Sơ Cécile Renouard: “Kinh tế Phanxicô, khí thế của ngày mai”
cath.ch, I. Media, 2020-11-21
Từ ngày 19 đến 21 tháng 11-2020, hơn 2.000 bạn trẻ khắp nơi trên thế giới tham dự sự kiện “Kinh tế Phanxicô” do Đức Phanxicô phát động nhằm đổi mới nền kinh tế dưới ánh sáng của Thánh Phanxicô Assisi. Sơ Cécile Renouard, nữ tu dòng Đức Mẹ Lên Trời và là giáo sư tại Trung tâm Sèvres, giải thích vì sao một sự kiện như vậy lại khuyến khích các thay đổi cho ngày mai.
Sơ Cécile Renouard dạy đạo đức xã hội và triết học đạo đức và chính trị tại Trung tâm Sèvres từ năm 2006. Sơ cũng hướng dẫn chương trình nghiên cứu CODEV (Doanh nghiệp và Phát triển) tại ESSEC Iréné (một viện nghiên cứu và giảng dạy về đàm phán). Sơ nghiên cứu các đóng góp khác nhau của các công ty vào việc phát triển và các điều kiện để chuyển đổi các mô hình kinh tế, thông qua thuế cũng như thông qua cam kết xã hội, nhằm mục đích đem đến công bằng cho người dân.
Được đào tạo ban đầu về kinh tế và thương mại, nhưng các nghiên cứu về thần học và triết học đã dẫn sơ đến việc viết luận án triết học chính trị về đạo đức và trách nhiệm chính trị của các công ty đa quốc gia ở các nước miền Nam. Sơ tham gia với tư cách là chuyên gia ở nhiều bàn tròn của sự kiện, được truyền hình trực tiếp từ Assisi, có tên “Kinh nghiệm cộng đồng trong quá trình chuyển đổi xã hội và sinh thái.”
Đâu là cái nhìn của sơ về sự kiện toàn cầu “Kinh tế Phanxicô” này?
Sơ Cécile Renouard: Đây là phần kéo dài rất hay của Thông điệp Chúc Tụng Chúa Laudato si’ và lời kêu gọi của Đức Phanxicô nhằm điều chỉnh các mô hình kinh tế và lối sống của chúng ta khi phải đối diện với các thách thức lớn của quá trình chuyển đổi sinh thái và xã hội. Tôi thấy sự kiện này rất mạnh, Đức Phanxicô đặc biệt nói với các bạn trẻ để đi tới việc chuyển tiếp một cách cụ thể. Tôi tham dự vào một bàn tròn thảo luận với các chuyên gia nghiên cứu trẻ, các doanh nhân hoặc giáo viên trẻ từ khắp nơi trên thế giới và một lần nữa tôi cảm động trước sức mạnh nhiệt huyết và năng lực sáng tạo chủ động của họ.
“Kinh tế Phanxicô” đã mang một khí thế rất quan trọng cho tất cả các sáng kiến đang nảy mầm trên khắp thế giới”.
Sự kiện hành tinh này giúp chúng ta chia sẻ các kinh nghiệm và chứng từ rất hữu ích. Trong một thế giới mà các khó khăn và các lực ì ạch ngày càng tích tụ, khi chúng ta có khuynh hướng suy nghĩ ngắn hạn mà không thực sự đo lường đúng mức thách thức sinh thái, “Kinh tế Phanxicô” đã mang lại một sức thổi rất quan trọng cho tất cả mọi người, các sáng kiến đang nảy sinh trên khắp thế giới.
Mỗi thế hệ trẻ được làm nóng lên bằng ý chí muốn thay đổi thế giới. Ngày nay Giáo hội có cung cấp cho họ các công cụ để đạt được điều này không?
Có, tôi tin như vậy. Nhiều người trẻ ngày nay mong lối sống và đời sống nghề nghiệp của họ phù hợp với niềm tin cá nhân và tập thể của họ. Tuy nhiên, ở cấp độ quốc tế, có một khoảng cách thường xuyên giữa mức độ tham vọng của các cơ quan công quyền và việc thực hiện một cách hiệu quả quá trình chuyển đổi.
Giáo hội xem trọng tiếng nói của các bạn trẻ, những người nói họ sẵn sàng xem xét lại tình trạng tiện nghi an toàn của họ. Cũng có các bạn trẻ như vậy! Tôi đặc biệt giới thiệu đến bạn Tuyên ngôn về sự thức tỉnh sinh thái (được hơn 30.000 sinh viên ký và do các sinh viên Trường Cao đẳng Thương Mại, HEC ở Paris, AgroParisTech, CentraleSupélec, Trường Bách khoa và Trường Cao đẳng Hành chánh thực hiện.
Các bạn trẻ này ý thức được thực tế của quá trình chuyển đổi liên quan đến việc sống khác biệt. Với các thế hệ lớn tuổi, đã quen với một thoải mái nhất định, có thể họ khó tiếp nhận hơn.
Chúng ta có đang chứng kiến một cuộc cách mạng cho hệ sinh thái toàn vẹn không?
Cách mạng ư? Thuật ngữ này có lẽ không phù hợp. Không phải tất cả thanh niên, dù có đạo hay không có đạo đều tham gia vào phong trào này. Với nhiều bạn trẻ tốt nghiệp các trường lớn, thật khó để không bị cuốn theo hệ thống. Tuy nhiên, con số không nhất thiết quan trọng. Nhà tâm lý xã hội (1925-2014) Serge Moscovici đã chứng minh các thay đổi được phát sinh từ các “nhóm thiểu số tích cực”. Khi một vài tác nhân rất dấn thân bảo vệ cho một chính nghĩa, họ sẽ phối hợp với nhau để mang lại thay đổi. “Kinh tế Phanxicô” là một trong các sự kiện giúp họ gặp gỡ và phối hợp. Cụ thể làm sinh động lý tưởng được chia sẻ của một số các bạn trẻ được vận động mạnh mẽ trên khắp thế giới.
Chắc chắn, phong trào này đang có hiệu quả, nhưng chúng ta không nên xem thường các trở ngại đáng kể mà các người thiểu số tích cực này gặp phải. Rất khó để thoát ra mô hình đẩy đến cực điểm phải có hiệu quả và hiệu suất ngắn hạn.
Làm thế nào để vượt lên khó khăn này?
Trong Cẩm nang Sự chuyển đổi Vĩ đại, chúng tôi cung cấp các công cụ để suy ngẫm và phân định nhằm tìm ra giải pháp. Tôi tin có một nhu cầu cấp thiết là phải nhìn thực tế của chúng ta theo cách khác, bắt đầu bằng cách đặt câu hỏi từ góc độ không quen thuộc với chúng ta. Các chỉ số và công cụ đánh giá hiệu quả hoạt động của chúng ta phải thay đổi để tạo ra hiệu quả cho việc chuyển đổi mô hình kinh tế. Không thể tiếp tục đánh giá các dự án với các chỉ số ngày nay vì chúng mâu thuẫn với sự chuyển đổi mong muốn.
“Cùng với các tác nhân khác, Giáo hội phải có khả năng giúp đỡ trong quá trình chuyển đổi thiêng liêng giúp chúng ta thực hiện rằng chúng ta có thể “sống hơn” bằng cách “sống ít hơn”.
Nhìn chung, công việc chuyển đổi này phải được thực hiện qua nhiều thang bậc, trong đời sống hàng ngày của người dân, nhưng còn theo một cách hệ thống và cấu trúc hơn, ở cấp độ các chính sách chung với sự thay đổi luật hành động. Và sau đó sự thay đổi bên trong cũng phải diễn ra. Điều đặc biệt là ở cấp độ này, Giáo hội có một vai trò quyết định. Cùng với các tác nhân khác, Giáo hội phải có thể giúp đỡ trong quá trình chuyển đổi thiêng liêng giúp chúng ta nhận ra, chúng ta có thể “sống nhiều hơn” bằng cách sống ít hơn. Trong vai trò này, Giáo hội đã thể hiện trọn vẹn trong Thông điệp Chúc Tụng Chúa hay trong “Kinh tế Phanxicô.”
Trong bàn tròn sơ tham dự, sơ đề nghị chúng ta nên nhìn thực tế bằng “đôi mắt kiếng” của những người có hoàn cảnh bấp bênh dễ bị tổn thương nhất. Có phải đó là định nghĩa nền kinh tế Phanxicô không?
Chắc chắn rồi. Và khi chúng ta nói về những người dễ bị tổn thương nhất, rõ ràng chúng ta nghĩ đến những người bị thiệt thòi nhất trong quan điểm tiền tệ, nhưng không phải chỉ có vậy. Đây là vấn đề quan tâm một cách tổng quát hơn đến phẩm giá con người, những người mà trên thực tế họ không thể nói lên tiếng nói của họ. Đây là một trong những đóng góp to lớn của Thông điệp Laudato si ’: công nhận sự cần thiết về phẩm giá của những người sống xung quanh chúng ta. Đây không phải là vấn đề đặt ít giá trị về con người nhưng nhấn mạnh chúng ta là anh chị em của thiên nhiên và chúng ta có trách nhiệm bảo vệ phẩm giá của nó.
Đó là những gì sơ đang cố gắng trải nghiệm trong Campus chuyển đổi được thành lập vào năm 2017 tại Seine-et-Marne…
Đúng vậy, trực giác ban đầu là đào tạo những người trẻ theo cách hơi khác với những gì hiện đang được thực hành trong các cấu trúc lớn như các Trường Đại học và Trường Cao đẳng. Đây là “hệ sinh thái-nơi chốn” bám neo trong một lãnh thổ và phục vụ cho một dự án đào tạo, nghiên cứu và thử nghiệm của quá trình chuyển đổi. Có khoảng ba mươi bạn trẻ sống tại chỗ. Những người hình thành hạt nhân cứng cho dự án này cam kết làm việc ít nhất trong một năm, các người khác thì sáu tháng và những người khác nữa thì vài tuần. Các buổi đào tạo dài, ngắn khác nhau cung cấp cho sinh viên, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và những người có trách nhiệm ra quyết định công cộng các dụng cụ, các phương pháp để suy nghĩ và thực hiện quá trình chuyển đổi sinh thái và xã hội.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Các nhà kinh tế học này thì thầm vào tai Đức Phanxicô