Phỏng vấn Đức Bênêđictô XVI: “Không có hai giáo hoàng. Từ chức cách đây 8 năm ư? Tôi nghĩ tôi đã làm đúng”

226

Phỏng vấn Đức Bênêđictô XVI: “Không có hai giáo hoàng. Từ chức cách đây 8 năm ư? Tôi nghĩ tôi đã làm đúng”

“Không có hai giáo hoàng. Việc từ chức cách đây 8 năm ư? Đó là một quyết định đau đớn, nhưng tôi nghĩ tôi đã làm đúng. Lương tâm tôi bình an”, thông điệp của Đức Bênêđictô XVI gởi đến những người hâm mộ ngài, họ nghi ngờ tính hợp pháp của Đức Phanxicô và gởi đến những người hâm mộ Đức Bergoglio, họ sợ cái bóng của Đức Bênêđictô XVI.

corriere.it, 2021-03-01

“Không có hai Giáo hoàng. Giáo hoàng chỉ có một…”. Đức Joseph Ratzinger nói câu này với một giọng yếu ớt, cố gắng đọc rõ từng từ. Ngài ngồi trong chiếc ghế bành bọc da màu sáng, căn phòng có hai chiếc ghế bọc da, một ghế sofa, đó là phòng khách ở tầng một của đan viện Mẹ Giáo hội, nơi ngài về nghỉ hưu tháng 3 năm 2013, cách xa tất cả.

Cặp mắt kiếng của ngài để trên bàn ở đầu bàn đọc sách, bên cạnh là bức tượng nhỏ Đức Mẹ bồng Chúa Giêsu. Giám mục Georg Gaenswein, thư ký riêng của ngài chỉ vào tủ sách chạy dọc theo tường: “Đây là phòng của thần học gia người Đức gốc Ý, Romano Guardini, phòng được gọi như vậy vì ở đây, giữa các tác phẩm khác là toàn bộ tác phẩm của thần học gia Guardini.” Ông Luciano Fontana, tổng biên tập trang Corriere della Sera trao cho Giáo hoàng danh dự tập tài liệu màu đỏ có hai bức tranh biếm họa mà Emilio Giannelli, họa sĩ biếm họa được Đức Bênêđictô XVI đánh giá cao, đã vẽ đặc biệt cho ngài. Ngài nhìn bức đầu tiên một lúc lâu và mỉm cười. Sau đó, ngài nhìn qua bức thứ hai và cười thành tiếng: “Giannelli đúng là hóm hỉnh”, ngài nói bóng gió với giọng đặc biệt người vùng Bavaria.

Cho đến năm 2012, các nữ tu dòng Kín ở trong mười hai căn phòng nhỏ của tòa nhà được xây từ năm 1992 đến năm 1994, trước đó tòa nhà này của Hiến binh và của các người làm vườn cho giáo hoàng. Bây giờ ở đây có Đức Bênêđictô XVI, bốn nữ tu giúp ngài và giám mục Gaenswein. Tòa nhà nằm sau khúc quanh cao nhất và khó đến được nhất của Thành Vatican, đằng sau cánh cổng điện là một sự thinh lặng siêu hiện thực. Gặp được Đức Bênêđictô XVI là rất hiếm, nhất là trong thời gian gần đây. Và điều bất thường hơn nữa là ngài đồng ý đề cập đến một trong những chủ đề đau thương nhất của đời sống Giáo hội công giáo trong những thế kỷ gần đây. Sự làm sáng tỏ của ngài về tính duy nhất của giáo hoàng là điều hiển nhiên đối với ngài, nhưng không hẳn là hiển nhiên với một số người công giáo bảo thủ, có thái độ thù nghịch với Đức Phanxicô là không chấp nhận được. Vì lý do này, ngài nhắc lại: “Giáo hoàng chỉ có một”, ngài gõ nhẹ lòng bàn tay vào tay ghế: như thể ngài muốn truyền sức mạnh lời nói của mình bằng một lời khẳng định dứt khoát.

