Ấu dâm, một “vấn đề hệ thống” trong Giáo hội
lemonde.fr, Cecile Chambraud, 2020-12-04
Trong một bài viết trên tạp chí “Nghiên cứu” (Étude), linh mục Dòng Tên Pierre de Charentenay phân tích con đường Giáo hội đã thực hiện trong mười năm qua để đối diện với vấn đề bạo lực tình dục trong Giáo hội.
Tháng 9 năm 2010, linh mục Dòng Tên Pierre de Charentenay đã đăng một bài báo trên tạp chí Nghiên cứu về sự chấn động trong Giáo hội công giáo qua các tiết lộ hàng loạt về các trường hợp ấu dâm. Tác giả công nhận, “trong nhiều thập kỷ”, sự minh bạch “không phải là tiêu chuẩn hành động của Giáo hội, mà ngược lại, Giáo hội muốn che giấu những hành vi này”. Trong sự im lặng này, linh mục lên án các thiếu sót trong việc điều hành tổ chức.
Mười năm sau, trong số tháng 11 năm 2020, cũng trên tạp chí Nghiên cứu, linh mục tiếp tục đưa ra vấn đề bạo lực tình dục. Hiện nay linh mục Pierre de Charentenay là người đứng đầu trung tâm nghiên cứu và học tập của Viện Công giáo Địa Trung Hải. Bài báo của linh mục minh chứng cho những tiến bộ đạt được trong thập kỷ này, trong nhận thức của tổ chức về bản chất cuộc khủng hoảng, nguyên nhân và các can hệ của nó.
Trong số những vụ bê bối vang dội nhất trong những năm gần đây, ở Chi-Lê và ở Ba Lan, tác giả đặt vai trò trọng yếu trên lời nói của nạn nhân. Ngài viết: “Nếu không có các nạn nhân, nếu không có sự kiên quyết của họ (…), sẽ không có gì xảy ra, vì Giáo hội địa phương chỉ phản ứng dưới áp lực.” Tại Pháp, phải đến tháng 11 năm 2018, các giám mục mới đón nhận các nạn nhân của bạo lực tình dục trong cuộc họp khoáng đại của hội đồng giám mục.
Áp lực từ các nạn nhân, và thường từ các cơ quan công quyền, dẫn đến việc thành lập các ủy ban điều tra. Linh mục ghi nhận, với Ủy ban độc lập về lạm dụng trong Giáo hội, “nước Pháp đang khởi động một tiến trình đã được hoàn thành ở nhiều quốc gia, đôi khi đã từ mười đến mười lăm năm.” Còn với đỉnh kim tự tháp, nhận thức chậm chạp của họ đã dẫn đến “hội nghị thượng đỉnh” của các chủ tịch hội đồng giám mục do Đức Phanxicô tổ chức tại Rôma vào tháng 2 năm 2019.
Chiếc giường của sự lạm dụng
Đóng góp quan trọng nhất trong phân tích của linh mục Pierre de Charentenay là phản ánh của cha về các yếu tố đã để cho các bạo lực tình dục này xảy ra. Những sự kiện này là hậu quả của một “vấn đề mang tính hệ thống: những lạm dụng này không phải là sáng kiến của một vài linh hồn cô lập trong sự đồi bại của họ, mà là kết quả của những điều kiện cụ thể có thể thay đổi”.
Trong bối cảnh công giáo, nhiều “lô-gích” đã là chiếc giường của những lạm dụng. Thứ nhất là chủ nghĩa giáo quyền, một chủ nghĩa thường bị Đức Phanxicô lên án, là “hiện tượng theo đó những người ở vị trí quyền lực áp đặt quan điểm của họ lên các cộng đồng do họ tạo ra hoặc họ lãnh đạo.” Sau đó là sự phát triển, từ những năm 1970, những người theo thuyết “trực tri” tạo điều kiện cho sự xuất hiện các “gu-ru”, những người áp đặt quyền của họ lên các tín hữu.
Những khuynh hướng này làm thuận lợi cho các khống chế, theo đó người đi lạm dụng “đòi hỏi sự phục tùng tuyệt đối, mù quáng, đòi hỏi sự đầu hàng của tự do lương tâm, như một dâng hiến tối cao, yêu cầu từ bỏ và hoàn toàn khiêm tốn.” Đó là những lô-gích mà bây giờ chúng ta cần phải làm rõ để có thể chống lại chúng.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch