôi mà còn nên tham gia vào các cuộc biểu tình.”
Quân đội tấn công nhưng người biểu tình kiên quyết
Ở Rangoon, cách xa hơn 1.500 cây số về phía nam, các cuộc đột kích ban đêm đang gia tăng để bắt giữ những người biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự xảy ra 5 tuần trước. Đặc biệt khu phố Sanchaung, nơi lực lượng an ninh khám xét nhà kỹ lưỡng, họ không ngại làm dân chúng sợ với tiếng lựu đạn nổ đinh tai nhức óc.
“Chúng tôi dựng lên những bức tường bằng lốp xe, chúng tôi đập xoong nồi sau 8 giờ tối và chúng tôi hát lên “Hãy giải thoát chúng tôi, hãy giải thoát chúng tôi Su Su. Hãy vứt bỏ, hãy vứt bỏ đấm đá”, một y tá của một phòng khám tư giải thích cho chúng tôi, cô y tá 29 tuổi, người mong được gọi mình là Tha Byay Nyo thuộc cộng đồng Bamar (dân tộc đa số của Miến Điện) và là người vùng Magway miền trung đất nước.
Cô tham gia phong trào này bằng cách ngồi trước các đại sứ quán Pháp, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Indonesia và Thái Lan. Cô cho chúng tôi xem bức ảnh Đại sứ Pháp Christian Lechervy đến gần những người biểu tình để nhận thư ngỏ của họ. “Sau đó, các cuộc tụ tập bị cấm và bạo lực bắt đầu.”
Điểm không trở lại
Theo Tha Byay Nyo, biểu tượng của cuộc kháng chiến không phải là nữ tu Twang (người công giáo chiếm 1% dân số Miến Điện) mà là cô Kyal Sin, 19 tuổi, có biệt danh Angel, ngày 3 tháng 3, cô đã bị bắn vào đầu trong cuộc biểu tình ở Mandalay, thành phố thứ hai của đất nước.
Ngày hôm đó, cũng như cô, 38 người biểu tình đã bị thiệt mạng trên toàn quốc. “Cô đã chiến đấu với quân đội cho đến chết, cô đại diện cho tất cả những người trẻ bị giết ở mặt trận. Giống như nhiều bạn cùng chiến đấu với mình, ngày 8 tháng 11 năm 2020, cô Angel đã bỏ phiếu lần đầu tiên trong cuộc bầu cử lập pháp do Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND) tổ chức, họ tái đắc cử thêm một lần nữa. Chưa đầy ba tháng sau, ngay trước khi thành lập chính phủ mới, quân kháng chiến tố cáo cuộc bầu cử và lên nắm chính quyền.
Hiện nay cô Tha Byay Nyo lo lắng cho cha mình, ông là hiệu trưởng một trường tiểu học và là thành viên của phong trào bất tuân thủ dân sự. “Một tin đồn cho biết ông sắp bị bắt giữ. Tôi sợ, mẹ tôi không muốn tôi chống đối nữa. Quân đội hứa sẽ trở lại với dân chủ. Tôi không thể tin họ được nữa. Chỉ trong vài ngày các quyền tự do cơ bản của chúng tôi đã bị vi phạm.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm