Vụ tấn công khủng bố ở Arras: “Tôi muốn Dominique là người cuối cùng”

98

Vụ tấn công khủng bố ở Arras: “Tôi muốn Dominique là người cuối cùng”

Ngày thứ sáu 13 tháng 10, giáo sư Dominique Bernard bị ông, một người hồi giáo cực đoan đâm chết ở cổ, ở ngực. Một hành động cực kỳ man rợ đã làm cả nước Pháp, cả thế giới, các học sinh, cô thầy giáo xúc động tột cùng, không còn lời nào để nói lên tâm trạng bàng hoàng của họ, cảm giác không được an ninh khi đến trường. Sau đây là bài phỏng vấn xúc động của mẹ và em của giáo sư.

Dominique Bernard sẽ được chôn cất ngày thứ năm, 19 tháng 10 năm 2023 tại Nhà thờ Arras, lúc 10 giờ sáng với sự hiện diện của tổng thống Emmanuel Macron. Mẹ và chị giáo sư giới thiệu hình ảnh của giáo sư anh hùng dân tộc Dominique Bernard.

lavie.fr, Véronique Durand, 2023-10-18

Trong buổi cầu nguyện được tổ chức ngày 16 tháng 10 năm 2023, tại Arras, giám mục Olivier Leborgne, giáo phận Arras, Boulogne và Saint-Omer đến chào gia đình giáo sư Dominique Bernard: mẹ (bên phải giám mục) và người em gái (thứ ba). DAVID PAUWELS – La Vie

Bà Marie-Louise Bernard nói: “Cú sốc quá lớn… kể từ thứ sáu, tôi sống như xác chết”. Chiếc khăn nhỏ quàng cổ, chiếc áo len màu hồng, bà đón chúng tôi ở nhà bà ở Achicourt, một thị trấn yên bình ở Pas-de-Calais, gần Arras. Bà đồng ý trả lời phỏng vấn của chúng tôi vì bà đã đọc báo La Vie từ hơn 30 năm nay.

Nhưng bà nói trước, cùng với gia đình con trai Dominique và con gái Emmanuelle, bà chưa hình dung bà là trọng tâm của tin tức. Giữa trưa ngày thứ sáu 13 tháng 10 năm 2023, khi đang nghe tin tức trên đài Europe 1 thì bà nghe tin có một tấn công ở trường Gambetta-Carnot,  Arras, nơi con trai bà dạy.

“Khi người ta loan tin có một giáo sư thể dục thể thao bị sát hại, tôi không nghĩ đó là con tôi. Nhưng một bà bạn gọi để báo trước cho tôi: “Đó là con trai của bà”. Tôi nói: “Không, không thể được.” Các cháu của người bạn, các học sinh ở trường đã chứng kiến cảnh tượng đó. Nhưng tôi không muốn tin. Tôi phủ nhận. Tôi gọi cho con dâu, con dâu tôi chưa biết. Và một lúc sau cảnh sát gọi cho tôi, họ đang cố gắng liên lạc với cô. Tôi hỏi họ: “Việc này có liên quan đến trường trung học Gambetta không?” Khi, với tất cả biện pháp dè dặt cần thiết để báo tin, họ cho tôi biết là có, tôi hiểu.” 

Luôn phục vụ người khác

Bà Marie-Louise được an ủi vì hai người bạn của bà đến với bà ngay lập tức. Con gái bà Emmanuelle, sống ở vùng Paris cùng chồng và hai con, cô đến dự cuộc phỏng vấn của chúng tôi. Cô cũng không đủ can đảm để báo cho mẹ: “Sao mẹ lại mong con báo cho mẹ những tin tức như thế này qua điện thoại hả mẹ?”, cô nhỏ nhẹ nói, nước mắt đầm đìa. “Khi tôi nhận được tin báo trên điện thoại, biết chuyện này xảy ra tại trường trung học Gambetta ở Arras, tôi lo lắng tột độ. Anh Dominique không có điện thoại, anh không thích màn hình.” Dominique hơn cô 5 tuổi.

Cô kể: “Khi tôi 7, 8 tuổi, anh làm nhà búp bê cho tôi. Anh giỏi trong mọi việc, thật khó để tôi theo được anh. Anh nhạy cảm vô cùng và anh ấy là người rất trí thức. Anh có tú tài ban khoa học, anh là nhà khoa học, nhưng anh rất thích văn học, anh học văn học và khoa học năm dự bị, trước khi vào học văn hóa hiện đại.” Năm 1990, khi anh có văn bằng thì cô Emmanuelle vào y năm thứ nhất. Hai con đường định sẵn để phục vụ người khác.

Hai mẹ con kể về anh ở thì hiện tại và đều đồng ý: “Dominique là người sống cô độc, thích làm vườn, đam mê văn học, yêu sách. Tác giả yêu thích của anh là nhà văn Julien Gracq, anh làm thạc sĩ về nhà văn này và Marcel Proust.” Mẹ của anh giải thích: “Vào sinh nhật tháng 8 vừa qua của con, Dominique xin tôi tặng bộ sách của nhà xuất bản Pléiade về nữ văn sĩ Colette. Dominique mê văn học nghệ thuật. Khi về nhà, Dominique đi một vòng thư viện của tôi, tôi có rất nhiều sách hay. Gần đây tôi nói với Dominique: ‘Mẹ sẽ để di chúc cho con tất cả sách của mẹ, tất cả là của con. Tôi nghĩ thỉnh thoảng Dominique đã trộm của tôi một quyển. Dominique nói với tôi: ‘Mẹ không đọc, con đọc xong con trả lại mẹ’”.

Cô Emmanuelle nói tiếp: “Anh luôn xin sách và cho chúng tôi sách. Tủ sách của anh rất gọn gàng… Tôi nghĩ giấc mơ của anh là viết, nhưng anh quá cầu toàn và đòi hỏi mình phải bằng lòng với những gì mình làm. Tôi học được ở anh nhiều chuyện.” Bà Marie-Louise nói thêm: “Dominique thích nhạc cổ điển, thích các phim nghệ thuật của các đạo diễn Truffaut, Hitchcock. Anh thích đi xem triển lãm, lên Paris để xem. Dominique lấy làm buồn vì bây giờ học sinh không còn đọc sách nữa.”

Cô Emmanuelle nói: “Anh không biết làm thế nào để đưa học sinh ra khỏi màn hình để chúng đắm mình trong sách vở. Niềm vui lớn nhất của anh là làm cho học sinh đọc một cái gì đó. Một trong những quan tâm của anh là làm sao để học sinh dùng từ ngữ phù hợp và hiểu nguồn gốc từ nguyên của nó. Diễn tả bằng từ vựng giúp mình giao tiếp với người khác, biểu lộ cảm xúc bằng lời chứ không bằng bạo lực làm tổn thương.”

Yêu văn chương

Bà Marie-Louise kể: “Dominique có cá tính rất mạnh và những ý tưởng của anh rất dứt khoát, Dominique cho mình là người có lý, hơi giống em trai tôi”, bà là chị của nhà văn, nhà báo Henri Tincq, ông viết chuyên mục tôn giáo trên báo Le Monde, ông đam mê sách như chồng của bà, chồng của bà mất năm 1994, là cựu hiệu trưởng một trường tư ở Arras. Bà Marie-Louise dạy mẫu giáo, sau đó là dạy tiểu học. Bà là giáo lý viên dạy cho bao nhiêu thế hệ trẻ em ở trường Đức Bà. Sau khi về hưu, bà tiếp tục công việc ở giáo xứ.

Hiện nay, bà tiếp tục phục vụ qua các khóa đào tạo tại nhà của giáo phận, bà dạy giáo lý cho các phụ huynh giáo lý viên. Đức tin nâng đỡ bà, và cũng như cô con gái Emmanuelle, bà cảm thấy gần gũi với Đức Trinh Nữ Maria. Bà kể: “Dominique được rửa tội và thêm sức khi học năm cuối trung học, nhưng khi vào trường Faidherbe ở Lille thì Dominique buông hết. Dominique thường khiêu khích tôi về chủ đề này, nói rằng, tôn giáo chỉ mang lại chiến tranh, hoặc : ‘Mẹ nghĩ có cái gì đó sau khi chết sao!’” Còn cô Emmanuelle thì ghi nhận, anh gần với văn bản, với lời thiêng liêng: “Anh đọc Kinh thánh; anh vẫn còn hai quyển trong văn phòng của anh.”

Các nhà lãnh đạo công giáo đến chào các nhà lãnh đạo hồi giáo trước buổi cầu nguyện cho hòa bình, ngày 16 tháng 10 năm 2023, tại Arras. David Pauwels – La Vie

Mấy hôm nay, các chứng từ xúc động nói lên lòng nhân đạo của người thầy đam mê, mong học trò mình yêu văn chương. Nhiều đồng nghiệp nói về tính hài hước của anh. Théo, một trong các cháu trai của giáo sư nói: “Bác Dominique luôn vui cười dù tôi luôn nghĩ bác tôi nghiêm khắc khi dạy học. Bác giới thiệu cho tôi loạt phim hoạt hình của Miyazaki. Tôi có thể nói chuyện với bác về bất cứ vở kịch nào bác biết. Tính cầu toàn có lẽ là khuyết điểm lớn nhất của bác.” Théo cho biết, khi nghe tin bác bị tấn công, anh bị chấn động mạnh cũng như các bạn hồi giáo trong trường. Dominique diễn kịch khi học năm thứ hai ở trường  Faidherbe, bà Marie-Louise kể: “Cùng với một nhóm bạn, con tôi thành lập một đoàn kịch và biểu diễn vở Những người công chính (Les Justes) của Albert Camus tại Arras. Cha tôi đã trang trí sân khấu cho vở kịch này.”

“Cái ác này đến từ đâu?”

Ở Achicourt, cuộc sống đã dừng lại vào ngày thứ sáu 13 tháng 10. Hai mẹ con lấy làm tiếc, họ xin lỗi: “Chúng tôi sống như sống trong một loại bong bóng,” hai người gần như quên phải đến nhà thờ chính tòa tối thứ hai tuần này. Thời gian cầu nguyện cho hòa bình được tổ chức theo lời mời của linh mục Pierre-Marie Leroy, bạn của bà Marie-Louise, và giám mục, Olivier Leborgne. Họ không xem các video liên tục phát đi phát lại trên các trang mạng xã hội, trên các kênh tin tức, họ không nhớ tên kẻ tấn công.

Trong buổi cầu nguyện hòa bình ngày thứ hai 16 tháng 10, giáo dân thắp sáng ngọn nến Phục Sinh.  David Pauwels – La Vie

Cô Emmanuelle giải thích: “Tôi không muốn nghe các tranh luận xung quanh việc không trục xuất gia đình kẻ tấn công. Tôi không thể nghĩ chuyện gì đã làm cho kẻ tấn công hành động như vậy. Ngay cả chúng tôi cũng không muốn tìm hiểu xem nó đã xảy ra như thế nào. Hiện tại, chúng tôi không muốn nói đến.”

Cô và gia đình tránh mọi cảm xúc nổi loạn. Bà Marie-Louise chia sẻ tâm trạng: “Người ta nói, trong những thảm kịch như thế này, có hai người mẹ đau khổ, nhưng tôi không thể nghĩ đến bà, đến con trai bà… Cơn giận có lẽ sẽ đến sau, nhưng bây giờ tôi chỉ nghĩ đến Dominique.”

Nhắc về cái chết của giáo sư Samuel Paty ba năm trước, gia đình có thể hình dung được cảm xúc đã tràn ngập nước Pháp chỉ sau vài ngày. “Tôi nhớ chấn thương mà tôi đã trải qua lúc đó. Tôi nghĩ Dominique đã nói sẽ có những người khác. Bây giờ chúng tôi hiểu, thảm kịch này không phải chỉ xảy ra với người khác. Chúng ta đã trở nên dễ bị tổn thương. Nhưng tôi muốn đây là thảm kịch cuối cùng. Giá như nó có thể tạo ra một cú sốc điện để tất cả chúng ta phải nói, chúng ta cần bao dung, để nước Pháp vẫn là mảnh đất chào đón! Chúng ta hãy học cách chấp nhận nhau, vì ai cũng có điều gì đó để đóng góp. Tất cả chúng ta đều có chung một mảnh đất. Tôi không hiểu tại sao, tôi không hiểu chủ nghĩa cực đoan. Tôi không biết Cái ác này đến từ đâu?”

Điện thoại reng. Cô Emmanuelle đi ra hành lang để trả lời. Bà Marie-Louise nghẹn ngào tâm sự: “Điện thoại không ngừng reo, tất cả những tin nhắn yêu thương này an ủi chúng tôi.” Sau này sẽ rất khó khăn. Hiện tại, chúng tôi bận rộn, rất bận rộn; khi mọi người trở về với cuộc sống của họ, chúng tôi ở lại với nỗi đau của mình.” Bà nghĩ đến những bữa ăn trưa chúa nhật với gia đình con trai, con dâu và ba cháu gái đã trưởng thành, bà đã có những giây phút êm đềm bên cạnh họ.

Một anh hùng dân tộc

Bà biết, trong những ngày qua, mọi người huy động sức lực tâm trí của họ để con bà sẽ là anh hùng dân tộc. Bà nói: “Nhưng Dominique không thích mọi người nói về mình, Dominique là người rất kín đáo, không thích danh dự. Hành động của Dominique đã dũng cảm cứu sống nhiều người không làm bà ngạc nhiên: Dominique rất quảng đại, đó là một phản xạ tự động.”

Tang lễ sẽ cử hành ngày thứ năm 19 tháng 10, tổng thống Emmanuel Macron sẽ đến dự. “Bây giờ cái tên Dominique đã được cả nước Pháp và toàn thế giới biết đến, chúng tôi không thể tin được. Chúng tôi chỉ cảm nhận rõ điều này trong ngày chúa nhật trong buổi tập trung tại quảng trường Anh hùng; phải chia sẻ thời gian tỏ lòng tôn kính này, và con trai tôi hẳn hiểu rõ điều này. Chúng tôi dành thời gian riêng tư nghiêm ngặt trong gia đình để giã biệt Dominique của chúng tôi.”

Thông điệp nào để hiệp thông với những người đau buồn này? Đối với những người trẻ và với thế giới, Dominique sẽ nói: “Đừng nhượng bộ trước sự sợ hãi, chủ nghĩa ngu dân và không khoan dung”. Cô Emmanuelle kết luận: “Đó là thông điệp hy vọng, để anh tôi không chết vô ích.”

Marta An Nguyễn dịch

Vụ tấn công ở Arras, nước Pháp: Dominique Bernard, một giáo sư xuất sắc và được yêu mến

Người dân ra đường tưởng nhớ giáo sư Dominique Bernard trên toàn nước Pháp