Điều đáng kể: ngài gởi thông điệp của ngài cho trang Corriere vào đêm 28 tháng 2, cùng ngày tám năm trước khi ngài từ bỏ ngôi giáo hoàng, được ngài công bố ngày 11 tháng 2. Sau một thời gian dài, sự mất phương hướng, sự kinh ngạc, lời ra tiếng vào với hành vi này vẫn còn đọng lại. Và Đức Bênêđictô XVI dường như muốn trừ khử những chuyện này. Chúng tôi hỏi liệu những năm gần đây ngài có thường nghĩ về ngày đó không. Ngài gật đầu. “Đó là một quyết định khó khăn. Nhưng tôi hoàn toàn tỉnh táo, và tôi nghĩ mình đã làm đúng. Một số bạn hơi ‘cuồng tín’ của tôi vẫn còn tức giận, họ không muốn chấp nhận quyết định của tôi. Tôi nghĩ về các thuyết âm mưu theo sau nó: người thì nói đó là lỗi của vụ bê bối Vatileaks, người thì cho đó là âm mưu của nhóm đồng tính vận động hành lang, người thì cho là vì thần học gia bảo thủ Richard Williamson. Họ không muốn tin vào một quyết định có ý thức. Nhưng lương tâm tôi bình an”.

Các câu nói buông ra từng giọt, giọng nói là hơi thở, nó đến và đi. Và Đức ông Gaenswein trong một số đoạn hiếm hoi, lặp lại và “dịch”, trong khi Đức Bênêđictô XVI gật đầu đồng ý. Đầu óc minh mẫn, nhanh nhẹn cũng như ánh mắt, tỉnh táo và sắc nét. Mái tóc trắng hơi dài, dưới mũ chỏm giáo hoàng trắng, cũng như áo choàng trắng. Hai cổ tay mảnh khảnh cho thấy sự mong manh của thể chất. Đức Ratzinger mang một chiếc đồng hồ trên cổ tay trái và tay phải ngài mang một chiếc đồng hồ kỳ lạ trông giống như một chiếc đồng hồ khác, nhưng thật ra đó là chiếc đồng hồ báo thức, sẵn sàng kêu nếu có điều gì xảy ra với ngài. Điều mà chính ngài xác nhận tháng 2 năm 2018, trong một thư gởi cho trang Corriere, “giai đoạn cuối cùng của đời tôi” trôi qua lặng lẽ, trong ẩn dật ở Vườn Vatican với hai bên là cây cối, thác nước và bàn thờ, nơi nhìn xuống thành phố Rôma. Cho đến ngày 2 tháng 2, trong phòng ngài tiếp chúng tôi vẫn còn máng cỏ và cây thông Giáng Sinh giữa thư viện, các biểu tượng treo trên tường với các hình ảnh thiêng liêng khác: căn phòng nhỏ trang nhã và nồng ấm.

Nhịp sống theo thông lệ. Đức Bênêđictô XVI đọc báo hàng ngày do Vatican chọn lọc trước. Ngoài tờ L’Osservatore Romano, Corriere della Sera còn có hai tờ báo Đức. Khi nói chuyện, ngoài Ký ức (Memores), chúng tôi còn thảo luận về chính trị. Và bây giờ ngài muốn tìm hiểu về tân thủ tướng Ý Mario Draghi, ngài nói: “Chúng ta hy vọng ông sẽ có thể giải quyết cuộc khủng hoảng. Đó cũng là một người được kính trọng ở Đức.” Ngài nhắc đến tổng thống Sergio Mattarella, dù ngài công nhận mình ít biết nguyên thủ quốc gia này hơn Giorgio Napolitano, người tiền nhiệm của ông. “Cha khỏe không?” Và câu chuyện hướng về dịch bệnh Covid 19. 

Ngài đã được chích hai liều, cả giám mục Gaenswein và hầu hết người dân của Thành phố Vatican cũng đều đã được chích. Về mặt này, quốc gia nhỏ bé làm nước Ý và phần lớn châu Âu ghen tị vì vắc-xin có chậm. Loại vi-rút này thật đáng sợ, và ngài nói đến kinh nghiệm đau lòng của hồng y chủ tịch Hội đồng Giám mục Mỹ Ý Gualtiero Bassetti đã được lành sau một thời gian dài bị bệnh. “Tôi vừa gặp lại ngài và ngài nói với tôi, ngài khá hơn nhiều. Tôi thấy ngài khỏe.”

Khi hỏi về chuyến đi Irak sắp tới của Đức Phanxicô, nét mặt ngài trở nên lo lắng, nghiêm túc: “Tôi nghĩ đây là chuyến đi rất quan trọng. Nhưng thật không may, nó rơi vào thời điểm quá khó khăn làm cho chuyến đi thành nguy hiểm: vì lý do an ninh và vì Covid. Thêm nữa tình hình Irak bất ổn. Tôi sẽ cùng đồng hành với Đức Phanxicô trong lời cầu nguyện”. Một số hiến binh Vatican và Cận vệ Thụy Sĩ đã có mặt để đảm bảo các biện pháp bảo vệ an ninh cho giáo hoàng. Các nhân viên tình báo Ý cũng đã có mặt từ nhiều tuần, nhưng không rõ họ cộng tác với ai. Không có bình luận nào về điều này từ đan viện của Đức Ratzinger.

Lẽ tự nhiên là nhắc đến Hoa Kỳ, và ngài thấy bây giờ với việc Joe Biden ở Nhà Trắng thay thế Donald Trump, quan hệ với Vatican sẽ được cải thiện.

Về phía Biden, tổng thống công giáo thứ hai sau tổng thống John Fitzgerald Kennedy, về mặt tôn giáo, Đức Ratzinger bày tỏ một số dè dặt. Ngài nói: “Đó là sự thật, ông là người công giáo và ông giữ đạo. Cá nhân ông chống việc phá thai, nhưng với tư cách là tổng thống, ông có xu hướng theo đường lối của Đảng Dân chủ… Và đường lối về giới tính, chúng ta chưa hiểu quan điểm của ông” ngài thì thầm, nói lên sự ngờ vực và thù nghịch của một phần giám mục Hoa Kỳ đối với ông Biden và đảng của ông, được xem là quá tự do.

Đã bốn mươi lăm phút trôi qua, bên ngoài trời bắt đầu tối: xa xa, dù thật ra thì chưa đầy một cây số, chúng tôi có thể thấy ánh đèn của Rôma. Để kỷ niệm buổi phỏng vấn, Đức Bênêđictô XVI tặng một mề-đai lưu niệm và một tờ kẹp giấy với hình ngài ban phép lành của: cả hai quả kỷ niệm có từ khi ngài còn là giáo hoàng. Và thêm một lần nữa nghịch lý lại xuất hiện, không chỉ của riêng ngài mà còn của một Giáo hội vô tình chìm đắm trong sự đan xen chặt chẽ của hai bản sắc Giáo hoàng. Đức Ratzinger chào, ngài vẫn ngồi, với nụ cười mỉm và cám ơn bằng cách đưa tay chỉ vào hai bức tranh hoạt hình của họa sĩ Giannelli để trên bàn. Trong một tranh là hình Đức Bênêđictô XVI ở Quảng trường Thánh Phêrô đông đúc một cách tượng trưng: một lời nhắc không chỉ hoài niệm về một thời giáo hoàng, nhưng còn là một thế giới trước thời Covid. Và đó là hình ảnh tương phản với hình ảnh mạnh mẽ, ấn tượng của Đức Phanxicô ngày 27 tháng 3 năm 2020 đã cầu nguyện cũng ở Quảng trường Thánh Phêrô hoang vắng vì coronavirus. Trong một bức hoạt hình khác bằng màu, giáo hoàng danh dự trao chìa khóa Giáo hội cho một Phanxicô nhíu mày và nói: “Xin làm ơn nhận…”

Cũng như mọi lần, mỗi khi nói đến Vatican là nói đến hiện thực và biểu tượng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Và những bí ẩn của giáo hoàng danh dự người Đức và giáo hoàng Argentina dường như được tạo ra trong mục đích nuôi dưỡng huyền thoại về quyền lực giáo hội và những bí ẩn của nó.

Khi rời đan viện, một xe của Cận vệ Thụy Sĩ mặc thường phục, đội mũ kết đi kèm, khi nghĩ Đức Ratzinger khẳng định “giáo hoàng chỉ có một” là ngài muốn nói đến những “kẻ cuồng tín” không chịu chấp nhận. Và ngài nói với với những người yêu mến Đức Phanxicô để trấn an họ, họ sợ cái bóng tri thức của nhà thần học lớn tuổi và yếu vì tuổi tác này. Nhưng có lẽ, sau tám năm, với tiếng nói nội tâm của mình, trong vô thức, giáo hoàng danh dự nói điều này với cả chính mình.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch