Gặp linh mục người Anh Benedict Kiely có trái tim cho người Irak

156

Gặp linh mục người Anh Benedict Kiely có trái tim cho người Irak

Khi Đức Phanxicô bắt đầu chuyến tông du Irak tuần này, linh mục Kiely hỏi: “Chúng ta có tin, chúng ta là nhiệm thể Chúa Kitô bị bách hại ngày nay hay không?”

ncregister.com, K.V. Turley, 2021-03-01

Linh mục Benedict Kiely tại ngôi mộ của tiên tri Giôna ở Mosul (Ninivê), Irak tháng 7 năm 2019. Cha cầm tượng tiên tri Giôna. Cha Kiely thường xuyên đến Irak để giúp đỡ các tín hữu kitô ở đây (ảnh của Nasarean.org)

“Tháng 8 năm 2014 khi tôi là linh mục quản xứ ở Stowe, Vermont, Nhà nước Hồi giáo Tự xưng đã quét sạch vùng đồng bằng Ninivê; vì thế lần đầu tiên trong 2000 năm sẽ không có thánh lễ tại Mosul. Tôi tự hỏi: Tôi có thể làm gì đây? Từ đó một ý tưởng đã nảy sinh và hội từ thiện Nasarean.org ra đời.

Ngay từ đầu, Cha Benedict Kiely hiểu sáng kiến từ thiện phải nhanh chóng và tập trung. Không phải là trụ sở quốc tế có nhiều nhân viên phải trả lương. Nhưng thay vào đó là ba mục đích: cầu nguyện cho tín hữu bị bách hại, thể hiện tình liên đới với đau khổ của họ, họp nhau và làm việc bác ái. Chẳng bao lâu, tiền đã được quyên góp.

Ban đầu, hội bán vòng nhựa, huy hiệu cài áo và các mặt hàng khác – tất cả đều có in biểu tượng của tình đoàn kết với tín hữu kitô bị đàn áp ở Irak.

Một chiếc vòng nhựa với biểu tượng tình đoàn kết với tín hữu kitô bị đàn áp ở Irak đã quyên được tiền cho những người đang đau khổ.

Linh mục Kiely rất ngạc nhiên trước số tiền quyên được nhờ ý tưởng đơn sơ này. Nó làm cho cha nhận thức ý muốn sâu đậm của tín hữu kitô phương Tây muốn giúp đỡ anh chị em mình đang bị bắt bớ. Điều này đã làm cha suy nghĩ.

Chuyến đi Irak tháng 5 năm 2015 làm cha suy nghĩ hơn. Tại đây cha gặp những người Irak quá đau khổ, cha tận mắt nhìn cảnh ngộ của họ. Chính trong chuyến đi đó, cha cảm thấy “một tiếng gọi trong tiếng gọi”, một tiếng gọi đang hình thành, đến mức vào cuối năm 2015, cha xin gặp giám mục Christopher Coyne, lúc đó là giám mục giáo phận Burlington.

Cha giải thích với trang Register: “Càng ngày tôi càng cảm nhận tiếng gọi đến với người bị bức hại, càng muốn cống hiến chức linh mục của tôi cho những người bị bức hại.” Tổng cộng, cha gặp giám mục ba lần, cả hai đều thấy ước muốn này là lời kêu gọi được Chúa soi sáng.

Năm 2016, cha Kiely xin rời chức vụ của mình ở  Vermont với ý định cống hiến hết mình cho công việc tông đồ mới.

Sinh năm 1963 ở London vào năm 1963, cha Benedict Kiely lớn lên ở thành phố Kent. Năm 18 tuổi, cha vào chủng viện nhưng sau bốn năm thì ra. Thời gian sau đó, cha làm nhiều việc khác nhau: lái xe buýt hai tầng, làm việc trong lãnh vực quan hệ quần chúng, bốc xếp sách tại cửa hàng sách lớn nhất ở London. Năm 1989, cha vào lại chủng viện, năm 1994, cha được thụ phong linh mục. Sau đó, cha làm mục vụ tại Vermont, trước khi rời Giáo phận Burlington năm 2016. Bây giờ cha nhập giáo phận ở Walsingham và dành tất cả thì giờ cho hội Nasarean.org được thành lập tháng 5 năm 2016.

Tổ chức từ thiện có trụ sở tại Hoa Kỳ gây quỹ và trao một số tiền nhỏ – từ $ 7 đến $ 8.000 – trên cơ sở cá nhân để giúp các tín hữu kitô Irak bắt đầu kinh doanh riêng cho gia đình của họ. Số tiền sẽ được phân phối cho các gia đình thông qua mạng lưới các linh mục trên khắp Irak.

Các trợ giúp từ khi bắt đầu cho đến nay nằm trong các lãnh vực: chạy taxi, tiệm bánh, buôn bán nhỏ đồ đạc trong nhà, cửa hàng áo quần, đồ dùng cho phụ nữ, nuôi gà.

Ngày 15 tháng 2 năm 2021, cửa hàng cà phê đầu tiên ở Bartella, Irak do ông bà Robel Kheder và Karam Youseph làm chủ được khai trương nhờ sự giúp đỡ của hội Nasarean.org. Cha Kiely giải thích: “Chúng tôi giúp từng gia đình một: giúp các tín hữu kitô từng bị IS đánh đuổi ra khỏi làng của họ, chúng tôi giúp họ không những để sống mà còn để phát triển”.

Quán cà phê duy nhất ở Bartella, Irak, do ông bà Robel Kheder và Karam Youseph điều hành. Nasarean.org giúp cho doanh nghiệp gia đình này được phát triển.

Và không chỉ ở Irak mà tổ chức này đang tạo ra sự khác biệt.

Ở Syria – cụ thể là ở Damascus – một số gia đình đã bắt đầu mở cửa hàng thực phẩm và rau quả. Cha Kiely cho biết thêm: “Chúng tôi cũng vừa mới bắt đầu giúp đỡ một số doanh nghiệp nhỏ ở Beirut, Lebanon, giúp họ mở phòng tập thể dục và một tiệm bánh.

Cha tiếp tục: “Nhỏ nhưng đẹp, trao một số tiền nhỏ cho mỗi gia đình để họ khởi nghiệp trên mảnh đất của họ, phụ một tay chứ không phải một món quà, để họ không thành người tị nạn, không phụ thuộc vào viện trợ. Vì vậy, chúng tôi không giao tiền để họ không làm gì. Chúng tôi cho họ một lần duy nhất. Sau đó họ tự điều hành công việc kinh doanh của riêng mình, qua đó, họ  nuôi sống được gia đình”.

Sự hưởng ứng ở Iraq rất nhiệt tình.

Cha giải thích: “chúng tôi mang lại cho họ phẩm giá để họ bắt đầu kinh doanh riêng. Về mặt văn hóa, họ phản ứng tốt với việc này. Vì ai cũng muốn lo cho đời sống của mình và từ đó xây dựng tương lai cho con cái.” Bên cạnh sự giúp đỡ thiết thực này, linh mục Kiely còn dấn thân vào một việc khác mà cha thấy cũng quan trọng không kém, đó là nâng cao nhận thức toàn cầu về việc các tín hữu kitô bị đàn áp. Đặc biệt, qua Hội của cha, cha muốn các tín hữu kitô phương Tây thấy những gì đang xảy ra với tín hữu kitô ở Irak.

Khi Đức Phanxicô sắp đến thăm Irak, tình trạng hiện tại của tín hữu kitô như thế nào?

Cha Kiely trả lời: “Bấp bênh. Hôm trước tôi nói chuyện với một linh mục người Irak, các tín hữu kitô vẫn chưa về lại quê hương của họ. Trước cuộc xâm lược năm 2003, có hơn một triệu tín hữu, bây giờ chỉ còn dưới 200.000.” Linh mục nhấn mạnh, lý do chính của việc này là an ninh và công ăn việc làm. Cha giải thích: “Lần cuối khi tôi đến đây là năm 2019, tôi nói chuyện với các bạn trẻ, tất cả đều muốn ra đi. Úc là đất nước họ thích đến.”

Về mặt lịch sử, đồng bằng Ninivê là “lâu đài của tín hữu kitô”, thành trì của đức tin trong vùng. Nhưng với sự ra đời của nhóm Nhà nước Hồi giáo Tự xưng thì thực tế có từ bao nhiêu thế kỷ nay đã thay đổi.

Hiện nay cha Kiely thấy có một mối đe dọa về lâu về dài với tín hữu ở vùng đồng bằng Ninivê do dân quân chiite được Iran hậu thuẫn, họ “muốn  đuổi tín hữu kitô ra khỏi khu vực bằng cách thanh lọc sắc tộc”.

Cha thấy họ bị cuốn vào “làn sóng đấu tranh nội bộ giữa các nhóm hồi giáo khác nhau ở Irak và họ cảm thấy bất lực để làm bất cứ điều gì về chuyện này. Thêm nữa, tín hữu kitô ở Irak thất vọng, nghĩ rằng thế giới đã làm ngơ trước cảnh họ bị đàn áp”.

Tuy nhiên, như cha Kiely nhắc thế giới qua công việc của mình, vùng này “là cái nôi của kitô giáo” và sự hiện diện của kitô giáo ở Irak đã có từ 2000 năm nay.

Vì thế cha nỗ lực không ngừng để nhắc nhở mọi người về thực tế này. Năm 2021, một điều trớ trêu là các tín hữu ở phương Tây thường hỏi cha Kiely: “Khi nào chúng ta mang đức tin đến Trung Đông! Câu trả lời của tôi là: Họ đã mang đức tin đến cho chúng ta! Khi đó họ nói với tôi, họ không biết gì về chuyện này”.

Cha Kiely tiếp tục: “Mọi người nghĩ Nhà nước Hồi giáo Tự xưng không còn xuất hiện trên bản tin thời sự nữa, vậy mọi thứ đều ổn. “Lãnh đạo califat bây giờ có thể bị đánh bại, nhưng Nhà nước Hồi giáo Tự xưng (ISIS) vẫn chưa bị đánh bại. Nó chỉ là một tên gọi khác của chủ nghĩa cực đoan hồi giáo và nó chỉ tiếp tục gia tăng. Đồng thời, cùng với chuyện này, tín hữu kitô vẫn là nhóm bị đàn áp nhiều nhất trên thế giới.” Cha tiếp tục nhấn mạnh, nếu tín hữu kitô ở Irak là một loài động vật, thì loài này có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất có thể.

Đại dịch Covid có ảnh hưởng nhiều đến các tín hữu kitô ở Irak không?

Cha Kiely trả lời: “Thật bi thảm! Ngay từ đầu là ngưng du lịch; vì thế các tổ chức phi chính phủ và những tổ chức khác không thể đến Irak. Tôi cũng không thể đến thăm Irak hơn một năm nay. Chắc chắn Irak bị ảnh hưởng nặng nề vì Covid. Tạ ơn Chúa, mọi người tiếp tục giúp đỡ qua Nasarean.org.” Bây giờ các nhà thờ bị đóng cửa, trước đây họ bị Nhà nước Hồi giáo Tự xưng bắt buộc đóng cửa. Bây giờ, trên lý thuyết, họ có thể tự do mở cửa, nhưng họ đã phải đóng lại. Cha Kiely cảm thấy đây là “đòn tâm lý kép đối với họ!”

Vì thế ngay bắt đầu cách ly, cha quyết định nhà nguyện riêng của mình phải là “nhà nguyện của những người bị bức hại”.

Dù có các hạn chế hiện tại, tổ chức của cha Kiely vẫn tiếp tục hoạt động, đặc biệt vận động thông qua các phương tiện truyền thông để giúp những người bị bức hại. Cha Kiely cho biết: “Tôi đã không ngừng công việc truyền thông của mình, ngay cả khi tôi không thể nói chuyện trực tiếp với khán giả. Ngoài việc thâu âm lại thông điệp hàng tuần cho người bị bức hại, tôi còn phải mở rộng và điều chỉnh các buổi phát, tìm nơi phát podcast về những người bị bức hại trên khắp thế giới. Công việc của tôi là dùng mọi khả năng của phương tiện truyền thông để giúp tín hữu kitô hiểu những gì đang xảy ra ở Irak và trên toàn cầu. Chỉ cần nhìn vào những gì đang xảy ra ở Nigeria, trong một năm các tín hữu ở đây bị giết nhiều hơn ở Irak trong giai đoạn ISIS hoành hành từ năm 2014 đến năm 2017. Nhưng không ai biết, hoặc có thể không ai nói đến.”

Cha Kiely tiếp tục: “Nếu bạn đang chờ tin về các tín hữu kitô bị đàn áp qua các phương tiện truyền thông chính thống, thì bạn sẽ phải chờ một thời gian dài. Có lẽ các phương tiện truyền thông chính thống không tin hoặc không muốn tin có cuộc đàn áp các tín hữu kitô.”

Trên khắp thế giới phương Tây, khi nhà nước ngày càng xâm phạm vào đời sống người dân, có bài học nào cần rút ra từ kinh nghiệm tín hữu kitô khi họ sống sót sau cuộc đàn áp ở Trung Đông không?

“Giáo chủ của Giáo hội Chính thống Syria đã nói, Giáo hội là Giáo hội thánh thiện, công giáo, tông truyền và bị đàn áp! Điều này không có gì ngạc nhiên đối với tôi, vì Chúa Kitô đã hứa bị bắt bớ cho những người theo Ngài. Chúng ta đã may mắn ở phương Tây để không bị đau khổ trong một thời gian dài. Nhưng tại sao chúng ta nghĩ điều này sẽ tiếp tục mãi mãi? Có lẽ kitô giáo của chúng ta chưa đủ xác thực để bị bắt sao? Bất kỳ cuộc đàn áp nhẹ nào ở phương Tây sẽ không làm cho chúng ta ngạc nhiên nếu đức tin của chúng ta là đích thực.”

Nhưng bây giờ mối quan tâm chính của Cha Kiely vẫn là tình trạng của tín hữu kitô ở Trung Đông. Mối quan tâm này thúc đẩy cha liên tục làm việc để nâng cao nhận thức về những gì đang xảy ra ở đó. “Đó là một điều thực tế: Cuộc đàn áp kitô hữu đang xảy ra nhiều hơn bất kỳ thời nào kể từ thế kỷ thứ ba. Vì thế, chúng ta là kitô hữu ở phương Tây phải tự hỏi: Chúng ta có tin chúng ta là nhiệm thể của Đấng Kitô đang bị bức hại ngày nay không?”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Safa Al Alqoshy, thanh niên tuyến đầu chống Covid tại Irak chuẩn bị đón Đức Phanxicô